Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Vòng trắng của Phạm Tiến Duật với lời bình Hoàng Dân

       Nhà văn, nhà giáo Hoàng Dân

Vòng trắng
                                                                             Phạm Tiến Duật

Bom nổ trên trời hiện lên những vòng đen
Nhưng mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh
Cái mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu, bốc lửa ở bên trong
                                                   8.1974

Lời bình của Hoàng Dân
Ngay cái tên bài thơ đã đầy ám gợi, đó là sự ám gợi về những tang tóc trong chiến tranh; mà thời ấy, nói chung là người ta thường né tránh chuyện chết chóc cho nó… lành! Xông thẳng vào một điểm dường như cấm kị bất thành văn ấy chứng tỏ Phạm Tiến Duật là một nhà thơ có bản lĩnh và rất dũng cảm. Quả nhiên, sau khi bài thơ ra đời, nhà thơ đã phải hứng chịu một trận đòn hội đồng không hề nương tay. Danh tiếng của nhà thơ có bị tổn thương ít nhiều vì vụ “Vòng trắng”. Đấy là chuyện của thời ấy, còn bây giờ thì người ta chỉ thấy có một cái gì đó hơi… buồn cười!

Hai câu thơ đầu có hai màu đen/trắng tưởng như đối lập nhau, nhưng thực ra chúng lại có mối quan hệ nhân – quả biện chứng:
Bom nổ trên trời hiện lên những vòng đen
Nhưng mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Bom nổ sinh ra những vòng khói đen, nhưng lẫn trong khói đen là vô vàn xác chết. Mỗi xác chết lại kéo theo một hoặc nhiều vành khăn tang màu trắng đội trên đầu những kẻ đang sống. Như vậy, những vòng đen là nguyên nhân sinh ra những vòng trắng. Nghĩa là chiến tranh chỉ đem đến chết chóc mà thôi. Và bức tranh điển hình của chiến tranh là bức tranh chỉ có hai màu đen và trắng, đó cũng là hai màu đặc trưng cho mọi đám ma từ xưa đến nay.
Hai câu thơ tiếp theo mới đọc cứ ngỡ là tâm lí “dạn đòn” của những kẻ trong cuộc:
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh
nhưng ngẫm kĩ thì thấy hình như chính cái “im lặng bình thường” này đang ẩn chứa một nỗi đau không dễ nói thành lời. Ngày nào cũng thấy những vòng đen và những vòng trắng, nó cứ lặp đi lặp lại đều đặn, lạnh lùng vô cảm. Chiến tranh là cái bất bình thường, nhưng những cái chết trong chiến tranh lại là bình thường, đó mới chính là cái nghịch lí mang tính bi kịch của thời đại.
Hai câu thơ tiếp theo đã tường minh hoá tấn bi kịch trên:
Cái mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Đây cũng là hai câu thơ bị đánh “ác liệt” nhất vào thời nó ra đời. Sao lại là “số không”? Thế hoá ra cuộc chiến tranh này vô nghĩa à? Người ta chất vấn nhà thơ như vậy. Và hạch tội nhà thơ theo kiểu “nâng quan điểm” khá là nặng nề. Chả phải thời bấy giờ mà ngay thời bây giờ (2014) căn bệnh qui chiếu xã hội học dung tục hình như vẫn chưa tiệt nọc? Chiến tranh phi nghĩa là kẻ này đi cướp phá, tàn sát kẻ khác. Chiến tranh chính nghĩa là tự vệ, chống lại kẻ xâm lược. Nhưng dù là chiến tranh gì thì vẫn chỉ có chết chóc và tàn phá mà thôi. Và cái mất mát lớn nhất trong mọi cuộc chiến tranh chính là mất những mạng người. Nhà cửa, cầu cống, đường sá… bị phá huỷ thì có thể làm lại; nhưng mạng người đã mất thì chỉ còn con “số không”, những con số không được vẽ bằng “khăn tang vòng tròn”! Nói về cái giá phải trả cho chiến thắng bằng hình tượng thơ “Khăn tang vòng tròn như một số không” là một cách nói độc đáo có khả năng gây chấn động tình cảm cho người đọc.
Tôi nghĩ, nếu bài thơ dừng ở đây thì hoàn hảo, bởi cái dư ba của “số không” sẽ còn lâu mới chịu buông tha người đọc.
Hai câu cuối:
Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu, bốc lửa ở bên trong
chỉ có vai trò “bảo hiểm” cho bài thơ (tất nhiên là bài thơ vẫn bị… ăn đòn) theo cái lí có đau thương ắt sẽ có căm thù, mà căm thù là một trong những động lực để chiến đấu.
                                                                                          Thạch Bàn, 10.4.2014
                                                        

4 nhận xét:

  1. Bài thơ của PTD hay, lời bình của HD hay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn. Ngày trước, nhà thơ PTD lao đao vì bài thơ này! Chính tôi được nghe một nhà thơ nói rằng các vị quan chức bảo PTD chống lại tư tưởng " Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Cụ Hồ với câu thơ "Cái mất mát nào lớn bằng cái chết"! Suy diễn thật kinh khủng.

      Xóa
  2. Đây là bài thơ duy nhất không theo" lề Đảng" của PTD, nhưng bị 2 câu cuối làm hỏng , tôi thực sự ko hiểu tại sao . Quá đáng tiếc cho một mạch thơ nhân bản đang dâng trào lại bị tư tưởng " biến đau thương thành hành động cách mạng" chặn đứng ở 2 câu cuối. Ngoài ra ko thể biện minh cho chữ " bình thường". Đã là đau thương mất mát thì ko thể " yên lặng bình thường được " mà là sự" im lặng chết chóc" mới đúng . Thật khó hiểu . Nếu nói về giá trị nhân bản cũng như văn chương thì bài thơ này quả ko có gì đặc sắc , nó gây ồn ào chẳng qua có vài câu " nói thật " trong guồng máy tuyên truyền chiến tranh thời ấy" Tất cả cho tiền tuyến".

    Trả lờiXóa
  3. Khổ cho nhà thơ là ở 2 câu cuối

    Trả lờiXóa