Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

TIM NÚI VÀ TRÁI TIM THI SĨ

 

 

Tim núi và trái tim thi sĩ

(Đọc tập thơ “Tim núi’ của Trịnh Công Lộc, nxb Hội Nhà văn, quý III, 2019)

                                                                   Lê Hoài Nam

Được sáng tác trong ba năm, từ 2016 đến 2018, khi ấy tác giả cũng đã ở tuổi ngoai lục tuần, thơ đã ở độ chín, trầm tĩnh và lịch duyệt:…Gặp người già chầm chậm/ Lần đi từng bước một/ Mau đưa tay đón trước/ Như dìu đỡ mẹ mình/ Đi đường thấy người ngã/ Chẳng biết quê quán đâu/ Dang tay đỡ lấy họ/ Mình như bớt cơn đau/ Sinh ra cùng đất mẹ/ Lầm lỡ đến từ đâu/ Máu đã khô, đã tạnh/ Sao vẫn từ biệt nhau/ Biển giang tay đón trước/ Như sông kia bắt đầu (Đón trước)

Cuộc chiến tranh năm 1979, đang là giáo viên dạy văn của một trường THPT ở Quảng Ninh, Trịnh Công Lộc được điều động tăng cường lên  làm nhiệm vụ ở biên giới phía bắc, chứng kiến tất cả những gì mà cuộc chiến khốc liệt đã diễn ra. Sau gần bốn mươi năm nhớ lại con tim tác giả vẫn quặn đau.Nói về nỗi đau, tác giả không thảng thốt, gào thét hay mùi mẫm, bi lụy; anh nói bằng sự trầm tĩnh, nhẹ nhàng, có lẽ lối nói này mang hiệu quả lớn hơn:..Còn ai nguyên vẹn đâu/ Mà linh hồn siêu thoát/ Đêm đêm nghe tiếng thác/ Nước cũng nấc từng cơn/ Vẫn riêng có hoa thơm/ Phần máu xương gửi lại/ Hoa như nến thắp lên/ Thác còn thao thức mãi/ Thác gọi sông gọi suối/ Goi mây gần mây xa/ Bỗng đâu nghe tiếng lạ/ Vừa bay qua mái nhà…(Thác gọi)

Tôi rất thích hai câu cuối, nó được viết bằng cảm giác tinh tế, cái cảm giác mà chỉ người có trái tim nghệ sĩ mới có.

Không ít những bài thơ, câu thơ, thoáng đọc thì thấy nó có vẻ khuôn thước, khô khan, cảm xúc được giấu kín. Chẳng hạn, tác giả mô tả thu Hà Nội, đề tài mà đã nhiều người viết, nhưng anh vẫn gópmột giọng điệu:…Và đêm đêm ẩn hiện Cổ Ngư/ Thấp thoáng trăng soi mắt biếc/ Hoa sương nở khung trời dát bạc/ Nhè nhẹ lay dào dạt bên thềm…(Trái tim mùa thu). Như vậy, lối viết có vẻ cũ, nhưng ý tưởng và cảm xúc thì vẫn tươi mới. Chính vì cách viết ấy mà trong tập có khá nhiều câu thơ xuất thần, đọng lại trong trí nhớ bạn đọc:…Sợi duyên sợi chặt sợi bền/ Dệt nên hoa cỏ, dệt nên mắt người (Xe sợi tình yêu)…Em tìm ra biển rộng/ Mây vô lối trên đồng/ Gió lang thang khắp nẻo/ Cứ thổi vào hư không…Em tìm ra đường rộng/ Chưa đi đã hết ngày/ Đành thu vào gang tấc/ Vo chiều vào trong  tay (Chiều). Lá cây thì ở đâu chả có, lá nhiều và “tầm thường” đến nỗi người ta chẳng mấy khi để ý, nhưng trong cái nhìn của nhà thơ Trịnh Công Lộc thì nó không hề “vô tri vô giác”: Chẳng gì dễ gần hơn lá/ Từ vườn cây, ngõ xóm, lối đi/ Chẳng gì dễ thương như lá/ Khi vàng khô vẫn nhỏ nhẹ thầm thì…Gió mấy độ, mấy mùa với lá/ Lá bao phen đổ trận cuồng phong/ Gió cứ thổi chan chan mưa nắng/ Lá dịu dàng nhẹ mát như không (Lá).

Trong tập “Tim núi”, cái mảng thơ trữ tình chiếm số nhiều, nhưng không thể không kể đến phần thơ luận đề, hay còn gọi là thơ thế sự. Loại thơ này tưởng dễ viết nhưng viết cho hay thì rất khó. Trong tập thơ của Trịnh Công Lộc, cũng có bài viết luận đề chuyên chở triết lý chưa thật nhuần nhuyễn, song lại có những bài khiến chúng ta động lòng trắc ẩn.Trong cuộc sống đời thường có vay thì có trả, là chuyện đương nhiên trong quy ước giữa con người với con người và luật lệ của xã hội. Nhưng cuộc sống quanh ta không hiếm những người tự nguyện hiến dâng cái quý giá nhất mà không cần đòi nợ ai cả: …Những món nợ không vay đều muốn trả/ Cõi thẳm sâu đau đáu đời mình/ Khi cần trả lại trả bằng xương máu/ Nợ không đòi tự nguyện hiến dâng (Nợ). Từng là một quan chức cấp Sở, Ban, Ngành của tỉnh, nhưng Trịnh Công Lộc luôn đứng về phía nhân dân.Anh trân trọng tôn vinh vai trò của nhân dân đã hy sinh xương máu trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Anh quý trọng nhân dân trong cả khi đất nước không còn bóng quân xâm lược:…Điểm tựa lòng dân/ Lại gánh đỡ dặm dài đất nước/ Bát ngát những dòng sông phù sa trù mật? Rồng bay lên nhả ngọc đôi bờ (Điểm tựa). Anh nhìn thấy cuộc sống thời bình mà chưa hẳn đã bình yên: Và còn đây cuộc sống thời bình/ Cuộc chiến hồi sinh/ Mong qua mau/ Những oan khuất thương đau/ Sớm liền da thịt…(Điểm tựa). Anh nhìn ra một hiện thực đau lòng: …Trai trẻ lao vào hai cuộc/ Đánh giặc và mưu sinh/ Đánh giặc – máu tắm người/ Mưu sinh, khi mưa bom đã tạnh/ Nhưng mưu sinh dai dẳng hơn nhiều/ Chưa dự tính được ngày chiến thắng/ Bao giờ mái ấm, nhà êm!(Miền quê xa vắng).Nhưng tác giả không hề bị quan.Anh nhìn ra vẻ đẹp ngay cả những nơi chợ búa bình dân, thô mộc:…Còn chợ phiên vẫn ồn ào là thế/ Người gặp người, vừa lạ vừa quen/ Mua và bán, cũng nhân tình thế thái/  Giữa chợ trời cũng rành rọt, trắng - đen (Nợ).Chốn bình dân mà sòng phẳn, rạch ròi thế. Nhưng chốn công quyền thì sao?:…Bão đất, bão tiền trắng đồng, trắng chợ/ Nợ công đổ xuống vai gầy…(Điểm tựa), và vì thế tác giả không thể không khuyến cáo:..Thắng ta khó hơn thắng giặc/ Xin hãy siêng năng tắm gội/ Sạch sẽ công quyền/ Đừng để niềm tin chảy máu…(Điểm tựa).

Trong tập “Tim núi” còn có một số bài tác giả viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.Viết về lãnh tụ, nhiều người nhầm tưởng cứ ca ngợi là xong, ca ngợi bao nhiêu cũng không thừa.Nhầm to.Nếu ca ngợi bằng những ngôn từ reo vang, trơn mượt sẽ rơi vào mòn sào, giả tạo, gây cho bạn đọc sự phản cảm. Rất may, Trịnh Công Lộc đã tránh được kiểu viết ấy qua những vần thơ dung dị, nó dung dị như cuộc cuộc sống hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng những gì người làm cho đất nước, dân tộc thì lại vô cùng lớn lao. Đây là những câu thơ viết về người trong rừng Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp:

                             Chỉ một tiếng động khẽ

                             Sương cũng rảo rào rơi

                             Nắng lên, trời trong vắt

                             Thả ngọc xuống tay người…

                                                (Lán lá Bác ở đây)

Một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng người còn là một nhà thơ. Người rất yêu cảnh vật thiên nhiên, yêu con người cần lao. Người hiện lên trong tứ thơ huyền diệu này này như một ông tiên.Viết như thế là phù hợp.

Trịnh Công Lộc quê Thái Bình, bắt đầu cầm bút làm thơ từ khi anh mới học hết cấp hai.Anh trở thành hội viên của Hội VHNT Thái Bình ngay từ khi hội mới thành lập, còn anh thì vừa tốt nghiệp phổ thông.Anh ra Quảng Ninh lập nghiệp, rồi đi học đại học sư phạm Hà Nội, trở thành giáo viên dạy văn. Sau đó anh trải qua khá nhiều cương vị công tác như Quyền hiệu trưởng THPT, Trưởng phòng Văn hóa – thể thao, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban di tích Quảng Ninh. Hiện anh là biên tập của Tạp chí Lý luận văn học nghệ thuật, thuộc Hội đồng Lý luân văn học nghệ thuật trung ương.Ở cương vị công tác nào, anh cũng vẫn tâm huyết với công việc sáng tác thơ.  “Tim núi” là tập thơ thứ tư của anh. Trước đó là các tập: “Cánh buồm nâu”, 2011, “Mộ gió”, 2012, “Mặt trời đêm”, 2014. Bâì “Mộ gió” được nhạc sĩ Vũ Thiết phổ nhạc rất thành công.Trịnh Công Lộc là kiểu nhà thơ xuất hiện không ồn ào. Anh đi từng bước chầm chậm, nhưng vững chắc, và rồi cũng đến đích, đích ấy là hai chữ “nhà thơ” theo đúng nghĩa của cặp từ này.

                                                          Hà Nội, giữa đông 2019

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét