Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

Tìm hiểu sự NGẤT NGƯỞNG Trong “ Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ





Tìm hiểu sự NGẤT NGƯỞNG

Trong “ Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ

                                         Vũ Nho

Người Việt thì ai cũng biết “ngất ngưởng” nghĩa là gì. Ngất ngưởng theo từ điển định nghĩa rất ngắn gọn “1Ở thế không vững, lắc lư nghiêng ngả như chực ngã. Say rượu đi ngất ngưởng. 2 Như ngất nghểu”. Ngất nghểu được giải thích là : “Cao và gây cảm giác không vững, dễ đổ”  ( Từ điển tiếng Việt - Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện ngôn ngữ học, trung tâm từ điển ngôn ngữ, 1992, trang 669). Đó là nghĩa trong từ điển. Còn với cụ Nguyễn Công Trứ, “ngất ngưởng” ở trong bài đồng nghĩa với sự ngông, sự phóng túng và sự ngạo nghễ. Người ngất ngưởng phải là người có tài ( Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng  dành để tháng ngày chơi -  Cầm kì thi tửu). Tài, nhưng chưa đủ, phải ý thức được cái tài và tự hào, thậm chí kiêu ngạo về cái tài đó, dám đem cái tài đó mà thi thố với đời chứ không giấu tài vì sợ ganh ghét. Ngất ngưởng là một nét cá tính độc đáo, riêng biệt làm cho Nguyễn Công Trứ khác với các nhà nho tài tử khác trước và sau cụ.

          Trong “Bài ca ngất ngưởng” cụ nhắc đến những cái mốc ngất ngưởng:

-         “Vào  lồng”  “Nên tay ngất ngưởng” trong trường đời.

-         “ Năm  từ giã kinh thành về hưu – “đô môn giải tổ chi niên. Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”.

-         Những ngày tháng nhàn du – “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.

-         Tổng kết một đời người – “Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu tác giả bài hát nói nổi tiếng đã cảm nhận và trình bày sự ngất ngưởng của mình như thế nào.
                                                                 Vũ Nho - Chủ trang


Trước hết, con người ngất ngưởng được bộc lộ là một con người “khổng lồ”. Một con người nhận trách nhiệm, nhận các công việc to lớn trong vũ trụ. Việc gì trong trời đất cũng là việc của con người đó. Và có lẽ đây là lần đầu tiên, một tác giả tự tách ra và gọi mình ( hoặc tự xưng) với đại từ ÔNG rất trịnh trọng,  đường bệ:

              Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Cõi nhân gian cũng nhỏ bé như một cái lồng con mà ông Hi Văn  tài trí, tài giỏi đã bước vào. Đây  không thể hiểu “vào lồng” là con người “ ngất ngưởng” lại  “ mắc vào vòng trói buộc của quan trường” như có người đã giảng. (1). Vào lồng là sự xuất hiện của con người tài trí trong vũ trụ nhỏ bé.  Và con người ấy đã chứng tỏ tài năng xuất chúng của mình qua những cái mốc quan trọng. Không chỉ giỏi văn chương ( Thủ khoa), giỏi dẹp loạn ( Tham tán), giỏi quản trị ( Tổng đốc), giỏi quân sự ( Gồm thao lược). Địa vị  nào, cụ cũng ở vị trí cao:

              Khi thủ khoa, khi Tham tán, Khi Tổng đốc Đông

              Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

Tác giả kể thêm hai sự kiện nữa để chứng tỏ cái tài đáng tự hào ấy là:

              Lúc bình Tây cờ đại tướng

              Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên

Phủ doãn Thừa Thiên là quan đầu tỉnh trong đó có kinh đô Huế. Phải là một nhân vật quan trọng, tài năng mới được giao chức vụ này.

     Sự kiện quan trọng đánh dấu tính chất ngất ngưởng của ông Hi Văn ấy là năm được vua cho nghỉ hưu, ông cưỡi bò rời kinh đô:

              Đô môn giải tổ chi niên

              Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Như vậy giai thoại về Nguyễn Công Trứ là câu chuyện có thật. Chính cụ xác nhận giai thoại này bằng  hai câu trên trong bài hát nói.  Đem đạc ngựa đeo cho bò vàng. Rồi lại cưỡi bò chứ không dùng ngựa hay xe, hoặc kiệu. Đó chẳng phải là một cách hành xử khác đời, ngất ngưởng hay sao?

              Về hưu, cụ thăm thú cảnh đẹp quê hương.  Bỏ cung kiếm của người tướng, mang dáng dấp nhà tu hành. Nhưng không theo nghiệp tu hành của nhà sư. Tuổi cao, nhưng vẫn có các “em ún” cùng đi. ( Ta không khỏi nhớ đến giai thoại cụ trả lời một em trẻ : “Tân nhân tá vấn lang niên kỉ/ Ngũ thập niên tiền nhị thập tam” - Người mới hỏi chàng bao nhiêu/ Năm mươi năm trước (ta) hai mươi ba”!). Đến mức “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.

              Đến đây, tác giả bài hát nói mới hé lộ vì sao mình luôn luôn “ngất ngưởng” như vậy.

              Được mất dương dương người thái thượng

              Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Khi viết sách giáo khoa thí điểm THPT, các tác giả chọn  văn bản có câu:

              Được mất dương dương người tái thượng

Rồi chú thích bằng điển tích Trung Hoa “ tái ông thất mã”. Nhưng ông lão bên Tàu mất ngựa chỉ “bình thản” thôi, không buồn, cũng không vui,  chứ không có thái độ “dương dương” ( nhơn nhơn tự đắc). Bởi thế mà trong bản in sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 ( cả bộ thường và bộ nâng cao) đều sửa thành:

              Được mất dương dương người thái thượng.

Điều ngạc nhiên nhất là không hiểu sao, soạn giả của cả 2 bộ sách đều chung một cách giải thích trong chú thích khá kì lạ:

              “ Coi khinh mọi chuyện được mất trong cuộc đời ( dương dương : nhơn nhơn tự đắc), như người thái thượng ( người của thời rất xưa). Có bản chép là Được mất dương dương người tái thượng, nhắc lại tích ông lão ở gần cửa ải, mất ngựa không lấy làm buồn, được ngựa không lấy làm vui”, (2)

Người của thời rất xưa là thời nào? Tại sao người của thời ấy lại dương dương trước sự được mất?

     Chúng tôi cho rằng đây là một chú thích ẩu. Ai cũng biết chữ “thái” trong tiếng Việt chỉ mức độ “rất” trong một số từ:  thái cổ, thái quá, thái thượng hoàng, thái thượng lão quân…”. Thái thượng hoàng là vua đã nhường ngôi cho con và còn sống. Nghĩa là ông hoàng ở vị trí rất cao. Thượng có nghĩa là cao. Thái thượng có nghĩa là rất cao. Người thái thượng là người rất cao. Tại sao Nguyễn Công Trứ chỉ nhận là thái thượng mà không phải là tối thượng? Chúng tôi cho rằng dù có “ngất ngưởng” đến mấy chăng nữa, tác giả vẫn nhớ trên đầu mình còn có một ông VUA. Ông ấy mới là người TỐI THƯỢNG ( cao nhất). 

( Vế đối trong giai thoại về Nguyễn Công Trứ : Không quân thần, phụ tử đếch ra người cho thấy cụ rất tôn trọng quan hệ vua tôi - quân thần, và cả trong bài này, cụ cũng nói đến nghĩa vua tôi). Người thái thượng là người dưới một người trên muôn người. Tự xưng như thế phải có một vị thế và lòng tự tin mạnh mẽ. Cuộc đời Nguyễn Công Trứ cho phép cụ xưng như  vậy. Một người ở vị trí như thế thì những lời “khen chê” không thể ảnh hưởng, chỉ được xem như gió thoảng bên tai.  Con người đã bỏ lại mọi chức tước bây giờ ung dung tự tại theo đời sống phóng khoáng:  Khi ca ngâm, khi uống rượu, khi hát ca trù ( sáng tác thơ cho ca nương hát) còn tự mình cầm chầu. Không phải Phật, cũng chẳng phải Tiên, không vướng víu những tục lụy trần gian.

              Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn Phú

              Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

Ở đây Nguyễn Công Trứ đã tự ví mình ngang với các danh tướng Trung Hoa có sự nghiệp lừng lẫy. Và dù có thăng trầm trong cuộc đời, cụ vẫn tự hào là đã “vẹn đạo sơ chung” với vua.

              Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

(đại từ ÔNG được xướng lên  lần thứ 3 đầy cá tính và kiêu hãnh!).

Đây là một câu có ý hỏi, nhưng cũng là câu khẳng định :  cả  một  triều  đình “không ai” ngất ngưởng như ông! Nói như ngôn ngữ tự xưng của Hi mã lạp sơn trong thơ Xuân Diệu sau này thì  ông “là một, là riêng, là thứ nhất”! Quả thật đúng như sự tự khẳng định của tác giả, trước và sau ông, trong Lịch sử Việt Nam, không một ai ngất ngưởng như Nguyễn Công Trứ!

                                     Hà Nội, 2 tháng 12 năm 2017

----

1.     Ngữ văn 11 nâng cao, nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2008,  trang 77.

2.      Ngữ văn 11 nâng cao, đã dẫn, trang 78.         

    










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét