ẨN DỤ TRONG "TRUYỆN KIỀU"
Bài của Trần Đình Sử
Truyện Kiều sử dụng rất nhiều ẩn dụ. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi Truyện Kiều gồm có khoảng 240 câu có ẩn dụ trong số 3254 câu, chiếm tỉ lệ 7,2%. Mọi người đều biết ngôn ngữ thơ thực chất là ngôn ngữ ẩn dụ, do đó thành phần ẩn dụ gia tăng rõ ràng có tác dụng tạo nên chất thơ cho lời thơ, làm cho văn chương Truyện Kiều thêm bóng bẩy, thấm thía. Lê Trí Viễn từng nhận xét rất đúng: "Cách nói nhiều hình tượng trong Truyện Kiều là cách nói bằng ẩn dụ, không có trang nào là không thấy một vài ẩn dụ(1)
Khái niệm "ẩn dụ" mà chúng tôi nói đây mang nội dung hiện đại. Trong thuật ngữ phong cách học cổ điển Trung Hoa có thuật ngũ tỉ dụ bao gồm ba hình thức: minh dụ (A như B), ẩn dụ hay ám dụ (A là B) và tá dụ (mượn B thay cho A, A vắng mặt. Ví dụ: Tuế hàn nãi tri tùng bách chi hậu điêu dã. “Tùng bách” được ví với người quân tử, nhưng ở đây nó không được nói ra, vắng mặt). ẩn dụ trong nội dung hiện đại rõ ràng là bao gồm cả hình thức "tá dụ" nêu trên và chỉ phân biệt với "minh dụ", được hiểu là phương thức so sánh hình ảnh.
Ẩn dụ nói chung là phương thức tu từ thường gặp trong thơ ca (và cả trong các văn bản khác) có cấu tạo như sau: Nó đem từ ngữ hay phương thức biểu đạt vốn để chỉ sự vật A hay hành động A, mà chỉ trực tiếp sự vật B hay hành động B hoàn toàn khác, mà lại không thấy rõ sự so sánh giữa chúng với nhau. Người ta cũng gọi đó là ví ngầm, cái đem dùng làm ví là dụ thể, cái được ví tức là được nói đến là dụ chỉ. Trong văn học ẩn dụ là hình thức tu từ nhằm phát hiện cái tương đồng giữa hai sự vật khác lạ. Hai sự vật dụ thể và dụ chỉ càng khác xa nhau bao nhiêu thì ẩn dụ càng gây ấn tượng bấy nhiêu. Đó là ẩn dụ có giá trị nhận thức, phát hiện. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ẩn dụ ở phương Tây thiên về giá trị nhận thức, còn ẩn dụ trong văn học phương Đông thiên về giá trị biểu cảm(2).
Truyện Kiều là tác phẩm văn học cổ điển thời trung đại, ẩn dụ của nó nằm trong quỹ đạo thi ca phương Đông. Ở đây ẩn dụ ít có giá trị nhận thức, phát hiện mà nặng về giá trị biểu cảm. Ẩn dụ biểu cảm có loại thể hiện cảm xúc nhất thời, thoáng qua. Có loại cảm xúc hằng thường. Chính vì nặng về giá trị biểu cảm hằng thường mà người ta thường sử dụng những ẩn dụ quen thuộc như là sáo ngữ. Nguyễn Du có những ẩn dụ biểu cảm độc đáo, nhưng vẫn có cội nguồn trong thơ văn Trung Quốc:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.
Hình ảnh ngầm ví hoa lựu với lửa lập lòe làm nhớ tới câu thơ của Dĩu Tín "Sơn hoa diệm hỏa nhiên" hay câu thơ "Sơn thanh hoa dục nhiên" của Đỗ Phủ. Song ở đây cũng như hoa trong Truyện Kiều có xu hướng cụ thể hóa trong khi tả cảnh: lửa lựu, cũng như hoa lê, hải đường …. hoa lửa từ tính chất chuyển thành trạng thái, động tác.
Như khi tả tình Thúc Sinh:
Mày ai trăng mới in ngần
Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa.
Câu này có thể gợi nhớ câu thơ Trung Quốc "Sơ nguyệt như mi" nhưng đã chuyển từ so sánh tả cảnh khách quan sang ẩn dụ chủ quan để miêu tả tình cảm Thúc Sinh. Nhìn trăng mà liên tưởng tới nét cong của lông mày người đẹp, rồi nhớ tới phấn hương ngày nào, thật là tinh vi.
Khi Từ Hải ra đi:
Quyết lời dứt áo ra đi
Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi.
Hoặc khi Kiều nhớ Từ Hải:
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm
hình ảnh đều rất đẹp, khi thì khí phách, khi thì mênh mang, tuy có vận dụng hình ảnh của Trang Tử.
Khi tả tiếng đàn bạc mệnh với hai ẩn dụ mà ẩn dụ thứ hai rất mới mẻ:
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay
Hình ảnh này cũng có nguồn trong hình ảnh "khốc huyết" trong thơ văn Trung Quốc.
Đó là ẩn dụ tuy có cội nguồn ngoại lai nhưng đều mang dấu ấn Nguyễn Du. Nhưng nhìn chung ẩn dụ trong Truyện Kiều phần nhiều thuộc loại "Thay thế giản đơn" một đối tượng muốn biểu hiện bằng một đối tượng khác đẹp đẽ, cao quý, thi vị và đã được sử dụng nhiều lần, lặp đi lặp lại.
- Nàng càng giọt ngọc chứa chan
- Dòng thu như xối cơn sầu.
- Hoa cười ngọc thốt đoan trang.
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
- Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
- Êm đềm trướng rũ màn tre,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai
- Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương.
- Khen tài nhả ngọc phun châu.
- Nàng rằng khuảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
- Gìn vàng giữ ngọc cho hay…
Các dụ thể loại này thường được sử dụng nhiều lần, hoặc đã quen thuộc như là sáo ngữ: tuyết trở, sương che, gió bắt mưa cầm, đá biết tuổi vàng, đầu trâu mặt ngựa, ruồi xanh, vườn hồng, chim xanh, nước non, bình gãy gương tan, trâm gẫy bình rơi…. Nhưng có lẽ ta nên chưa vội kết luận là Nguyễn Du thiếu cá tính, mặc dù đây là bút pháp cổ điển quen thuộc của Thơ Đường. Hai tác giả Mỹ gốc Hoa là Cao Hữu Công và Mai Tổ Lân nghiên cứu ngôn ngữ nghệ thuật thơ Đường đã nhận thấy phần nhiều ẩn dụ trong thơ Đường đều là sáo ngữ như mặt trăng thì gọi "minh nguyệt", minh kính, ngọc luân, người đẹp thì gọi là hoa, mắt thì gọi là thu ba, chiến tranh thì gọi là can qua, quan hệ gắn bó thì gọi là cốt nhục… Khi một ẩn dụ được sử dụng đi sử dụng lại quá nhiều thì mất đi cảm giác mới lạ và trở thành sáo ngữ. Đó là đặc trưng chung của tu từ học trung đại.Lúc này ẩn dụ được sử dụng chỉ vì thói quen. Tuy vậy, các sáo ngữ này có tác dụng cường điệu đặc trưng tình cảm của chúng(3). Điều này đặc biệt đúng với Nguyễn Du, và ở đây nhà thơ đã thể hiện nét riêng của mình. Dường như Nguyễn Du "có một cảm quan cây, trái" khi nghĩ về cuộc đời(4).
Đối với con người ở xứ sở nông nghiệp có lẽ không có cảm xúc nào thân thiết với con người hơn là cảm xúc cây trái, hoa, cành. Đành rằng trong thơ cổ điển dụ thể hoa thường dùng để chỉ người đẹp, nhưng ở đây nhà thơ đã dùng để chỉ Thúy Kiều trong mọi tình huống, khi được yêu, khi bị bán, bị hành hạ, tủi nhục. Hoa, liễu đây đã trở thành hình tượng con người, hóa thân thành người cho nên có người hiểu là "nhân hóa".
- Nặng lòng xót liễu vì hoa
- Cành hoa đem bán vào phường lái buôn.
- Ba cây chập lại một cành mẫu đơn.
- Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời.
- Đào hoen quẹn má, liễu tan tác mày….
Các ẩn dụ này đã có tác dụng gợi cảm xúc thương yêu và đau xót. Chúng không phải là ẩn dụ nhận thức mà là biểu trưng cho nhân vật và đã trở thành những ẩn dụ biểu cảm. Các hình ảnh vàng, ngọc, hương, hoa…. vốn là hình ảnh tôn quý, đáng được nâng niu, và được dùng thay thế con người khi miêu tả trong các tình huống khác nhau.
Khi Kiều bị Mã Giám Sinh chiếm đoạt:
- Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Một cơn mưa gió nặng nề
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương!
Khi Kiều hối hận:
Phẩm tiên rơi đến tay hèn
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thả bẻ cho người tình chung
Khi Kiều biểu hiện vẻ đẹp:
- Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Khi Kiều được hưởng hạnh phúc:
- Hải đường mơn mởn cành tơ
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng
Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng cho đang!
- Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông
Hương càng đượm lửa càng nồng
Càng xôi vẻ ngọc, càng lồng màu sen.
Các ẩn dụ này không rời rạc, riêng lẻ, mà là một chùm, một tập hợp thể hiện một hiện tượng đầy đặn và một cảm xúc toàn vẹn. Nguyễn Du hầu như không dùng một từ ngữ hay một phương thức biểu đạt riêng lẻ làm ẩn dụ, mà dùng một chuỗi các sự vật tương đồng làm ẩn dụ, cho nên các dụ thể mất đi ý nghĩa sáo ngữ, mà hóa thân vào dụ chỉ, khêu gợi dụ chỉ, mà con người ở dụ chỉ đó cảm nhận về cuộc đời một cách tượng trưng. Cảm nhận về sự yếu đuối, lênh đênh, tan vỡ:
- Bây giờ trâm gẫy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
- Rõ ràng hoa rụng hương bay.
- Phận sao phận bạc như vôi,
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
- Vì ai rụng cải rơi kim
Để ai bèo nổi mây chìm vì ai.
- Rằng tôi bèo bọt chút thân
Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh
- Rộng thương cỏ nội hoa hèn
- Đã đành túc trái tiền oan
Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi
- Phận bèo bao quản nước sa
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
- Nghĩ mình mặt nước cánh bèo
- Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,
E dè sóng gió hãi hùng cỏ hoa.
Các hình ảnh bọt bèo, bến nước, nước chảy hoa trôi, cỏ nội hoa hèn, rụng cải rơi kim hô ứng với các hình ảnh một hạt mưa rào, con ong cái kiến, nhện này tơ kia, thân lươn lấm đầu, kiến bò miệng chén, con tằm đến thác, mạt cưa mướp đắng, kẻ cắp bà già, thăm ván bán thuyền…. đã tạo nên một cảm quan rất dân tộc. Những hình ảnh sóng gió, mưa gió, mặt nước cánh bèo, nước sa, bèo nổi mây chìm… gợi ra một môi trường sông nước, gió bão, mưa lụt mà người Việt Nam rất quen thuộc. Đồng thời các hình ảnh sáo trong thơ Đường hòa trộn với hình ảnh của tục ngữ thành ngữ, làm nên chất lượng mới cho ngôn ngữ văn học tiếng Việt. Các hình ảnh ẩn dụ trong Truyện Kiều cho thấy một đặc điểm là từ hàng loạt hình ảnh sáo mòn Nguyễn Du đã tạo thành những hình ảnh gợi cảm. Người xưa thường nói "hóa trần hủ thành thần kì" (biến cũ nát thành thần kì) chính là như vậy. Như chúng tôi đã phân tích, đó là do nhà thơ dùng từng cặp, từng chuỗi dụ thể và truyền vào đó một cảm quan dân tộc, từ cảm quan cây trái, hoa lá, đến cảm quan mưa gió, lênh đênh, từ cảm quan quí phái, trang nhã đến cảm quan sinh hoạt hương thôn phàm tục. Đó chính là cảm quan của Nguyễn Du, là cá tính của Nguyễn Du. Ẩn dụ được nói ra từ trong cảm nhận sâu thẳm của tâm hồn người, cho nên mỗi ẩn dụ có một sức nặng tình cảm. Văn chương hay không chỉ do hình ảnh mới lạ mà còn do tình cảm. Mà nói đến tình cảm thì phải nói tới chiều sâu của tình cảm đó. Hêghen từng nói đại ý mọi người ai vào nhà thờ cũng làm dấu thánh giá và nói "Amen". Nhưng có người nói Amen như bắt chước người khác, có người nói như thói quen hút thuốc, ăn trầu, có người từ niềm tin mê muội, có người nói từ tất cả sự chiêm nghiệm cuộc đời đầy đau khổ.
Do vậy, chiều sâu tình cảm khác nhau rất xa. Những ẩn dụ của Nguyễn Du đều dồn nén tình cảm thật sự.
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rũ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?
Tác giả (và nhân vật) đã để tất cả niềm vui nỗi đau đích thực của mình vào trong các ẩn dụ ấy. Có thể nói đó không chỉ giản đơn là ẩn dụ mà còn là sinh dụ, hoạt dụ, tình dụ.
Những ẩn dụ quen thuộc làm người đọc không cần giải mã ẩn dụ, mà tức khắc chuyển sang đồng cảm. Loại ẩn dụ này là một yếu tố tạo thành văn bản "dễ đọc" cho công chúng. Người ta có thể đọc Truyện Kiều như đọc ca dao rất đỗi thân thuộc, gần gũi.
Tất nhiên trong Truyện Kiều cũng có những ẩn dụ khô khan như:
- Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong
Dù khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
Hoặc: Khen: Tài nhả ngọc phun châu
Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này.
Hoặc Tay tiên gió táp mưa sa,
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.
Đó là những chỗ lời nói nhân vật chưa được tự nhiên do mới tiếp xúc với nhau buổi đầu, mới có tính cách xã giao, đưa đẩy hoặc do nhà văn có vẻ tán tụng nhân vật của mình, chứ chưa sống vào tâm hồn nhân vật.
Ẩn dụ trong Truyện Kiều cũng đồng chất với so sánh trong Truyện Kiều, là so sánh biểu cảm, chứ không phải so sánh nhận thức. Chẳng hạn:
Thiếp như hoa đã lìa cành
Chàng như con bướm lượn vành mà chơi
Do đó chúng tôi tạm thời không xem xét riêng.
Nghiên cứu ẩn dụ trong Truyện Kiều có thể thấy rằng Nguyễn Du như các nhà thơ trung đại nói chung, không có dụng ý đi tìm ẩn dụ hoàn toàn mới mẻ mà là dùng một cách mới, sáng tạo lại các ẩn dụ, so sánh…. đã có trong thi văn truyền thống. Ông đã tiếp nhận kiểu ẩn dụ trong thơ Đường và trong tục ngữ, ca dao theo hướng ẩn dụ biểu hiện tính chất và biểu cảm làm cho lời văn Truyện Kiều thêm thi vị và chứa chan tình cảm.
(1) Lê Trí Viễn (nhiều tác giả) Giáo trình văn học sử Việt Nam. NXB Giáo dục Hà Nội, 1962, tr.208-209.
(2) Diệp Khê Mật. So sánh và ẩn dụ trong thi pháp Trung Quốc và phương Tây. "Văn học so sánh" kỳ 3, năm 1987
(3) Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường, Trần Đình Sử, Lê Tẩm dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000tr.266,269.
(4) Xem mục “Cái nhìn nghệ thuật” ở chương trước.
Nguồn: vanhoanghean.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét