TRAO ĐỔI VỀ CÁC TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI-2017
MAI NAM THẮNG
– Sáng ngày 10-1-2018 tại 19 Hàng Buồm-Hà Nội, BCH Hội Nhà văn Hà Nội
đã tổ chức buổi trao đổi về các tác phẩm đoạt Giải thưởng HNV Hà Nội năm
2017. Đây là hoạt động chuyên môn trong khuôn khổ sinh hoạt chuyên đề
hằng tháng của HNV Hà Nội được duy trì thường xuyên, đều đặn từ nhiều
năm nay.
Như vanvn.net đã đưa tin: Vừa
qua, Hội đồng Chung khảo Giải thưởng HNV Hà Nội năm 2017 đã quyết định
trao ba giải thưởng chính thuộc các thể loại văn xuôi, phê bình, dịch
thuật cho: Tiểu thuyết 6 ngày của tác giả Tô Hải Vân; cuốn phê bình, đối thoại văn học Trang sách mạch đời của nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải và tiểu thuyết Búp bê
của nhà văn Ba Lan Boleslaw Prus do Nguyễn Chí Thuật dịch. Ngoài ra,
Hội đồng chung khảo còn trao giải thưởng tiểu thuyết đầu tay xuất sắc
cho tác phẩm Hồi ức lính của tác giả Vũ Công Chiến.
Nhà thơ, nhà PBVH Phạm Khải phát biểu về tác phẩm "Trang sách, mạch đời"
Mở đầu buổi sinh hoạt, tác giả Vũ Công Chiến đã phát biểu về quá trình hình thành ý tưởng và thực hiện tác phẩm của mình. Hồi ức lính
ra mắt ngày 30/4/2016. Tác phẩm dài hơn 700 trang, hoàn toàn viết bằng
ký ức và trải nghiệm trong sáu năm ở chiến trường của Vũ Công Chiến. Tác
giả nhập ngũ tháng 9/1971, là bộ đội Trường Sơn chiến đấu tại chiến
trường Nam Lào và Mặt trận B3 Tây Nguyên, Đắk Lắk. Sách kể lại cuộc đời
lính theo thời gian tuyến tính, từ khi quyết định rời nhà trường đến
những ngày hành quân ở Trường Sơn, từ trận chiến đầu tiên ở chiến trường
Nam Lào tới nhiều trận đánh ác liệt khác, những lần bổ sung quân,
chuyển hậu cứ mới... Theo nhận xét của nhà thơ Trần Quang Quý, Phó chủ
tịch HNV Hà Nội, tác giả Vũ Công Chiến đã mô tả khá chi tiết, chân thực
những tháng ngày làm lính đầu tiên với những háo hức, những trò tinh
nghịch, những bản làng, thôn xóm, một cô gái để mình “thầm yêu trộm
nhớ”, những cán bộ khung… Đặc biệt, Vũ Công Chiến đã chọn lọc rất kỹ
"hồi ức” của mình những ngày chiến đấu ở Nam Lào. Không lên gân, không
“bôi đen”, những cái tốt cái dở đều phô ra. “Bộ đội Cụ Hồ” chiến đấu vì
lý tưởng cao đẹp, là đúng rồi. Nhưng ở trong nhiều trường hợp cụ thể, ở
từng con người cụ thể, thì người lính phải rèn luyện kỹ năng để tồn tại,
chiến đấu nhiều khi theo bản năng sinh tồn, không có thời giờ đâu để
nghĩ về những chuyện viển vông, một mớ lý thuyết giáo điều, mà sau này,
người ta gán cho họ trong những báo cáo thành tích ở những đại hội mừng
công.
Trao đổi về cuốn Trang sách, mạch đời
của mình, nhà thơ-nhà phê bình Phạm Khải cho biết anh chủ tâm làm mới
thể loại phê bình văn học bằng hình thức “lạc khoản” ở một số bài viết
những cuộc đối thoại văn chương xung quanh tác phẩm được phê bình. Theo
Phạm Khải, đối thoại cũng là phê bình. Bàn về cuốn sách này, PGS, TS Vũ
Nho cho rằng: Đây là tập sách có phụ đề “phê bình đối thoại văn học”,
nghĩa là ít nhất so với các tập sách của đồng nghiệp chuyên về “phê
bình” thì Phạm Khải đã có thêm phần “đối thoại” là một phần khác biệt.
Trong tinh thần tôn trọng bạn đọc và bạn văn hiện nay, “đối thoại” giúp
cho nhìn đối tượng phê bình từ nhiều chiều, nhiều góc độ, làm cho việc
tiếp nhận văn chương giảm tính chất áp đặt một chiều và tăng thêm tính
dân chủ, khách quan. Không ngẫu nhiên mà Phạm Khải chọn tên cho tập sách
là “Trang sách mạch đời”. Ngoài ý tưởng về sự gắn bó hữu cơ, khăng
khít gữa sách vở với đời sống, hẳn còn có những điều khác nữa. Ít nhất
là khi phê bình, thẩm định, người viết không chỉ thuần căn cứ vào sách
(dù điều này là quan trọng nhất!) mà còn căn cứ vào những điều ngoài
sách. Ấy là căn cứ vào đời sống.
Do điều kiện sức khỏe, nhà văn Tô Hải
Vân không trực tiếp đến dự cuộc trao đổi và đã có thư gửi Ban tổ chức
cuộc trao đổi, trình bày một số vấn đề về tác phẩm của mình. Tiểu thuyết
6 ngày kể về một kỹ sư chuyên ngành điều khiển học, yêu thích
tính độc lập và sự tự do. Chuyên môn giỏi, yêu thích công việc sáng tạo,
cái gì anh cũng giải thích được, nhưng lại không thể giải thích được
những chuyện và những người xung quanh mình. Bị vợ bỏ, anh phải đi mua
nhà mới với số tiền ít ỏi. Vì ít tiền, cũng vì nhân duyên nào đó từ xa
xưa, anh mua được một ngôi nhà nghe đồn có ma. Đó cũng là khởi đầu của
mọi rắc rối. Một câu chuyện bi hài và đau đớn như chính cuộc sống mà
chúng ta đang sống. Câu hỏi lớn nhất và luôn thường trực trong tiểu
thuyết này là câu hỏi muôn thuở của con người “Ai cũng phải đi tìm một
cái gì đấy. Mình tìm cái gì? Đáng sợ nhất là không biết mình tìm gì”.
Câu hỏi này liên quan đến vô vàn câu hỏi khác. Nhận xét về cuốn sách
này, nhà thơ Trần Quang Quý và một số đại biểu tham dự cuộc trao đổi cho
rằng: 6 ngày có một đặc điểm mà tiểu thuyết hiện đại Việt Nam
thiếu hụt: đó là tính hài hước. Nhà văn phải thực sự “cao tay” mới có
thể xử lý đặc điểm này. Bên cạnh đó, những phần liên tưởng ít và ngắn
nhưng tạo ra hiệu ứng rất mạnh, làm cho cấu trúc tác phẩm thoát khỏi
cách viết cũ của hầu hết tiểu thuyết Việt Nam hiện nay và nó chuyển
không gian, thời gian một cách hoàn hảo.
Trao đổi về tiểu thuyết Búp bê
của nhà văn Ba Lan Boleslaw Prus do Nguyễn Chí Thuật dịch, nhà thơ Hữu
Việt-Chủ tịch Hội đồng văn học dịch của HNV Hà Nội và dịch giả Lê Bá Thự
cho biết: Sinh thời, nhà văn Boleslaw Prus-cây bút tầm cỡ bậc nhất của
nền văn học Ba Lan-từng bày tỏ với những người đương thời rằng: “Tôi
muốn viết lấy vài cuốn sách xuất phát từ những câu hỏi lớn của thời đại
chúng ta”. Năm 1890, việc Búp bê được xuất bản thành sách là
một minh chứng rõ ràng cho tâm ý của Boleslaw Prus; ngay lập tức cuốn
tiểu thuyết gây nên những tranh luận bởi sự lệch khác so với bút pháp
quen thuộc trên văn đàn thuở đó, và sau này nó đã trở thành tác phẩm
“vàng” đại diện cho dòng văn học hiện thực phê phán tại Ba Lan. Trong Búp bê,
nên cạnh hai nhân vật chính, thì lão nô bộc tận tụy Giexki xuất hiện
như một người quan sát, bình luận chủ yếu thông qua những trang nhật kí.
Boleslaw Prus nhiều lần đã “mượn” điểm nhìn của Giexki để tiếp cận với
đủ hạng người, đủ giai tầng xã hội, để mô tả chân thực những chuyển động
muôn vẻ của đời sống: từ những vị khách quý tộc tìm tới cửa hiệu của
Vôkulxki cho đến đám nhân viên bán hàng, cánh sinh viên, những người lao
động trong khu nhà mà gia đình Oenxki cho thuê vv. Bởi vậy, ngỡ tưởng Búp Bê
sẽ chỉ xoay quanh phòng trà, bàn tiệc song đã được phóng chiếu sang
nhiều không gian khác, tái dựng liên tục những lát cắt trong xã hội Ba
Lan và châu Âu ở thế kỉ 19.
* Theo thông báo của nhà thơ Trần Quang
Quý, Phó Chủ tịch HNV Hà Nội, buổi sinh hoạt chuyên đề tháng 2-2018 của
Hội sẽ là cuộc nói chuyện của một chuyên gia đến từ Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn về tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với
nền nông nghiệp Việt Nam; đặc biệt ảnh hưởng của những công trình thủy
điện thượng nguồn sông Mê Công đối với sản xuất và đời sống của cư dân
Đồng bằng sông Cửu Long.
Chép lại từ vanvn.net
Chép lại từ vanvn.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét