Nhà giáo, nhà văn Hoàng Dân
Thêm một
Trần
Hoà Bình
Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết
Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một – lắm điều hay
Nhưng mà tôi cũng biết
Thêm một – phiền toái
thay
Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi
Nhưng thêm chút lầm lì
Thế nào em cũng khóc
Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Cứ thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi
Nhận thêm một thiếp cưới
Thấy mình lẻ loi hơn
Thêm một đêm trăng tròn
Lại thấy mình đang khuyết
Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một – lắm điều hay
1986
Lời bình của Hoàng Dân
Chỉ với một bài thơ “Thêm một” đã đủ làm nên
tên tuổi một nhà thơ lẫy lừng. Mà cái lẫy lừng này gần như là “báu vật trời
cho” như lời Trần Hoà Bình từng kể: “Hết một giờ dạy, tôi đang lững thững thả
bộ trên đường về nhà thì bỗng có một chiếc lá vàng từ đâu đó đáp xuống bờ vai
và bài thơ THÊM MỘT cứ thế mà… ra, liền một mạch”. Tất nhiên, với nhiều người,
nếu có chiếc lá vàng nào đó đáp xuống bờ vai thì người ta có thể gạt xuống đất
hoặc là mặc kệ; nhưng với người có tố chất thi sĩ bẩm sinh như Trần Hoà Bình
thì cuộc đời có thêm một bài thơ hay. Ngoài bài thơ này, Trần Hoà Bình còn có
hàng chục bài thơ khác, nhưng có điều lạ, Trần Hoà Bình chưa in một tập thơ
nào. Chưa in tập thơ nào nhưng vẫn là một nhà nhà thơ nổi tiếng, trong khi có
người in tới 9 tập thơ thì vẫn… vô danh! Thế mới biết, nghệ sĩ thì phải có tài,
mà đã có tài thì chẳng cần bận tâm về số lượng… đầu sách!
Đã có rất nhiều lời bình về bài thơ này và dĩ
nhiên, lời bình nào cũng có cánh. Có người bảo, với một bài thơ hay thì viết
thế nào cũng hay, bởi chỉ khen thôi, mà khen thì dễ quá còn gì? Tôi không cho
là vậy, bởi khen đúng còn khó hơn chê đúng vì cái dở thường lộ liễu hơn cái
hay. Giống như người con gái đã đẹp lại có duyên, cái duyên ấy thường kín đáo,
phải tinh lắm mới phát hiện ra. Ở đây, tôi chỉ xin bàn góp về một trong những
cách tiếp cận bài thơ.
Không kể hai câu thơ cuối cùng (thực ra là
nhắc lại hai câu ở đầu khổ 2), bài thơ có 5 khổ thì chỉ khổ 1 có nội dung đồng
thuận với tên bài thơ THÊM MỘT, 4 khổ còn lại (chủ yếu là các khổ 3, 4, 5) có
nội dung “phản biện” lại nội dung ở khổ 1, tức là nói đến cái mặt trái của THÊM
MỘT. Thực chất, ba khổ thơ 3, 4, 5 có thể đặt tên là BỚT MỘT – LẮM ĐIỀU HAY!
Thử bớt đi “một lời dại dột”, một “chút lầm
lì”, “một người thứ ba”, “một lời hứa”, “một thiếp cưới” “một đêm trăng tròn”
thì cuộc sống liệu có tốt đẹp hơn không? Không ai dám chắc cả!
Tương quan thêm/bớt trong bài thơ là: 2 – 6,
tức là chỉ có 2 cái thêm là hay, còn 6 cái thêm là dở. Hai cái thêm là hay đều
thuộc về thiên nhiên (lá rụng, chim gù), sáu cái thêm là dở thì chỉ có một cái
thêm thuộc về thiên nhiên (trăng tròn), còn lại năm cái là do con người gây ra.
Nếu qui ước hay là dương, dở là âm thì kết quả sẽ là:
thiên nhiên 1 dương, con người 4 âm. Như vậy, hầu hết những “phiền
toái” trong cuộc đời này đều do con người gây ra cho nhau cả thôi, xin chớ đổ
vạ cho trời! Đây là tầng nghĩa hàm ẩn rất sâu sắc của bài thơ, nó là một cái
duyên ngầm khiến ta ngây ngất với một người con gái đẹp và một bài thơ hay.
Chưa hết, ngay trong ba khổ thơ “phản biện”
lại có một cái “phản biện của phản biện”, đó là hai câu thơ mà tôi cho là hay
nhất của bài thơ:
Thêm một đêm trăng tròn
Lại thấy mình đang khuyết
Trăng tròn – Trăng khuyết là qui luật của tự
nhiên, nó được vận vào con người với ý nghĩa là: những thiếu sót, những khuyết
tật, những mất mát, những tổn thương… và sự nuối tiếc. Thêm một đêm trăng tròn
tức là một đơn vị thời gian đã trôi qua rất nhanh, con người cũng lớn lên và
già đi rất nhanh. Lớn lên và già đi về thể xác thôi, chứ còn tâm tính và tâm
hồn thì sao? Thì Lại thấy mình đang khuyết, tức là mặc cảm xấu hổ về cái
mà người ta gọi là “chỉ có những đứa trẻ rất già, chứ không có người lớn”! Tâm
tính thì thất thường, tâm hồn thì cằn cỗi. Không có cách gì để trở lại hồn
nhiên như con trẻ. Vậy là ta sẽ “khuyết” như một vết trượt dài… Phải chăng đây
cũng là một qui luật nghiệt ngã của cuộc sống?!
19.1.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét