Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

MÙA HOA GẠO

MÙA HOA GẠO

Cụ Gạo ở xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tình Thái Bình có mấy trăm năm tuổi, là cây di sản quốc gia đã qua đời vì cơn bão số 2. Xin chia buồn với nhân dân xã Thượng Hiền,  các thi nhân Miền Cổ Tích!

Xin giới thiệu bài tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung, một con dân của xã như một nén nhang tiễn biệt!

vunhonb.blogspot.com

 

Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung

 

Cứ độ tháng ba, tháng tư, là tôi lại nao nao nhớ mùa hoa gạo. Không hiểu tại sao, người xưa lại đặt cho loài cây cổ thụ cái tên giống như tên hạt vàng nuôi sống con người này. Làng tôi có khá nhiều cây gạo, nhưng đáng được lưu danh nhất là "ông" gạo xóm Tám và đặc biệt là hai "cụ" gạo Đình Trung.
Bà nội tôi kể rằng: khi bà còn bé tý, hai cây gạo to sừng sững có gốc sù sì hàng chục người ôm đã hùng vĩ, oai phong như thế này rồi.Đêm nằm gối đầu lên tay bà, tôi nghe người kể những truyện ngày xửa, ngày xưa...Theo lời bà tôi: Vùng quê tôi xưa nghèo lắm, cứ đến mùa "lộc đa hoa gạo" là mùa đói khát và bệnh dịch. Có những đận tháng ba, bao người bỏ làng ra đi phiêu bạt kiếm ăn. Có nhà mang theo những đứa trẻ. Khi lớn lên, và cha mẹ cũng qua đời, muốn về quê cha đất tổ mà chẳng nhớ nổi tên làng, chỉ nhớ hai cây gạo cổ thụ có hoa đỏ ối ở tỉnh "Thái" mà lần tìm được quê. Bởi lẽ, tìm được hai cây gạo cổ thụ hùng vĩ, qua bao thăng trầm bão gió, chiến tranh ...như cây gạo làng tôi, cả vùng đồng bằng bắc bộ còn chưa hẳn cơ hồ đã có được, nói chi "tỉnh Thái" của tôi.
Rồi tôi nín thở nghe bà kể về thời bà còn trẻ, chính mắt bà đã được xem chức sắc và trai đinh hàng phủ rước quan nghè vinh quy bái tổ. Bất chợt trời mưa, đám rước đông nghịt cờ lộng quần áo xanh đỏ ẩn dưới gốc cây gạo, mà...tịnh vô chả ướt ai sất...!Và mỗi lần dưới gốc cây, bao giờ tôi cũng hình dung ra bàn tay khổng lồ của các vị thần. Đã đôi lần, tôi cố tình chờ cơn mưa bất chợt mà đứng dưới gốc cây để...chờ bàn tay thần linh...Tôi kể chuyện này cho tụi bạn tôi nghe, đứa nào cũng tin hết !
Có những trưa hè, ngồi hóng mát dưới bóng cây na dại, bác tôi lại kể về "ma cây gạo":tầm canh ba, các cô gái làng đi bán gạo hay vào đồng gặt lúa thường..."giáp mặt" các loại ma, quỷ ...Khi tàng hình là một người đàn bà áo trắng,tóc dài đến gót chân, chải tóc, lúc thì hóa ra người đội nón rách, áo tơi ra đi từ cây gạo, hoặc vắt vẻo ngồi thổi tiêu trên cành cao... nhưng mà chả hại ai bao giờ. Dù rất sợ ma quỷ nhưng sức hấp dẫn của cây gạo Đình Trung vẫn mê hoặc bọn trẻ con chúng tôi. Có một đứa quả quyết rằng: "ma làng" thật ra cũng chỉ là những người làng ta ngày trước, chết mà thành. Họ cũng vì yêu ...gốc gạo mà lần trở về, vui chơi như hồi còn sống, nên không có gì...đáng sợ! Bao năm tôi cứ suy tư về câu nói ngày ấy của người bạn mục đồng và lạ thay càng về già tôi càng thấy... có lý!

                                                 Tâm Dung



Cũng theo lời một lão gia trong làng: Đã có những "nhà phong thủy" tìm về quê tôi, sau khi ngắm nghía thế của cây cổ thụ hồi lâu, rồi chắp tay vái đều "phán" rằng: Đất linh kiệt là nhờ hai "cụ" gạo.Thế song long của cây linh nói lên dấu hiệu đất này là đất học, người làng này thông tuệ, trí dũng, anh minh, mà thủy chung sau trước, chẳng bao giờ chịu khuất phục trước phong ba bão táp, trai tài gái đảm ít đâu bằng, Dù đi đâu rồi cũng tìm về cố hương.
Ai thì không biết, nhưng riêng tôi thì tôi thấy đúng! Ngày xưa, khi còn ngôi đình cổ, đường làng phải đi vòng sau đình. Hai cây gạo uy nghi, nghênh ngang tọa lạc ở sân đình. Bóng của nó che khuất mái đình cong cong và cả một khoảng không gian rộng. Mùa hè thì mát vô cùng. Người lớn, trẻ con thường hay tụ hội dưới tán râm mát như "cái rạp" bằng cành lá khổng lồ trời cho mà làm đủ các trò mình thích.Trẻ con, mùa hè chơi khăng, đánh đáo, mùa đông thì nhảy dây, đánh luyến và khoái nhất là trốn tìm...Và đôi lần, người ta còn bắt gặp, thoáng bên phía khuất của gốc cây khổng lồ chiếc nón lá nghiêng nghiêng, nửa như che khuất, nửa như muốn khoe cặp má thắm và khóe mắt rớm lệ của cô gái làng tiễn người trai của mình đi xa cùng lời thì thầm hò hẹn, có lẽ chỉ có cụ gạo đáng kính mới nghe được họ nói với nhau những gì! ...Tôi dám chắc, trong bao bức thư tình họ gửi cho nhau, thế nào cũng có bóng hình cây gạo trong những vần thơ...Nhìn vào những tảng bướu, cái thì cỡ bằng cót thóc, cái thì ước bằng cái trống cái, cái lại bằng cái chum, cái nón, có cái chỉ bằng cái cối lon...đã đủ thấy sự từng trải hùng vĩ của hai cụ tổ gạo làng tôi.
        Mùa này, hoa gạo đỏ ối, "cụ gạo" châm lửa đốt trời! Rồi "cụ" lại ban phát cho con trẻ làng tôi niềm vui nhặt những bông hoa đỏ thẳm làm trò chơi. Chúng tôi nửa ngày đi học, nửa ngày ở nhà phụ giúp cha mẹ việc nhà.Giờ là đang mùa hái rau tập tàng, bồng khoai ngứa, khoai lang và mùa cua rốc béo vì màu lúa. Có mưa xuân về, các loại rau hoang lên xanh mướt như nhung, cua thì đầy gạch vàng ươm. Sau khi đã hái được mấy "sải", đủ cho bữa ăn. Hoạc khi đã mò mề ở đồng để "trẩn" vào cạp quần những con cua rốc mẩy tháng ba, chúng tôi lại rủ nhau nhặt hoa gạo. Những bông hoa to như vốc tay của bác lực điền, cánh dầy, đỏ thắm, láng bóng, gói bên trong la nhụy vàng tươi tỏa mùi thơm hăng hắc nam tính...Vì trong mắt chúng tôi, cụ gạo là hai..."cụ ông"!...
Đến cữ cuối thu, đầu đông là mùa quả gạo chín. Những quả khô nâu sẫm từ trên cành cao vời vợi theo gió heo may mà nhẹ nhàng buông mình.
Có quả khi giáp đất hầu như vẫn còn nguyên vẹn, nó lăn lăn vài vòng điệu nghệ trên cỏ xanh, khi dừng lại thì hé mở, lộ một chút bông trắng muốt nõn nà như khóe miệng cười duyên, khoe hàm răng trắng muốt đều tăm tắp của những người đàn bà đẹp quê tôi. 
Cũng có những quả dường như hơi vội vàng, nóng ruột, trong khi tạm biệt cành mẹ, đã mở toang đôi tà áo nâu mà xổ bung ra xòe vô vàn những chùm tơ trắng muốt, tựa hồ như trò chơi của những nàng tiên tung bao chùm hoa tuyết từ xứ sở nhà trời. Dụ những cô bé, cậu bé mắt long lanh, xòe tay hứng, mà gió thì chẳng chiều lòng, nên cứ trêu đùa thổi tạt đi, để cho bàn chân em líu ríu dễ thương đến ...Không chịu nổi. Ngày ấy, tôi là một trong những cô cậu bé con đó. Tôi gom nhặt những  "cánh hoa trời" đó làm đồ hàng, chán chê rồi đem về cho bà để bà nhồi thêm vào chiếc gối bé tý làm tuyền bằng bã chè phơi khô cho tháng sau cả nhà tôi đón em bé...
           Ôi! Kỷ niệm ấm êm một thời của tôi!
Bây giờ đang là tháng tư tây và là tháng ba theo lịch của các cụ, chắc trẻ con vẫn quấn quýt bên cây gạo và nhặt hoa chơi. Để rồi các em sẽ lại giống như chúng tôi, giấu món quà vô giá của đất mẹ Rãng Thông vào một nơi trang trọng trong trái tim mình. Cảm xúc đó suốt đời mang theo và truyền lại như món quà tặng cho thế hệ mai sau…Theo điều tra của các nhà sinh vật học quốc gia, tình đến thập niên ba mươi của thế kỷ hai mốt, hai "cụ" gạo làng tôi đã tọa lạc trên mảnh đất này non nửa thiên niên kỷ. Là một minh chứng sống cho lịch sử ngôi làng cùng bao thăng trầm của xã hội và bao kiếp người trong cõi tạm bể dâu...
Việc được nhà nước cấp bằng công nhận  "Di sản văn hóa" cho hai cây gạo cổ luôn là niềm tự hào, kiêu hãnh của người dân quê tôi. Từ bao năm nay, hình ảnh hai cây gạo đã gắn bó máu thịt với làng tôi. Nó hòa vào dòng chảy tâm linh, phong tục tập quán, nếp ở ăn cũng như văn hóa của làng. Và nó là đề tài cho bao tác phẩm thi ca, nhạc họa, tranh ảnh...


"Tôi lại về với hoa gạo tháng ba
Cây luôn trẻ tưng bừng thắp lửa

Em bên tôi nụ cười rạng rỡ
Vẫn vẹn nguyên cái thuở ban đầu"
(Trích: Trường ca Làng - Thường Dân)


Đã lâu rồi, mùa hoa gạo nào, chúng tôi cũng về thăm quê. Về để ngắm nhìn cây gạo - biểu tượng kiêu hãnh của làng minh, để được chiêm ngưỡng những cành cây lực sĩ vươn xa như những chiếc cần cẩu khổng lồ đỡ cho cành xanh lá tốt. Về để đắm mình vào không gian cổ tích mà ông bà, cha mẹ đã giữ gìn cho ta. Về để lại nhặt những bông hoa gạo và tưởng mình vẫn là cô bé, cậu bé ngày nào, mà quên đi bao nỗi đắng cay, tủi hờn nơi đất khách. Về để nhớ, để thương để tự hào nơi mình đã sinh ra. Và về để khắc ghi hình ảnh đẹp hùng tráng của mùa hoa gạo như ngọn đuốc bung đỏ, vươn mãi mây xanh, thắp sáng niềm tin, vẫy gọi chúng ta về với mẹ.

                                              2-4-2016

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét