Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Bài thơ ngắn của Vân Long với lời bình Vũ Nho




                                                                                            Vũ Nho chủ trang
Gặp nhau non nửa hôm

Nhớ nhau tròn buổi tối

Đường về quên mất lối

Rẽ nhầm vào nhà em

                 Vân Long

Lời bình của Vũ Nho

XĂM XĂM ĐÈ NẺO LAM KIỀU…

                                  (Nguyễn Du)

BỐN CÂU GỒM MỘT CHUỖI HÀNH ĐỘNG NỐI TIẾP NHAU, CÁI TRƯỚC LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA CÁI SAU. Cứ như thế tạo thành phản ứng dây chuyền từ cuộc gặp ban ngày đến hết tối, “nhầm lối”, gặp lại mà không hẹn. Ở mỗi câu có một hành động : một - gặp; hai - nhớ; ba – quên; bốn - nhầm. Gặp dẫn đến nhớ. Nhớ dẫn đến quên. Quên dẫn đến nhầm. Tuy thế từ câu ba chuyển sang câu bốn, từ quên lối về dẫn đến nhầm vào nhà em thì logic có cái gì chưa thật ổn. Lí do vì sao sẽ được xét sau.

          Hãy cứ bắt đầu từ việc khơi mào: gặp gỡ. Có thêm chữ “nhau” sau chữ “gặp” làm cho cuộc gặp bớt đi tính chất tình cờ, và cũng giảm đi tính đơn phương, lại xác định thêm có lẽ không phải lần thứ nhất. Việc gặp nhau ngẫu nhiên lần đầu tiên dễ gây ra nỗi bâng khuâng, thắc thỏm cho những trái tim hay xao xuyến:

          Người đâu gặp gỡ làm chi

          Trăm năm biết có duyên gì hay không?


Giá như mới gặp lần đầu mà đơn phương thì làm gì có chuyện đường đột “nhầm” ngay đêm hôm ấy. Và có nhẽ tình cảm cũng phải được thể hiện tinh tế và kín đáo hơn:

          Gặp nhau non nửa hôm

          Nhớ nhau tròn buổi tối

          Đường về quên mất lối

          Rẽ nhầm vào nhà em

Nghiêng về phía họ đã có tình chứ không phải là mối tình sét đánh vừa nảy sinh, cho nên GẶP với cả hai là một nhu cầu, một khát khao. Chàng trai trong ca dao vì cuộc gặp mà trọn đêm thao thức :

          Đêm nằm lưng chẳng bén giường

          Mong trời chóng sáng ra đường gặp em

Gặp gỡ của những người đang yêu thường làm cho họ say sưa, quên hết những gì xung quanh. Thời gian ư? Ngày vui ngắn chẳng tày gang (Nguyễn Du). Cảm giác ư? Bây giờ gặp được em đây/ Ăn chín lạng ớt ngọt ngay như đường ( ca dao). Hai người này có một cuộc gặp:

          Gặp nhau non nửa hôm

Đay là thời gian hay thời điểm? Nếu là thời gian, non nửa hôm là bao nhiêu lâu? Gần nửa ngày ư? ( nếu hôm là ngày). Gần nửa chiều ư? ( nếu hôm là chiều). Khó mà đoán định. Non nửa hôm cũng có thể là thời điểm “chiều lưng lửng chiều” lắm chứ! Mà cũng chẳng nên khẳng định rạch ròi khi cả ba khả năng đều có thể cả ba. Vậy thì hãy chuyển qua xem điều gì đã xảy ra sau cuộc gặp.

          Nhớ nhau tròn buổi tối

Theo quy luật đối, thì non đối với già ( bên ít và bên nhiều). Ở đây lại là tròn đối với non ( cũng là nhiều và ít). Nhưng “tròn” ngoài ý nghĩa đó, còn mang sắc thái đầy đặn, trọn vẹn. “Tròn” để diễn tả nỗi nhớ đầy dâng. Thi sĩ Nguyễn Bính từng nói về nỗi nhớ lớn hơn cả trời đất của mình:

          Trời còn có bữa sao quên mọc

          Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em

                             (Đêm sao sáng)

Tìm giá trị tương đương “ nhớ nhau tròn buổi tối” hay nói theo ngôn ngữ toán học : Xem xét trong “hệ quy chiếu Nguyễn Bính” thì sẽ có “Anh chẳng phút nào chẳng nhớ em”. Nhớ như thế trách chi chẳng ngẩn ngơ, chẳng quên mất lối. Chàng trai đã mở nẻo đi vào vương quốc yêu, đã ngây ngất lạc đến tận bờ mê nên không thể về được nữa. Thế nên quên. Trước chàng, đã có bao nhiêu là vẻ quên: quên ngủ, quên ăn, quên áo trên cành hoa sen, quên lời dặn dò khi tay cầm nắm nem, bầu rượu…Bây giờ thì quên lối.

          Đến đây logic hình thức và logic nội tại của ba hành động vẫn phù hợp và nhất quán. Nhưng từ “quên lối” đến “rẽ nhầm vào nhà em” thì hình thức vẫn đúng, nhưng cái lí bên trong đã lại không ổn. Sao lại nhầm đúng vào nhà em chứ không phải vào nhà ai? Vâng, tình cảm đâu có thể nhầm địa chỉ? Cái nhớ thúc giục, bắt buộc cái chân phải đi tìm. Chàng Kim, nàng Kiều thuở trước, người thì “Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”, kẻ thì “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, cũng là chung nỗi nhớ đó.

          Rẽ nhầm vào nhà em. Như là lời thuật lại hành động gặp gỡ bất ngờ không hẹn. Nhưng nếu xem cả bốn câu là một mạch tường thuật, thêm một chút tưởng tượng, ta sẽ hình dung cặp mắt ngạc nhiên vui mừng, bối rối của nàng, và cái gãi đầu của chàng đang hồi hộp mong…thông cảm!

          Vả chăng cũng chẳng nên tưởng tượng thêm…

Chỉ biết rằng sinh thời Xuân Diệu đã “cầm mùi dạ lan hương. Trong tay đi tới người thương cách trùng”. Chàng trai này cũng cầm hương vị tình yêu trong trẻo đi đến với người anh thương sau khi hết chịu nổi một tối tròn nỗi nhớ. Họ đều là đại biểu cho những tình nhân muôn thuở sống vì yêu…

                                              6-1996

2 nhận xét:

  1. Bài thơ hay. lời bình quá giỏi. Em chỉ biết chắp tay bái phục.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Lai đã ghé trang. Đây lài bài bình được tặng giải nhất của tạp chí Thế giới trong ta! Giải thưởng một chỉ vàng thời đó.

      Xóa