Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Với đứa con ngoài giá thú

                                                       Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân

Với đứa con ngoài giá thú
                                     Vương Trọng

Đợi về khuya cả phòng lặng ngủ
Mẹ nhẹ nhàng ngồi dậy vuốt ve con
Mặc người đời gọi con ngoài giá thú
Con vẫn trong tình mẹ vuông tròn

Mẹ làm mẹ mà chưa từng làm vợ
Vẫn suất cơm tập thể quá khiêm nhường
Nửa làm máu, nửa chia ra làm sữa
Hạnh phúc nào bằng san sẻ yêu thương

Thôi nhắc chi những năm dài trống trải
Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu
Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải
Pháo cưới người như đốt để trêu nhau!

Mẹ nhớ lại ngày con vừa trứng nước
Người ấy đi như trốn chạy nợ nần
Thèm trái chua mẹ trùm chăn ăn lén
Sợ mắt người như sợ… mũi kim châm

Sinh con ra mẹ vẫn nằm giường một
Có khác chăng là kê lại góc phòng
Ngày nghỉ đẻ, phải trừ vào ngày phép
Vuông vải màn làm tã, giặt rồi hong

Vài tháng tuổi con đã quen kẻng thức
Mẹ đi làm, con lên địu đi theo
Mẹ đào hố trồng cây theo định mức
Lưng mẹ gầy, con giấc ngủ cheo leo

Ngày lưng mẹ, đêm nằm trên giường mẹ
Mình mẹ lo khi trái gió trở trời
Ngoài giá thú, sao ngoài lòng thương cảm
Để người đời… ghét – bỏ - mẹ - con – tôi?
           
Lời bình của Hoàng Dân
Bài thơ có thể chia làm ba đoạn:
- Đoạn 1 (hai khổ thơ đầu): thì hiện tại, người mẹ vuốt ve âu yếm đứa con
Ngay hai câu thơ đầu tiên đã khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi:
Đợi về khuya cả phòng lặng ngủ
Mẹ nhẹ nhàng ngồi dậy vuốt ve con
Âu yếm đứa con mà phải vụng trộm như vậy ư? Phải đợi cho tới khi “về khuya cả phòng lặng ngủ”, người mẹ mới dám “nhẹ nhàng ngồi dậy vuốt ve con”? Hai câu thơ đã gợi ra bao nỗi mặc cảm tủi nhục, cô đơn của một người mẹ tội nghiệp. Nhưng rồi, dường như tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp người mẹ có can đảm vượt lên miệng thế thị phi để thì thầm tự nhủ: “Con vẫn trong tình mẹ vuông tròn”.
Tình mẫu tử thiêng liêng ấy còn giúp người mẹ có thể tạm quên đi nỗi đau tinh thần “chưa từng làm vợ” và chấp nhận cảnh khốn khó về vật chất khi hai mẹ con chỉ có một “suất cơm tập thể” mà “Nửa làm máu, nửa chia ra làm sữa”. Vậy mà người mẹ vẫn coi đó là “hạnh phúc”, một niềm hạnh phúc được “san sẻ yêu thương” với đứa con do mình dứt ruột đẻ ra.
- Đoạn 2 (bốn khổ thơ tiếp theo): thì quá khứ, hồi tưởng buồn, chua xót của người mẹ
Hình như chỉ thoáng nghĩ đến hai chữ “hạnh phúc”, người mẹ đã chợt giật mình, thở dài buồn bã:
Thôi nhắc chi những năm dài trống trải
Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu
Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải
Pháo cưới người như đốt để trêu nhau!
Người mẹ đã trải qua “những năm dài trống trải” và “vô nghĩa”, đã luống tuổi “hoàng hôn”; nhưng vẫn không thể quen với cảnh sống cô đơn thui thủi của hai mẹ con, vẫn luôn giật mình thảng thốt mỗi khi nghe “pháo cưới người”. Tiếng “pháo cưới người” không chỉ xoáy vào nỗi đau bị phụ tình, mà nó còn khiến người mẹ thương xót đứa con vô tội của mình đã sớm phải gánh chịu những thiệt thòi không gì bù đắp nổi: “Con không cha như nhà không nóc”!
Nỗi xót thương đứa con càng trở nên day dứt hơn khi mà người mẹ ý thức sâu sắc rằng, ngoài mình ra, chẳng có ai trên đời này quan tâm đến sự có mặt của nó:
Mẹ nhớ lại ngày con vừa trứng nước
Người ấy đi như trốn chạy nợ nần
Thèm trái chua mẹ trùm chăn ăn lén
Sợ mắt người như sợ… mũi kim châm
Sự thờ ơ vô cảm của người đời đã đến mức tàn nhẫn:
Sinh con ra mẹ vẫn nằm giường một
Có khác chăng là kê lại góc phòng
Ngày nghỉ đẻ, phải trừ vào ngày phép
Vuông vải màn làm tã, giặt rồi hong
Dù vậy, hai mẹ con vẫn phải lay lắt sống qua ngày. Điều khiến ta nhói lòng lại chính là sự “thích nghi” với hoàn cảnh của đứa trẻ vô tội:
Vài tháng tuổi con đã quen kẻng thưc
Mẹ đi làm, con lên địu đi theo
Mẹ đào hố trồng cây theo định mức
Lưng mẹ gầy, con giấc ngủ cheo leo
- Đoạn ba (khổ thơ cuối cùng): thì hiện tại và thì quá khứ chồng mờ lên nhau, lời than ai oán và lời chất vấn của người mẹ
Hai câu đầu có thể là tổng kết một chặng đường dài nuôi con nhọc nhằn của người mẹ:
Ngày lưng mẹ, đêm nằm trên giường mẹ
Mình mẹ lo khi trái gió trở trời
Hai câu cuối có thể là lời than ai oán và cũng là lời chất vấn người đời trong khi người mẹ âu yếm vuốt ve đứa con:
Ngoài giá thú, sao ngoài lòng thương cảm
Để người đời… ghét – bỏ - mẹ - con – tôi?
Có thể nói, ngay cái nhan đề của bài thơ đã buộc người đọc phải suy nghĩ nghiêm túc về một hiện tượng mang tính vĩnh cửu trong xã hội loài người, bởi những đứa con ngoài giá thú thì thời nào cũng có; vấn đề chỉ là thái độ ứng xử với hiện tượng đó mà thôi. Pháp luật của ta đã thừa nhận quyền làm mẹ của chị em phụ nữ, do đó những đứa con ngoài giá thú có quyền được làm giấy khai sinh và mang họ mẹ; nhưng dư luận xã hội thì có vẻ phức tạp hơn. Thói quen kì thị đã trở thành một sức ỳ rất khó thay đổi một sớm một chiều, thế cho nên người mẹ mới đau đớn chất vấn:
Ngoài giá thú, sao ngoài lòng thương cảm?
Các người nên nhớ, “thương cảm” chứ chưa phải là “thương yêu” đâu, có vậy thôi mà sao các người cố chấp và nghiệt ngã thế?
Với tôi, quyền làm mẹ mà cũng có tội ư? Với con tôi, quyền làm người mà cũng có tội ư? Nếu không có tội thì sao “người đời… ghét – bỏ - mẹ - con – tôi?”
                                                                                                            20.1.2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét