Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Những phút xao lòng với lời bình

                                                                     Nhà văn, nhà giáo Hoàng Dân
Những phút xao lòng                                                        
                                                                                Thuận Hữu

                 Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu
(Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ)
Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế
Yêu một cô, giờ cô ấy đã có chồng

Có thể vợ mình vì những phút mềm lòng
Nên giấu kín những suy tư, không kể về giấc mộng
Người yêu cũ vợ mình có những điều mà mình không có được
Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn

Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng
Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được
Nghĩ về cái đã qua nhiều khi như nuối tiếc
Mình cũng chẳng nói ra vì sợ vợ buồn

Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn
Và cảm thấy mình như người có lỗi
(Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói
Cô ấy cũng thương yêu và chăm chút mình hơn)

Mà có trách chi những phút xao lòng

Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ

Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Đừng có trách chi những phút xao lòng!
            
Lời bình của Hoàng Dân
Dường như bài thơ là một mạch độc thoại nội tâm không dứt, lời lẽ thủ thỉ chân thành, xao xuyến những hồi ức và trăn trở. Có người bảo bài thơ vui vui, ngộ ngộ. Tôi nghĩ ngược lại, nghĩa là bài thơ rất buồn, nhưng là cái buồn nhẹ nhàng trong sáng.
Tôi chợt nhớ một câu chuyện có ý nghĩa ngụ ngôn hiện đại. Hai vợ chồng nọ sống rất hòa thuận, hạnh phúc. Người chồng được mọi người trong và ngoài gia đình thừa nhận là một người chồng chung thủy, người cha gương mẫu. Người vợ cũng không hề giấu giếm niềm hạnh phúc và cả niềm tự hào về người bạn đời tuyệt vời của mình. Nhưng rồi, người chồng chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo và phải nằm liệt trên một chiếc giường trong bệnh viện. Không hiểu sao, cứ vào những phút không có ai ở bên cạnh thì người chồng lại lặng lẽ khóc. Có lần người vợ bắt gặp những giọt lệ còn đọng trên khóe mắt chồng, bèn gặng hỏi: “Hay là em và các con đã làm điều gì khiến anh buồn?”. Người chồng lắc đầu. Người vợ khóc và cố gặng hỏi một lần nữa, nhưng người chồng vẫn lắc đầu. Mãi tới khi có một người bạn thân thiết vào thăm, người chồng mới nắm tay người bạn, khóc và nói: “Tôi không nói ra điều này thì chết không thể nhắm mắt được, ông ạ!”. Người bạn ngạc nhiên hỏi: “Chẳng lẽ ông mà cũng có nợ nần gì ai hay sao?”. Người chồng lắc đầu: “Không! Nó còn đáng sợ hơn cả nợ nần!... Nhưng ông phải thề với tôi rằng sẽ không bao giờ để cho vợ tôi được biết điều này...”. Người bạn gật đầu: “Tôi thề!”. Người chồng buồn bã nói: “Gần 30 năm chung sống với nhau và cho đến tận bây giờ, tôi chưa có một phút nào yêu vợ tôi, ông ạ! Thật khủng khiếp...”. Người bạn quá kinh ngạc, lặng đi... Người chồng gắng gượng nói tiếp: “Trước khi lấy cô ấy, tôi đã yêu một người và người ấy cũng yêu tôi, nhưng chúng tôi không nên vợ nên chồng... Chẳng hiểu sao, tôi không thể nào quên được người ấy để yêu vợ tôi.... Thật quái gở, phải không, hả ông?!”... Tôi nghĩ câu chuyện trên và bài thơ của Thuận Hữu có một cái gì đó thật đáng để chúng ta cùng suy ngẫm...
Mở đầu bài thơ là một giả định có thể, nhưng lại mang ý nghĩa khẳng định bởi trong thực tế, những lứa đôi lần đầu tiên trong đời yêu nhau mà có thể thành vợ thành chồng có lẽ không nhiều. Do đó, sau khi đã có gia đình riêng rồi, mọi chuyện mới bắt đầu theo những qui luật tình cảm vô cùng phong phú, đa dạng và  phức tạp đến khó lường của nó. Theo một câu ngạn ngữ phương Đông: Vợ chồng yêu nhau ba tháng, thương nhau ba năm và chịu đựng nhau cả đời thì cái qui luật tình cảm hậu hôn nhân cũng chẳng có gì bất ngờ mà phải hoảng sợ! Con người phải đối mặt với nó, tìm cách chế ngự nó:
Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu
(Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ)
Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế
Yêu một cô, giờ cô ấy đã có chồng
Vợ mìnhmình đều là người yêu cũ của những kẻ không hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của gia đình, nhưng oái oăm thay, những kẻ vắng mặt ấy lại luôn có một vị trí không thể thay thế trong hai trái tim! Có thể trong tuần trăng mật của hai vợ chồng, gương mặt của những người yêu cũ tạm thời nhòa đi, lắng xuống; nhưng rồi theo thời gian, cuộc sống của hai vợ chồng dần dần trở nên bình thường, nhàm chán... và thế là những gương mặt kia lại rõ nét dần. Nếu chẳng may, vì một lí do nào đó mà hai vợ chồng bất hòa, xung khắc thì những gương mặt người yêu cũ sẽ thật sự trở thành nỗi ám ảnh đầy tiếc nuối, xót xa! Hai vợ chồng nằm bên nhau nhưng mỗi người lại nhớ tới một người yêu cũ của riêng mình thì đó là sự khởi đầu cho một cuộc ngoại tình về tâm hồn mất rồi! Tình trạng đồng sàng dị mộng sao có thể bảo là vui cho được?
Có thể vợ mình vì những phút mềm lòng
Nên giấu kín những suy tư, không kể về giấc mộng
Người yêu cũ vợ mình có những điều mà mình không có được
Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn
Những phút mềm lòng là những phút thổn thức với người xưa tình xưa đầy tiếc nuối và ân hận. Tiếc những kỉ niệm đẹp đã qua, ân hận về sự lựa chọn trong hiện tại của mình?!
Khi mà tình yêu đã không đi đến hôn nhân thì nó thường kết thúc ở một trong hai cực: hạnh phúc hoặc bất hạnh. Hạnh phúc khi cả hai đều tự nguyện giải phóng cho nhau. Trường hợp này thì những kỉ niệm về tình yêu sẽ trở thành vầng hào quang chói sáng trong kí ức. Bất hạnh khi có một trong hai kẻ phản bội, nhưng như thế  vẫn còn một kẻ đang yêu và đó là một tình yêu vô vọng đầy nước mắt. Dù hạnh phúc hay bất hạnh thì người ta vẫn không thể quên, ngay cả kẻ phản bội cũng không thể quên, nhất là nếu sau này kẻ đó vớ phải một người bạn đời chẳng ra gì. Yêu mà không kết thúc bằng hôn nhân thì thường là tình yêu đẹp, đáng nhớ. Lí do cũng thật đơn giản: những kẻ đang yêu bao giờ cũng chỉ thấy và ngây ngất với cái phần ưu tú nhất của nhau. Còn khi đã thành vợ chồng, người ta phải chịu đựng cả những phần thô thiển nhất của nhau, mà đáng sợ thay, sự chịu đựng nào cũng có giới hạn! Như vậy, hiển nhiên là, mỗi cặp vợ chồng ngoài trách nhiệm và tình cảm đối với nhau, đối với con cái; mỗi người còn có một thế giới tinh thần riêng bất khả xâm phạm, đó chính là những điều mà cả hai đều cố gắng không nói ra. Không nói ra nhưng nó vẫn tồn tại khiến cho cả hai không khỏi xao lòng, nuối tiếc... Cuối cùng thì tình yêu đã bị thay thế bằng tình thương như một tất yếu:
                                    Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn
Nó khiến cho người ta phải tiếp tục sống trong những mặc cảm:
                                     Và cảm thấy mình như người có lỗi
Để phần nào giảm áp lực của mặc cảm, người ta đành phải tự an ủi mình:
Mà có trách chi những phút xao lòng
Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Đừng có trách chi những phút xao lòng!
Những phút xao lòng và những phút ngoài chồng ngoài vợ là gì, nếu không phải là những phút ngoại tình về tâm hồn? Mà xem ra việc ngoại tình về tâm hồn mới chính là cái ngòi nổ đáng sợ bởi nó vô hình, vô ảnh và cũng vô tận! Nó là cái nguy cơ tiềm tàng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào! Có lẽ không ai khuyến khích các cuộc ngoại tình dưới bất kì hình thức nào, mĩ từ nào và nhân danh cái gì..., nhưng ngoại tình cũng không hẳn chỉ có một màu đen chết chóc, nó cũng có những yếu tố tích cực khá thú vị. Thứ nhất, nó khiến cho những người trong cuộc cảm thấy mình còn có một giá trị nhất định. Thứ hai, nó chính là một tác nhân cổ vũ lòng ham sống và khát vọng sống có ích của con người. Thứ ba, trong một chừng mực nào đó, nó chính là động lực của sự sáng tạo và sự bất tử. Có một nhà văn lớn nói rằng: Theo tôi, ngoại tình chẳng có gì là xấu, nó cũng là một nhu cầu kiếm tìm kẻ  đồng điệu của con người, thậm chí nó còn là bệ phóng cho các thiên tài. Tuy nhiên, vấn đề là phải có điểm dừng. Thiên tài là người luôn biết tri kỉ (biết mình), tri bỉ (biết người), tri túc (biết thế nào là đủ) và  tri chỉ (biết điểm dừng).
Những phút xao lòng cũng là một trạng huống của tình yêu, một biến thể của tình yêu, một qui luật bất khả kháng trong đời sống tình cảm của con người. Nói đến nó thật khó. Làm thơ về nó càng khó hơn. Vậy mà Thuận Hữu đã có một bài thơ khiến người đọc, dù khắt khe và bảo hoàng đến đâu chăng nữa vẫn có thể chịu đựng được. Bài thơ này hay theo ý nghĩa đó. Hay, nhưng vẫn man mác một nỗi buồn... Sao đời sống tinh thần của con người lại phức tạp đến thế? Sao vợ chồng lại không thể chia sẻ với nhau về nỗi khổ tâm này? Lại chợt nhớ những câu thơ của Xuân Diệu:
Em là em, anh vẫn cứ là anh
                               Có thể nào qua vạn lí trường thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật?
                                                        
                                                                           Núi Bò-Hà Nội,
                                           10.2.1992-10.2.2004

                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét