Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

NGÔI ĐÌNH THIÊNG Truyện ngắn của NGUYỄN KIM RẪN




Ngôi đình thiêng



                                    Truyện ngắn của NGUYỄN KIM RẪN



          Đã mấy chục năm rồi, mọi người bảo ngôi đình làng tôi có ma. Thiêng lắm. Ma đã từng hiện hình hỏi chuyện người. Cụ Màu coi đình thì bảo: "Nhiều đêm nghe dưới nhà ngang có tiếng gõ lạch cạch vào xe tang và kiệu, đòn khiêng của làng". Chúng tôi hỏi cụ:

          - Cụ không sợ à?

          - Tớ thì sợ đếch cái gì. Trước đây, đêm khuya, chỉ một mình tớ, đi suốt đêm, khắp bãi tha ma mấy làng quanh đây, có sợ gì. Hồi tớ ngoài ba mươi, một đêm, thằng Báo, thách tớ: "Nghe nói ngõ nhà Triền có ma. 12 giờ đêm nay, cậu có dám đến đấy không? Đến cầm cái bao thuốc lá này về cho tớ thì tớ biếu cậu luôn hai cân gạo". Tớ nhận lời ngay. Nửa đêm, tớ đi dọc con đường đầy lá tre đến ngõ nhà Triền. Phải nói là cái ngõ âm u thật. Hai bên bờ tre cao dày, làm cho ban ngày đi cũng không có ánh nắng. Đêm khuya, tối, âm ẩm mùi mốc của lá, mùi hôi của côn trùng. Có khi cả mùi của ma quỷ nấu canh nữa. Tớ cứ đi. Tới ngõ nhà Triền thi thấy từ ngọn tre rủ xuống là một hình người. Tớ run người. Lầm rầm khấn: "Hôm nay, tôi nhận lời thách đố với thằng bạn, mạo muội tới quấy rầy các ngài, xin các ngài đại xá". Tớ vừa cúi đầu vái thì người từ trên cây nhảy chồm xuống lưng, bịt lấy mắt tớ. Tớ vùng mình, hất người đó xuống. Hóa ra thằng Báo...

          - Úi chà! Cụ bạo thật đấy!

          - Còn phải nói!

          - Cụ đã từng thấy ma chưa?- Chúng tôi lại hỏi.

          - Cũng có đấy. Ma trơi thì nhiều. Nhiều đêm đang ngồi nghỉ giữa đồng thì vụt hiện lên một bóng sáng, như một hòn lửa, tròn như quả bưởi lãng đãng trước mặt. Mình chạy lên, nó bay vút ra xa rồi mất. Có lần nó hóa thành con ếch, cứ nhảy nhót phia trước. Mình chắc mẩm, chuyến này chắc được một chú ếch bự. Song chạy theo nó một lúc thì mất.

          - Có khi ếch thật đấy cụ ạ!

          - Thật thế nào được.

          Cụ có vẻ bực mình, mắt nhìn trân trân vào người nói câu vừa rồi. Đôi mắt đã đục, lòng đen chuyển thành màu nâu giờ như nhỏ lại. cằm nhỏ nhọn, hai tay gầy guộc, đen đúa nhưng rắn lại như sắt. Tôi hỏi:

          - Cụ ngủ một mình trong đình, vậy đã thấy ma hiện lên chưa?

          - Ma vào đình sao được. Đình chỉ có thần linh thôi. Hiểu chưa?  Các ngài hiện thành hình người thì chưa. Nhưng, đêm thường nghe thấy tiếng gõ gạc, hoặc tiếng bước chân đi lại thì có. Có đêm tỉnh dậy nghe xa xôi có tiếng vó ngựa từ xa tiến về phía đình. Cả tiếng trống điểm binh nữa...


                                                                  Nguyễn Kim Rẫn


          Cụ nói vậy nhưng chẳng ai tin, nhỡ con chuột chạy, cụ nghe và  nhầm tưởng thì sao? Đã có lần, cụ treo nải chuối trong cung thờ. Chuối mồi quá rơi xuống cái nồi đồng, kêu. Cụ nằm nghe, thỉnh thoảng lại thấy "bung..." một tiếng. Cụ cảm nhận như là tiếng trống điểm binh. Nằm im, nín thở. Sáng hôm sau, nhìn thấy nải chuối mới nghĩ ra là mình nhầm. Cụ thú vị kể lại cho mọi người.

           Người ta tin ngôi đình này có ma là từ cái dạo dân quân giam bà Ngang rượu lậu trong đình. Hồi ấy, do phải tập trung lương thực cho các chiến trường nên Nhà nước cấm dùng lương thực nấu rượu. Bà Ngang vẫn dấm dúi mua gạo nấu rượu bán, kiếm lời. Một lần bà bị bắt và giam ở một gian nhà khách của đình. Họ nhốt bà vào trong và khóa cửa lại. Hai dân quân gác ngoài. Nửa đêm bà hét toáng lên:

          - Ối giời ôi! Cứu... Cứu tôi với!

          - Sao thế bà?- Hai dân quân gác ở ngoài, vừa hỏi vừa ghé mắt qua kẽ cửa.

          - Con cắn cỏ con lạy ông! Con biết tội rồi! Con biết các ông đã vì dân vì nước hy sinh còn con thì phạm tội. Con xin ông tha cho con. Từ nay, con không dám thế... thế nữa...

          - Bà nói vớ vẩn gì thế?

          - Mở cửa ngay! Vừa nãy, anh... à ông Cường hiện về cầm ruột, máu me đầy mình, nhăn nhó đi lại phía tôi. Ghê quá!

          Khi hai dân quân vào thì bà kể nhất hơi, nhị hơi. Một mạch. Nào là bà đang thiu thiu ngủ thì có tiếng động, giật mình tỉnh dậy. Nào là từ góc nhà một người đầy máu me hiện ra, tay ôm ruột, vừa nhăn nhó, vừa tiến lại phía bà làm bà hết hồn.Chắc anh ấy giận bà... Hai dân quân biết bà không thể ngủ. Mà, không ngủ thì còn kêu khóc, họ cũng mất ngủ. Họ đành mở cửa sổ và khiêng cái giường cá nhân đặt trước để bà nhìn thấy họ cho đỡ sợ.

          Lúc đầu chưa ai tin chuyện bà Ngang thấy ma. Sau nhiều người bàn tán thì họ đều đi đến kết luận: Có thể bà Ngang nhớ lại chuyện anh Cường, bộ đội năm 1953, hy sinh tại đình này thật. Hay là anh Cường thiêng thật hiện về. Rồi đi đến đâu cũng thấy mấy cụ già kể chuyện anh Cường.

          Năm ấy, lính Pháp càn qua làng tôi. Dân quân, du kích và bộ đội chủ lực cùng đánh giặc. Đại bác nó bắn, trúng vào nhiều nhà, nhiều người. Có người chết. Bác tôi kể rằng: Hôm ấy, một chiếc xe tăng lù lù xuất hiện. Đạn của ta ở hai bên gò cát bắn xả vào như thóc vãi mà nó cứ chạy. Vừa chạy, vừa xả đạn vào quân ta. May thay, Cường kịp vác khẩu DKZ tới nhằm xe tăng nhả đạn. Một quấng lửa lóe lên như chớp, kèm theo là tiếng nổ như sét rung chuyển mặt đất.   Mọi người nhảy lên reo hò. Những thằng lính mắt xanh, mũi lõ ở phía sau xe, đứa ngã, đứa bắn đi mấy chục mét, những thằng lính ngụy kêu rống lên, tháo chạy, Ngay lúc ấy,  một vài người thấy Cường ngã xuống. Máu từ vùng bụng chảy ướt sũng cả chiếc áo trấn thủ. Anh xỉu đi. Anh được chuyển về ngôi đình làng này. Chỉ huy của anh, đồng đội của anh kéo đến. Anh y sĩ kiểm tra và băng tạm vết thương cho anh. Bà con vây xung quanh anh không cầm được nước mắt. Anh thều thào hỏi: "Xe tăng hỏng rồi chứ, bọn chúng chết hết rồi chứ thủ trưởng?" Anh chỉ huy vừa đưa hai bàn tay bóp vai cho Cường và nói:

          - Xe cháy rụi rồi. Bọn trong xe chết hết. Giặc chết và chạy hết rồi!

          - Tốt lắm! Em có chết cũng đáng!

          - Đồng chí không thể chết. Chúng tôi sẽ đưa đồng chí lên tuyến trên.

          - Không cần đư...ơ... khô..ông...! 

          Dường như biết mình không thể qua được, Cường lấy sức lực cuối cùng chỉ vào túi áo ngực. Mọi người hiểu ý, cởi khuy cúc, lấy ra một phong thư. Thư viết cho một cô gái, chắc là có cảm tình mà chưa ngỏ lời. Cố mở mắt nhìn phong thư và nói thều thào:

          - Nói với cô ấy, tôi ...yêu ...cô... ấy... lắm. Yêu... mà... chưa ...

          Cường tắt thở. 

          Cường còn trẻ quá. Mới hai mốt tuổi. Đơn vị và dân làng ai cũng thương khóc. Đám thanh niên cố tìm những bông hoa trắng, làm cho anh một chiếc vòng hoa. Anh được an táng tại nghĩa địa của làng. Nhiều ngày sau đó, đêm đến, người ta vẫn thầy bóng người đầy máu me, mờ ảo trong nhà khách của đình, đi lại ở sân đình.  Dân làng bảo nhau: "Anh ấy chết trẻ, lại anh hùng nữa nên thiêng lắm đấy!"...

          Nói đến bức thư của anh thì ai cũng cảm động. Không mấy người nhìn tận mắt, mà có nhìn chắc cũng chẳng nhớ hết, nhưng ai cũng có thể đọc cho người khác nghe cứ như họ đã cầm trong tay bức thư và đã được học thuộc lòng. Nhất là cô Thanh khiếu. Làng này đặt cho cô cái chữ đệm như vậy là vì cô rất hay nói và nói rất hay. Chuyện gì vào miệng cô là nghe cũng thú vị. Cô bảo anh bộ đội ấy cũng ngang tuổi cô thôi. Hồi đó cô cũng tham gia đưa đám mà. Anh ấy tuổi nhỏ nhưng chí lớn lắm nhé! Xung phong đi làm liên lạc ngay từ năm mười sáu tuổi. Rồi đi học. Rồi được sử dụng súng lớn. Mấy lần đánh đồn dũng cảm lắm. Tinh thần thép như vậy nhưng lại lãng mạn phải biết. Chỉ đọc bức thư anh ấy viết cho người yêu là thấy ngay. Thư như thế này:

                   Sen ơi!

          Em đã biết đọc chưa? Chắc ở quê cũng có phong trào diệt dốt phải không? Anh thì đọc thông, viết thạo lắm rồi. Lúc đầu học ngay ở đơn vị. Người biết dạy người chưa biết. Sau anh được cử đi học. Học cả văn, toán và khoa học nữa. Anh đang viết thư cho em đây. Em đi ngủ chưa? Có nhớ anh không? Anh thì nhớ lắm cơ! Nhớ bố, mẹ và em lắm lắm! Em có nhớ cái hôm em hôm đi đám cưới về gặp mưa không? Nhìn em ướt hết, áo gụ mỏng dính sát người, anh cảm thấy có cái gì dâng lên trong lồng ngực. Anh muốn ôm em vào lòng quá đi thôi! Song lại sợ em  giận nên đành nhẫn nại. Em có nhớ hôm họp Đoàn thanh niên, em đang ngồi, thằng Ngọ, thằng Thìn nó khiêng anh ném vào lòng em không? Em giật lại phía sau làm anh nện mông xuống sân đình đánh ịch. Đau điếng. Nhưng cũng thinh thích. Chúng nó gán anh cho em đấy! Không biết em thế nào? Chắc em cũng không chê anh phải không em? Hôm chia tay, anh thấy em ngước nhìn anh thân thương quá mà chẳng nói gì. Anh định nói anh yêu em mà môi cứ run lên không sao mở miệng ra được. Anh muốn hôn em quá! Bao giờ ước mơ ấy mới thành hiện thực. Anh kể cho mấy thằng bạn ở đơn vị. Chúng nó chửi anh ngu. Chúng nó bảo: "Sao không ôm ghì cô ấy vào mà hôn. Chắc cô ấy đang muốn mày như thế đấy!". Nghe chúng nói mặt anh nóng ran. Xấu hổ quá!...

          Không ít cô gái nghe cảm động ứa nước mắt. Ôi! Con người đáng yêu ấy chẳng bao giờ được hôn một cô gái. Con người ấy trong sáng quá, đáng tôn thờ biết bao! Có lẽ vì vậy mà anh linh thiêng. Có người còn kể, hồi Mỹ hay ra ném bom ở miền Bắc, cứ thấy ở đình phát ra quầng sáng như đám lửa xe tăng bùng cháy là hôm sau bom nổ ở gần làng. Có người thì lại nói như đinh đóng cột là trước cơn bão số năm, cơn bão làm đổ cây đa trước cổng làng, họ thấy khu vực đình phát ra luồng sáng. Chắc lại là anh báo cho làng đấy. Tôi hỏi cụ Màu:

          - Khi cúng thần linh, cụ có khấn đến liệt sĩ Cường không?

          - Cúng ở trong đình thì cúng Thần hoàng làng, cúng chư vị thần linh có bài vị trên các cỗ khám, cỗ ngai. Gian bên phải cúng Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ. Có khấn anh Cường, người ra đi từ đình làng này. Cúng chứ! Cúng và xin các anh bảo vệ dân làng mãi mãi...

          Và cụ khảng định:

          - Nhờ có lòng tin của dân làng, nhờ có sự linh thiêng của thần linh và anh Cường mà đình làng ta vẫn vững chắc. Hơn trăm năm rồi, bao cơn bão đi qua, bào trận giặc càn quét, lại cái đận phá đình làm trường học, làm sân kho nữa, biết bao đình bị phá, nhưng may thay làng ta vẫn còn đình. Các chú có biết vì sao làng ta nhiều người tài giỏi, thành đạt không? Có làng nào nhiều giám đốc, nhiều đại tá, lại còn có cả tướng nữa, nhiều tiến sĩ, thạc sĩ bằng làng mình không? ...

          Câu chuyện của cụ Màu cứ thế, kéo dài mãi. Tất nhiên không ít làng còn hơn làng cụ nhưng niềm tin của cụ thật đáng quý.



                                                          Trung Thu Giáp Ngọ (2014)

In trong THI NHÂN MIỀN CỔ TÍCH 2, nxb Hội nhà văn, 2020




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét