Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

THĂM THẲM MỘT TÌNH YÊU HÀ NỘI

 

THĂM THẲM MỘT TÌNH YÊU HÀ NỘI

           Đọc Hà Nội và tôi của Vũ Ngọc Tiến, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020

                                      Vũ Nho

 Những năm gần đây, có một số nhà văn gốc Hà Nội, quan tâm đến Hà Nội của mình  đã viết nhiều về thành phố này. Trong số đó phải kể đến các tên tuổi đáng chú ý như  Đỗ Phấn (Ngồi lê đôi mách với Hà Nội, Ngẫm ngợi phố phường, Đi chơi bờ hồ,  Bâng quơ một thời Hà Nội,…) , Nguyễn Trương Quý (Tự nhiên như người Hà Nội, Hà Nội là Hà Nội, Còn ai hát về Hà Nội,…), Bảo Sinh (Bát phố), Trần Thị Trường  (Phố hoài),… Và bây giờ là Vũ Ngọc Tiến.

          Cuốn sách có nhan đề “Hà Nội và tôi”, như vậy Hà Nội được cảm, được nhìn, được miêu tả, đước đánh giá  qua lăng kính của nhân vật tôi – nhà văn Vũ Ngọc Tiến. Nhân vật ấy từ thuở ấu thơ  sống giữa những người thân trong gia đình,  sống cùng bè bạn học cấp 1, cấp 2, rồi vào Đại học. Và trở thành kĩ sư, nhà văn, qua tuổi thất thập. Lúc nào cũng  đau đáu về những con người, những vẻ đẹp văn hóa Hà Nội, nhưng thăng trầm của thành phố ngàn năm tuổi từ thời Pháp chiếm đóng, qua thời hòa bình, qua cuộc kháng chiến chống Mĩ cho đến thời mở cửa hội nhập với khu vực và thế giới.

          Chúng ta từng biết đến truyện ngắn “Một người Hà Nội” rất nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải, dựa vào nguyên mẫu bà Tuyết Chi là cô họ của nhà văn. Theo Nguyễn Khải thì đó là “hạt vàng” của đất Hà Nội.

          Trong sách này của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, hình ảnh của bà Tuyết Chi được khắc họa khá chi tiết trong bài “Hà Nội có bà Nguyễn Du”. Ngoài hình ảnh bà Tuyết Chi, nhà văn còn nói đến những người Hà Nội khác trong 23 bài viết của ba phần Hoài niệm Thăng Long,  Muốn quên một thuởTrăn trở hôm nay.

          Trong số những người Hà Nội được tác giả phác họa chân dung, có những người  lương thiện, đứng đắn, lịch lãm của một Hà Nội thanh lịch, hào hoa. Như là  những người trong gia đình nhà văn, doanh nhân Mỹ Bảo, mẹ nhà văn, ông thứ trưởng Tư Cóc,  “Bà Nguyễn  Du”, ông già tìm hoa trong rác, ông PTY đi tham gia kháng chiến, anh chàng Chung có giọng tenor “rất bay và sáng đẹp hơn cả Trọng Nghĩa”, có Ba Toác, có Hải “chichomex”, có Lê Mai – một nhà văn Hà Nội, Ông Phúc Phật quê Gia Viễn Ninh Bình, anh bạn giám đốc quen tình cờ trên đồi thông  (Lục hòa). Đồng thời có cả những người  giàu có, lắm tiền nhưng chây ỳ, quỵt nợ như  bà Phúc Toàn; có người làm nghề phe phẩy như  bà Tuyết Phe; có kẻ cầm đầu lưu manh móc túi như Tâm Sứt; có người tù ngổ ngáo anh chị như Bôn Tây;  có họa sĩ VP sa đọa trác táng hoàn lương  (Ngôi nhà chung và chàng họa sĩ);  có kẻ lưu manh, từ chủ đề, phất lên, buôn bán -  kể cả “buôn vua”, khoác áo trí thức như Đại Vĩ (Cái chết của một đại gia). Tay hiệu trưởng vốn là “gã đánh trống” gian manh  gặp thời,  Tâm, kẻ lừa tình giờ là “sếp cỡ bự trên thành phố” (Ngoại tình tuổi năm mươi).

 

 

          Không  lên giọng tụng ca thái quá, cũng không oán hận hay chì chiết, khinh miệt, Vũ Ngọc Tiến cứ khách quan, trung thực dựng lại chân dung của họ, làm nên hai mảng sáng – tối, đẹp –xấu,  văn hóa, thanh lịch- phản văn hóa, thô kệch của một Hà Nội mà tác giả yêu đến the thắt con tim.

          Trong số những người phụ nữ của Hà Nội xưa,  để lại ấn tượng mạnh mẽ là bà Tuyết Chi, người phụ nữ đảm lược, thông minh. Bà là “hình mẫu lí tưởng về một phụ nữ Hà thành xưa vẹn đủ Công – Dung – Ngôn – Hạnh, một nữ doanh nhân giỏi giang, lịch duyệt” (tr. 55). Chẳng những bà là người tạo lập “Salon văn học” đầu tiên của Hà Nội, quy tập những nhà văn tài danh đương thời như Lan Khai, Thạch Lam, Ngọc Giao, Hồ Dzếnh,  Thâm Tâm, Nguyễn Bính,… mà khi cửa nhà sa sút do các chính sách quản lí trường học và xuất bản, bà đã nghiên cứu làm hoa nghệ thuật, có thu nhập cao, nuôi dạy con cái phương trưởng…

          Người thứ hai là mẹ của nhà văn, được nhắc đến trong hai mẩu chuyện “ Mẹ tôi” và “ Hai người đàn bà bán muối”. Mẹ nhà văn là một người kinh doanh thành đạt, có bạn hàng “rải khắp các thị xã miền Trung, từ Vinh vào Đà Nẵng”. Bà là người yêu nước “ Mẹ góp tiền, vàng vào ngân khố quốc gia năm Ất Dậu và cả vạn tiền Đông Dương mẹ bỏ ra cho bố mua công trái kháng chiến để chính phủ đánh Tây”. Do thời thế thay đổi gia đình trở nên túng bấn.  Từ một nhà kinh doanh, bà đã tập gánh gồng để gia nhập hợp tác xã ngành giấy. Nhà nghèo, mẹ đã có sáng kiến bán muối lộc  với lời rao hấp dẫn “ Muối đây… ơ muối đây…Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi, tài lộc đầy nhà, hoa đơm quả phúc, đức tụ bền lâu! Muối đây… ơ muối đây!”. Số tiền bán muối lộc “Có mấy tiếng đồng hồ, thu lãi bằng nửa năm lương làm ở tổ hợp tác, can cớ gì phải sĩ diện”! Thật  đáng khâm phục sự bền bỉ và nhạy bén!

          Những người tốt là những người trong mọi hoàn cảnh khó khăn, vẫn tìm ra giải pháp để vượt lên, vừa làm ăn lương thiện, vừa góp phần đảm bảo kỉ cương xã hội. Những người đó chính là vẻ đẹp của một Hà Nội hào hoa, thanh lịch.

          Nhưng nếu thành phố Hà Nội có mặt sáng, thì vẫn có những mặt tối, có nét đẹp, thanh lịch, hào hoa, thì vẫn có chỗ chưa đẹp, chưa thanh lịch. Cả  về con người cũng vậy. Như đã nói ở trên, Hà Nội còn có cô Phúc  “giàu mà chẳng sướng, lắm tiền mà vẫn bị coi rẻ” (Bà Phúc Toàn); còn có “Bà Tuyết Phe”, “khẩu xà tâm Phật” giúp đỡ người nghèo, nhưng phải tự tử vì bí mật cuộc đời bị phát hiện. Còn có chàng họa sĩ VP sa đọa quyết tâm làm lại cuộc đời. Tâm Sứt, Bôn Tây đều là những thành phần bất hảo, có cuộc đời thăng trầm.

          Trong truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải, bạn đọc chỉ biết một cô Hiền, nhân vật được hư cấu dựa trên nguyên mẫu là bà Tuyết Chi, thì nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết về bà Tuyết Chi ở dạng truyện kí, với các tư liệu chân thật từ bạn thân của bà, bà Minh Mỵ; từ những tư liệu của cô con gái của bà Tuyết Chi là chị Hương Quân. Tất cả các nhân vật “người Hà Nội” khác, dù tốt hay xấu, nhà văn đều có  biết, hoặc có quan hệ  xóm phố hay gần gũi bạn bè, nên họ được kí họa thật sống động, trung thực. Qua những con người cụ thể ấy, bạn đọc biết được một Hà Nội  nề nếp, kỉ cương, thanh lịch; một Hà Nội  bắt đầu nhốn nháo, xô bồ,  pha tạp; một Hà Nội vượt qua thời bao cấp phát triển, mở cửa vừa đáng mừng lại vừa đáng lo ngại…

          Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến nhân vật “tôi” là người phát ngôn cho nhà văn trong cuốn sách này. Đó là một chú bé con nhà danh giáo, được gia đình dạy dỗ cẩn thận, chu đáo. Chú đã từng là bạn thân thiết  thời trẻ với   những người bạn như Tư Cóc (Sau này làm Thứ trưởng), họa sĩ VP thuộc “giai tầng quý tộc”, chàng Tâm Sứt con bà cụ không biết chữ bán dưa gang muối; là hàng xóm với bà Tuyết Phe,… Mặc dù  “tôi” tự nhận “ chỉ là thằng kĩ sư quèn, nghèo rớt, thần thế không có” (trang 117 -118) không giúp gì được ai, nhưng thực tế đã giúp rất nhiều người với tấm lòng thiện lương của người Hà Nội. Bằng tình yêu sâu thẳm với những thân phận người,  nhà văn ca ngợi  những tấm lòng nhân hậu, những phẩm chất thanh cao của những con người Hà Nội thanh lịch, hào hoa. Ngay cả với những người bị thành kiến xã hội coi thường, khinh ghét như bà Tuyết Phe, tác giả  vẫn nhìn thấy mặt tốt đẹp, lương thiện. Trước cái chết của bà, nhà văn day dứt “  Bà Tuyết Phe tự tử hay cuộc đời này hại chết bà? Tôi vẩn vơ tự hỏi, lòng trĩu buồn!...” (trang 103). Có những người tưởng như là xấu, là mưu mẹo như Bình Cá Gỗ, nhưng đó lại là con người tốt, làm lợi cho cá nhân và lợi cho tập thể, đến mức học theo nhân vật của Nam Cao, nhà văn thốt lên : “Tài, tài đến thế là cùng, tiên sư thằng Bình Cá Gỗ!” (tr.93). Quả nhiên, con người  đa tài lắm tật ấy đã  anh dũng hy sinh cho đất nước vẹn toàn lãnh thổ. Nhân vật “tôi”  là người đi nhiều,  quen biết rộng, hiểu biết khá sâu về những kiến thức sách vở  thể hiện ở việc bàn luận về hoa lan (Tản mạn hoa lan). Đồng thời cũng thấu được những mưu mô mà con người  đặt  bẫy để  hại nhau . Trước băn khoăn về việc người bạn từ chối nhận nhà có giá hàng núi tiền, nhà văn đã nghe bạn giảng giải “Mày quên tao là thằng Tư Cóc rồi hả? Đó là cái bẫy đưa tao vào rọ, cản bước tao lên Bộ đấy nỡm à. Họ phân nhà cho tao, nhưng lại sai  vài thằng đệ tử viết sẵn đơn tố cáo Viện trưởng lạm dụng chức quyền vơ vét lợi riêng cho mình, tao đâu có ngu, biết tỏng hết. Tao trả lại quyết định phân nhà, nói rõ mình đã có nhà của cơ quan vợ phân rồi, suất này xin nhường cho người khác” (tr. 41). Chính nhân vật “tôi” đã tham gia đề tài Tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) và trăn trở nhiều về đời sống của người nông dân (Chuyện ở một làng quê sơ tán). Và với tình yêu thăm thẳm  thành phố Hà Nội mến thương, nhà văn đã viết cả một bài dài năm 2008  Làm gì với Hà Nội mở rộng”, trong đó nêu những kiến nghị rất cụ thể. Thật tiếc khi  hình như  chưa có nhà lãnh đạo Hà Nội nào để mắt đến  bài viết tâm huyết này. Và tác giả viết thêm phần vĩ thanh vào năm 2020 : “Hà Nội cần phát triển, hiện đại hóa, nhưng không thể bằng mọi giá. Chất lượng sống của người dân mới là điều quan trọng nhất, là cái đích ta hướng tới một thủ đô văn minh, hiện đại trong thế kỉ 21” (tr. 238).

      Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã dành những lời   trân trọng cho cuốn sách trong bài viết “ Lời đầu sách”. Tôi đồng cảm với nhiều nhận xét và đánh giá sâu sắc và tinh tế của ông. Đặc biệt là những dòng này:

          Hà Nội và tôi” thực sự là một cuốn sách quý và quan trọng. Đó là 24 câu chuyện trung thực về những con người đã và đang sống trong chính mảnh đất này, nhưng bằng một cái nhìn khác biệt cùng với những phần sáng tạo nhuần nhuyễn, tác giả đã làm cho người đọc thấy hiện lên một Hà Nội trong chiều sâu của cảm xúc và tư tưởng. Cuốn sách sẽ làm thức tỉnh những con người đang rời xa những vẻ đẹp đã làm nên Hà Nội nói riêng và làm nên xứ sở này nói chung” (trang 11).

                                                Hà Nội, 19 tháng 8 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét