Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐÌNH CHÈM





GIỚI THIỆU TÓM TẮT & TRÍCH ĐOẠN
LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC
Chuyên ngành: Văn hóa học
 
Tên đề tài: GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐÌNH CHÈM
(Xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội)

+ Tác giả: TRẦN THỊ  THÚY HÀ
+ Hướng dẫn khoa học: Tiến sỹ Phạm Thị Thu Hương
+ Đã bảo vệ thành công tại HĐCLANN, Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội; Bộ GD&ĐT – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tháng 10/2014.

            Đây là công trình nghiên cứu khoa học thứ 2, chuyên đề về Đình Chèm – một luận văn Thạc sỹ. Công trình đầu tiên là: Tìm hiểu di tích Đình Chèm. Khóa luận tốt nghiệp Đại học Văn hóa, chuyên ngành Bảo tàng. Tác giả: Sinh viên Nguyễn Thị Thanh Hoa (2002).
            Luận văn dài 123 trang in A4, với danh mục 59 đơn vị Tài liệu tham khảo. Ngoài 3 phụ lục: bản đồ, tranh ảnh về Đình Chèm và Lễ hội Đình Chèm; văn bản gồm phần Mở đầu (7 mục), phần Kết luận (4 điểm); phần Nội dung chính kết cấu thành 3 chương:
            Chương I: Tổng quan về làng Chèm và di tích Đình Chèm (20 trang) phân giải những đặc điểm cơ bản về làng Chèm – xã Thụy Phương trên các bình diện: Điều kiện tự nhiên, Dân cư, Đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa. Tổng quan về lịch sử xây dựng và quá trình tồn tại của Đình Chèm; Lịch sử về nhân vật được thờ: Đức Thánh Lý Ông Trọng. Tiểu kết.
            Chương II (Trọng tâm) Giá trị văn hóa vật thể của Đình Chèm (38 trang) phân giải và nhận xét khái quát hệ giá trị trên các bình diện: Nghệ thuật kiến trúc; nghệ thuật điêu khắc, Một số di vật tiêu biểu (bằng gỗ, đồng, đá, giấy…); Vấn đề bảo vệ và phát huy các giá trị trên. Trên cơ sở tái hiện và phân tích, đánh giá thực trạng, người viết đưa ra một số giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị. Tiểu kết.

            Chương III (Trọng điểm): Giá trị văn hóa phi vật thể của Đình Chèm (44 trang). Theo tác giả giá trị văn hóa phi vật thể của Đình Chèm hiển hiện đặc sắc ở: Lễ hội Đình Chèm (Ý nghĩa, Thời gian và địa điểm tổ chức; Các việc chuẩn bị, Diễn trình lễ hội); Một số phong tục và lễ nghi khác (Kỵ nhật Nhị Thánh, Thờ cúng gia tiên, Tục tránh đường…; Diễn giải vấn đề Những biến đổi của Lễ hội Đình Chèm trong thời gian lịch sử (về không gian, nghi lễ, trò diễn, trò chơi; về thành phần tổ chức và tham gia Lễ hội)
            Luận văn bản giải sâu rộng hơn vấn đề Các lớp văn hóa tích hợp trong thần tích và Lễ hội Đình Chèm (Lớp văn hóa Thần thoại về thần Khổng lồ, tín ngưỡng thờ thần Thủy và thần Trị thủy, lớp văn hóa Nông nghiệp, Nho giáo, Phật giáo, lớp văn hóa thờ cúng tổ tiên…)
            Tiếp tục nêu vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của di tích Đình Chèm trên cơ sở phân tích thực trạng hiện tồn và đề nghị giải pháp tổng thể và cụ thể. Tiểu kết.
            Phần Kết luận chung và khuyến nghị (4 điểm), (4 trang).
                                                        ***
            Trong tầm mức, phạm vi của một luận văn khoa học Thạc Sỹ chuyên ngành Văn hóa học, theo Kết luận của HĐGK, luận văn là một công trình nghiên cứu khoa học chuyên biệt công phu, trung thực, có một vài khám phá về chuyên môn, có đóng góp nhất định trong lịch sử nghiên cứu về di tích Đình Chèm và Lễ hội Đình Chèm ở nước ta. Luận văn không chỉ tập hợp, hệ thống hóa, phân tích tư liệu, khái quát di tích Đình Chèm một cách sâu sắc, toàn diện; Tìm hiểu giá trị văn hóa hai mặt (vật thể, phi vật thể) của di tích Đình Chèm, Lễ Hội Đình Chèm để khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chúng trong đời sống cộng đồng cư dân Việt Nam đương đại. Đặc biệt, luận văn đề xuất một số kiến nghị, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa của Đình Chèm, Lễ Hội Đình Chèm trong thực tiễn, trên các phương diện văn hóa nghệ thuật, đời sống tâm linh và giáo dục truyền thống. Cuối cùng, luận văn tiếp tục góp phần vào việc hoàn thiện bộ hồ sơ về di tích Đình Chèm (hiện đang lưu giữ tại Cục Di sản Văn hóa Việt Nam, bộ hồ sơ tiếp tục đề nghị UNESCO công nhận Lễ hội Đình Chèmgiá trị văn hóa phi vật thể cao. Và di tích Đình Chèm – Lễ hội Đình Chèm được công nhận là Di sản văn hóa cấp Quốc gia (Đặc biệt). (LV, tr. 6).
            Luận văn là một tập sách tham khảo hữu ích và đáng tin cậy cho tất cả những ai yêu mến, muốn tìm hiểu sâu, kỹ về di tích Đình Chèm và Lễ hội Đình Chèm.
            (Bạn đọc, khách thập phương có nhu cầu đọc trích hoặc toàn văn, xin mời tới Đình Chèm, gặp ông Thủ từ Lê Văn Hiệu (người đang sở hữu 01 văn bản) mượn đọc hoặc foto.)
            Ý nghĩa khoa học, thực tiễn, xã hội, văn hóa và giáo dục của luận văn này, là ở đó.
            Trong khuôn khổ số trang có hạn của tập Đặc san Hương Chèm 7, BBT chúng tôi trích in phần Kết luận chung của Luận văn để bạn đọc tham khảo và bình luận.

            Đình Chèm xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội (từ 1/4/2014 là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một di tích lịch sử - văn hoá có giá trị cao của Thủ đô Hà Nội nói riêng, của Việt Nam, nói chung.
                1. Về giá trị văn hóa vật thể:
            Trải qua hàng trăm năm, Đình Chèm bất chấp các biến động khốc liệt của thời gian và khí hậu, vẫn giữ được một di tích lịch sử - văn hóa truyền thống quý hiếm, độc đáo.
  Thứ nhất, đó là một kiến trúc có vị trí độc đáo, hướng mặt ra sông Hồng để thực hiện chức năng trị thủy hiệu quả của Đức Thánh Chèm. Đình Chèm có một kết cấu mặt bằng chưa từng gặp ở bất cứ một di tích nào khác tương tự từ thời Nguyễn (Ví dụ: Tại Hà Nội, đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm) có  2 tòa kiến trúc chính: Đại bái và Hậu cung, được xây dựng thời Minh Mạng – Tự Đức (1820 – 1848); Đền Bà Kiệu (quận Hoàn Kiếm) với 3 tòa Tiền tế - Trung tế - Hậu cung, xây năm Tự Đức thứ 17 (1864); Đền Đồng Cổ (quận Ba Đình) kết cấu nội công ngoại quốc (xây đầu thế kỷ 19), Đền Hỏa thần (quận Hoàn Kiếm) với 2 tòa Tiền tế - Hậu cung, Đền Voi Phục (Cầu Giấy) kết cấu chữ công, xây sau năm 1954, các đền Vạn Phúc, (Ba Đình), đền Hòa Mã (Hai Bà  Trưng)… đều kết cấu chữ Công, xây năm 1935. Điểm qua để thấy sự khác biệt các kiến trúc trên với kiến trúc Đình Chèm. Các kiến trúc trên hầu hết chỉ từ 2 – 3 đơn nguyên theo kiểu chữ công hoặc chữ tam. Trong khi Đình Chèm có 2 cụm chính. Mỗi kiểu 1 kiểu kết cấu. Các cụm nối liền nhau bởi 6 đơn nguyên liền mạch 1 trục dài tạo nên tính trùng điệp và tính thâm nghiêm trong mục đích thờ phụng Đức Thánh. Điều đó là duy nhất, không thấy lần thứ 2 trong tất cả các đình, đền khác ở Việt Nam.
  Thứ hai, Trên mặt bằng độc đáo nói trên, nghệ nhân thỏa sức thi triển tài năng sáng tạo qua nghệ thuật kết nối 2 khung nhà Đại bái với Hậu cung. Tất cả được thực hiện một cách tài tình, khéo léo, không 1 tì vết; dù kiến trúc tổng thể đã được thay đổi, tu bổ vào nhiều thời kỳ khác nhau.
  Thứ ba, Đình Chèm thể hiện trình độ điêu khắc và kiến trúc trang trí rất cao. Kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng kết hợp nhuần nhuyễn với kỹ thuật chạm bong kênh khiến các hình chạm vô cùng sinh động. Các hình chạm trang trí ở đây không thể hiện nhân vật mà là các linh vật (chủ yếu đề tài: Tứ linh). Chủ đề này xuyên suốt tổng thể kiến trúc nhưng cách diễn tả rất đa dạng. Mỗi vị trí một kiểu, mỗi nơi 1 tư thế. Đặc biệt đề tái Tứ linh kết hợp nhuần nhuyễn với huyền tích Cá vượt vũ môn. Đặc biệt, tổ hợp hoa văn chạm kiểu hình thức ngai thờ hay tượng Thánh Ông và Thánh Bà có kích thước lớn, rất hiếm gặp ở các di tích khác.
            2. Về giá trị văn hóa phi vật thể:
            Lễ hội Đình Chèm là một trong những lễ hội lớn bậc nhất của Thủ đô Thăng Long – Hà Nội xưa. Dù đã trải qua biết bao thăng trầm, biến đổi nhưng Lễ hội Đình Chèm vẫn còn bảo lưu dược nhiều yếu tố xưa, liên quan đến truyền thống tốt đẹp, lâu đời của nhân dân địa phương. Đó là những nghi lễ, nghi thức tưởng nhớ công ơn đánh giặc giữ nước; các nghi lễ, nghi thức nhớ công ơn giúp dân xây dựng làng xóm của Đức Thánh Chèm. Các nghi lễ, nghi thức liên quan tới việc cầu mưa, cầu được mùa. Cư dân vùng Chèm, Lễ hội Đình Chèm còn giữ được những phong tục tiêu biểu, mang đặc trưng riêng, liên quan đến Đức Thánh Chèm và vùng đất Chèm cổ.
            Tất cả phần nào phản ánh Đức Thánh Chèm là hậu duệ của thần Khổng lồ xưa ở vùng Chèm. Điều đó chứng minh rằng vùng đất Chèm xưa có lịch sử văn hóa lâu đời, có vị trí quan trọng trong quá trình tạo lập và xây dựng kinh đô Thăng Long sau này.
            3. Di tích Đình Chèm và Lễ hội Đình Chèm là một tổng thể di sản quý hiếm. Nó ánh lên niềm tự hào; biểu trưng cho lịch sử văn hóa vùng Chèm, làng Chèm và Thủ đô Hà Nội. Di tích đã được tôn sùng và thờ phụng trải hơn 2000 năm lịch sử. Chiến tích oai hùng của Lý Ông Trọng đã được nhân dân làng Chèm so sánh với chiến công kỳ vĩ của Phù Đổng Thiên Vương. Nhân dân làng Chèm còn thấy tự hào hơn vì chiến công của Lý Thánh Ông - người Việt, được người Trung Hoa khâm phục và tôn thờ. Bởi thế, Đình Chèm chính là nơi linh thiêng, giáo dục truyền thống dân tộc một cách tốt nhất cho các thế hệ trẻ. Như lời văn bia dựng trong nhà Tiểu Phương đình:
            Nhờ có sử chép mới tỏ là con Lạc cháu Hồng. Nòi giống mình vẫn là giỏi khi mấy ngàn năm trước đã có đấng phi thường lập công ngoại quốc. Sự vẻ vang ấy lưu truyền tới bây giờ. Nhờ có đền thờ mới biết những bậc anh hùng, chẳng những người nước mình sùng bái mà các quan nước ngoài: ông thời làm, ông thời sửa. Các khách ngoại thương cũng đều đến xem lễ đền, mới tỏ sự sùng bái ấy là công lý. Khắp trong hoàn cầu có sử chép, có đền thờ, lại phải có bia khắc để bổ thêm vào chính sử mà cổ tích mới lưu truyền.
            4. Di tích Đình Chèm và Lễ hội Đình Chèm là một pho sử sống động về lịch sử văn hóa khu vực Chèm xưa và nay trong bộ sử Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nó rất cần thiết được bảo tồn lâu dài để các thế hệ nhân dân chiêm bái. 200 năm đã trôi qua, với bao biến cố bất thường, Đình Chèm vẫn trang nghiêm tọa lạc bên sông Hồng như một chứng nhân bất tử cho truyền thống văn hóa quê hương. Để bảo vệ di tích, người xưa đã không ngừng tìm cách tu tạo với nhiều giải pháp hữu hiệu. Tư liệu còn lại tại Đình Chèm cho hay, chỉ trong khoảng 300 năm đã có 20 lần chính quyền và nhân dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ, trùng tu di tích. Sự kiện nâng - kiệu Đình Chèm năm 1916, lên cao 6 thước (2,4m) để chống lụt, chỉ bằng giải pháp thủ công… là một trong những sự kiện nổi bật nhất của lịch sử Đình Chèm.
            Phát huy truyền thống sáng tạo đó, ngày nay, chúng ta cần cố gắng bảo vệ, giữ gìn tốt hơn nữa những gì hiện có của di tích, cả vật thể, cả phi vật thể. Tích cực nghiên cứu, khôi phục, bổ sung thật đầy đủ các giá trị văn hóa - xã hội cuả Lễ hội Đình Chèm mà những gợi ý, đề xuất cuả tác giả luận văn này cũng là những ý kiến chân thành, tâm huyết. Với hy vọng tha thiết:
            Vật đổi sao rời, đê sông đã nhiều phen muốn lở, mà Tứ trụ Đền Ngài vẫn trang nghiêm như cũ! (Bi ký Đình Chèm)
            Làm được như thế là chúng ta đã bảo vệ, bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị lịch sử - văn hóa to lớn của Đình Chèm – Lễ hội Đình Chèm”./.

(Trích Luận văn (TLĐD, tr. 114 – 117). ĐV tuyển trích, giới thiệu; 6/4/2016)

1 nhận xét:

  1. có thể tìm đọc luận văn trên ở đâu ạ? có thể cho em xin tư liệu bài luận văn này được không ạ? e xin chân thành cảm ơn!

    Trả lờiXóa