Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

TẶNG EM ĐI CHỢ HOA XUÂN






TẶNG EM ĐI CHỢ HOA XUÂN
                         Đặng Bảo Thạch
Em đi giữa chợ hoa xuân
Hồng, tươi sắc thắm - trắng ngần cánh mai
Cành đào nâng nhẹ trên vai
Em mang về cả rộng dài mùa xuân
                                                        Xuân 1976

Lời bình của Nguyễn Thị Lan
Đó là bài thơ Đặng Bảo Thạch làm vào mùa xuân năm 1976 - mùa xuân đầu tiên của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất. Anh giải phóng quân Đặng Bảo Thạch mới từ chiến trường ra. Hòa trong dòng người dân Thủ đô đi sắm Tết, anh vào một chợ hoa xuân. Cảnh chợ hoa đầy hương sắc đã gợi thi hứng cho nhà thơ.
Bài thơ là một bức tranh tươi đẹp, hài hòa. Cả tam tài (Thiên, Địa, Nhân) trong một bức tranh xuân. Trời, đất, con người tràn đầy xuân sắc: Trời “rộng, dài” đầy khí xuân; Đất đầy “hoa xuân”; Người (em) cũng như mùa xuân, hoa xuân trẻ trung, dồi dào sức xuân.
Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ có ba mươi tư chữ thì đã có ba chữ “xuân” (kể cả chữ “xuân” ở nhan đề bài thơ ). Xuân trong cảnh vật, xuân trong lòng người.
Trong không gian “chợ hoa xuân” đầy màu sắc tươi sáng tác giả đã chọn hai màu: màu đỏ ấm áp, lộng lẫy, kiêu sa của hoa hồng; màu trắng dịu mát, thanh khiết, khiêm nhường của hoa mai. Hai màu sắc ấy tương phản mà hỗ trợ, bổ xung cho nhau làm cho bức tranh “hoa xuân” thêm đẹp đẽ, hài hòa, đầy sức sống.

Nhưng những màu sắc đó đâu chỉ là màu của hoa, nó còn là màu tâm hồn của thi nhân. Hoa hồng đỏ đến mức “thắm” bởi lòng người dạt dào hạnh phúc. Hoa mai trắng đến mức “trắng ngần” bởi lòng người bình yên với rất nhiều hiền dịu, sáng trong.
Hoa hồng, hoa mai đã đẹp nhưng đẹp hơn cả trong bài thơ xuân này là con người. Hình tượng “em” nổi bật trong bức tranh xuân. “Em” là bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa của đất trời. “Em” đi chợ hoa xuân, “em” nâng nhẹ cánh đào trên vai. Cành đào “nhẹ” trên vai em đâu phải chỉ vì trọng lượng của nó nhẹ mà vì lòng em thanh thản. Cành đào em nâng là mùa xuân đấy. Nó là hiện thân của mùa xuân nhưng nó cũng là biểu tượng của mùa xuân - mùa xuân của đất nước.
Kết thúc bài thơ là câu thơ mở ra bát ngát đến vô cùng.
“Em mang về cả rộng dài mùa xuân”
Nhịp thơ khoan thai, êm ả như lòng người bình yên, thanh thản, hạnh phúc xiết bao…
Trạng thái tình cảm đó của người lính chỉ có được khi đất nước đã kết thúc chiến tranh, một nền hòa bình vĩnh viễn đã về với Tổ quốc.
Câu thơ gợi nhớ cho ta những vần thơ của Tố Hữu trong bài thơ “Vui thế, hôm nay” (8-1975)
Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tôi. Chưa đẹp thế bao giờ!
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển.
Xanh trời, xanh của những giấc mơ.
Đó là tiếng lòng chung của cả dân tộc, 30 năm đánh Pháp, đánh Mỹ không ngừng, không nghỉ nay mới được hưởng một mùa xuân trọn vẹn.
Năm tháng đã lùi xa, bài thơ “Tặng em đi chợ hoa xuân” vẫn được yêu mến. Nó là một chứng tích tâm hồn nhà thơ ở một thời điểm lịch sử. Mỗi lần đọc lại bài thơ ta như được sống cùng quá khứ đẹp tươi, huy hoàng, hạnh phúc của dân tộc. Chính vì lẽ đó bài thơ chắc chắn sẽ có sức sống lâu bền với thời gian.
Hải Dương,  Xuân Quý Mùi 2003





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét