Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

NHỮNG CHUYỆN THẦY CHƯA KỂ !...

Đường Văn

NHỮNG CHUYỆN THẦY CHƯA KỂ !...

                CA KHÚC:  TRẦN THANH SƠN
   
Thầy kể về vầng trăng,
Trong ca dao, thuở nào…,
Thầy kể về cơn mưa,
Trên đồng ruộng bao la…

Vầng trăng vàng lục bát,
Ai mang xẻ làm đôi?!
Cơn mưa, từ câu hò,
Chập chờn,… cánh cò bay…!

Cũng có một vầng trăng,
Nhưng sao thầy chưa kể?
Những đêm ngồi soạn bài,
Ánh trăng lùa khuya khoắt?

Và dài những cơn mưa…
Thầy ơi! sao chưa kể!?
Đường mưa, thầy lặn lội,
Sớm chiều, với đàn em…

Bao nhiêu là bụi phấn,
Sao chưa kể, thầy ơi?!
Bao nhiêu là bụi phấn,
Sao không kể?... thầy ơi!?




LỜI BÌNH ĐƯỜNG VĂN

                                    KỂ & KHÔNG KỂ!?

          một giáo viên trải hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học, về hưu cũng đã dăm sáu mùa lá rụng, trong những dịp khai giảng đầu năm, bế giảng cuối năm và đặc biệt nhất là dịp kỷ niệm 20 – 11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam (Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, trước đây), trong tôi lại tưng bừng vọng vang bao bài ca hùng tráng và trữ tình, mỗi bài hay một vẻ, tụng ca cái nghề trồng người cao quý mình đã chọn và toàn tâm đeo đẳng một đời:

          Bài ca người giáo viên nhân dân (Hoàng Vân), Quà tháng năm dâng Bác (Hồng Đăng), Ước mơ xanh (Lệ Giang), Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (Văn Ký), Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu), Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu! (Nguyễn Văn Quỳ), Bài ca cô giáo trẻ (Hoàng Long – Hoàng Lân), Bụi phấn (Trần Đức), Em đứng giữa giảng đường hôm nay (Tân Huyền), Thầy tôi (?)…
                                                            ***
          Nhưng vào mùa kỷ niệm  20 – 11 năm Giáp Ngọ (2014) này, riêng tôi lại thấy rất cảm động khi được nghe giọng ca ngọt ngào, sâu lắng mà nồng nàn của 2 ca sỹ trẻ: Minh Ánh, Đoan Trang thể hiện ca khúc là lạ: Những điều thầy chưa kể của Trần Thanh Sơn, (đã được thu đĩa và pot lên trang mạng internet). Bài hát nhỏ nhẹ, sâu lắng, có sức cuốn hút và lan tỏa tự bên trong bởi giai điệulời ca hết sức dung dị, chân thành. Chọn giọng rê thứ (Dm) làm chủ âm, nhịp 2/4 làm nhịp chủ đạo là rất phù hợp với giọng thơ hơi buồn, lời ca – kể chuyện như đang thủ thỉ tâm tình, giãi bày vân vi của cô học trò nhỏ nhắn, dịu dàng hướng tới thần tượng lý tưởng của mình: người thầy giáo kính yêu và trăn trở bao điều băn khoăn của chính trái tim mình đang thổn thức. Lời ca đích thực là 1 bài thơ trữ tình – tự sự, thể 5 tiếng, có thể chia làm 2 đoạn:
          1. Kể về những điều thầy đã kể (khổ 1, 2)
          2. Băn khoăn, hỏi về những điều thầy chưa kể, không kể (3 khổ tiếp). Đoạn 1 chỉ để làm nền, phụ họa cho đoạn 2 (trọng tâm).
          Cảm hứngtứ thơ chân thật mà sâu sắc, độc đáo, vút lên và chuyển mạch vận động giữa 2 điều, 2 phạm trù tình cảm - nhận thức tương phản: có kể, đã kể (đã biết, đã hiểu) và chưa kể, không kể (chưa biết, nhưng muốn biết, muốn hiểu và trong thâm tâm, đã biết, đã hiểu).
          Qua đó, kịp thời hoàn thiện bức chân dung tâm hồn và tính cách ông thầy, người giáo viên nhân dân chân chính trong niềm cảm mến, kính yêu và ngưỡng mộ vô hạn của học trò.
          Chính những câu hỏi chừng như có vẻ đơn điệu, lúc cất lên thành cao trào, ngay sau đó lại võng, chùng xuống trong giai điệu và luyến láy mà không hề tạo cảm giác hẫng hụt, bất ngờ, hoặc uốn éo, điệu đà, ngược lại, tạo nên đỉnh điểm giai điệu bài ca, cốt thể hiện diễn biến tâm trạng vừa day dứt, xót xa vừa cảm phục, kính yêu tận đáy lòng của cô học trò trước những điều thầy chưa khi nào kể và sẽ không bao giờ hy vọng được thầy kể, dù chỉ 1 lời, 1 lần… càng khiến cô bội phần kính ngưỡng và biết ơn sự tự nguyện hi sinh cao quý, thầm lặng của thầy!
          4 câu ca mở đầu một cách tự nhiên nhất, và không thể nào giản dị, thành thực hơn, nhắc lại những điều thầy đã từng hơn một lần kể cho học sinh của mình qua những bài học Ngữ văn hằng ngày. 2 câu đầu, gợi ta nhớ đến câu ca dao quen thuộc, nổi tiếng, lai láng ánh trăng, chan hòa trên cánh đồng vàng đêm mênh mang hình ảnh cô thôn nữ đang xì xọp gầu sòng:
Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi!?
          Đến 2 câu tiếp theo lại gợi trong liên tưởng của những học trò yêu thơ ca dân gian nhớ câu ca dao bùi ngùi, khắc khoải về hình ảnh con cò:
Con cò đi đón cơn mưa,
Tối tăm, lặn lội, ai đưa cò về?
          Đồng thời, lại vang lên giai điệu bài hát dân gian – hiện đại khá nổi tiếng mấy năm gần đây: Con cò (Lưu Hà An, Tùng Dương hát). Tất nhiên, hình ảnh con cò trong Những điều thầy chưa kể chỉ là 1 chi tiết, 1 thi ảnh phụ, làm diềm và được thoát thai từ ca dao cổ truyền cũng chưa thật lạ, mới như trong ca từ và âm nhạc của nhạc sỹ trẻ họ Lưu; nhưng vẫn có sức hấp dẫn, quyến rũ riêng, bởi cái chập chờn của cánh cò bay, cái chập chờn chớp sáng thực, hư, mộng ảo trong tâm trạng chơi vơi nơi cái tai thẩm âm và bộ óc tưởng tượng của tác giả:
                          Cơn mưa từ câu hò/ Chập chờn cánh cò bay
          Dụng ý sâu xa, kết nối để nâng cao trong suy tưởng của người thơ còn nhằm tượng trưng hình ảnh ông thầy như con cò lặn lội trên đường xa, mưa gió, sớm chiều đến với đàn em học trò yêu dấu – một trong những điều rất đáng kể mà không biết vì sao thầy không bao giờ muốn kể, chịu kể với học sinh của mình về chính bản thân mình?! Cách tôn vinh ông thầy, nghề thầy, công lao và tinh thần tận tụy hết lòng, hết sức vì học sinh, đức tính nhũn nhặn, khiêm tốn, quên mình thầm lặng của người thầy giáo chân chính, dưới ngòi bút thơ - ca của tác giả được thể hiện khéo léo, chân thành mà tế nhị như vậy đó.
          Còn hình ảnh vầng trăng? ánh trăng? Thi ảnh – thi cảm không chỉ tỏa ánh từ lời ca dao tỏ tình tát nước đêm trăng như đoạn trên đã nhắc, mà còn được ánh xạ một cách thông minh, tài hoa từ 2 câu bất hủ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du vĩ đại:
Vầng trăng, ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
          Trên 1 mức độ nào đó, về hình thức, theo tôi, cũng có thể xem 2 câu:                                      Vầng trăng vàng lục bát/Ai mang xẻ làm đôi?
          là 2 câu thơ - ca tập Kiều, lẩy Kiều từ thể lục bát trại sang thể ngũ ngôn một cách hữu ý và thật thà.
          Nhưng đến lần thứ 3, nhạc sỹ - nhà thơ lại dùng hình ảnh thiên nhiên – biểu tượng này để chuyển đoạn, nhằm ám dụ một vầng trăng vàng khác, một biểu tượng nên thơ rất đẹp khác, thì cũng vẫn theo kiểu thật thà, có phần vụng về như vậy. Có điều, tình cảm chân thật, cảm động của tâm trạng, tâm hồn đã khiến cho người bạn đọc khó tính cho qua cái kỹ thuật dựng câu thơ còn vụng về, thô thiển, ngả sang phía văn xuôi nghi luận kia:
                   Cũng có một vầng trăng/Nhưng sao thầy chưa kể?
          Đến hình ảnh thầy giáo trẻ đêm đêm, ngồi một mình mải mê soạn bài bên cửa sổ có ánh trăng khuya khoắt lùa vào, tôi thấy cũng không có gì thật sự tìm tòi, mới mẻ! Bởi, từ vài chục năm trước, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, trong bài Hành khúc ngày và đêm đã thành người phát hiện đầu tiên thi ảnh, thi nhạc này:
                          Giáo án em vẫn mở, cho ánh trăng bay vào!
          Nếu so sánh kỹ hơn, sẽ nhận ra câu hát trầm hùng, chan chứa ánh trăng trong nỗi nhớ thương (vợ hoặc người yêu – cô giáo) của chàng lính trẻ trong Hành khúc… gợi tình cảm lãng mạn, trữ tình khỏe khoắn một thời chiến tranh trận mạc; còn ca từ mang khuya đêm với ánh trăng lùa trong Những điều thầy chưa kể lại đượm vẻ lãng mạn, buồn, cô đơn se sắt (Nhưng cũng không đến mức quá u buồn, mỏi nản như nhạc – lời bài Thầy tôi (Quốc Đại hát), nơi thầy giáo say nghề, rất cần được sẻ chia, san vơi, hóa giải bằng những tâm hồn bạn bè và học trò đồng điệu.
          Hai câu kết bài cũng không phải là sáng tạo nghệ thuật riêng của Trần Thanh Sơn. Hiển nhiên, hình ảnh bụi phấn đã từ lâu trở thành biểu tượng quen thuộc, truyền thống đến gần như mòn sáo mỗi khi nói, viết về nghề giáo viên, về tình cảm thầy trò (Bụi phấn (Trần Đức); Có điều cần lưu ý là hiện tại và tương lai, trong thực tế, hình ảnh  thơ rất đặc trưng cho nghề nghiệp dạy học này đang và sẽ không còn phù hợp nữa! Vì bảng đen, phấn trắng đã, đang và dần được thay thế bằng phấn không bụi, phấn chất lượng cao, bằng bút phớt, bút dạ, bằng màn hình tivi, máy tính…Bụi phấn e chỉ còn vang bóng 1 thời trong ký ức thầy trò thế kỷ 20, đầu 21 mà thôi! (Còn hình ảnh người chở đò, lái đò qua sông lại cũ kỹ, sáo mòn chỉ bởi nó đã được sử dụng quá nhiều, lặp đi lặp lại, mỗi lần nói, viết về nghề thầy giáo).
          Thế nhưng, điệp khúc kết bài:
                           Bao nhiêu là bụi phấn/Sao không kể, thầy ơi?!
          Câu, chữ tuồng như quá ư đơn giản, một lối đếm số nhiều ước phỏng, một câu hỏi tu từ: hỏi thầy, hỏi bạn, hỏi thời gian, không gian và hỏi chính lòng mình, được hát đi hát lại với nhịp độ và cường độ ngày 1 chậm dần, nhỏ dần, giọng vuốt lên, mờ dần ở từ ơi!… mà sao cứ xoáy sâu vào lòng người nghe, da diết, thiết tha một tấm yêu thương ăm ắp ân tình của đạo lớn Sư – đồ, càng lâu, càng thấm, càng ngấm, càng sâu!?
          Cho hay: trong thơ trữ tình: tình - ý - tứ mới là bộ 3 nội dung cốt lõi đứng hàng đầu, quan trọng nhất. Còn câu, chữ, thi ảnh, thể, nhịp, vần…dù xảo luyện, tỉa trau đến mấy, cũng chỉ dự vào hàng thứ hai, thứ ba… là vậy!
                                                          ***
           Mỗi lần lắng tai thưởng thức lại bài hát Những điều thầy chưa kể của Trần Thanh Sơn, đang trong mơ màng, bâng lâng, lần nào trong tôi cũng dâng dâng nỗi thao thiết nhớ nghề, mà bồi hồi tưởng về những tháng năm làm nghề cùng bao lớp đồng nghiệp, học trò… không thể nào quên! Lại muốn quay ngược kim đồng hồ thời gian để rốn một lần bước lên bục giảng, kể với các em những điều… thầy chưa kể bao giờ!./.
Đêm 14 – 11 – 2014. ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét