Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Mai Nam Thắng và 'Từ thuở binh nhì': Muôn đời nối tiếp những bàn chân…


Mai Nam Thắng và 'Từ thuở binh nhì': Muôn đời nối tiếp những bàn chân…

Chủ Nhật, 21/12/2014 13:22


(Thethaovanhoa.vn) - Mai Nam Thắng là nhà thơ, nhà báo quân đội đã quá quen thuộc đối với nhiều độc giả rộng rãi, trong đó có độc giả tại ngũ và cựu chiến binh. Tập thơ mới Từ thuở binh nhì (NXB Quân đội Nhân dân, 2014) gồm 51 bài của anh đang gây sự chú ý của bạn đọc.
Dăm bảy bài viết, ghi chú từ năm 1979 đến 1987, còn lại hầu hết được viết từ năm 2000 trở lại đây.
Cảnh có người
Trong tập thơ cho thấy tác giả bao quát một hiện thực đời sống khá rộng. Như nhiều tác giả khác, Mai Nam Thắng viết về nhiều miền của đất nước, các tỉnh, thành phố, huyện, bản làng, trải dài rộng từ cực Bắc đến cực Nam và biển Đông của Tổ quốc. Đáng chú ý nhất là các địa danh: Hà Giang, Cà Mau, Hà Nội, Sài Gòn - TP.HCM, Điện Biên Phủ, Trường Sa v.v... 

Viết về các miền quê yêu dấu là thói quen sáng tạo đã có từ nhiều năm qua đáng được trân trọng, khuyến khích của không ít nhà thơ. Đối với Mai Nam Thắng, anh đã thoát khỏi nhược điểm tả cảnh, tả người hoặc ngợi ca một cách hời hợt, mòn cũ. Tác giả đi sâu vào sự việc, con người với các khoảnh khắc tâm trạng của chính mình và của nhân vật. Bởi vậy, ở nhan đề rất nhiều bài thơ, tên địa phương đứng theo sau sự việc, nhân vật như: Màu xanh Tân Lâm, Gặp ở Mai Đình, Gửi bạn Trung Hà, Bên miệng hố bom ở Thánh địa Mỹ Sơn, Hát ở Sơn Trà, Sim tím đồi Hà, Tiếng hú ở lèn Hà, Đọc ở hang Hà, Phượng hồng Thạch Hãn v.v...

Lời thơ của Mai Nam Thắng nặng sâu ngẫm ngợi nhưng trên tất cả là khỏe khoắn, bay bổng, lạc quan và có phần mơ mộng. Tác giả mời độc giả lên Điện Biên rồi ra biển đảo quê xa: “Ôi diệu kỳ lau trắng Điện Biên/ Hóa mây trắng Ba Đình soi cỏ biếc/ Hóa lớp lớp sóng bạc đầu thao thiết/ Vỗ đêm ngày Hoàng Sa, Trường Sa” (Lau trắng Điện Biên).
Và mời độc giả về thăm miền cực Nam Tổ quốc: “Hai mươi năm anh bạc áo biên phòng/ Không hóa đá, chị thành người Đất Mũi/ Tóc còn vương hương hồi, hương trẩu/ Mắt đã đằm nắng gió phương Nam”… (Theo chồng ra Đất Mũi)…


Người trong cảnh
Trong thơ Mai Nam Thắng, ngoài những người ở nhiều miền đất nước còn là những nhân vật cụ thể - hữu danh và vô danh, từ mọi phương trời về sum họp trong tập thơ, từ vị Đại tướng lừng danh, từ các liệt sĩ, chiến sĩ thời bình, đến bạn chiến đấu, bạn đồng môn đại học, đồng nghiệp nhà báo, người thân ruột thịt trong gia đình...
Trong buổi ra quân huấn luyện như có bàn chân người xưa cùng tiếp bước: “Trên đỉnh cao anh nằm đấy có hay/ Mùa chiến dịch tháng Ba đã mở/ Vẫn nối tiếp muôn đời những tháng ba lịch sử/ Ôi, muôn đời nối tiếp những bàn chân”...(Điệp khúc tháng Ba).
Rau tập tàng là một trong những bài thơ thú vị nhất trong tập: Ai hay một ngày hotel chọc trời/ Có món rau tập tàng đặc sản/ Thực khách hồn nhiên.../ Rôm rả nói cười... Đấy là khổ kết bài thơ. Xin đọc ngược lên:Xanh trắc ẩn nắng mưa dầu dãi/ Mớ rau quê sấp ngửa chợ trời. Chiếntranh đã lùi xa lắm rồi. Sấp ngửa chợ đời, trắng đen lộn ngược. Rau cỏ vườn hoang dọc đường chiến dịch, có khi chiến sĩ tạm dùng sau trận đánh nay trở thành món đặc sản đời mới của mọi người, của những "đại gia". Đọc ngược nữa lên bài thơ như đi ngược về quá khứ:
Tươi tốt những năm khói lửa ngút trời/ rau tập tàng” (...)
“Thơm thảo bát canh tập tàng tiễn người ra trận/ Đầm đìa trăng cỏ buổi chia ly/ Bao nhiêu anh hùng thăm thẳm ngày đi/ Xanh tê tái những mùa rau ngóng đợi/ Bao nhiêu anh hùng trở về xa lạ:/ thương tích ngẩn ngơ.../ long đong cơm áo.../ loay hoay mũ mão cân đai.../ Như chưa có vầng trăng dâng hiến/ Đêm tập tàng chấp chới lửa ma trơi”.
Còn cần phải nói gì thêm về những câu thơ trên đây. Tự thơ đã nói lên tất cả: đau thương mất mát, sự trớ trêu của số phận đời sống, anh hùng ca bi tráng của những thế hệ, của nhân dân, của cả một dân tộc...
Sự đan xen tạo thành các “cặp phạm trù”
Tập thơ có hai phần. Phần đầu viết nhiều về bộ đội, về quá khứ, phần sau tập trung về đời sống hôm nay. Sắp xếp, phân biệt là như vậy nhưng phần trước và phần sau, xưa và nay, chiến tranh và hòa bình, tiền tuyến và hậu phương, hình ảnh người lính và nhân dân, niềm vui và nỗi buồn luôn luôn có mối liên hệ đan cài, hòa quyện. Các bài ở phần sau đều đều, không có bài trội vượt hẳn lên. Trong khi đó, phần đầu lại có những bài tạo nên ám ảnh: Rau tập tàng, Hoa loa kèn, Lau trắng Điện Biên…
Dẫu sao, khoảng hơn chục bài ở cuối tập mang giọng điệu thơ trầm trầm, đỡ đi phần căng thẳng khi nói đến mất mát của chiến tranh, về sự thiệt thòi của số phận. Một số tứ thơ, ý thơ lạ nảy sinh từ cái nhìn sáng tạo về đời sống (Thơ đề biệt thự, Được rẽ phải, Lời một chú cóc ở Tứ Xuyên - Trung Quốc…)
Tập thơ có những câu thơ nhiều mỹ cảm: “Trái sim cằn lăn như hòn sỏi/ Cỏ may găm phơ phất đỉnh trời” (Hát ở Sơn Trà). Hoặc: “Lau xao xác bạt ngàn bia mộ trắng/ Hóa vầng mây che bóng các anh nằm” (Lau trắng Điện Biên). Hoặc ở bài Rau tập tàng, sau khi nhắc lại câu nói dân gian“Rau tập tàng thì ngon/ Con tập tàng thì khôn”, anh viết: “Bao nhiêu lời ca lao xao gió độc/ Bao nhiêu ánh nhìn kim gai nhọn sắc/ Bấy nhiêu âm thầm nhẫn nhục tốt tươi”...
Cách đặt hai câu thơ mở đầu và khép lại bài Thăm trại rắn Đồng Tâmnói đến rắn và người thật thú vị: “Rắn rắn rắn rắn rắn rắn rắn rắn/ Bao nhiêu hiểm độc tụ tập về đây (...) Tôi băng ra đường với chai rượu rắn/ Chen trong dòng người người người người người”.
Mai Nam Thắng không cầu kỳ câu chữ nhưng ngôn từ, hình ảnh chắt lọc, sử dụng đúng chỗ, đúng cung bậc cảm xúc. Lời thơ Từ thuở binh nhìnhiều yêu thương, tôn vinh cái đẹp trong quá khứ nhưng không sa đà vào hồi tưởng nặng nề mòn cũ.
Phạm Đình Ân
Thể thao & Văn hóa




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét