Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

NGUYỄN HUY, “GIỮA HAI ĐỢT SÓNG”




NGUYỄN HUY, “GIỮA HAI ĐỢT SÓNG”
(Đọc tập thơ “Giữa hai đợt sóng”
NXB Thanh niên 2004)

Nguyễn Thị Lan
Khoảng gần chục năm trở lại đây bạn đọc yêu thơ Hải Dương thường quen với tên tác giả Nguyễn Huy trên trang thơ của các tờ báo tỉnh nhà nhưng phải đến mùa thu 2004 này Nguyễn Huy mới cho ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay của mình - tập “Giữa hai đợt sóng”. Thi phẩm gồm 69 bài, bài nào cũng thoảng buồn, dung dị, ấm áp làm nên một dòng sông yêu thương của hồn thơ Nguyễn Huy.
Đọc tập thơ có một khổ thơ theo tôi đã phác thảo gần đầy đủ chân dung tinh thần và tâm hồn của anh:
“Em đi lỡ mấy nhịp cầu
Còn tôi một rượu, một câu thơ buồn
Rượu này uống với cô đơn
Câu thơ buồn gói mảnh hồn gửi em…”
(Chiều cuối đông)
“Buồn” và “cô đơn”, đó là trạng thái thường trực ở Nguyễn Huy.
Một triết gia vĩ đại đã từng nói một cách chí lí rằng: những cảm giác vui sướng thậm chí mạnh mẽ nhất hầu như chẳng có ý nghĩa gì so với những cảm giác buồn cùng mức độ.
Cả tập thơ này ta ít gặp Nguyễn Huy với nụ cười tươi tắn, chỉ thấy anh buồn, bâng khuâng. Buồn khi nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ tuổi thơ. Buồn khi trở về chốn cũ. Buồn khi sum họp và càng buồn hơn khi chia ly. Buồn khi thương mình và buồn khi thương người… Thế giới trong thơ Nguyễn Huy là một thế giới buồn, heo hắt đến se lòng.
Trong thơ mình Nguyễn Huy cũng hay nói về cái cô đơn.

Cô đơn trước hết là bản chất của con người. Trong đời sống tộc loại khi con người nếm quả tri thức, bị đuổi khỏi thiên đường đánh mất cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, con người trở thành cô đơn.
Cô đơn cũng là bản chất của người nghệ sĩ. Bởi thế anh mới sáng tạo, sáng tạo để giải thoát.
Trong thơ Nguyễn Huy, có lúc ta bắt gặp một thoáng cô đơn, chạnh buồn khi anh đứng trên bến, nghe một tiếng còi tàu:
“Con sóng dào lên, tàu về bến
Chỉ tiếng còi là nhớ mình thôi”
Những giây phút cô đơn anh làm thơ về “lặng lẽ”: lặng lẽ để hòa vào cảnh, lặng lẽ để lắng nghe lòng mình:
“Lặng lẽ một trời khuya
Trăng bên cầu lặng lẽ
Lặng lẽ một chiều mưa
Bao nỗi niềm dâu bể’
Nguyễn Huy có cả một bài thơ viết về cô đơn, bài “Cô đơn”. Có những câu thơ “thật” đến se lòng, thắt ruột:
“Và hôm nay em đã bỏ đi rồi
Không ngoảnh lại, không một lời nhắn gửi
Mái bếp những chiều tro tàn lạnh khói
Cơm bụi bên hè một bố, một con”
Cảm giác hẫng hụt, mất mát thường có trong thơ Nguyễn Huy:
“Người đi trong ráng mưa nguồn
Bao nhiêu sương lạnh gió luồn trong tôi
Bâng khuâng giọt lệ đầy vơi
Người đi còn lại trong tôi...một chiều”
                                                                              (Chiều)
Trên con đường đời xa thẳm, luôn phải đồng hành với trống trải, cô đơn nhưng Nguyễn Huy không oán đời và trách người, anh chỉ tự trách mình:
“Em đi tìm những ngày mới cho em
Ừ. Thôi thế cũng mong phần bớt khổ
Anh vụng dại suốt một đời mang nợ
Để bây giờ còn lại nỗi cô đơn”
                                                   (Cô đơn)
Thật hồn hậu và độ lượng biết bao.
Nếu thế giới tồn tại trong không gian và thời gian thì con người cũng hay quay về thời gian để truy lĩnh không gian. Thời gian của vũ trụ thì vô hạn, vô hồi còn thời gian sinh mệnh của con người thì ngắn ngủi bởi nó chỉ có một lần và không quay lại.
Đọc thơ Nguyễn Huy ta thấy vết thời gian đầy ắp trong trái tim anh. Đó là thời gian của đời người:
“Ta đi trên con tàu thời gian
Cái ga xép ta lên - năm mẹ sinh ta đó
Qua chặng đường những buồn vui dang dở
Xuống một ga. Khi đã sống một đời”
                                           (Mùa xuân và con tàu)
Trong các chiều của thời gian, hình như chiều thời gian quá khứ ngày càng đi về nhiều trong thơ Nguyễn Huy. Phải chăng khi đã bước sang mùa thu của cuộc đời, quá khứ càng trở nên da diết, ám ảnh anh hơn. Về thăm quê, thơ anh tắm trong hoài niệm:
“Chiều này về gom một chút nắng rơi
Qua kẽ lá cây đa già thảng thốt
Lòng rưng rưng những ai còn, ai mất
Dưới bóng đa làng tìm lại những ngày xanh”
                                                        (Cây đa làng)
Trong thơ mình Nguyễn Huy hay nói tới tóc bạc như dấu vết của thời gian. Thời gian với anh “như thác đổ” làm “tóc ngả màu tuyết sương”. Vì vậy quay trở lại thời gian đã mất, anh đã làm sống dậy những không gian xưa: một dòng sông, một phiên chợ, một bóng đa làng…
Buồn bã, cô đơn nhưng Nguyễn Huy không đóng kín lòng mình. Anh mở lòng giao hòa cũng với người và tạo vật (phải chăng đó cũng là cách tự chữa vết thương?). Nguyễn Huy có một hồn thơ rộng mở, đầy yêu thương chính vì vậy thơ anh buồn mà không bi lụy và luôn ấm áp tình người.
Quê Nguyễn Huy ở Thanh Hóa. Anh đã từng tâm sự với bạn bè: quê anh có cả núi rừng, đồng bằng và biển. Là người tha hương, Nguyễn Huy luôn đau đáu nỗi niềm thương nhớ quê hương. Tập thơ 69 bài thì có 15 bài Nguyễn Huy trực tiếp viết về quê hương. Quê hương với anh là “nơi cội nguồn thương mỗi bước con xa”. Quê hương với anh là cả một vòm trời hạnh phúc, nơi đó anh có thể tìm thấy sự yên tĩnh của tâm hồn.
Đọc thơ Nguyễn Huy, những địa danh thân thiết của quê hương anh luôn vang lên như một nốt nhạc trầm xao xuyến: những Cửa Lạch, Cẩm Thủy, Cẩm Lệ, ngã Ba Bông; những làng Quanh, chợ Kiểu, chợ Bản, chợ Mía, xóm Dinh, phố Cống, rồi sông Cầu Chày, sông Mã, sông Chu…
Cảnh quê anh vốn khoáng đạt và đẹp nay được tắm trong nỗi nhớ càng đẹp. Quê hương anh với “lối mòn in những dấu chân”, với “con đò gối bãi”.
Quê hương với “gió thổi hai triền sông Mã”, với “mây nhuộm đỏ ráng chiều thành cổ”. Rồi mùi thơm của dưa Dọi, quả mâm xôi cũng vẫn ngan ngát trong lòng đứa con xa quê.
Cảnh quê anh thân thuộc như bao làng quê vùng biển trên dải đất miền Trung:
“Làng nằm bên cửa Lạch
Mái nhà mang dáng mui thuyền
Con sóng lừng cuộn vào lòng biển
Một chấm buồn xa gọi gió lên”
                                             (Làng biển)
Kỷ niệm về quê hương gắn liền với hình ảnh con thuyền và biển, đó chính là ảnh biểu tượng của quê hương. Vì vậy có một ngày trở lại thăm quê, lòng đứa con xa nhà không khỏi trống vắng, bâng khuâng khi:
“Chiều nay về bến cũ
Không bóng thuyền buông neo
Bờ lở làng đi hết
Những vạn chài vắng teo”
                                         (Về bến cũ)
Quê hương đẹp, nên thơ nhưng khí hậu nơi đây cũng thật khắc nghiệt. Đã hơn một lần ngọn gió Lào với cái nóng như thiêu như đốt đã đi vào thơ Nguyễn Huy như một kỷ niệm về tuổi thơ. Cả những khi “Nhớ làng”, Nguyễn Huy cũng nhớ tới ngọn gió Lào thổi sang nóng bỏng làm “sạm mặt người cây lúa héo khô”.
Nhớ quê, Nguyễn Huy nhớ những con người của cố hương. Đó là những con người vất vả một nắng, hai sương trên dải đất khô cằn, nắng lửa. Những người “Mồ hôi bạc cả vai áo” khi chở bè; những người chở thuyền mắc cạn “phải khơi cát tạo luồng mà đi”; những người mà anh thấy:
“… trong điệu hò sông Mã
Tấm lưng trần kéo gió ngược triền đê”
Ai chẳng có một quê và yêu mến quê hương nhưng quê nghèo lại càng yêu thương gắn bó. Chính vì vậy ta mới hiểu tại sao quê hương như một niềm thương nhớ, day dứt khôn nguôi của Nguyễn Huy.
Giữa bao con người của quê hương, mẹ hiện ra như tâm điểm của nỗi nhớ. Xa quê, một chút “nắng đầu mùa” cũng gợi trong anh nỗi nhớ mẹ:
“Nắng trộn bùn, nắng đổ trên lưng
Mẹ đi cấy tấm vai gầy sạm nắng
Mong ngọn gió nồm nam lên ruộng
Bóng mây chiều che mát cánh đồng xa”
Trên “con đường mùa đông” của một chiều đông, khi gió lạnh về, người con xa quê chợt thấy se lòng thương mẹ khi anh “chưa kịp gửi về mẹ áo rét”. Anh mong ước:
“Lá vàng khô rơi quanh ngõ hẹp
Gom lửa chiều sưởi ấm mẹ tôi”
Và đây là tâm tình của đứa con sống xa mẹ, xa quê:
“Thương mẹ tháng ngày cô đơn
Con đi xa ngàn sông suối
Chỉ e một lần về cuối
Còn đâu bóng mẹ bên thềm”
Mẹ già như chiếc lá vàng lay lắt trước gió. Ai chẳng có một mẹ già. Nhưng câu thơ của Nguyễn Huy khẽ chạm vào lòng ta…khơi dậy trong ta tình mẫu tử.
Nguyễn Huy đi nhiều nơi và sống ở nhiều nơi. Nơi nào anh sống, đi qua cũng để lại dấu vết trong trái tim anh. Anh viết về “Chiều Vạn Kiếp” với tâm trạng bâng khuâng, hoài cổ. Anh viết về Văn Thai, nơi anh từng sống với tấm lòng giàu ân nghĩa thủy chung, anh viết về “Phố Thiên” nơi gắn với kỷ niệm thuở thiếu thời. Trường cũ giờ đây tắm trong màu tím của hoài niệm:
“Hai dãy nhà gianh đỏ bụi đường
Một nếp trường xinh bên dốc núi
Chiều về An Lạc tím màu sương”
“Một đêm ở Ninh Giang” với bạn, Nguyễn Huy cũng có bài thơ. Đây là hình ảnh cái thị trấn nhỏ trong nỗi nhớ của anh:
“Dấu ấn thời gian còn khắc ngã ba sông
Con sóng ngày đêm vỗ vào phố nhỏ”
Lấy động để tả tĩnh, câu thơ có sức gợi sâu sắc. Nó gợi cho ta một thị trấn êm đềm yên tĩnh nằm bên ngã ba sông. Và con sóng đó đâu chỉ vỗ vào phố nhỏ, nó còn dội vào tâm hồn người làm thơ trong một đêm thao thức ở nơi đây.
Người lữ khách đó có một trái tim biết lắng nghe.
Nguyễn Huy đi đến đâu là nơi đó có yêu thương, gắn bó và có thơ. Đến Sầm Sơn anh có “Sầm Sơn chiều”; đến phố Hiến anh có “Tháng ba phố Hiến”; đến Hải Phòng anh gửi lòng mình “Nhớ sông Cấm”; đến Bắc Ninh anh để lại mảnh hồn “Trên bến sông Cầu”; đến Côn Sơn nhớ Nguyễn Trãi anh viết bài “Lên Côn Sơn” và cả trại giam Hoàng Tiến cũng gợi được tứ thơ cho anh trong bài “Đêm vùng đồi”
Với một người giàu tình cảm, nặng ân tình như Nguyễn Huy đúng là “đêm nằm, năm ở”.
Là một người có tâm hồn tinh tế, biết lắng nghe, Nguyễn Huy không chỉ lắng nghe tiếng vọng của cuộc đời anh còn lắng nghe tiếng vọng của người. Thế giới nhân vật là đối tượng trữ tình trong thơ Nguyễn Huy thường bình dị, buồn, heo hắt đến se lòng. Trước những cảnh khổ não lòng anh hay xúc động, hay thương. Tình cảm của anh là một thứ tình yêu sâu sắc nhưng chan hòa, giản dị, không to lời, lớn tiếng, không ồn ào.
Một em bé hát rong trên đường, “chuyện thường nhật” mấy ai để ý nhưng người làm thơ thì động lòng trắc ẩn:
“Em hát chiều nay trên hè phố
Da diết những lời thương nhớ cha
Dáng đen gầy em đứng đó
Tóc hoe màu nắng gió biển xa”
Tiếng hát gợi một trường liên tưởng với người nghe: em con người của quê hương đó. Thương em, nhân vật trữ tình - kẻ tha hương lại thương nhớ quê hương:
“Và có anh chàng bên quán cóc
Bàng hoàng nghe khúc hát “Cha yêu”
Gửi hồn thương nhớ về quê cũ
Bỏ quên ly rượu, bỏ quên chiều”
Trong “Đêm vùng đồi” ở trại giam Hoàng Tiến, thương người anh đã “nghe” được “nỗi nhớ nhà cồn lên da diết” của người phạm nhân. Cũng thương người cho nên khi gió lạnh về anh đã “nghe” được cái mỏi nhức trong xương của một ông lão đã bỏ nghề xích lô:
“Tuổi già chừng mỏi gối
Bên thềm ngồi vót nan”
“Gửi miền châu thổ Cửu Long” cũng nằm trong những bài thơ thương người ấy. Những hình ảnh lũ lụt của đồng bằng sông Cửu Long trên màn ảnh nhỏ đã đi vào thơ anh:
“Trống trường ngơ ngác trên đầu sóng
Cửa nhà tan tác giữa dòng sâu
Bé thơ đành bỏ ngang giờ học…”
Nói “Trống trường ngơ ngác” là cảm thông đến tận cùng những thiệt thòi, mất mát của những em nhỏ vùng lũ lụt hàng năm này.
Nguyễn Huy đã an ủi những linh hồn đau khổ bằng sự cảm thông và nỗi buồn của mình.
Con đường đi của thơ Nguyễn Huy tới trái tim người đọc là con đường của tình thương mến. Những bài thơ của anh thiên về âm tính tức là thiên về tình cảm. Là nhà thơ duy cảm, anh thường nghĩ trong cảm xúc. Thơ anh nhẹ nhàng, tinh tế. Đó là mặt mạnh của thơ Nguyễn Huy. Sở trường đó đã hạn chế những sở đoản của anh. Thơ anh lập lý, suy lý chưa hay. Có thể thấy những bài nghiêng về suy tưởng, triết lý là những bài non yếu nhất của tập thơ.
Bước vào làng thơ khá muộn màng từ năm 1997 tức khi anh đã gần bước sang tuổi ngũ tuần Nguyễn Huy mới có thơ in. Tuy nhiên giữa những bạn làm thơ, Nguyễn Huy vẫn khẳng định được giọng thơ riêng của mình: một giọng thơ không ồn ào mà ôn tồn, nhẹ nhàng, đằm thắm. Phải chăng đó là vẻ đẹp của thơ Nguyễn Huy đã gieo vào lòng người đọc.
Hải Dương, cuối Thu 2004













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét