Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Đốm - Hoa



              

   ĐỐM-HOA
                                        Trần Trung
1/Nó là một con chó cái.Con cái này lai Tây hay Ta-Tầu, chẳng biết nữa;Nó lạ  từ mầu lông ,vừa sang sáng lại vừa xam xám.Mà, hình như chẳng ra bộ mầu vốn có, hay phải pha chế nữa.Con-Hoa, ngoài mầu lông lại có những đốm xoáy quanh mình, mà những người giầu tưởng tượng lại tiếp nhận ra xoáy đốm trên mình nó cong cong, ngồ ngộ như hình dấu hỏi (?).
  Con chó ấy vốn rất nhạy cảm và đặc biệt là trung thành đến mức xúc động với chủ nó-Nhà thơ tài tử có bút danh Đức Hoàng.Nếu cần (hoặc phải) giới thiệu về Con-Đốm-Hoa này, thì “cô nàng” lại có những đặc điểm thật là ấn tượng.Thật  khó quên :
  Các cụ ta xưa, từng có những câu đúc kết về chó thật thích-Ấy là “Chó sủa ma”, rồi “Chó sủa trăng”; lại nữa “Khuyển mã chi Tình” (chữ Tình có lẽ nên viết hoa !)...Con-Đốm-Hoa của nhà thơ Đức Hoàng  thật thú vị.Nó dường như hội tụ đủ đầy những “phẩm chất” của loài khuyển-cẩu.Chạy quanh đâu đó thì chớ... Cứ về đến nhà, ngay từ cổng, đốm  đã vẫy đuôi nhặng xị. Thế rồi, nó tìm chủ . Đến tận nơi. Mà vẫy đuôi. Mà liếm chân chủ. Vừa liếm vừa rên lên, ư ử. Lạ thế, biểu hiện thân tình với chủ của đốm hoa-đã thành...quen dạ! Và, tất nhiên ông chủ của đốm tiếp nhận tình cảm của chó cũng thành...quen dạ nốt.
  Đốm hoa của nhà thơ tài tử lại còn có một đặc tính nữa-cứ như Giời cho (mà cũng có thể là Giời đày!).Ấy là khi có chuyến tàu đêm (nghe đâu đầu máy làm ở Trung Quốc-mang tên Hữu Nghị) đi qua-nhất là những đêm trăng... là con đốm hoa lại chạy ra đầu ngõ mà tru lên một hồi dài. Cứ như hồi âm với tiếng còi tàu Hữu Nghị. Và thế là tiếng chó tru, tiếng coi tàu như đồng nhất cất lên.Đồng nhất “song ca” vậy.

  Ngỡ như có sự đồng cảm, đồng điệu Giời cho, con Đốm lại còn có cái thú-cái thú của riêng chó trong cảm hứng “gặp gỡ” với ông chủ. Chả là, nhà thơ tài tử Đức Hoàng có một thói quen rất ngộ.Cứ mỗi lần viết xong một bài thơ tâm đắc-nhất là thơ tình,thi sĩ của nhân dân này,lại dành cho con chó đốm của mình ưu đãi. Anh ta tự đi pha một ấm trà( pha trong cái ấm cổ “Độc ẩm” vốn của ông Nội để lại).Nhà thơ, tự rót cho mình một chén.Rồi, anh trịnh trọng và cao hứng: “Đốm! Lại đây!”. Và, thế là dù ở đâu quanh nhà hay đang ăn uống gì đó...Con-Đốm-Hoa cũng lao như tên về quấn bên chân chủ.Mà liếm chân.Mà ngoe nguẩy đuôi và chờ lời “giáo đạo” của ông chủ-Thi nhân khả kính.Còn ông chủ của Đốm, sau khi nhấp giọng trà Tàu, cất giọng ngọt ấm, pha chút khàn thuốc lào, ông đọc cho chó nghe bài thơ tình “nóng sốt” vừa “ra lò” của mình.Chủ thì trịnh trọng, cao hứng.Chó thì vểnh tai chăm chú nghe, cứ ngỡ như nuốt lấy từng câu, từng chữ thốt ra từ miệng chủ.Dứt giọng đọc thơ, cứ phải nghe ông chủ thi sĩ hạ giọng: “Được rồi”, con Đốm mới ngoe nguẩy đuôi, như một lời “xin phép”, rồi ra nằm ở một chỗ. Tai vẫn vểnh lên, chờ đợi.
  Đốm-Hoa, lại một đặc điểm, ngoài qui luật thường;Ấy là, khi nó ở nhà hoặc thủng thẳng ra ngõ...bất chợt mà nhìn thấy chú chó đực nào là, lập tức Đốm quay ngoắt đi.Lạ thế! Nhưng, khi gặp con cái nào, Đốm lại rất bình thản. Nó chủ động tiến lại con chó cái kia. Rồi ngoe nguẩy. Rồi liếm láp.Cứ y như quấn quýt tình cảm với ông chủ của nó vậy.
  Ông chủ-Nhà thơ tài tử đã quen với tâm tính của con Đốm.Cho nên, dẫu nhìn thấy nó có biểu hiện “ngoại giao” với con chó đực nào hay “thực tình” với con cái nào, chỉ tủm tỉm cười.Rồi ông thủng thẳng đi vào nhà. Hoặc thong dong ra vườn, chăm tưới cho những cây phong lan-những cây lan vừa có tên chữ Hán, lại vừa có tên thuần Việt hoặc lai ghép cả hai thứ tiếng Hoa-Việt: Địa lan; Lan gió; Phong lan; Lan bướm; Hồ điệp lan...Rồi gì gì nữa, chẳng kể cho hết!
                                      ***
2/Thế rồi, đến một đêm.Trời đầy trăng.Gió cũng mát như đàn.Ông nhà thơ của nhân dân có tên Đức Hoàng, lại chợt lên cơn hứng sáng tác.Ngay lập tức, ông ta gọi điện cho mấy ông bạn hàng xóm sang chơi.Thì cũng cốt là để ngắm trăng.Ngắm phong lan...và, cũng là để ông được đọc thơ tình mà thi sĩ vừa cao hứng “đẻ”.
  Ông nhà thơ đợi không lâu, là nghe tiếng chó sủa râm ran từ đầu ngõ.
  Có bạn xóm rồi.Họ ngồi vừa êm chỗ, ông Hoàng trịnh trọng vào buồng trong. Một lát, ông với nét mặt vừa trịnh trọng, vừa thân tình với khách: “Làm tuần đi mấy ông...Sau đó, thơ nhé!”. Quả là đã quen với nết rượu-thơ của ông Hoàng,sau hai tiếng “Thơ nhé” là, ngay lập tức con đốm đã ngoe nguẩy cái đuôi.Lại rên lên ư ử.Lại phủ phục dưới chân chủ.Té ra, cái gọi là tâm thế thưởng thức nghệ thuật thơ ca của chó đốm lại có phần “nhanh nhảu” hơn cả mấy ông bạn già hàng xóm của chủ nó. Chưa vội, lại thêm một tuần rượu nữa, ông Đức Hoàng hắng giọng.Ho khẽ hai ba tiếng, rồi đọc:
 “Trăng sáng ngợi ngời như mắt em/ Anh phải lòng tình tứ,êm đềm/Đêm nay cất chén nhìn trăng sáng/ Anh vô tư thơi thới...lên tiên/ Con gió ơi về cùng anh phiêu lãng/Hoa thì đẹp thế giữa vườn Thiền...”.
  Đọc đến đấy, ông chủ thi sĩ chợt ngưng mà hướng về con chó của mình. Một chút như nghẹn ngào và rồi ông đi đến với những câu khép bài : “Đốm hoa yêu quá anh muốn khóc/Long lanh mắt ướt em thật hiền/ Trăng đêm sóng sánh lên màu nhớ/ Thơ tình anh viết tặng riêng em”... Chẳng biết bài thơ đã hết chưa. Chỉ thấy bốn mắt của chó và chủ đăm đắm hướng về nhau. Xúc động.
  -Ơ! Thế ra ông viết thơ tình tặng cho con chó nhà ông à!
  -Thế này thì còn ra cái chó gì nữa!

  -Ông coi thường chúng tôi quá đấy!
  Mấy ông bạn hàng xóm, ông nọ tiếp lời ông kia. Cứ om xòm cả lên.Trước tình thế ấy, ông chủ nhà bật đứng lên: “ Mấy ông ơi! Đừng giận tôi! Tôi làm thơ cho chó mà cũng là cho người đấy”.Rồi, ông chủ-Nhà thơ lại ho lên mấy tiếng.Rồi lại lắng xuống-giọng triết lí xa xăm: “Khuyển mã chi tình” các ông ơi! Chó hay Người, cũng cần quan tâm tới cái tình nghĩa sau trước ở đời”...
  Ha ha!...Ông chủ nhà cất tiếng cười dài. Mà, hình như trong đôi mắt của Nhà thơ-Nhân dân đã ầng ậc nước. Lạ thế, ngay tức thì, vừa dứt lời ông chủ, con đốm “hô ứng” ngay. Nó đứng lên bằng hai chân sau...rồi sủa lên mấy tiếng-rất nhẹ, rất “dịu dàng” như tương ứng.Như “đồng tình” cùng ông chủ chó.
  Cứ thế, con đốm hoa, có những ngày tháng thật êm đềm.Thật ngọt ngào bên ông chủ-Thi sĩ của tình thương, sống một mình trong căn nhà vườn rộng thênh thang...Đón gió.Đón trăng.Đón tình...
                                                ***
  Cho đến một ngày...Mà, có thể là Một ngày-Định mệnh.Một ngày chiều sắp tối. Ông chủ nhà thi sĩ, đang một mình và trầm ngâm cùng vẻ mặt vừa như hoan hỉ, lại vừa phảng phất tư lự.
  Chợt, ông nghe như có tiếng chó nhà mình.Lạ thay, tiếng chó nghe nghèn nghẹn. Ông vội chạy ra ngõ. Và, ông ta chứng kiến cảnh tượng đau lòng: con đốm đang cố lết về với đôi chân sau gãy lệt.Máu chó loang theo đôi chân gãy...
  -Con ơ... ơi! Mày làm sao thế! Đứa nào đánh mày, hại mày! Hại mày thế này con ơi!...
  Ông Đức Hoàng bật kêu thành tiếng đau đớn, nghẹn ngào. Con đốm, chắc là đau lắm.Nó chỉ còn rên lên ư ử.Tiếng rên đứt đoạn và cố lê lết về chân chủ. Rồi, đốm liếm láp cuống quýt. Còn, ông chủ đốm hoa như chết đứng, khóc lặng...
  Các cụ Ta xưa có câu đúc kết “Chó liền da-gà liền xương”. Thế mà...
  Ông nhà thơ bế vội con đốm lên. Máu chó chảy loang áo may ô trắng của chủ nó. Ông vội vàng băng vết thương cho đốm.Ông lại vội đi pha sữa (món mà đốm vẫn thích).Đến đêm, ông lại lọ mọ đi nấu cháo gà với đỗ xanh cho chó.
  Thế mà, ba ngày sau, con đốm hoa tắt thở. Thương lắm, ít phút trước khi chết, đốm nhìn chủ đăm đăm với hai hàng nước mắt ròng.
                                                     ***
 3/ Đêm nay.Trăng lại sáng. Nhà thơ Đức Hoàng lại chợt nghe thấy tiếng còi tầu. Và, dường như cùng lúc, cùng song tấu là tiếng chó sủa râm ran. Chó sủa hay tiếng chó tru lên. Đức Hoàng chạy vội ra ngõ, thất thanh: “ Đốm ơi! con ở đâu? Con ở đâu!...”
  Đáp lại lời nhà thơ, chỉ có tiếng còi tầu hỏa rúc lên hồi dài. Trăng vẫn sáng-thứ ánh sáng đùng đục và gió lồng lộng thổi.Ông nhà thơ tự nhủ: Con tầu này có phải mang tên Hữu Nghị?Mà, nó chạy về hướng nào nhỉ, về Đông Triều hay ra Hồng Gai? Chưa biết chừng, Hữu Nghị lại ngược lên hứơng Bắc? Chẳng biết thế nào mà lần !?

                                         HÀ NỘI-Tháng tư, 2016.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét