Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Vũ Nho ghé lên TV nói chõ Truyện Kiều!

Khi VN ở Thái chơi với con về nhà, bạn trẻ ở VTV hẹn phỏng vấn ghi hình. Mình đồng ý với điều kiện gửi câu hỏi trước. "Tôi cũng không máu lên TV. Nếu lên mà nói nhăng cuội thì chỉ tổ làm trò cười". Mình nhắn thế. Các bạn đồng ý, nhưng gửi câu hỏi chậm. Tôi đã từ chối. Hơn nữa, trước hẹn các bạn ấy vào buổi chiều. Nhưng buổi chiều lại bất ngờ mắc bận. May mà câu hỏi cũng đơn giản. Mình trả lời ra giấy.. 10 h ngày thứ tư, 7/10 hai bạn mang máy  móc đến nhà VN ghi hình. Sáng nay 21/10 phát trên chương trình Diễn đàn VHNT. Nhà đài cũng chả thông báo gì. Một người bạn thấy VN trên TV thì nhắn tin. VN thấy hình ảnh mình nói "chõ" vào. Vậy đưa lên các câu hỏi và trả lời để lưu niệm.




                          Trả lời câu hỏi của bạn Huyền  VTV



1. Xin ông chia sẻ một cách khái quát nhất giá trị của Truyện Kiều như một di sản văn học của người dân Việt Nam.

 

VN : Truyện Kiều là một tác phẩm  xếp vào loại kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du. Giá trị to lớn của Truyện Kiều chính là tác phẩm đã nói lên khát vọng sống mãnh liệt của con người. Trải qua bao gian khổ, lưu lạc với những cảnh huống phức tạp, nhưng nàng Kiều vẫn thể hiện khát vọng sống và vượt lên hoàn cảnh.

Tác phẩm là bản án chế độ phong kiến  bất công, tàn ác chà đạp quyền sống của con người, là bài ca về tinh thần nhân  đạo ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ . Không chỉ với nội dung hiện thực và nhân đạo, tác phẩm còn là đỉnh cao của ngôn ngữ dân tộc, là kết tinh thành tựu về thể thơ lục bát. Những tiểu thuyết bằng thơ với nghệ thuật cao như thế, trên thế giới không nhiều. Có thể kể  A.Puskin với Epghenhi Onheghin, Truyện Kiều của Nguyễn Du… Truyện Kiều sánh vai với các kiệt tác : Thần khúc, Ly tao, Phauxtơ, Hăm lét… viết bằng thơ. Các nhân vật của Truyện Kiều đã đi vào đời sống của người Việt : ghen Hoạn Thư, bạc tình Sở Khanh, sợ vợ Thúc Sinh, mặt sắt đen sì  quan xử kiện, buôn thịt bán người  Tú Bà, Mã Giám Sinh,…

Từ xưa người Việt đã say mê Truyện Kiều, tương truyền nhà vua Tự Đức cũng mê, có ba thứ mê ấy là tổ tôm, chè mạn Hảo và truyện Kiều :

          Mê gì, mê đánh tổ tôm

          Mê chè mạn Hảo, mê Nôm Thúy Kiều

Người trí thức mê Kiều, người bình dân mê Kiều, người không biết chữ cũng thuộc dăm ba câu Kiều. Ai cũng biết, ai cũng khâm phục. Lẩy Kiều trở thành một kiểu ngâm riêng,  tập kiều ( dùng các câu thơ trong Kiều để nói sự việc khác),  đố Kiều, bói Kiều, đóng tuồng Kiều,  diễn kịch Kiều, làm phim Kiều. Có học giả đã nhấn mạnh rằng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Đó là địa vị vẻ vang của Truyện Kiều với tư cách một di sản văn học.



2. Ông có thể khái quát những khía cạnh nghiên cứu chủ yếu về Truyện Kiều của các học giả trong nước?

Thật khó mà kể hết một cách tóm tắt những nghiên cứu của các học giả. Nhưng có thể nói chung là các học giả nghiên cứu về nội dung truyện Kiều, nghệ thuật Truyện Kiều . Nội dung hiện thực, lãng mạn, nhân đạo. Nghệ thuật thơ lục bát, nghệ thuật miêu tả tâm lí, nghệ thuật miêu tả thiên  nhiên.  Có người nghiên cứu về quyền sống con người; có người nghiên cứu về Từ Hải như một khát vọng thực thi công lí. Rồi  có người so sánh khẳng định sáng tạo của Nguyễn Du so với cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.  Có  nhiều người chú thích truyện Kiều. Gần đây có nhiều người nghiên cứu về  các văn bản Truyện Kiều để đi đến một văn bản gần với Nguyễn Du nhất. Học giả Đào Duy Anh làm Từ điển Truyện Kiều. Có người nghiên cứu về  con số  và thành ngữ số dân gian, trong Truyện Kiều, hoa trong Truyện Kiều, từ địa phương trong Truyện Kiều,…





- Cá nhân ông nghiên cứu Truyện Kiều ở những khía cạnh nào?




Với tôi tôi quan tâm đến Truyên Kiều với tư cách là tác phẩm văn học được dạy trong nhà trường. Các đoạn trích đều được tôi xem xét trên những ý kiến của các chuyên gia, nhưng cũng có những độc lập suy nghĩ riêng của cá nhân mình. Tôi đã viết các bài :

-         Bức tranh xuân của Nguyễn Du;

-         Ứng xử trong buổi đầu gặp gỡ;

-         Mã Giám Sinh mua Kiều;

-         Vì sao khó vẽ nàng Kiều?

-         Sáng tạo của Nguyễn Du qua một đoạn Truyện Kiều.

-         Nét ngài hay nét người?

-         Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần

-         Góp lời với nhà thơ Mai Văn Hoan và Vương Trọng

Trước nay trong nghiên cứu có hai xu hướng, một xu hướng nói cốt truyện của Truyện Kiều là  dựa vào Thanh Tâm Tài Nhân. Kể cả chuyện Tú bà dạy Thúy Kiều ngón nghề chiều khách làng chơi “ Vành ngoài bảy chữ, vành trong 8 nghề”, Nguyễn Du cũng trung thành.  Xu hướng khác khẳng định Nguyễn Du đã sáng tạo rất nhiều, đã làm cho nhân vật trở nên đẹp hơn, tao nhã hơn. Ý nghĩa tác phẩm sâu sắc hơn. Chỉ qua một đoạn truyện Kiều cũng thấy điều đó.

-         Thanh Tâm Tài Nhân để cho Kim Trọng say mê, cho đến khi người nhà đến đón hai chị em thì Kim Trọng mới ngơ ngẩn rẽ ngựa về. Trong khi Nguyễn Du thì để mặc dù “chập chờn cơn tỉnh cơn mê” như thế, nhưng Kim Trọng đủ tỉnh táo để về trước “ Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo”. Hai người khác hẳn nhau.

-         Trong khi Thanh Tâm Tài Nhân để cho Thúy Vân, Thúy Kiều say mê ngắm Kim Trọng đến quên cả e thẹn, Vương Quan phải nhắc hai chị và chỉ cho họ tránh ra sau mả Đạm Tiên. Nguyễn Du thì để hai nàng chủ động, không đợi em nhắc nhở:

                    Chàng Vương quen mặt ra chào

                   Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa

Nghiên cứu Truyện Kiều, so sánh với Epghenhi Onheghin của A. Puskin thì thấy một điều kì lạ. Thúy Kiều, Thúy Vân tương đương với Tachiana và On ga. Người khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang là người tâm lí đơn giản, không nghĩ ngợi nhiều,  không dễ xúc động.  ( On ga và Thúy Vân) . Chúng ta viết Vân cười khi Kiều khóc trước mộ Đạm Tiên. Vân Ngủ ngon lành trong đêm gia biến khi Kiều thức trắng đêm. ( Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân/ Bên đèn ghé đến ân cần hỏi han). Vì thế mà Vân dễ dàng chấp nhận mối tình chị gái trao duyên. Trong khi cô Tachiana và Thúy Kiều là người giàu tình cảm, dễ xúc động, cuộc sống nội tâm sâu sắc.

Các họa sĩ Nga rất khó vễ chân dung Tachiana. Trong khi họ dễ dàng vẽ On ga. Cũng vậy, ngay khi miêu tả, Nguyễn Du cũng làm cho người đọc rõ chân dung Thúy Vân hơn là Thúy Kiều…Vì sao khó vẽ nàng Kiều? Tôi đã lí giải điều này.

-         Nói thêm một chút về nét ngài hay nét người. Xưa nay người ta băn khoăn vì Nguyễn Du tả Thúy Vân:

                      Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Tả các cô gái lầu xanh:

                   Bên thì mấy ả mày ngài

                     Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi

Tả Từ Hải :

                     Râu hùm hàm én mày ngài

Chẳng lẽ lông mày của người đẹp và của võ tướng lại như nhau? Nhà thơ Vương Trọng tìm các giải thích “nét ngài” là nét người – tiếng địa phương Nghệ Tĩnh. Nhưng người thì không ổn, vì cô Vân có vẻ đẹp của cô thiếu nữ làm ruộng. Tôi đã tra các bản Kiều Nôm và đi đến kết luận:

Nét ngài, mày ngài ( lông mày người đẹp – nga mi - râu con bướm tằm)

Mày ngài ( lông mày rậm của võ tướng – ngọa tằm mi – hình con tằm nằm)



3. Xin ông khái quát tình hình chuyển ngữ Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài? Hiện này việc dịch thuật đang gặp những khó khăn gì? 

  Truyện Kiều được chuyển ngữ đầu tiên là sang tiếng Pháp.Trong lời nói đầu của bản Truyện Kiều– bản UNESCO – quốc ngữ Nôm đối chiếu – nxb Lao Động, 2013 có nêu Truyện Kiều được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau. Các  thứ tiếng quan trọng của thế giới như Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Nhật… đều đã  được dịch . Các thứ tiếng khác  đã dịch Truyện Kiều như Ba Lan, Thụy Điển, Hung Ga Ri, Hi Lạp, Hàn Quốc, Ả Rập…

Khó khăn lớn nhất là ngôn ngữ Truyện Kiều là ngôn ngữ thơ. Câu thơ Kiều, ngay người Việt Nam cũng phải được giảng giải mới hiểu được. Vậy thì dịch ra nước ngoài là cực khó.

          Người Việt hiểu tiếng Việt tốt, nhưng lại không phải là người cực giỏi thứ tiếng nước ngoài, nhất là ngôn ngữ thơ ca của họ để dịch ra.

          Người nước ngoài hiểu  ngôn ngữ thơ ca nước họ, nhưng phải nhiều công lắm mới hiểu được điển tích, điển cố, các câu thơ Việt văn văn hóa Việt, văn hóa phương Đông để làm việc.

          Đây không chỉ là cái khó của Truyện Kiều, mà là cái khó của thế giới về việc dịch THƠ!

Tôi không có ý so sánh về   giá trị của hai tác phẩm. Nhưng rõ ràng, văn xuôi vẫn dễ dịch ra tiếng nước ngoài hơn. Theo tôi được biết, Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài  dù sinh sau để muộn đã được dịch ra 37 thứ tiếng trên thế giới.



4. Ông có nhận xét gì về sức lan tỏa của Truyện Kiều ra Thế giới? 

- Theo ông nên có hướng đi như thế nào để Truyện Kiều ngày càng được thế giới biết đến nhiều hơn nữa?

 Tôi nói về điều này thì cũng không đáng tin cậy lắm đâu. Bởi vì tôi không có một điều tra xã hội học nào về bạn đọc thế giới với Truyện Kiều. Nhưng chỉ so sánh các bản dịch ra tiếng nước ngoài thì thấy số lượng không phổ biến như Dế Mèn.

Một quốc gia có ảnh hưởng  to lớn về chính trị và kinh tế với khu vực và thế giới, quốc gia đó sẽ có ảnh hưởng về văn hóa, văn học. Đấy là nói khái quát. Còn để Truyện Kiều lan tỏa ra Thế giới, chúng ta cần phải có một chính sách. Tôi chưa thấy nước ta mời những người nước ngoài dịch văn học Việt Nam ra  các thứ tiếng trên thế giới họp mặt , giúp đỡ họ về tài chính, điều kiện làm việc. Cũng chưa biết đến những người Việt dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài được nhà nước hỗ trợ gì.

-         Khuyến khích người Việt dịch  Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài.

-         Khuyến khích người nước ngoài dịch Truyện Kiều ra nước họ.

-         Đưa nội dung  Truyện Kiều vào các  hoạt động nghệ thuật : hát xẩm hát quan họ, rối nước, đờn ca tài tử…

-         Làm các vật phẩm lưu niệm búp bê, đất nung, sứ gốm về các nhân vật Truyện Kiều.



Xin cám ơn về cuộc trò chuyện!






2 nhận xét:

  1. Rất hay. Em đã đọc. Cảm ơn bác VN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình là dân tay ngang về Truyện Kiều. Có lẽ vì "ăn hình" lần nói về văn học nghệ thuật xây dựng nhân cách con người VN nên các bạn đó hỏi thôi. Cám ơn bạn đã hào phóng lời khen!

      Xóa