HÀI TRONG THƠ NGUYỄN THỊ MAI
Tập thơ “ Thơ từ tin nhắn” thơ in nội bộ của Nguyễn Thị Mai
Vũ Nho
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai, người “tảo tần bến thực bến mơ” vừa ra mắt tập thơ
“Thơ từ tin nhắn”. Cái đặc biệt của tập thơ này là phần lớn các bài đều ngăn ngắn, ngắn, hoặc rất ngắn. Bởi vì nhắn tin, nhắn thơ thì không thể nhắn dài. Nhưng còn đặc biệt hơn nữa vì đây toàn thơ vui, thơ hài. Tác giả gọi bằng tên “thơ đùa vui, thơ hài”. Một bạn đọc khi đọc xong tập thơ này đã ứng tác gửi qua tin nhắn:
“Thơ từ tin nhắn” Nguyễn Thị Mai
Tác giả khẳng định thơ hài chính tông
Có nhiều nỗi vui trong lòng
Nên nhắn đến bạn chỉ mong bạn cười
Để cho đỡ nhạt vị đời
Để bạn cảm thấy…yêu người nhắn thơ
Yêu ở đây chắc là yêu mến, yêu quý thôi! Vì ai ai cũng biết nhà thơ U 70 đã có cháu gọi bằng bà. Và bà đi “hò hẹn” thì đứa cháu cứ bám bà chằng chằng như để “giám sát” :
Bà đi hò hẹn sáng nay
Bế thêm thằng cháu trên tay bồng bồng
Tóc nâu, môi đỏ, má hồng
Trái tim bà cũng phập phông nỗi yêu
Khổ chưa thằng cháu quấy nhiều
Bi bô át cả những điều bà mơ
Muốn biết cuộc hò hẹn thế nào, chàng là ai, có vượt qua thằng cháu không, xin xem cả bài thơ ở trang 82 sẽ rõ.
Tập thơ có hai phần. Phần thứ nhất gồm 93 tin nhắn bằng thơ, ngắn nhất chỉ hai câu, dài nhất là bốn câu. Tuyền lục bát.
Phần thứ 2 là những bài thơ vui, gồm 10 bài, có nhan đề hẳn hoi. Ngắn nhất là 4 câu. Dài nhất là 26 câu. Cũng tuyền lục bát. Có thể coi tập thơ này là “đặc sản” lục bát. Chắc vì thế mà có lần nhà thơ rất hăng hái ủng hộ vận động lục bát là “Quốc thi” của nước Việt chăng?
Ở đây, bạn đọc có thể thấy đủ các cung bậc tâm trạng “vui đùa, trêu chọc, tự trào hoặc có khi còn là tự ái vặt đáng yêu” của tác giả, như trong lời “Thưa rằng…” ở đầu sách.
Đây là phát hiện việc “nấu cháo” điện thoại không hiếm trong các thi nhân:
Gọi bồ bằng máy của con
Thảo nào “nấu cháo” véo von không dừng
Bài (Từ đây chúng tôi chỉ ghi tắt là B) 4
Còn đây là lời trách nhẹ bạn buôn tin nhắn:
Dạo này người bận thế a
Mà không tin nhắn la cà thăm nhau?
B.10
Thế mới biết “lơ đãng, bỏ bê thì bị trách, nhiệt tình thái quá cũng xơi chê”:
Bây giờ mới nhớ đến ta
Một ngày gọi điện thiết tha mấy lần
Người hư như đã ngoan dần
Tự ngoan hay bởi đang cần sẻ chia?
B. 22
Tâm trạng vui thì thành ra các mẩu tin bằng thơ vui, tếu táo, khôi hài.
Ngày em ra biển lạnh trời
Chân ngâm dưới nước hồn bơi trên bờ
B.1
Không thể không nhớ tới chuyện đi biển của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã vào thơ vui:
Tắm ngày nắng, bơi ngày mưa
Ngâm chân như thể là chưa ngâm …gì
và
Sáng ngày ra biển ngâm chân
Còn ngâm những cái vân vân ở nhà
Hóa ra tâm hồn các nhà thơ thích đùa dễ gặp nhau.
Trên mạng FB không ít người có nickname không trùng tên thật. Bởi thế cũng dễ tán tỉnh thoải mái vì chỉ là một người vô danh thôi mà. Tôi đồ rằng có bác cù lần đã cam đoan rằng đến kiếp sau sẽ quyết yêu bằng được người đẹp. Chắc nhận được tin nhắn này thì chạy mất dép, chạy rơi răng giả:
Có người mơ đến kiếp sau
Sẽ cùng người đẹp yêu nhau trọn đời
Thông tin mới nhất của Trời:
“Kiếp sau không có. Chờ thời là ngu”
B.11
(Ông Trời chắc bực quá về sự lằng nhằng nên phán nghiêm thế. Nhẽ ra chỉ mắng “Chờ thời là Hâm” cũng là quá đủ!).
Cái chuyện “hẹn hò” trên FB cũng đem lại cho người đọc không ít chuyện vui hài, tếu táo. Nhà văn Nguyễn Hiếu có cả một truyện ngắn hài về đề tài này. Nhà giáo Nguyễn Lương Vinh thì có thơ hài:
Thơ tình anh anh em em
Cớ ngon, ngọt sớt, thân quen lắm rồi
Gặp em, anh ngã ngửa người
Em tám mươi tuổi, anh ngoài sáu mươi
(Ngọt thơ)
Còn đây là chuyện “hẹn hò” trong thơ hài Nguyễn Thị Mai khi mà chỉ quen qua mạng, chưa biết mặt, điện thoại lại mất sóng :
Đón nhau ở bến xe đò
Mặt chưa biết mặt, sóng dò không ra
Thấy toàn máy bay bà già
Phi công trẻ lái xe ra lại về
B.5
Có cảm giác chuyện gì cũng có thể thành thơ hài, thơ tếu, thơ vui. Phải là người thích hài hước, có tâm hồn hài hước, con mắt hài hước mới cảm nhận và dễ dàng thành thơ như thế. Này nhé, cùng chơi chữ tí nào:
NGƯỜI YÊU DẤU, là… yêu thầm
Là không lộ bí mật hầm ở đâu
B.47
Nhân ngày THẦY THUỐC NƯỚC TA
Chúc anh mạnh khỏe, trẻ ra, nhiều tiền…
Nên chăng chỉ như BỐ HIỀN
Anh mà MẸ HIỀN, thì vợ thừa ra
B.44
CẦN THƠ thôi để về sau
Khi tim thình thịch ngực nhau mới …CẦN!
B.34
Đùa nhà thi sĩ cao tuổi làm thơ tình tí cho phấn chấn nha:
Mắt mờ nhưng trái tim non
Đến miền gái đẹp lon ton ghép vần
B. 54
Trêu anh chàng đào hoa lắm em Hồng, em Tuyết, em Hương, khuyên chớ ra đường ngày lễ tặng hoa:
Người ta chỉ một em xinh
Còn anh hàng mớ…phí tình chết toi!
B. 71
Hơi nghịch lí nhưng mà thật đấy nha:
Công viên thì ở rất gần
Nhưng mà người cần tâm sự lại xa
B. 51
Không thể không liên tưởng đến câu lục bát của nhà thơ Hương Thầm về cái sự xa - gần đó:
Người tôi yêu đã đi xa
Người yêu tôi lại ở nhà. Chán ghê!
Thơ Nguyễn Thị Mai nói chung giàu nữ tính, trong thơ hài cũng thế. Nhưng ở đây còn có cái tinh quái của người hiểu đời, cái hóm hỉnh của người hay nghịch, nhất là chỉ đùa nghịch ngôn từ.
Không thể không hãi khi nàng thơ hài tuyên bố tỉnh queo:
Chúng mình đã trót cầm tay
Thì thêm một cái hôn này đã sao?
B.46
(Chắc là đang bốc máu liều nên quên béng lời thơ “Thêm một phiền toái thay!” của chàng thơ lãng tử Trần Hòa Bình!).
Còn đây nữa :
Xin chàng bình tãnh chớ run
Chúng em nữ quái chỉ hun thôi mà
B. 75
Khiếp! Vâng, nữ quái! Quái như thế cho nên đến Nha Trang, nàng đã làm cho chàng Đá Hòn Chồng toát mồ hôi hột:
Cho em làm vợ mấy ngày
Để em biết nỗi đắm say Đá tình
Hòn Chồng vạn tuổi lặng thinh
Bông mồ hôi toát, rùng mình động khơi
( Đùa với đá Hòn Chồng – Nha Trang)
Nhà thơ đã thay các chàng rể để làm thơ hài về “Mẹ vợ”. Trước khi quyết định cưới:
Mẹ vợ mình duyệt đầu tiên
Trước khi quyết định xe duyên với nàng
( Mẹ vợ)
Ơ hay! Tại sao không phải là nàng, bố nàng, em nàng mà lại chính là mẹ nàng? Xin xem lời giải thích hài ở trang 78-79.
Cười mỉm, cười nụ, cười nhếch mép, rồi cười phá ra. Đảm bảo là người nghiêm ngắn, khó tính mấy cũng phải… cười khi đọc tập thơ này.
Nhìn vào truyền thống văn học Việt Nam, từ dân gian cho đến hiện đại, dòng văn học hài hước, trào phúng luôn liền mạch từ ca dao cười, truyện tiếu lâm cho đến các tác giả văn học viết như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tú Mỡ, Huyện Nẻ, Hồ Chí Minh, Đồ Phồn, Nguyễn Công Hoan,…Người Việt thích cười, vì cười là một nhu cầu tinh thần của đời sống. Tiếc rằng gần đây, mạch cười ít xuất hiện, nên văn chương của ta có vẻ nghiêm quá ( Thật ra thì có “Kim Kổ Kì Kuặc Kí” viết theo kiểu chương hồi của Trần N hương, và bộ ba “Chuyện của Phòm” của Lahan tức Đỗ Hàn). Nhưng thế là quá ít, chưa thể đáp ứng nhu cầu hài của bạn đọc.
Tôi đã khen thực lòng những bài thơ hài vui, tếu táo của Nguyễn Thị Mai. Nhưng đọc kĩ lại tập thơ bỗng giật mình phát hiện ra nàng Mai là người “Thích lời khen ảo”! Ôi! Thế là mình sai hết cả rồi! Đây nha:
Lời khen dào dạt, xuýt xoa
Ảo lời…ta cũng thăng hoa phiêu bồng
Mũi ta bánh rán phập phồng
Tim ta đập cả sang chồng sang con
(Thích lời khen ảo)
Ờ mà mình khen thực chứ có khen ảo đâu mà lo lắng nhỉ? Nhưng nhỡ đâu tác giả cứ khăng khăng xếp bài này vào lời khen ảo thì sao? Thì sao? Thì sao hả?
Thì cầu xin cho mũi nhà thơ vẫn lành và xin lỗi chồng , con tác giả! Chân thành xin một chữ đại xá! Dù thế nào thì tôi vẫn cho rằng tôi khen thực! Và viện dẫn câu thơ của cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo để trần tình : “Tin thì tin, không tin thì thôi!”
Hà Nội, ngày nóng kỉ lục 24 tháng 6 năm 2020
oh- hay quá bác ơi. Trúng lúc đang muốn thư giãn nên xin cóp mang về blog nhấm nháp.
Trả lờiXóaCám ơn anh đã ghé trang. Mời cop thoải mái!
Trả lờiXóa