SỰ
CẦN MẪN CỦA MỘT NHÀ THƠ LÀM BÁO
Đọc
tập phê bình và giới thiệu tác phẩm VỚI MẸ VÀ SÔNG của Mai Nam Thắng, nhà xuất
bản Hội nhà văn, 2014
Vũ
Nho
Tập sách gồm 43 bài phê bình và giới thiệu thì có 20
bài viết về các tập thơ, 2 bài về tập văn, thơ tổng hợp. Điều đó cho thấy người
viết dù là nhà thơ, nhưng đã cố gắng cân bằng mảng sở trường của mình với những
mảng khác mà bạn đọc quan tâm. Một điều đặc biệt nữa là hầu hết các tác giả, dù
là thơ hay văn xuôi đều là những người từng mặc áo lính, chiến đấu trên nhiều
chiến trường, dù cương vị khác nhau là binh nhì, cấp Úy, hay cấp
Tá, có người là Đại tá, có cả một vài người mang lon Tướng.
Nhìn những năm
tháng dưới các bài viết có thể thấy đây là tập hợp các bài từ tháng 3 năm 2002
đến thời điểm tháng 2 năm 2014. Nghĩa là
gần 13 năm. Trung bình mỗi năm viết hơn 3 bài một chút. Con số này cho thấy tác
giả rất thận trọng và đọc kĩ trước khi động bút. ( Mặc dù còn có một lí do khác
như Mai Nam Thắng tiết lộ “ Cũng xin thưa thật là tôi đọc sách văn học chậm
lắm” - trang 217). Viết không nhiều,
nhưng năm nào cũng viết, viết liên tục hơn 10 năm chứng tỏ sự cần mẫn, sức bền
và tinh thần yêu quý bạn đọc.
Nhờ ngòi bút bền bỉ ấy mà tác phẩm
của các nhà thơ quân đội như Vương Trọng, Thu Bồn, Nguyễn Đức Mậu,
Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Đình Xuân,… cùng nhiều tên tuổi khác; các nhà văn mang
áo lính như Phạm Quang Đẩu, Nguyễn Hồng Hà, Phùng văn Khai, Nguyễn Đình Tú,
Nguyễn Phương Diện,…và một số ít các tác giả dân sự như Võ Hồng Thu, Vi Thùy Linh, Phạm Đăng Kim, Trang
Nhung, Nguyễn Hồng Vinh, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phạm Khải cũng được giới thiệu
với bạn đọc.
Trong công việc phê bình, giới thiệu sách, điều tối kị
là thiếu khách quan, để tình cảm cá nhân
lấn át tính trung thực và khoa học. Mai Nam Thắng đã có một quan niệm chính xác
“ người
được “khen oan” đôi khi còn tội nghiệp hơn bị đánh oan” ( trang 179).
Khen ( biểu dương), chê ( đánh) không
chính xác đều không hay. Bởi vậy mà cần hết sức thận trọng để tránh sự “oan
sai” trong đánh giá. Mà muốn vậy, trước hết phải đọc chậm, đọc kĩ.
Đối với mỗi tập sách của tác giả, bất kể là người nổi
tiếng nhiều hay ít, bất kể là quân hàm cao hay thấp, bất kể là từng mang áo
lính hay chỉ là công dân bình thường,
người viết giới thiệu đều trân trọng đọc kĩ lưỡng. Và để giúp người đọc tiếp cận tốt với tác
phẩm được nói tới, người viết phê bình, giới thiệu cố gắng chỉ ra nét riêng biệt, khái
quát một cách cô đọng. Ví dụ với thơ Vương Trọng : “ Không lộng ngôn ngoa ngữ, không triết lí thời thượng, chất thế sự trong
thơ Vương Trọng thấm đẫm nhân tình, toát ra một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn”
( trang 9). Hoặc viết về thơ Nguyễn Đức Mậu, Mai Nam Thắng để minh chứng cho
nhận xét “ Riêng với Nguyễn Đức Mậu hình
như anh bị thôi miên, bị ám ảnh bởi cái màu trắng của loài hoa nơi cửa Phật”,
người viết đã thống kê “ trong tập thơ
không dưới ba chục lần anh nói về màu trắng” ( tr. 21). Không đọc kĩ tác
phẩm thì không thể “phản biện” với những ý kiến
sử dụng “ những thuật ngữ
thời thượng như “tân hình thức”, “hậu
hiện đại” cùng những hô hào phải cách tân, đổi mới thơ đương đại. Theo đó cũng
có người muốn “cân đong” đánh giá lại
giá trị nghệ thuật của thơ kháng chiến, văn nghệ bộ đội” ( tr. 113). Người
viết đã rất tự tin sau khi kể ra một số
tên tác giả kèm tên bài thơ như Hoàng Cầm, Hữu Loan, Quang Dũng, Trần
Dần, Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi, Vũ Đình Văn, Lưu Quang Vũ… khẳng định chắc
nịch : “từ mấy mươi năm trước, những nhà
thơ áo lính ấy đã ráo riết cách tân, đổi mới thơ rất thành công” ( trang
114).
Những bài viết của Mai Nam Thắng, nhất là viết về thơ
thường khá hấp dẫn và có sức thuyết phục cao. Nguyên nhân có lẽ bản thân Mai
Nam Thắng là nhà thơ, lại cũng đồng thời là một người lính nên ngoài công việc phê bình giới thiệu bình thường,
tác giả đã đem vào đó sự cảm thông của đồng đội, đem vào sự tinh tế của một nhà
thơ để viết về thơ. Anh có cái nhìn biện chứng về thể loại “Trong văn học nghệ thuật, có một thể loại
rất khó định nghĩa, rất khó cắt nghĩa, nhưng lại rất gần gũi và bình đẳng với
mọi người, bất kể địa vị, học vấn, tuổi tác…Người ta có thể làm thơ, có thể
bình thơ, có thể “chơi thơ”…Thơ hàn lâm bác học và thơ bình dân quần chúng, thơ
cách tân và thơ truyền thống, thơ chuyên
nghiệp và thơ nghiệp dư…mỗi thứ có công dụng và công chúng riêng” ( trang
131). Phải chăng vì thế mà Mai Nam Thắng trân trọng giới thiệu các nhà thơ
chuyên nghiệp, đồng thời cũng trân trọng cả những vần thơ nôm na, bình dị “ có cảm tưởng như đọc hồi kí văn vần của một
người lính già có rất nhiều kỉ niệm chiến trường” ( tr. 210). Ở đây, thấy rõ sự rành mạch của tác giả. Với
những người không chuyên, làm thơ như một nhu cầu ghi lại ấn tượng cuộc chiến
đấu gian khổ thì người viết chân thành
“ xin
bạn đọc thể tất cho những câu chữ đôi khi còn “nôm na, vần vè” của các cụ trong tập sách này” ( trang
186). Với những người chuyên tâm hơn, đã có đến tập thơ thứ sáu thì người viết
đòi hỏi cao “ nhiều câu đọc trên, giá có
anh bên cạnh mà phạt anh một chén, bởi thơ phú chi mà thiệt thà quá đỗi!” (
trang 7). Sau khi khen một nhà thơ viết “
thơ “thứ thiệt”, giản dị, mộc mạc, chân
thành, không lên gân, điệu bộ, hoa mĩ…Vì thế mà thơ ông dễ hiểu, dễ nhớ và thấm
vào tình cảm người đọc một cách nhẹ nhàng, sâu lắng”. Người viết đã không
ngần ngại cảnh báo “ Tuy nhiên, nếu
chỉ thiên về diễn đạt chính xác cảm xúc
nội tâm mà không lưu ý đến “kĩ thuật trình bày” đôi khi ranh giới giữa sự chân
thành giản dị với sự dễ dãi nôm na là hết sức mong manh” ( tr 166).
Những câu thơ hay của các nhà thơ thường được chọn
đúng, biểu dương thỏa đáng ( Vương Trọng,
Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hữu Quý, Lê Tiến Vượng, Thu Bồn, Nguyễn Thị Hồng
Ngát,…). Cắt nghĩa điều này, tôi muốn mượn lời của chính tác giả khi đánh giá
một đồng nghiệp viết truyện
“ Có được hiệu
quả ấy không chỉ vì tác giả có vốn sống của một người trong cuộc, mà còn nhờ
tâm thế, tấm lòng và tay nghề khá chuyên nghiệp của người viết” ( tr. 160-
161).
Để thuyết phục bạn đọc của mình, không ít lần người
giới thiệu viện dẫn ý kiến của các vị tướng lĩnh, các cán bộ quân đội có quân
hàm cấp cao, nhất là những người từng ở trong cuộc, từng gần gũi với các tác
giả. Và cũng có khi dẫn ra nhận xét của
một nhà phê bình có uy tín, một vài câu thơ,
bài thơ của người khác, hoặc của chính tác giả. Đấy cũng là một cách khôn ngoan để không cần phải diễn giải dài
dòng.
Cần phải công
bằng nói rằng những bài viết về văn xuôi ( tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi kí,
tiểu luận,…) của Mai Nam Thắng cũng công phu và thuyết phục. Người viết so sánh
tác phẩm của cùng một tác giả ( Tập
truyện ngắn “ Nỗi ám ảnh khôn nguôi”
và tiểu thuyết “ Bên dòng Sầu Diện”
của Nguyễn Đình Tú; tiểu thuyết “ Một ngày là mười năm” và tiểu thuyết “ Đánh đu cùng số phận” của Phạm Quang
Đẩu; tập truyện ngắn “ Trà, cà phê hay là
em” và tập “Nude tình yêu” của Võ
Hồng Thu). Nhưng nhân vật hay, những chi tiết đắt giá, những trang viết sống
động đều được người giới thiệu chân
thành sẻ chia cùng bạn đọc.
Nhìn chung, với góc độ phê bình và giới thiệu tác
phẩm, người viết hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra. Nếu có thể nói về một vài sự nuối tiếc thì có lẽ là các bài viết
đều ngắn. Có thể do khuôn khổ của tờ báo chăng? Hoặc là một chủ ý vì người đọc
không có thì giờ đọc dài? Vì ngắn cho nên như Hồi âm sau bài viết “ Thêm một cuốn sách “trong đó đã có lửa” ( về cuốn Mùa
hè cháy, nhật kí chiến tranh của Nguyễn Quý Hải), nhà báo Phạm Hồng đã góp
ý chân thành và chính xác : “ bạn đọc –
nhất là bạn đọc trẻ vẫn chưa thêm một dịp được cảm nhận về chiến trường Quảng
Trị trong những “mùa hè cháy” vô cùng ác
liệt ấy” ( trang 92). Bài viết về tập thơ của Nguyễn Đình Xuân thì phần
viết về mẹ dày dặn, trong khi phần viết về sông lại quá mỏng. Bài viết về tập
sách của Nguyễn Xuân Thủy, người viết thông báo sách có 6 chủ đề chính, nhưng
sau đó lại không điểm đủ đó là những chủ đề nào. Với bài viết về “ Hộ chiếu tâm hồn” của Vi Thùy Linh thì
những gần 4 trang vào đề ( Chính tác giả cũng thừa nhận “ chưa bao giờ tôi phải vào bài dài dòng như trên đây” - trang 219). Và rồi sau đó vẫn tiếp tục viết
về những điều bên ngoài “Hộ chiếu tâm hồn”
về sự “đặc biệt” của nhà thơ nữ này, khiến cho bài viết trở thành như một “tùy
bút” xung quanh tác giả và tác phẩm chứ không phải là phê bình giới thiệu tác
phẩm.
Điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là “ Với mẹ và sông” được viết có văn. Văn
phê bình giới thiệu mà viết có văn theo tôi là một việc khó. Giữ cho mạch có văn đó nối liền trên 200 trang
sách với 43 bài viết là việc càng khó. Cuốn
sách không chỉ là phê bình, giới thiệu mà còn là một mảng tư liệu những trang
viết của những người lính về chiến tranh và hòa bình.
Để kết bài, tôi
mượn lời của tác giả khi viết đoạn kết giới
thiệu cuốn “ Quyền phản biện không của
riêng ai” của Phạm Khải :
“ Với mẹ và sông”
của Mai Nam Thắng “ là một cuốn sách rất đáng đọc!”
Hà Nội, 18/9/2014
Đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, số 809, tháng 11/2014
Đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, số 809, tháng 11/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét