Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

ĐỌC BÌNH THƠ CỦA VŨ NHO





ĐỌC BÌNH THƠ CỦA VŨ NHO
Nguyễn Thị Lan
          Tập Bình thơ (NXB Hội Nhà văn 2015, sách in khổ 14,5 x 20,5 cm, dày 512 trang) là cuốn sách thứ 108 của PGS. TS. Nhà văn Vũ Nho. Ngoại 60 tuổi, khi quá nửa đời “nhìn lại”, Vũ Nho dí dỏm tự bạch: “Cũng chẳng làm được gì nhiều. Nhưng sách viết theo sở thích và theo yêu cầu, in riêng và in chung cũng… hơi bị nhiều”. Trong 108 cuốn sách ấy của Vũ Nho, sách dịch có 8 cuốn; phê bình nghiên cứu, sáng tác có 17 cuốn; sách tham khảo cho giáo viên, học sinh có 82 cuốn. Một khối lượng sáng tác đáng nể phục của một cây bút giàu nội lực.
          Trong hơn một trăm đầu sách ấy, Bình thơ là một cuốn sách đặc biệt. Suốt cả cuộc đời cầm bút, Vũ Nho “đắm đuối” với thơ, anh say sưa bình thơ. Xưa nay, gom nhặt, lựa chọn những câu thơ hay, bài thơ hay để bình cũng như việc “đãi cát tìm vàng”, nhiều người đã làm. Nhưng “say” bình thơ như Vũ Nho kể cũng không nhiều. TS Chu Văn Sơn đã từng thân ái viết về người bạn đồng nghiệp của mình “anh rất rành môn phái BÌNH CHỌN” - Đi giữa miền thơ với Vũ Nho. Không chỉ bình thơ, Vũ Nho còn làm thơ nữa. Thơ với anh như một “duyên nợ”.
          Bình thơ là kết quả của một sự say mê, bền bỉ của Vũ Nho được viết rải theo suốt chặng đường sáng tạo của tác giả. Bài sớm nhất từ năm 1986, khi anh bình hai câu ca dao: “Con dao vàng rọc lá trầu vàng./ Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa” với các bạn sinh viên khoa Văn Đại học Sư Phạm Việt Bắc. Năm tháng qua đi, những bài in trong phần “Hương sắc” của 3 tập “Đi giữa miền thơ”, những bài in trong tập “Trần Đăng Khoa, thần đồng thơ ca” và những tập sách khác, cho đến nay đã 30 năm được tác giả gộp lại đã là con số 126 bài.

          Không chỉ được viết trong khoảng thời gian dài mà diện thơ viết của hơn một trăm hai mươi bài rất rộng. Từ thơ nước ngoài (Trung Quốc, Nga, Mỹ) đến trong nước. Từ ca dao đến thơ trung đại, thơ hiện đại, có nhiều thơ trong sách giáo khoa, nhưng cũng không ít do tác giả tự chọn. Có thể thấy, trong cái “miền thơ” mênh mông của trong nước và ngoài nước, chỗ nào thấy hay, thấy đẹp là Vũ Nho dừng lại thưởng lãm, yêu mến… Anh say sưa với những vẻ đẹp của các thi phẩm mà anh chợt phát hiện.

          Đọc Bình thơ của Vũ Nho ta không khỏi thán phục: “Nghề bình thơ cũng lắm công phu”. Lời khen của Vũ Nho với cuốn Bình thơ của Vũ Quần Phương: “Vũ Quần Phương đã sử dụng thành thạo, biến hóa, đa dạng mà nhất quán các thao tác bình thơ’’ cũng có thể để dành cho chính tác giả. Vũ Nho đã nâng công việc bình thơ lên một thứ nghệ thuật.
          Trước hết là những “mở bài” cho các bài viết. Thật ra, khi viết một tác phẩm, cái “mở bài” bao giờ cũng khó bởi “vạn sự khởi đầu nan”, đầu có “xuôi” thì đuôi mới “lọt”. Mở bài sao cho vừa khơi nguồn cảm xúc, vừa định hướng được chủ đề của bài viết. Càng viết nhiều bài, cái khó càng tăng lên nhiều vì người viết không thể lặp lại chính mình.
          Các “mở bài” của Vũ Nho trong Bình thơ thật đa dạng, biến hóa: mở đề trực tiếp, gián tiếp; mở đề bằng những so sánh liên tưởng; mở đề bằng câu chuyện hoặc một kỷ niệm riêng; mở đề bằng tóm tắt tiểu sử, giới thiệu tập thơ có bài bình; có khi mở đề bằng nêu hoàn cảnh sáng tác, hoàn cảnh thành thơ… Chính sự mẫn cảm của người bình đã mách bảo cho nhà bình thơ nên chọn kiểu nào cho thích hợp. Có thể thấy, với mỗi cửa ải “mở đề”  đó, Vũ Nho đã vượt qua một cách dễ dàng, tự nhiên. Thành ra, người đọc luôn cảm thấy tự nhiên và cuốn hút theo người bình vào bài thơ. Với riêng tôi, rất nhiều “mở đề” của những bài trong tập Bình thơ của Vũ Nho đã đem lại cho tôi những khoái cảm thẩm mỹ. Đấy chính là cái tài của người viết.
          Những “mở đề” trực tiếp được tác giả dùng nhiều khi bình ca dao. Những mở đề so sánh liên tưởng cũng được tác giả dùng nhiều cho thấy sự công phu và sức đọc ghê gớm của tác giả. Những liên tưởng tạt ngang với một “trường” rất rộng trong hệ thống đồng đại và lịch đại, làm cho người đọc “biết” thêm một ít, kiến văn dày thêm một chút. Và người đọc thấy thực sự thích thú.
          Một ví dụ nhỏ: Khi bình bài thơ “Đêm trăng đường Láng” của Xuân Diệu, “thi sĩ của tình yêu, thi sĩ của những đêm trăng ấn tượng”, Vũ Nho đã dẫn ra rất nhiều câu thơ viết về đêm trăng của Xuân Diệu trong các bài: Nguyệt cầm, Buồn trăng, Lời kỹ nữ, Trăng khuya trên Hắc Hải.
          Không chỉ: “mở đề” mà những “kết luận” trong cuốn Bình thơ cũng có nhiều sáng tạo, đa dạng. Ta biết rằng “kết luận” một bài viết cũng không dễ dàng, bởi lúc đó lời đã “cạn”; viết sao cho vừa “gói lại” (có khi lại vừa mở ra) vấn đề, lại vừa để lại “dư ba” trong lòng độc giả. Vũ Nho có nhiều kiểu “kết luận”: lúc gói lại, lúc mở ra, lúc bỏ lửng, lúc kết thúc hứa hẹn tương lai, lúc kết thúc bằng câu hỏi, lúc để ngỏ… Mỗi bài viết là một cách “kết luận” khác nhau, không lặp lại, luôn mới mẻ hấp dẫn. Vì vậy, người đọc không thấy gượng ép và nhàm chán.
          Trong những kiểu “kết luận”, kiểu kết để ngỏ cho ta thấy tinh thần dân chủ của người viết. Vũ Nho không áp đặt, anh chỉ gợi mở để người đọc “viết tiếp”. Đó cũng là một cách tôn trọng độc giả của tác giả.
          Nghề bình thơ cũng lắm công phu
          Ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, trong “Lời tựa” cuốn “Phê bình và cảo luận”, Thiếu Sơn cho rằng: “nhà phê bình chuyên nghiệp là “kẻ đọc giùm cho người khác”, bởi cũng đọc như người bình thường khác, nhưng sau khi đọc, qua bài phê bình công bằng và sáng suốt, nhà phê bình giúp cho người đọc thấu hiểu hơn về cuốn sách đó, mở rộng và nâng cao trí thức và thị hiếu của họ”. Trong cuốn Bình thơ, ở nhiều bài Vũ Nho là một nhà phê bình như vậy.
          “Thơ ca là nghệ thuật cần sự giảng giải. Vì thế, bên cạnh nhà thơ cần có người phê bình” (Trần Đăng Khoa). Không như phân tích văn xuôi, cảm thụ và phân tích thơ có phần khó hơn, vì thơ có những đặc trưng riêng: có nhịp điệu, có vần, cô đọng, có nhiều câu như châm ngôn, chân lý; tứ thơ hồn thơ không dễ nắm bắt, cảm nhận, phân tích, lý giải…
Có lần Vũ Nho đã tâm sự về nghề bình thơ: “Khó nhất đối với thơ ca là làm sao nắm được hồn thơ”. Đọc những bài bình của Vũ Nho ta nhận ra được vẻ đẹp lung linh khó nắm bắt của từng thi phẩm. Từ bài thơ, người viết tìm hiểu riêng của vẻ đẹp từng khổ, từng câu. Rồi lại từ những hiểu biết chi tiết đó, thấm nhuần một lần nữa vẻ đẹp của toàn bài. Anh có nhiều những phát hiện tinh tế, nhiều phân tích sâu sắc thú vị. Những nắm bắt cái hay, cái lạ, cái độc đáo, cái hồn vía của bài thơ cũng mang lại những khoái cảm thẩm mỹ cho người đọc. Anh phát hiện hộ ta những điều ta chưa nghĩ đến, chưa nghĩ ra mà giờ đây đọc anh, ta mới chợt nhận ra… Đó chính là sự tài hoa, tinh tế của người viết.
Có thể lấy rất nhiều ví dụ về những đoạn “khoái khẩu” đó trong cuốn Bình thơ. Trong bài “Người hàng xóm” của Nguyễn Bính, khi bình câu thơ:
“Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này”
Vũ Nho bình: “CHIÊM BAO! Chứ còn sao nữa / Nếu không “chiêm bao” người ta chỉ sống với nỗi buồn của chính mình. Không “mơ màng” thì làm sao nắm bắt được hình ảnh con bướm trắng nửa thực và nửa mộng kia để trò chuyện, hỏi han… Con bươm bướm trắng trong thơ Nguyễn Bính rất kỳ lạ.
Hay câu: “Nghẹn ngào tôi khóc quả tôi yêu nàng”, nhà phê bình Vũ Nho “hạ” một câu: “Tình yêu đã chiến thắng hoàn toàn. Sau bao nhiêu nghi ngờ, sau bao nhiêu băn khoăn, kìm nén, tình yêu đã reo lên khúc khải hoàn trong những giọt nước mắt, trong tiếng nấc nghẹn ngào và lời khẳng định không chút nghi ngờ." Bình như thế là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với nhân vật trữ tình của bài thơ.
Không chỉ nắm được “hồn” của bài thơ, Vũ Nho còn chỉ cho ta thấy bài thơ hay ở điều gì, từng có bao người nói về vẻ đẹp của bài thơ đó (điều này phải kể đến sức đọc, sự hiểu biết của tác giả). Và giờ đây những phát hiện mới của Vũ Nho làm ta thích thú (ví dụ: Lời bình bài ca dao “Con cò” – trang 35, “Cuộc gặp muộn mằn” - trang 30). Sự đối thoại dân chủ, đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau (đặc biệt với ca dao), người bình nhiều khi chỉ khơi gợi chứ không ép buộc, dạy dỗ người đọc, đã đem lại một cảm giác thoải mái cho độc giả. Người đọc như được chuyện trò, trao đổi với tác giả.
Trong Bình thơ, có rất nhiều bài trong sách giáo khoa nhưng Vũ Nho đã tìm ra những nét thú vị ở những bài quen thuộc nhất được nhiều người bình. Tưởng như không còn gì để nói thêm nữa nhưng qua cái nhìn của Vũ Nho ta ngỡ ngàng như mới thấy nó lần đầu.
Cách bình của Vũ Nho cũng rất đa dạng. Có khi anh bình bằng sự phân tích cặn kẽ tỷ mỷ (đấy là sở trường của tác giả) nhưng có khi bằng sự mở rộng tâm hồn. Trong bài “Đồng chí” khi bình ba câu thơ cuối:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
          Vũ Nho viết: “Những dòng thơ cuối cùng như một tượng đài sừng sững do tình cảm đồng chí thiêng liêng. Trên cái nền hùng vĩ của thiên nhiên, cánh rừng trải rộng, bầu trời cao lồng lộng, người chiến sĩ đứng với khẩu súng và vầng trăng. Đây là hình ảnh thực trong những đêm phục kích của tác giả nhưng chính tầm cao tư tưởng và lý tưởng chiến đấu của quân đội cách mạng đã tạo cho hình ảnh đó một vẻ đẹp khái quát tượng trưng” (trang 188).
          Câu thơ của Chính Hữu “bát ngát” và lời bình của nhà phê bình cũng “mênh mông” không kém.
          Nhưng lời bình của Vũ Nho không chỉ đẹp ở hình tượng mang tính thẩm mỹ. Có khi anh có nhiều câu, nhiều đoạn viết hay như một châm ngôn, triết lý, khiến người đọc phải ngẫm ngợi, thấm thía, vỡ lẽ ra nhiều điều. Bài “Có một ngày” (trang 199), “Thêm một” (trang 262) là những bài như vậy.
          Một bài thơ hay chắc chắn tứ hay, cấu trúc hay, trật tự từ hay và từ ngữ cũng phải hay. Cái hay của từ ngữ rất khó nhận ra. Đặt trong bài thơ, đó là những từ không thể thay thế được; nó vừa làm nên vẻ đẹp của lời thơ vừa thể hiện cá tính sáng tạo của người viết. Trong những bài bình thơ của mình rất nhiều lần Vũ Nho đã chỉ ra “nhãn tự” (từ mắt). Trong bài thơ “Có một ngày” của Nguyễn Khoa Điềm, người bình lưu ý độc giả một chữ quan trọng nhất, nó làm xương cốt, làm rường cột cho cả bài… nhưng nó chỉ xuất hiện vẻn vẹn có hai lần và lại ở vị trí hết  sức  khiêm tốn nên người đọc dễ không để ý. Nó chính là chữ “sẽ”. Nhưng tại sao nó “quan trọng”, Vũ Nho lý giải: “Nếu bỏ quên chữ này, bài thơ có nguy cơ bị hiểu sai lệch, chữ “sẽ” làm cho ta hiểu đây là giả tưởng của người viết”. Hoặc trong bài “Sao không vể Vàng ơi” của Trần Đăng Khoa, những từ xưng hô “mày”, “tao” độc đáo, theo Vũ Nho cũng là “nhãn tự” của bài thơ, nó làm nên “cái sắc thái thân thiết bạn bè đặc biệt”.
          Ngoài sự phát hiện cái hay của từ ngữ trong câu thơ, Vũ Nho còn tìm ra sự mới mẻ của các hình tượng thơ, nó thường đem đến cho bài thơ một sức hấp dẫn mới. Hình tượng núi cứ Ba ngọn như chiếc đinh ba: “Trụ trời, trụ đất đứng nguy nga” trong bài “Lên núi Ba vì” (trang 330) của Phạm Tiến Duật, theo Vũ Nho: “Những dãy núi kết liền ba như đinh ba tua tủa khắp nơi là biểu tượng tượng trưng cho một dân tộc thượng võ, kiên cường – đó là khám phá riêng của nhà thơ”. Rồi hình tượng “mưa” trong bài “Cái đêm ấy thế mà mưa” (trang 248) của Đoàn Thị Ký; hình tượng “gió quả phụ” (trang 245) trong bài thơ cùng tên của Lê Thị Mây “lần đầu tiên xuất hiện trong thơ”. Hay một sự liên tưởng của người bình do hình tượng thơ gợi lên. Đó là bài “Lá diêu bông” (trang 461) của Hoàng Cầm. Câu thơ: “Xòe tay phủ mặt chị không nhìn”, Vũ Nho viết: “Chữ phủ mặt đọc nghe kinh rợn, vì cái bàn tay kia như tấm giấy lúc lâm chung”.
Thơ hay thật muôn vẻ. Và những vẻ đẹp đó của thơ đã được Vũ Nho phân tích, giảng giải cặn kẽ thuyết phục.
Văn là người. Vũ Nho “mê” thơ, thuộc nhiều thơ. Anh nghĩ bằng thơ, diễn đạt bằng thơ - những câu thơ đích đáng, đúng cảnh, đúng tình, đúng người vừa xác đáng, vừa mềm mại, mang lại rất nhiều khoái cảm thẩm mỹ cho người đọc. Bình bài thơ “Một người” của Phan Thị Thanh Nhàn (trang 258), khi nói về ý nghĩa của một người so với “một người thứ hai”, một cá thể độc đáo “không gì có thể thay thế được”, Vũ Nho đã dẫn câu thơ của E. Eptusenko, “Vũ trụ riêng không lặp lại bao giờ”. Có lẽ không lời bình nào hay hơn bằng chính câu thơ của nhà thơ Nga kia.
Văn Vũ Nho trong Bình thơ giản dị, chân mộc, hồn hậu như chính con người anh. Là một nhà nghiên cứu, một nhà giáo, nói chung anh viết chừng mực, mạch lạc, viết và nói vừa đủ. Tuy nhiên, Vũ Nho còn là một nhà văn, nhà thơ nên có thế mạnh của người sáng tác là nhạy cảm, tinh tế, không kém phần tài hoa: lúc trữ tình bay bổng, lúc hào mại phóng túng, lúc buồn thương man mác, lúc dí dỏm nhẹ nhàng. Văn của Vũ Nho có duyên, song đó là cái duyên thầm, duyên lặn vào trong. Trong bài: “Đám cưới ngày mùa” của Phan Thị Thanh Nhàn (trang 253) ở câu thơ: “Chú rể là bộ đội/Về phép rồi đi xa”, Vũ Nho bình: “Thời ấy là thời chúng ta đang đánh Mỹ… không hiếm lắm những anh bộ đội chỉ một kì đi phép tranh thủ ngắn ngày mà hoàn thành được toàn bộ các thủ tục tìm hiểu, dạm hỏi, cưới xin. Cả xã hội đồng tình cho phép bộ đội được ưu tiên”. Ở đây có cái cười vừa thông cảm, vừa hồn hậu, thân ái, vừa tinh nghịch của nhà phê bình.
Để viết về một cuốn sách hơn 500 trang mà ta yêu thích, cảm mến chỉ trong một vài trang với người viết bài này là một việc thật khó.
Trong “Mấy lời mở sách” cuốn Bình thơ của Vũ Quần Phương, nhà thơ Trần Đăng Khoa reo lên hân hoan: “Hoài Thanh là nhà phê bình thiên tài. May sao, sau Hoài Thanh chúng ta lại có Vũ Quần Phương. Ông là nhà phê bình đặc sắc. Bình thơ, đặc biệt thơ đương đại, có lẽ không ai viết hay hơn Vũ Quần Phương...”. Và sau Vũ Quần Phương là những ai?... Nhưng có một điều chắc chắn: sau cuốn Bình thơ của Vũ Quần Phương. Bình thơ của Vũ Nho là cuốn sách rất đáng đọc trên thị trường sách của chúng ta hiện nay. Tôi tin những người yêu thơ, những “tín đồ” của thơ ca sẽ tìm thấy được nhiều niềm vui khi lật từng trang sách.
Hải Dương, ngày 20 tháng 11 năm 2015.
Bài in trên Quân Đội Nhân Dân cuối tuần, số 1057, ra ngày 3-4-2016. Đây là bản đầy đủ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét