Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

CHÁU LÀM BÀ CÒNG của TRẦN ĐĂNG KHOA - Lời bình Đường Văn

                                                  Đường Văn

CHÁU LÀM BÀ CÒNG

TRẦN ĐĂNG KHOA

Tặng cháu Minh Hà

Cái chân thì khuệnh khoạng,
Tay vắt vẻo, lưng cong;
Đầu vấp va vấp vểnh,
Cháu bỗng hóa bà còng.

Mèo tròn mắt lạ lùng,
Chị cười lăn ra đất;
Mẹ ngồi lặng hồi lâu,
Bà đứng trào nước mắt…

1972. TĐK
(Tinh tuyển thơ;
 NXB Đồng Nai, 2002; tr. 117)

LỜI BÌNH:  ĐƯỜNG VĂN

          Lần đầu tiên, tôi đọc bài thơ Cháu làm bà còng cũng đã lâu lắm rồi!...
          Ấy là khi tôi vừa rời Đoàn an dưỡng 869 (BTL Thủ đô), chuyển ngành về huyện quê dạy học tại 1 trường THCS nho nhỏ, xa xôi, được coi là Xibêri của Từ Liêm (quận Bắc Từ Liêm từ 1 – 4 – 2014), khoảng những năm 1975 – 1976. (Đọc qua bản chép tay của anh bạn đồng nghiệp cho mượn). Tôi đã dùng bài thơ này như 1 thi liệu để dạy nâng cao cho nhóm học sinh giỏi Văn khối 7 (9 ngày nay) của trường và được các em rất hứng thú tiếp nhận. Thời gian vèo trôi, thấm thoắt đã ngót nghét 40 năm qua. Tình cờ, mấy ngày gần đây, vì cần đối chiếu, kiểm chứng 1 tình tiết nhỏ cho 1 bài viết, tôi phải tìm đọc lại thơ Trần Đăng Khoa (tập Trần Đăng Khoa tinh tuyển thơ, NXB Đồng Nai, 2002). Thế là ngẫu nhiên, mới được đọc lại bài thơ cũ Cháu làm bà còng trên văn bản in, giữa một tập thơ tuyển dày giặn của nhà thơ Thần đồng xưa. Xúc động, ngạc nhiên chẳng kém lần đọc đầu tiên năm xa xôi ấy. Và tự thấy không thể không ghi lại dăm dòng cảm luận trong niềm bâng khuâng nhớ tiếc một thời hoa niên say mê, đắm đuối với nghề dạy Văn, nghiệp trồng người, cái nghề nghiệp nhọc nhằn, đam mê mà tôi đã gắng gỏi suốt đời.

                                                          ***
         Bài thơ có dáng vẻ thật già so với tuổi người viết! Trần Đăng Khoa năm ấy (1972), mới là 1 chú thiếu niên 14 tuổi, đang học lớp 6, 7  (cấp 2 - THCS)…  gì đó. Vậy mà từ tứ thơ, ý thơ đến mạch thơ, giọng thơ, câu, chữ, hình ảnh… cứ ngỡ phải là của một thanh niên, một trung niên đã trưởng thành, kinh lịch sự đời. Đọc lại thơ Khoa viết hồi 1966 – 1971 – 1972, nhận xét này càng được củng cố trong tôi. Bên cạnh cảm hứng non tươi, hồn nhiên, ngây thơ, thông minh của trẻ nhi đồng – thiếu niên (chủ đạo) là không ít những suy nghĩ và cách biểu hiện sâu sắc, sắc sảo, già giặn mà ít người lớn, cây bút trưởng thành có thể nghĩ ra, viết ra (Chớm thu, Đêm Côn Sơn, Côn Sơn, …). Có phải khi đất nước đang có chiến tranh, thì lũ trẻ con thường sớm  thông minh, nhanh nhẹn hơn và cũng thường bị già trước tuổi? Với một tài năng thơ nhí vượt trội so với các bạn nhỏ yêu thơ, ham làm thơ cùng thế hệ (những Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng Kiên…), như Trần Đăng Khoa, lại càng như vậy? Điều này, 1 lần nữa được bộc lộ rõ nét trong Cháu làm bà còng. Cái hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ hòa với sự khắc khổ, nghĩ ngợi, suy tư của người lớn, người già khiến cho bài thơ ngũ ngôn ngắn: 2 khổ, 8 câu, 40 tiếng này vừa như 1 cảnh kịch vui, vừa như 1 câu chuyện sinh hoạt gia đình thường ngày ở nông thôn Việt Nam thời chống Mỹ những năm 70 thế kỷ trước, vừa  thể  hiện một quan niệm đúng đắn về vai trò của văn nghệ đối với cuộc sống con người. Những lớp ý nghĩa gần xa ấy cứ như những vòng sóng từng đợt, từng lớp tỏa lan từ bài thơ rất trẻ mà cũng rất chuẩn mực, già giặn của chú bé học sinh gầy gò quê xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách,  tỉnh Hải Dương,… chẳng phải đã đem lại cho người đọc trẻ - già bao nhiêu thú vị hay sao?!

         Khổ 1 tả cảnh diễn viên nhí nhập vai bà còng trong mắt 4 thành viên khán giả - gia đình. Tác giả kể tả trực tiếp đoạn kịch không lời thoại (kịch câm) với từng động tác, hình dáng, cử chỉ của từng bộ phận cơ thể phối hợp với nhau để tạo nên y hệt hình dạng và bước đi của bà còng.
                                     Cái chân thì khuệnh khoạng
         Từ láy tượng hình khuệnh khoạng giúp người đọc hình dung những bước chân trẻ con vốn thường nhanh thoăn thoắt, nhảy chân sáo, bây giờ hốt nhiên cố ý chậm hẳn lại, bước chân trái vòng ra, bước chân phải lại khép vào. Những bước chân như là không vững, lẩy bà lẩy bẩy, thấp cao, chậm chạp lần đi trong nhà. Đúng bà còng đang đi rồi! 
                                             Tay vắt vẻo, lưng cong.
         Bà có thói quen chân vừa đi từng bước, tay vừa vung vẩy, đánh đường xa không biết tự bao giờ? Chắc từ khi còn trẻ, mỗi buổi sáng bà đi chợ làng. Hai tay đưa đi đưa lại, vắt va vắt vẻo, tạo nên vẻ duyên dáng, mềm mại, nhịp nhàng theo mỗi bước của bà. Bà già rồi nên lưng còng đã lâu. Chính vì lưng còng xuống nên khi tay vung đánh đường thì cái dáng cánh tay đưa lên cao lại càng trở nên vắt vẻo. Cần lưu ý Trần Đăng Khoa dùng từ cong chứ không phải còng hay khòng. Vì sao? Tôi nhớ mang máng ở văn bản chép tay lần đầu tiên, là từ khòng?! Còn giờ đây là cong. Tôi suy luận, có 3 lý do:- Không dùng từ còng trùng vần, trùng thanh với câu 4. - Không dùng từ khòng vì vẫn bị trùng thanh với câu 4. Tác giả chọn dùng cong để khắc phục sự trùng lặp trên. Nhưng đó chỉ là lý do phụ. Lý do chính là người viết  - người diễn muốn ngầm lưu ý với người đọc – khán giả: đây không phải là bà còng thực mà là diễn viên nhí đang bắt chước cái lưng đặc biệt của bà còng. Để bắt chước thật giống, chú bé phải cúi khom cái lưng đang rất thẳng, rất dẻo của mình xuống thành một đường cong, một cái lưng cong để thể hiện tấm lưng còng gập của bà mình. Cho nên lưng bà (do cháu diễn) không thể còng (và cứng) thực sự, còng hoàn toàn, mà chỉ cong (và mềm) thôi! Tinh tế và cũng là già trước tuổi, là ở đó.
Đầu vấp va vấp vểnh
         Trong tiếng Việt phổ thông xưa nay, theo sự tìm hiểu của tôi, không có từ láy tư này. Tôi không dám chắc đây có phải là phương ngữ vùng Nam Sách, Hải Dương hay không? Nếu có thì đã rất thú. Nếu không, càng thú hơn! Vì đó là sáng tạo từ rất thành công của nhà thơ thần đồng trong việc tạo hình, tạo dáng cái đầu bà còng trong sự hóa thân của diễn viên cháu. Tôi đoán từ láy tư này được kéo dài từ từ láy đôi vấp vểnh. Còn vấp vểnh lại được liên tưởng, tưởng tượng ra từ vắt vẻo. Nếu  dùng vắt va vắt vẻo thì lại lặp với từ này ở câu trên (tay vắt vẻo). Vả lại, đầu vắt vẻo thì không hợp, không dùng được!
         Nhưng đầu bà vấp va vấp vểnh là thế nào? Là mô phỏng hình ảnh bà vừa nhịp nhịp bước đi, lưng còng gập nhấp nha nhấp nhô, tay đà đưa, vắt vẻo, chân loạng quạng, khệnh khoạng, thập thững, thi thoảng lại vấp một cái, người nghiêng lệch một bên hoặc chúi về phiá trước. Còn mái đầu tóc bạc xác xơ thì lúc quay bên này, lúc quay bên kia, lúc hơi ngẩng lên, lúc lại cúi xuống: vấp va vấp vểnh.
         Những cử chỉ, động tác bắt chước của các bộ phận cơ thể trẻ con phối hợp ăn ý với nhau 1 cách khéo léo, tự nhiên và có phần cường điệu, khoa trương (kỹ thuật diễn kịch câm cũng vậy; lấy cử chỉ, động tác, hình dáng để biểu hiện tính cách nhân vật, thay lời thoại). Trong cảm nhận của tôi: Câu thơ tạo hình nhất, ấn tượng nhất, hóm hỉnh nhất trong bài chính là câu thơ này. Bà còng già thật mà tác phong chưa già. Hẳn tính bà thật vui, thích đùa cùng các cháu.
         Và thế là trong giây lát, mọi người trong nhà còn chưa kịp ngạc nhiên, thì:
Cháu bỗng hóa bà còng.
         Khổ 1 chứng tỏ cháu là một diễn viên kịch nhí nghiệp dư diệu nghệ kém chi diễn viên chuyên nghiệp! Phải nhập 1 vai trái ngược hẳn với bản thân mà cháu đã diễn thành công xuất sắc. Cháu có năng khiếu làm nghệ thuật thì đã hẳn rồi; nhưng nhất định cháu phải hiểu và yêu quý bà lắm lắm thì mới diễn được như vậy. Vì những người thân mà cháu yêu quý vô cùng, cháu có thể diễn nhiều làm nhiều trò khác, khó gấp bội lần như thế. Chẳng hạn, để mẹ đang ốm đỡ mệt, thêm vui, con có thể:
         Ngâm thơ, kể chuyện, rồi thì múa ca/Rồi con diễn kịch giữa nhà/Một mình con sắm cả ba vai chèo! (Mẹ ốm).
         - Hôm nay, bà không ốm; mẹ không ốm, …chẳng ai ốm cả; nhưng cháu  rất muốn diễn tốt, diễn hay, hấp dẫn… để bà vui, mẹ vui, chị vui và cả bạn mèo nhà mình cũng… vui!
         Tôi đoán rằng trong lúc nhập vai bà còng, cháu – condiễn viên nhí đã thầm nhủ mình như vậy. Thật đáng khen, tấm lòng thơm thảo của một đứa trẻ giàu tình cảm, chớm bộc lộ tài năng nghệ thuật… bắt chước!

         Khổ 2, ngòi bút thơ hoàn toàn hướng về phía khán giả thưởng thức cảnh kịch tự biên tự diễn. Cách thể hiện rất cô đọng, kiệm lời, chọn lọc đối với mỗi thành viên trong gia đình, hết sức phù hợp với thói quen và tính nết, tính cách của họ.
                                                 Mèo tròn mắt lạ lùng.
         Chú mèo đủng đỉnh uốn lưng đang dạo qua, thấy anh bạn – chủ trẻ của mình làm cái chi kỳ quá, khác thường quá, đến mức phải tròn xoe mắt lạ lùng, ngạc nhiên, không hiểu! Ở văn bản đọc lần đầu, tôi nhớ hình như tác giả viết: lạ, dừng (?!). Nghĩa là mèo ta thấy lạ đến nỗi đang đi, phải dừng lại, đứng lại, nhìn xem. Tôi cho rằng viết như thế hay hơn, ý sẽ phong phú hơn là dùng từ láy lạ lùng, chỉ chở được 1 nghĩa kinh ngạc vì lạ mà thôi!
                                            Chị cười lăn ra đất
         Rõ là cô chị gái vô tâm, vui tính, khoan khoái tán thưởng tài nghệ diễn xuất của cậu em đến mức không làm chủ được mình. Tiếng cười khanh khách, trong trẻo, vang vang khắp ngôi nhà nhỏ, làm náo động cả không gian gia đình đầm ấm sau bữa cơm chiều.
Mẹ ngồi lặng hồi lâu
-         Vì sao mẹ không nói gì? Mẹ không khen con 1 tiếng, 1 câu? (Chú bé như thầm băn khoăn, muốn hỏi).
-          Con còn nhỏ đã  làm sao hiểu được lòng mẹ? Xem con diễn, đóng vai bà còng, lòng mẹ ngổn ngang, rộn ràng, vui mừng, buồn lo trăm mối, khiến không thể thốt nên lời. Mừng vì con trai yêu của mẹ quả là một chú bé có năng khiếu; nếu lớn lên, theo học nghề này thì cũng có cơ may. Mẹ vui tin ở tương lai sáng sủa sau này của các con. Buồn lo vì nghĩ đến bà đã già nua, yếu đau luôn; Không biết trời thương còn cho bà ở với mẹ con mình bao năm tháng nữa?! Mẹ ngồi lặng hồi lâu còn vì chợt thấy thời gian đời người như bóng câu qua cửa sổ. Rồi cũng đến ngày mẹ sẽ già như bà hôm nay. Và khi ấy, các con đã là những thanh niên, thanh nữ trưởng thành…
          Tôi cứ thử đặt mình vào vai người mẹ mà nghĩ ngợi lan man như thế,  không biết có đúng được phần nào chăng?!
         Câu cuối bài:
Bà đứng trào nước mắt…
          Đây là nguyên mẫu của đối tượng, thẩm định kết quả diễn xuất của diễn viên nhí – (cháu ruột mình), nói theo thuật ngữ chuyên môn! Bà không lặng hồi lâu, trầm tư mặc tưởng như mẹ, không móm mém cười hài lòng, cũng không xoa đầu cháu, phều phào ngợi khen… mà đứng như chôn chân một chỗ suốt từ lúc cháu bước ra sân khấu tới bây giờ, và…trào nước mắt!
         Tuổi già hạt lệ như sương (Nguyễn Khuyến). Mà sao riêng hôm nay, bà xúc động đến nỗi nước mắt trào ra, không kìm nổi? Bà cảm động sâu xa vì năng khiếu diễn kịch, bắt chước đã đành; bà còn cảm động hơn vì tấm lòng thơm thảo, ngoan ngoãn hiếu kính của cháu đối với bà. Xem cháu làm bà còng, trong phút chốc, bà như được soi một tấm gương trong veo, thấy lại chính bản thân mình. Bà chợt nhớ lại cuộc đời dằng dặc của mình: làm lụng vất vả, nghèo cực hết sức, hết lòng vì chồng, vì con, vì cháu…Ơn trời, trời còn để có hôm nay…! Lòng già hạnh phúc ngập tràn, cái lưng còng hàng chục năm nay chừng như cũng đỡ còng hơn… Và những giọt lệ như sương cứ ứa ra, trào ra, không sao nén nổi!
         Những giọt nước mắt hiếm hoi, cảm động, chan chứa tình yêu thương bà cháu ấy hẳn đã làm cảm động tất cả mọi người, cả người mẹ, cô chị gái… và bao nhiêu người đọc, từ ấy đến nay?!
         Cháu làm bà còng kể chuyện - ca ngợi tình bà cháu, mẹ con, chị em…tình cảm gia đình Việt Nam đầm ấm, yêu tin, mộc mạc. Đặt vào thời điểm sáng tác năm 1972, trong hoàn cảnh đời sống nghèo khổ, khó khăn, điều kiện khẩn trương, quyết liệt của chiến tranh, người Việt Nam vẫn giữ được nếp sinh hoạt gia đình bình tĩnh, thanh thản, giàu tình nghĩa, lạc quan, tin tưởng thế hệ tương lai. Đó chẳng phải là cội nguồn của sức mạnh văn hóa - tinh thần, góp phần làm nên chiến thắng của đất nước - dân tộc Việt Nam hay sao?... Còn giờ đây, sau hơn 40 năm, đọc lại Cháu làm bà còng, vẫn hướng lòng mình về với tổ ấm gia đình thân yêu, tới mẹ cha, tới ông bà, với lòng kính yêu, biết ơn chân thành, sâu nặng. Lại nhớ câu ca dao truyền ngôn từ ngàn đời:
Bà còng đi chợ trời mưa,
Cái tôm, cái tép đi đưa bà còng!
         Chúng cháu mãi mãi là cái tôm, cái tép của bà, bà còng ơi!... Bà ơi!

Đêm 18 – chiều 19 - 11 – 2014. ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét