NHÀ THƠ VIẾT VỀ NGƯỜI
THƠ
Đọc “Những người thơ tôi yêu” của Nguyễn
Ngọc Quế, Nxb. Hội Nhà Văn, 2020.
Vũ Nho
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế vốn là giáo
viên Toán trường Trung học phổ thông Lam Sơn và Đào Duy Từ nổi tiếng của tỉnh
Thanh Hóa. Vì duyên nợ với văn chương, anh từng đảm nhiệm vị trí Trưởng ban thơ
của Hội Văn Nghệ tỉnh Thanh. Anh đã công bố 12 tập thơ và truyện thơ cho người
lớn và cho thiếu nhi. Vì yêu mến các nhà thơ mà anh viết “Những người thơ tôi
yêu” gồm 15 nhà thơ, xuất bản lần đầu năm 2015. Bây giờ anh viết thêm 10 tác giả và in thành tập dày hơn 400 trang
khổ 14,4 x 20,5. Còn kèm thêm 7 tiểu luận văn học và phần “Với bạn bè” in những
đánh giá của Trần Vũ Long, Văn Công Hùng, Phạm Thành Hưng về “ Những người thơ
tôi yêu”.
Có thể nói tập sách này là một tập phê
bình thơ hơi nghiêng về chân dung. Nhưng
không phải chân dung đời thường mà là chân dung đời thơ của mỗi tác giả. Những
gương mặt thơ được người viết mến yêu vẽ bằng nét phác dung dị, thấm đẫm tình cảm
đồng nghiệp, vừa trang trọng, vừa gần gũi, sinh động. Bên cạnh đó, tác giả lại
chọn trong cả một đời thơ của người được đề cập chỉ một bài. Bài thơ ấy coi như
là bài đặc biệt đại diện cho phong cách, cho một nét nổi bật của chân dung. Ví dụ với nhà thơ Hữu Thỉnh là bài
“Tôi bước vào thành phố”; nhà thơ Hữu
Loan là bài “Đèo cả”, nhà thơ Nguyễn
Trọng Tạo là bài “Đồng dao cho người lớn”,
nhà thơ Nguyễn Đức Mậu là bài “Nấm mộ và cây trầm”, nhà thơ Trần Đăng
Khoa là bài “Đỉnh núi”, nhà thơ Trịnh
Thanh Sơn là bài “Biển vắng”, nhà thơ
Lê Đình Cánh là bài “Người đôn hậu”,…Việc
chọn ấy đã tiêu biểu chưa, tác giả được
viết và bạn đọc sẽ cho ý kiến. Nhưng
Nguyễn Ngọc Quế có tiêu chí riêng để chọn, không phải ngẫu nhiên, mà qua sự suy
ngẫm kĩ càng.
Quả thật với tổng số 25 người làm thơ
và người nghiên cứu thơ ca được viết trong tập sách thì đúng là một con số rất khiêm tốn so với số lượng
nhà thơ có tên trong Hội nhà văn Việt Nam. Chỉ duy nhất một tác giả nữ là Hoàng Thị Minh
Khanh, vốn là dâu của xứ Thanh. Có lẽ chỉ có tác giả Hữu Loan là người nhiều tuổi
nhất, sau đến nhà thơ Nguyễn Bao, còn hầu hết đều hơn kém tác giả Nguyên Ngọc
Quế non một chục tuổi đổ lại. Tức là những người thơ có thể coi là đồng trang lứa
với
tác giả. Mặt khác họ còn là những người quen biết, gần gũi trong cuộc sống
đời thường. Bởi vậy mà tình cảm yêu mến là yếu tố quyết định đầu tiên đối với
việc động bút. Cái tiêu chí yêu mến ấy cũng sẽ quyết định sự thành công bởi vì
những bài viết của tác giả do yêu mà thấm đẫm cảm xúc. Làm thơ cần cảm xúc mạnh.
Viết về thơ, bình thơ cũng cần cảm xúc mạnh.
Nếu thiếu đi yếu tố đó thì chỉ còn là những bài viết khô khan, nặng tính
thông tin.
Nguyễn Ngọc Quế là người dạy toán, là người làm thơ. Anh viết chân dung
thơ các nhà thơ anh yêu mến theo một cách riêng. Không giống như chân dung văn
học trong sách của Vũ Từ Trang, Vân
Long, Trần Đăng Khoa, Xuân Sách,… Một số
bạn anh cho rằng khi viết về “Người
thơ”, Nguyễn Ngọc Quế có chú ý đến phần “người” là phần gia đình, quê
hương, công việc, cá tính và phần “thơ”. Phần người
chỉ gọn, ngắn, thấp thoáng. Còn
phần thơ
mới là phần chính, phần dụng công của người viết. Đấy là nhận xét có tính khái
quát. Còn khi thực hiện thì ngòi bút tác giả linh hoạt. Chẳng hạn, anh viết rất
kĩ về phần “người” của nhà thơ Hữu Loan. Bởi vì các mối quan hệ quen biết.
Mặt khác, như anh viết “Đường đời nhà thơ Hữu Loan dài cực nhọc gần
một thế kỉ. Đường thơ của ông thì ngắn, ngời sáng hơn mười năm” (trang 28).
Có cảm giác là những tác giả quê Thanh Hóa, đồng hương, như Hữu Loan, Trịnh
Thanh Sơn, Định Hải, Nguyễn Bao, Anh
Chi, Lê Bá Thự, Lê Xuân Đức, nên Nguyễn
Ngọc Quế biết nhiều về đời tư cũng như các hoạt động khác, trong
đó có hoạt động văn học nghệ thuật. Vì thế mà phần người được viết chi tiết
hơn, dài hơn so với các tác giả khác. Ví dụ như anh viết về Trịnh Thanh Sơn 9
trang thì hơn 5 trang là về đời Sơn. Về Nguyễn Bao 10 trang thì có hơn 6 trang
về cuộc đời của tác giả “Hoa chanh”.
Có thể nói dù là người thơ đồng hương hay không đồng hương, dù viết dài hay ngắn thì những
trang viết của Nguyễn Ngọc Quế về phần
cuộc đời người thơ đều được viết
với tinh thần trân trọng, với tình cảm mến yêu, và điều cơ bản nhất là nó giúp
người đọc có cơ sở để hiểu cái hay, cái độc đáo và sự đóng góp của người thơ ở
phần thơ.
Nguyễn Ngọc Quế viết
nhiều thơ, truyện thơ cho thiếu nhi, nhất là cho tuổi hoa niên. Anh từng được
giải thưởng của Ban văn học thiếu nhi
thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam, giải thưởng Nhà xuất bản Kim Đồng. Vì vậy
không ngạc nhiên trong số các nhà thơ anh yêu, có nhà thơ Định Hải, nhà thơ Lê
Hồng Thiện chuyên viết cho thiếu nhi, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn mà theo đánh giá của nhà thơ Đặng Hấn là “cao
thủ vào loại nhất trong số các nhà thơ viết cho thiếu nhi ở nước Việt” (
Cây đèn thần, Nxb Văn Nghệ tp Hồ Chí Minh 1999, trang 219), nhà thơ Trần Đăng
Khoa làm thơ thiếu nhi và làm thơ người lớn. Chân dung thơ của các nhà thơ này
dường như nhận được sự yêu mến có phần đồng
điệu đặc biệt của người viết.
Trong phần chân dung thơ các người thơ,
Nguyễn Ngọc Quế đã cẩn thận, tỉ mỉ đọc chậm toàn bộ sáng tác
thơ của người được viết. Nhẩn nha, chậm rãi, Nguyễn Ngọc Quế trình ra những bài thơ, những câu thơ “duy
lý, duy mỹ, duy cảm” của người thơ được dụng bút. Nói gọn hơn thì đó là những câu thơ hay theo
các vẻ, các góc nhìn khác nhau. Không phải tất cả các câu được anh chọn ra đều chính xác và thuyết phục
tuyệt đối. Nhưng về cơ bản đó là những lựa chọn đúng và tinh tế. Tôi đồng cảm nhận
với nhà thơ Văn Công Hùng, một người học tập ở Thanh Hóa viết về cách Nguyễn Ngọc
Quế chọn thơ : “Có những câu thơ cũng thuộc từ hồi nào, nhưng giờ qua cái nhìn của ông,
qua cách cảm của ông, hoặc ông chẳng cảm gì cả, chỉ là bày nó ra trong một trường
liên tưởng, bỗng thấy nó lung linh hẳn lên, tinh khôi như mới gặp lần đầu”
(trang 430).
Để thuyết phục bạn đọc, Nguyễn Ngọc Quế
không chỉ tự mình phân tích, đánh giá. Anh thường đưa ra những nhận xét xác
đáng của các nhà thơ, các nhà phê bình khác. Ví dụ khi viết về thơ của nhà thơ
Hữu Thỉnh, Nguyễn Ngọc Quế đã dẫn ý kiến của Ngô Thế Oanh, Trịnh Thanh Sơn, còn
so sánh liên hệ với các nhà thơ Nguyễn
Du, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Huỳnh Văn Nghệ. Và kết luận này chứng tỏ người viết
đã đọc rất kĩ đối tượng : “Nhà thơ không
chỉ giỏi về chi tiết, đắt về câu chữ, mới về hình tượng, mà ông còn biết phổ
vào thiên nhiên một tâm thế con người, lấy thiên nhiên làm bà đỡ cho những tư
tưởng, chiêm nghiệm của mình” ( trang 14). Hoặc khi viết về nhà thơ Hữu Loan, anh viết truyền thống văn chương của
mảnh đất Nga Sơn, về bộ tứ bình đất Thanh gồm Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Hồng Nguyên, Hữu
Loan; dẫn các ý kiến của Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Anh Chi, Trịnh Thanh Sơn,
Vũ Quần Phương; liên hệ với thơ Đỗ Phủ, Đoàn Thị Điểm, Trần Mai Ninh.
Tất cả những người
thơ còn lại trong tập như Định Hải, Vũ
Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều,
Trần Quang Quý, Nguyễn Bao, Hoàng Thị Minh Khanh, Võ Thanh An, Trịnh Thanh Sơn,
Lê Đình Cánh, Nguyễn Xuân Thâm, Anh Chi, Nguyễn Hoa, Vân Long, Nguyễn Hoàng
Sơn, Đào Ngọc Phong, Khuất Bình Nguyên, Trương Vĩnh Tuấn, Lê Hồng Thiện, Lê Bá
Thự, Lê Xuân Đức đều được viết với tinh thần mến yêu, nâng niu, trân trọng và
liên tài như thế.
Phần thứ hai của tập sách gồm 7 tiểu luận văn học. Thật ra chỉ có 2 tiểu luận
đúng nghĩa là “Thơ trực diện cuộc sống”
và “Chuyển động của thơ”. Ba bài khác là
phê bình trường ca và phê bình thơ của Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hoa,
Trương Vạn Thành. Hai bài còn lại là lời
bình cho bài thơ của Trịnh Xuân Thu và
Minh Tâm. Các bài viết này vẫn thể hiện nhất quán niềm say mê thơ ca, quan tâm
đến chức năng thơ, sự đổi mới thơ của
người viết. Các bài đó cho bạn đọc hiểu thêm về chân dung của thầy giáo Toán
làm thơ, viết bình thơ.
Qua các bài viết về những người thơ được
mình yêu mến trên văn đàn, Nguyễn Ngọc Quế cũng tự bộc lộ chân dung một người
thơ đáng yêu, một người đam mê, trân quý
lao động sáng tạo thơ của các bạn viết. Điều đáng quý nhất của tập sách
chính là tác giả đã “lấy hồn ta để hiểu hồn
người” (chữ của Hoài Thanh), đã viết
về thơ của những người thơ bằng một
giọng văn thấm đẫm chất thơ, thẫm đẫm cảm xúc. Tôi muốn mượn lời của nhà thơ
Ngô Thế Oanh để kết thúc bài viết nhỏ này : “Điều trân trọng hơn cả ở Nguyễn Ngọc
Quế trong Những người thơ tôi yêu, có
lẽ là anh đã giúp chúng ta qua tập sách này được thưởng thức sự tinh khiết những câu thơ với nguyên màu rơm tươi, cũng
như những tiếng vang thầm lặng khép theo cánh hạc bay về mà không phải lúc nào
cũng dễ dàng nghe thấy. Nhất là trong một thời quá nhiều những thứ sắc màu sặc
sỡ, và đầy tạp âm như thời chúng ta đang sống…” ( Lời tựa).
Hà Nội,
24 tháng 5 năm 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét