Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Một vài cảm nhận về tập sách: 33 gương mặt thơ nữ





Một vài cảm nhận về tập sách: 33 gương mặt thơ nữ

( Đọc 33 gương mặt thơ nữ của Vũ Nho, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2009)



                                Nguyễn Thanh Mai



                         Năm cuối cùng của thập niên thứ nhất thế kỉ 21...

                        Vàng lên giá mà thơ thì mất giá...

 Vẫn cứ có người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, cây thơ đất Việt vẫn xum xuê ra trái...Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người la lối thơ lạm phát hay loạn thơ, việc thoáng trong cơ cấu xuất bản khiến thơ mất dần bạn đọc ...

    Thế nhưng, thời mở cửa cũng cho ta thật nhiều ân huệ. Mọi năng lượng đều được giải phóng, ai cũng có thể tự công bố được tác phẩm của mình. Và chỉ có đặt trong một đời sống văn học phong phú như vậy, những giá trị vững bền mới có  điều kiện được khẳng định, những gì là chân, thiện, mĩ mới có dịp lắng lại và định hình rõ rệt  trong tâm trí bạn yêu thơ.

    Tôi đã nghĩ như vậy khi cầm trên tay  tập sách dày dặn: 33 gương mặt thơ Nữ, NXB Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội, 2009 của nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Nho.



                                                       *

                                                     *   *



   1.  Trước hết, phải khẳng định rằng, đây là một công trình nghiên cứu có giá trị. Bởi nó đã đem đến cho ta một cái nhìn khá đầy đủ và toàn diện về thơ nữ đất Việt, từ hai nhà thơ trung đại Hồ Xuân Hương đến Bà huyện Thanh Quan, tiếp đó là những nhà thơ nữ được sắp xếp theo trình tự A, B, C, không phân biệt đại thụ và non tơ, để trước độc giả, thơ của họ đều được bình đẳng, như nhà phê bình từng lý giải.

    Để giúp bạn đọc có được cái nhìn tổng quan ấy, tác giả đã khá cẩn trọng trong khâu tuyển chọn thơ của mỗi nhà theo tiêu chí: "Vừa phải mang những phẩm chất đại diện cho tác giả, vừa phải khác biệt với những bài của tác giả khác". Vì vậy, dù mỗi nhà thơ nữ chỉ được tuyển chọn năm bài, kèm theo một trang tóm tắt tiểu sử và ảnh chân dung, tiểu luận thơ, nhưng người đọc đã có thể hình dung ra phần nào dấu vân chữ của những phong cách, những gương mặt, những chân dung không nhòa nhạt. Từ tuyển tập này, những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu về thơ nữ Việt Nam sẽ dễ dàng có một tư liệu quí để tiếp tục khai phá, làm những công trình kế tiếp về một mảng đề tài rộng và hãy còn khá mới mẻ ...

   2. Có thể thấy rõ hơn tâm huyết và đóng góp của người làm sách qua mảng tiểu luận thơ. Từ đôi lời vào sách, ta đã ngỡ ngàng khi Vũ Nho quả quyết: Những người phụ nữ là những người đáng kính trọng nhất trong xã hội. Câu ấy có vẻ mang ý nghĩa tụng ca bởi bác Gorki đã nói từ lâu về vai trò hết sức lớn lao của người phụ nữ trong đời sống nhân loại. Nhưng giữa thế kỉ mà vấn đề phụ nữ còn hết sức nhức nhối mà có một người không phải phụ nữ thành tâm tôn vinh chị em đến thế, thật cảm động xiết bao! Hơn nữa, việc tác giả đưa ra một tuyên ngôn như vậy còn là để dẫn đến một nhận xét không khỏi khiến ta ngỡ ngàng: Vì sao hàng chục thế kỉ qua đi, cũng chỉ có một vài phụ nữ có tên tuổi trong làng thơ...? Một điều thật đơn giản nhưng không phải ai cũng để ý, ít ra là với kiến văn hạn hẹp của người viết bài này.

   Bởi thế cho nên, khi lần đầu tiên chị em nữ xứ mình được gặp nhau trong một ngày hội rộn ràng, sang trọng như thế này, nhiều người đã ứa nước mắt... Có phải đây là lần đầu tiên diễn ra cuộc gặp mặt cảm động giữa các thế hệ  mà khoảng cách giữa họ đã là mấy trăm năm? Khác xa lắm về thời gian, không gian, từ lối trang phục cho đến nếp ăn nếp ở hàng ngày, cho đến cách nhìn, cách nghĩ... thế mà, lật giở từng trang, từng trang và suy ngẫm, thì vẫn thấy là họ đấy thôi! Cùng chung giọt nước mắt, cùng chắt từng giọt vui, cùng bao nỗi đắng cay, nhọc nhằn, thua thiệt...Và điều kì lạ là từ trong mồ hôi của đá, vẫn ứa ra khát vọng sống, khát vọng yêu, có lúc bừng bừng như thiêu, có lúc nhẫn nại và âm thầm như  bóng...Ta gặp lại ở đây những nhà thơ mình vô cùng yêu mến, những lời thơ khiến mình từng sung sướng đam mê như nữ sĩ Xuân Quỳnh, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Lê Thị Mây, Thu Nguyệt, Vi Thùy Linh.... Nhưng khi đặt những nhà thơ ấy, lời thơ ấy, bên những nhà thơ khác, lời thơ khác, rồi đọc nó trong bối cảnh khác, bỗng nhiên nó mang một vóc dáng mới mẻ, một cảm giác là lạ, có cái gì tuồng như bỡ ngỡ...Đây đúng là nơi tụ hội của các nhà thơ nữ anh tài, mỗi người một vẻ, có người tài lẻ, có người tài cao, có người tài năng đang vẫn ở độ dồi dào, có người đã thành thiên cổ, có người mới chỉ như bức họa đang vẽ...Nhưng khi để họ quần tiên hội, ta có thể đã có một hình dung,  khá ấn tượng và rõ nét về diện mạo thơ nữ đất Việt, dù chưa thể và có lẽ không bao giờ có thể đầy đủ.



Bên cạnh những người muôn năm cũ, ta còn được biết thêm bao người bạn mới, những người chị em có thể bạn và tôi chưa biết, mỗi người đều là một mảnh của thiên tài nhân loại như cách nói của Chế Lan Viên, họ thực sự đã đem đến cho ta nhưng cái nhìn mới, góc nhìn mới về cuộc sống như Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Dư Thị Hoàn, Đỗ Thị Tấc,  Vi Thùy Linh... Ngay cả với hai nhà thơ Thái Nguyên, dù đã biết họ gặp họ đã nhiều lần, đọc thơ họ không ít, vậy mà giờ đây, tôi lại như được  nhìn lại họ với không ít những ngạc nhiên. Chỉ cần gẩy ra ở Vân Trung nét thông minh nhạy cảm khi diễn tả khá tinh tế phút bùng nổ tâm lý của người thiếu nữ bắt đầu biết phút giây yêu : Như cây chỉ quen non tơ nhành lá/ Rùng mình khi sắp trổ bông; hay gặp được tâm hồn Thúy Quỳnh đẫm nước trong cơn mưa ướt sũng đá Đồng Văn khi chị  thấy em nhỏ lấy ô che cho củi, tôi cho thế  là vừa đủ để thấy chất riêng của hai nhà thơ nữ có thể tên tuổi  chưa quen lắm với nhiều người. ( Dù sau này Thúy Quỳnh đáo để hơn, gai góc hơn, nhưng cái làm nên chị vẫn là sự dịu dàng đôn hậu, là chất đàn bà  thôi...)

    3.  Chọn 33 gương mặt thơ nữ, viết về giới nữ, cùng mang một mẫu số nữ tính và mẫu tính như tiêu chí người viết đặt ra để lựa chọn và phê bình, mà không lặp lại mình là một điều không dễ. Nhưng Vũ Nho đã khéo chọn cho mình cách viết đa dạng, những lối tiếp cận riêng, khá thuyết phục với từng trường hợp. Với các nhà thơ lớp trước là cái nhìn tổng thể về thời gian, không gian theo từng chặng đường sáng tác, với các nhà thơ lớp mới là sự cố gắng lý giải, cắt nghĩa về sự độc đáo, mới mẻ trong bút pháp. Ví như  như  Ngân Giang,Vân Đài, Anh Thơ, Cẩm Lai....những thi sĩ sớm có tên trên văn đàn và đã đồng hành cùng dân tộc trong mấy mùa kháng chiến, anh đã chi chút dõi theo từng bước đường thơ của họ, tôn vinh họ bằng tất cả sự mến yêu, kính trọng. Đọc tiểu luận của anh về những nữ thi nhân ấy, vẫn như thấy rõ không khí rộn ràng của một thời để nhớ, một thời để yêu, khi biết bao người con gái tài sắc của quê hương đã từ biệt mẹ cha lên đường theo kháng chiến, để từ đó, những vần thơ tươi tắn đã đi cùng...Với hai nữ sĩ tiền bối như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, anh đã có những phát hiện và lý giải thật sâu sắc. Tài hoa nhất có lẽ là những lời bình mang tính phát hiện của anh khi đi vào thế giới thi ca Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Dư Thị Hoàn, Đỗ Thị Tấc, Lê Thị Mây, Thu Nguyệt, Vi Thùy Linh...Có những hiện tượng thơ không dễ lý giải, có những phong cách có thể chưa định hình...Ây thế mà chỉ bằng vài nét phác họa, đã thấy rõ người nào ra người ấy, không lẫn vào đâu được. Đó là gương mặt thơ Đỗ Thị Tấc với giọng điệu riêng, khỏe, mộc, và hồn nhiên đặt trong không khí thiêng của một miền quê núi ở góc trời Tây Bắc, hùng vĩ mà hoang sơ, khắc nghiệt, nơi chênh vênh mái nhà Tổ Quốc, nơi trâu thở ra khói, người nói ra sương, nơi có những con người mộc mạc ân tình với lời mời gọi Người ơi! Rượu chưa cạn, tình còn vơi! Đó là thơ Đạo Tĩnh với sự cô đọng sắc sảo của một cây bút văn xuôi vừa phóng khoáng như một cây thơ dạt dào nhựa sống, niềm khát vọng như tràn vào cảnh vật trong bức tranh Hoa dại...để dệt nên những câu thơ buồn, nhưng là nỗi buồn vạm vỡ của phận đàn bà kết tụ lại thành những dòng thơ trong và buốt...Có lúc, nhà phê bình chỉ đưa ra ấn tượng tổng quan về chân dung tinh thần nhà thơ: như   Hằng Phương, một hồn thơ dịu dàng trong trẻo, hay Nguyễn Thúy Quỳnh mãnh liệt mà đôn hậu; Có khi, anh lại xem xét tác phẩm của họ dưới cái nhìn về đề tài và thi pháp như trường hợp Trần Lan Vinh; cũng có khi, nhà phê bình lại như một họa sĩ đưa ra những mảng màu tưởng như đối nghịch mà thống nhất như trường hợp Phạm Dạ Thủy...Lại có những lời bình thật dịu dàng thơm thảo về thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong Đám cưới ngày mùa, Hương thầm, đọc mãi rồi vẫn thích, như được ngậm trong mình một dư vang...

 Dù công phu, sắc sảo hay chỉ là vài nét phác họa, nhưng nhìn chung ta thấy anh không đi quá xa, không cố ý nói  những gì mà thơ không nói... 

     4. Có khập khiễng không khi đọc văn phê bình Vũ Nho, tôi cứ thầm nghĩ đến  hai cây phê bình, một người đã thiên thu, một người vẫn đang độ sung mãn, đó là nhà phê bình Hoài Thanh và tiến sĩ Chu Văn Sơn. Một người như làm thơ trong văn phê bình để rót vào tai người đọc những khoái cảm thẩm mĩ ngây ngất, một người thiên về luận chứng, phân tích, lập luận để xoay đến kiệt cùng đối tượng, bắt nó phải hiện nguyên bản chất có thể lý giải được về cấu trúc, ngôn ngữ, ý, tình, cảnh giọng điệu câu thơ...Mỗi cách làm đều có cái hay của nó. Nhưng tôi thích lối viết điềm đạm, chừng mực mà đằm thắm, ân tình của Vũ Nho. Cũng có lúc, cảm xúc như thăng hoa khiến anh nhập hồn cùng câu chữ mà cho ra đời những lời văn dẫn dụ, mê hoặc như lời bình cho Hờn nửa vầng trăng của Lê Thị Mây ( tr 271); nhưng nhìn chung, văn phong Vũ Nho nghiêng về sự giản dị mà tinh tế, vừa lý giải, cắt nghĩa để thuyết phục người đọc bằng chứng cứ rõ ràng, không áp đặt, cưỡng bức độc giả phải yêu, phải tin,  nhưng thái độ và tình cảm rõ ràng của anh, cách làm việc cẩn trọng và  khách quan, khoa học của anh tự nó đã có sức thuyết phục. Chẳng hạn như anh khi viết về cái chưa được trong thơ Vi Thùy Linh ( tr 195); Trần Lan Vinh ( tr 504, 505), Dư Thị Hoàn ( tr 133)... Bạn đọc đặc biệt trân trọng những phát hiện thú vị của anh, mà dù ít dù nhiều, bài nào cũng có, ví như cái tinh diệu của  hương thầm trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn; cái tình ẩn sau hình ảnh con dế không rời cỏ xanh trong thơ Lê Thị Mây hay cái nhìn mới, cách tiếp cận mới, giọng điệu mới của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh...

    Người đọc có thể thấy được phần nào những nỗ lực của nhà thơ khi đi tìm cái đẹp trong cuộc đời và nỗ lực của nhà phê bình khi đi tìm cái đẹp trong thơ qua những bài tiểu luận của Vũ Nho. Thấp thoáng trong những lời bình, có thể thấy cả quan niệm nghệ thuật của anh về thơ, về nghề bình thơ, về phẩm chất công dân và năng lượng sáng tạo của người nghệ sĩ, về chất suy tư và yếu tố cảm xúc...( Những quan niệm ấy đã được phát biểu đầy đủ và khá hào hoa qua Đi tìm vẻ đẹp thơ  trong Thơ những vẻ đẹp và đăng lại trên Blog cá nhân), nó sẽ chi phối cách chiếm lĩnh đối tượng và phần nào là cả văn phong Vũ Nho qua những trang tiểu luận ở tập sách này.

  5. Còn điều gì bạn đọc mong muốn hơn ở cuốn sách? Tất nhiên là có. Liệu có nhất thiết phải là 33 tác giả? Có nhất thiết phải chọn bình quân mỗi tác giả 5 bài, trong khi chất lượng nghệ thuật của chúng không đồng đều? Vả lại, nếu chọn thơ theo tiêu chí: "Vừa phải mang những phẩm chất đại diện cho tác giả, vừa phải khác biệt với những bài của tác giả khác", liệu cái sau có loại trừ cái trước? Và một tập sách dày hơn 500 trang, không khỏi tránh những lỗi trong khâu in ấn hay sửa bản thảo, nhưng bạn đọc vẫn mong muốn tác giả sẽ làm kĩ lưỡng hơn và hi vọng có thể thấy nó sẽ được khắc phục ở những lần tái bản sau.  



                                                        *

                                                     *   *





  33 gương mặt thơ Nữ là một quyển sách quí trong nhiều quyển sách quí mà thêm một lần nữa, nhà văn, nhà giáo, nhà phê bình Vũ Nho đã góp được cho đời.     Cảm ơn  tác giả, người đã giúp ta hiểu đến tận cùng những nông nỗi, những thân phận, những khát khao hi vọng đầy giá trị nhân văn của người phụ nữ... Người đã làm bao nhiêu phận đàn bà xứ Việt phải rơi lệ khi gặp lại nỗi mình trong lời thơ, lời bình đau nhức. Cảm ơn tác giả,  một- người - lạ - quen- biết: thày giáo, nhà phê bình văn học Vũ Nho.

                                                                            N.T.M

  Bài đăng trên Diễn đàn văn nghệ VN. Đây là bản gốc.






2 nhận xét:

  1. "Văn chính là người ", không biết ý ấy của ai, nhưng tôi thấy đúng quá. Tôi đã đọc: 33 gương mặt thơ nữ, cảm nhận rõ về sự cẩn trọng, sâu sắc, tinh tế, đầy đặn và rất bài bản của tác giả Vũ Nho. Bây giờ lại được thấy những chia sẻ của NTM, thật là thú vị.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bạn đã ghé trang và chia sẻ!

    Trả lờiXóa