Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

VĂN CHƯƠNG TRONG NHÀ TRƯỜNG VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÂN CÁCH CON NGƯỜI VIỆT NAM





                                                                                                     Vũ Nho chủ trang


VĂN CHƯƠNG TRONG NHÀ TRƯỜNG VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÂN CÁCH CON NGƯỜI VIỆT NAM

                                             PGS TS Vũ Nho
                                Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

( Tham luận Hội thảoVĂN HỌC NGHỆ THUẬT VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÂN CÁCH CON NGƯỜI VIỆT NAM” tổ chức ở tp Hồ Chí Minh 3-4/10/2015)

Chúng ta đều biết vai trò to lớn của văn học nghệ thuật đối với việc giáo dục và xây dựng tính cách con người. Trong phạm vi nhà trường, khi mỗi công dân  của đất nước từ buổi ấu thơ cho đến khi trưởng thành về nhân cách được học tập và hình thành, phát triển năng lực, việc tiếp xúc với văn chương có tác dụng to lớn vô cùng. Những tác phẩm văn học từ văn học dân gian đến hiện đại của nước ta và thế giới được đưa vào chương trình, ngoài mục đích tự thân của môn học cung cấp một vốn văn văn hóa tối thiểu cho mỗi  công dân, thì mục đích góp phần bồi đắp lí tưởng, đạo đức và lối sống là hết sức quan trọng.
          Trong Chương trình  giáo dục phổ thông môn Ngữ văn được ban hành  kèm theo Quyết định số 16/2006/ QĐ- BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, phần vị trí môn học hai lần nhắc đến bồi dưỡng  và hoàn thiện nhân cách; phần mục tiêu của môn học ghi rõ :
          “ Môn Ngữ văn bồi dưỡng cho học sinh tình yêu tiếng Việt, văn học, văn hóa; tình yêu gia đình, thiên nhiên, đất nước; lòng tự hào dân tộc; ý chí tự lập, tự cường; lí tưởng xã hội chủ nghĩa; tinh thần dân chủ, nhân văn; giáo dục cho học sinh trách nhiệm công dân, tinh thần hữu nghị và hợp tác quốc tế, ý thức tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa”.
          Rõ ràng, môn học  trong nhà trường, khi mà tâm hồn mỗi công dân còn  non tơ, trong trắng thì tác dụng bồi dưỡng giáo dục là hết sức lớn lao. Nhân cách con người được hình thành và củng cố, phát triển bởi gia đình, nhà trường, và xã hội. Trong đó nhà trường đóng một vai trò hết sức then chốt. Chương trình học tập, nhất là học môn Ngữ văn bao gồm tiếng Việt và văn chương sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn. Trong công việc giáo dục, xây dựng, bồi dưỡng nhân cách con người mới, từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nền giáo dục chúng ta luôn chú ý sự kết hợp, gắn bó của ba  lực lượng gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường có vai trò quan trọng vì tuổi ấu thơ, hầu hết công dân tương lai đều được cắp sách đến trường. Nhà trường của chế độ mới là nhà trường cho  tất cả nhân dân lao động chứ không phải chỉ dành cho một vài phần trăm dân số như trong chế độ cũ.


Nghị quyết số 33 của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam   bên cạnh vấn đề văn hóa, đã nhấn mạnh đến yếu tố con người. Trong các nhiệm vụ của văn hóa, vấn đề xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được coi là nhiệm vụ số một. Bất cứ một quốc gia nào cũng phải chú trọng đến con người. Đây là tài sản quý giá, đồng thời là nguồn lực để phát triển của mỗi quốc gia. Bởi vậy mà  xây dựng con người Việt Nam vừa có trí tuệ vừa có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, xã hội, có tầm vóc,  thể lực, sức khỏe  là mục tiêu, là nhiệm vụ mà Đảng ta yêu cầu phải thực hiện thật tốt.
          Ở nhà trường, tất cả các môn học đều có nhiệm vụ cung cấp tri thức và giáo dục nhân cách. Tuy vậy, xét về ưu thế giáo dục thì những môn học nghệ thuật như văn chương, hội họa, âm nhạc có vai trò giáo dục cực kì to lớn. Môn Văn  vừa là một môn công cụ ( cung cấp và hình thành năng lực nghe, nói, đọc viết, các kiến thức văn chương), vừa là một môn nghệ thuật, nghệ thuật ngôn từ. Giáo dục bằng nghệ thuật là cách giáo dục hiệu quả nhất, vì người được giáo dục  thông qua sự hứng thú, say mê, thăng hoa cùng nghệ thuật mà hình thành và phát triển nhân cách.
          Trong chương trình Ngữ văn của chúng ta, dù trải qua nhiều lần cải cách giáo dục, nhưng nội dung văn chương luôn phong phú, dồi dào những văn liệu, những cơ hội, những điều kiện để tác động tích cực đến việc hình thành và phát triển nhân cách của người học.
          Những áng văn chương dân gian phong phú của nhiều dân tộc luôn luôn có mặt để bồi dưỡng tình yêu non sông đất nước, bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau. Những câu ca dao:
          - Bầu ơi thương lấy bí cùng
          Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
-         Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng.
-         Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Những câu tục ngữ :
-         Một giọt máu đào, hơn ao nước lã
-          Lá lành đùm lá rách
-          Chị ngã em nâng
-          Thương người như thể thương thân
-          Đói cho sạch, rách cho thơm
-          Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
chưa bao giờ vắng mặt trong chương trình Ngữ văn, góp phần bồi dưỡng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử, đặc biệt là tinh thần đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau của người dân một nước.
          Những  thần thoại và truyền thuyết giúp cho người học thấy rõ nguồn gốc  con Rồng cháu Tiên cao quý của dân tộc, tinh thần anh dũng chống ngoại xâm, tinh thần sáng tạo văn hóa…Là con cháu  của các vua Hùng, mỗi công dân trẻ tuổi đều thấy rõ trách nhiệm vẻ vang của mình trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Bác Hồ đã nói “ Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải có trách nhiệm giữ  lấy nước”.
          Văn học viết thời Trung đại với những tác phẩm quan trọng như Nam quốc Sơn Hà, Hịch tướng sĩ, Bạch Đằng Giang phú, Bình Ngô đại cáo…bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Các tác phẩm thơ chữ Hán  thời Lí- Trần,  thơ của Nguyễn Trãi,  Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ  Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu…  bồi dưỡng tình yêu đất nước, yêu thiên nhiên, tinh thần nhân đạo, lối sống thanh cao, phê phán những mặt trái của xã hội… luôn là nguồn dưỡng chất dồi dào cho nhân cách người học.
          Văn học Việt Nam hiện đại càng phong phú những tác phẩm giàu lòng yêu nước, thể hiện con người Việt Nam kiên cường chống giặc ngoại xâm, yêu quý, tự hào với truyền thống dân tộc, hăng hái xây dựng cuộc sống sau chiến tranh. Bản thân các tác giả và cuộc đời của họ cũng là tấm gương về tinh thần cách mạng, tinh thần yêu nước. Các tác giả Hồ Chí Minh,  Phạm Văn Đồng, Tố Hữu,…còn là người trực tiếp tham gia vào công việc  Cách mạng… Cùng với các tác giả cổ điển như Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn,  Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,  Nguyễn Đình Chiểu,…nhân cách của các nhà văn trong chương trình Ngữ văn là  những tấm gương có tác dụng giáo dục mạnh mẽ và sâu sắc.
          Bên cạnh những tác phẩm văn học Việt Nam, chương trình Ngữ văn đã chú ý một dung lượng phù hợp tác phẩm văn học nước ngoài. Nếu như trước đây, chúng ta chỉ chú ý đến văn học Trung Quốc và văn học Liên xô, là những nước cùng hệ thống XHCN thì hiện nay, chương trình đã mở rộng với văn học Trung Quốc, Hi Lạp, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Đức, Anh, Pháp, Mĩ… Những tác phẩm văn học nước ngoài mở rộng tầm hiểu biết của người công dân tương lai,  tạo điều kiện hội nhập văn hóa, đồng thời giáo dục tinh thần tôn trọng di sản văn học, văn hóa của các nước khác.
          Một thời, do cái nhìn ấu trĩ về văn  chương, chúng ta đã từng đưa những tác phẩm văn chính luận ( nghị luận) ra khỏi chương trình với lí do là những tác phẩm đó “ít chất văn”. Bây giờ có điều kiện giao lưu quốc tế, chúng ta đã thấy trên thế giới phân biệt hai loại văn chương là văn chương hư cấu ( fiction) và văn chương phi hư cấu ( nonfiction). Những tác phẩm văn nghị luận của trong nước và thế giới  ( văn phi hư cấu) đã có được vị trí xứng đáng trong chương trình Ngữ văn. Đồng thời những bài phỏng vấn, bài quảng cáo cũng được đưa vào chương trình để học sinh không bỡ ngỡ với các loại phỏng vấn xin việc hoặc tự quảng bá sản phẩm của đơn vị mình làm việc.
          Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố chương trình giáo dục theo tinh thần đổi mới phát triển năng lực của người học, dự kiến sẽ triển khai vào năm 2018. Đây là một lần thay đổi nội dung và phương pháp của tất cả các môn, trong đó có môn Ngữ văn. Chúng tôi thấy rằng dù thay đổi thế nào đi chăng nữa, việc tiếp tục xây dựng, phát triển nhân cách con người Việt Nam vẫn là một nhiệm vụ to lớn của  tất cả các môn học, trong đó có môn Ngữ Văn. Để đảm bảo thực hiên  được điều  đó thắng lợi, xin nêu ra mấy kiến nghị:
          - Việc xây dựng chương trình Ngữ văn mới không chỉ là việc của các nhà chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cần dự thảo và xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội, đặc biệt là Hội nhà văn Việt Nam. Các nhà văn giàu kinh nghiệm sẽ giúp chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất vừa giàu giá trị văn chương, vừa giàu tiềm năng giáo dục.
          - Cần tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến để xây dựng chương trình. Ví dụ như Australia chẳng hạn. Với việc chú trọng 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cho người học mà chúng ta đã áp dụng, rõ ràng là chưa đủ. Vấn đề là kĩ năng vận dụng sáng tạo và phối hợp 4 kĩ năng đó. Đấy chính là điều mà chương trình cải cách của Australia đã và đang hướng tới.
          - Trong tình thần hội nhập quốc tế và khu vực, đặc biệt là với sự hình thành và lớn mạnh của khối  ASEAN, chương trình Ngữ văn trong nhà trường cần dành thời lượng thích đáng cho cả văn học dân gian và văn học viết của các nước trong khối, đặc biệt là cho hai nước láng giềng trong khối chung biên giới là Lào và Campuchia.
          - Cần huy động các chuyên gia giỏi để xây dựng chương trình mới, giữ lại trong chương trình những tác phẩm văn chương đã được thử thách qua thời gian, đưa thêm vào chương trình những tác giả, tác phẩm mới. Ví dụ, chương trình hiện hành có nhiều ưu điểm, nhưng lại bỏ tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ( ở Trung học cơ sở) là một điều đáng tiếc. Đây là tác phẩm giàu chất văn chương và giàu tính giáo dục vì nhà văn đã xây dựng hình tượng người thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản rất đậm nét, rất sinh động. Tác phẩm đó lại cũng đã được thử thách trong nhà trường, được nhiều thế hệ giáo viên và học sinh yêu thích. Trong khi đó  thay bằng vở kịch “Bắc Sơn” của Nguyễn Huy Tưởng, tuy rất tốt, nhưng ở Trung học phổ thông, đã có vở kịch “Vũ Như Tô” ( trích) của Nguyễn Huy Tưởng là hoàn toàn phù hợp.
Cũng cần nói thêm rằng ở Trung học cơ sở, học sinh học kịch “Bắc Sơn” của Nguyễn Huy Tưởng và kịch “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ. Đến Trung học phổ thông các em lại học kịch “ Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng, và “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.  Mặc dù có thể biện minh rằng chương trình có phần lặp lại để khắc sâu. Nhưng rõ ràng, như vậy các nhà viết kịch nổi tiếng khác như Lộng Chương, Tào Mạt, Đào Hồng Cẩm, Xuân Trình,…không có cơ hội được xuất hiện trong nhà trường.
- Điều cuối cùng là cần có một chương trình Ngữ văn hài hòa giữa quá khứ và hiện tại. Chương trình hiện hành có quá ít tác phẩm sau 1975. Ngay cả những tác phẩm sau 1975 thì cũng cách nay gần 30 năm rồi. Điều này chúng tôi đã đề cập đến khi trả lời phỏng vấn trên báo Văn Nghệ. Xin được dẫn lại “Cứ coi  1975 là một cái mốc quan trọng của đất nước và xã hội. Nhưng tác phẩm văn học sau 1975 có được bao nhiêu. Chi li ra, chúng ta có  Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, Mùa lá rụng trong vườn ( đọc thêm) của Ma Văn Kháng với sách nâng cao. Sách không nâng cao chỉ học Chiếc thuyền ngoài xa Ai đã đặt tên cho dòng sông?. Nhưng  Ai đã đặt tên cho dòng sông? ( viết 1981, in 1986), Chiếc thuyền ngoài xa (1986), Mùa lá rụng trong vườn (1985), đến nay đã 27, 28 năm, hơn nửa thế kỉ. Một người Hà Nội  ( tác giả ghi ngày 19- 1-1990) thì cũng đã 23 năm. Thơ  chỉ duy nhất có một bài của Thanh Thảo mà trên chúng ta có nhắc thì cũng xuất hiện vào năm 1985”. ( Văn Nghệ, Hội nhà văn Việt Nam số 46, ngày 16/11/2013). Rõ ràng việc đưa thêm các tác phẩm cập nhật đời sống của xã hội làm cho văn chương gần gũi với người học,  gần với cuộc đời là một yêu cầu bức thiết đối với chương trình Ngữ văn mới.
Trong rất nhiều khâu để  văn học nghệ thuật tiến hành xây dựng nhân cách con người Việt Nam, với tư cách là một chuyên gia giáo dục, một nhà văn, chúng tôi rất mong Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm đến văn chương trong nhà trường. Vì đó là một trong những chiếc nôi quan trọng hình thành những công dân tương lai của đất nước.

                                                           Hà Nội, tháng 8/2015

VN mải đi chơi thăm con, không dự Hội thảo, nhưng đã nhận được nhuận bút.

         


2 nhận xét:

  1. Một bài tham luận hay. Cảm ơn bác đã chia sẻ. Vâng, việc chọn tác phẩm đưa vào sách, việc định hướng giảng dạy còn quá nhiều điều cần bàn đấy ạ. Nhưng có lẽ em cũng muốn nói với bác VN (nói thầm thôi), bây giờ cơ chế thị trường tràn ngập, mong sao nó đừng tràn vào trong những trang giấy trắng tinh khôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không ngăn nổi đâu bạn à. Có điều để cho nó đỡ " thương mại" đi thôi! Cả xã hội bị thị trường chi phối, lẽ đâu trường học đứng ngoài?

      Xóa