Về tiểu thuyết ĐÁY GIẾNG của Phạm Thị Bích Thủy
Nhà xuất bản
Hội nhà văn, 2015
Vũ Nho
Một cuốn tiểu thuyết
gần 400 trang khổ lớn hơn bình thường ( 13,97 x 21,59) với 19 chương cho
thấy một vốn sống dồi dào và một bút lực mạnh mẽ của cây bút nữ. Từ 2013 đến
2015 tác giả đã liên tiếp cho xuất hiện một tập truyện ngắn và ba tiểu thuyết.
Với Đáy giếng, tác giả mô tả hoạt động của một nhà máy rượu được cổ phần
hóa thành công ty Vodaco và liên doanh với
nước ngoài. Truyện ngắn “Ăn cắp” được in trong tập truyện đầu tiên “Chạy trốn”
hầu như được dùng lại nguyên ở chương mở đầu của tiểu thuyết này. Cũng với tên
chương là Ăn cắp. Chỉ có thay nhân vật
xưng tôi thành Mai và bỏ cái đoạn lấy cắp chiếc bình tông. Nhân vật Giám đốc Lợi
được đổi thành giám đốc Phương, ông Lý Bí thư thì vẫn là ông Lý híp… Việc đưa truyện ngắn có
thay đổi chút ít thành một chương của tiểu thuyết không phải là cách làm mới mẻ.
Nhưng quả thật, đem cái chương không quá hấp dẫn, đã từng công bố
làm chương mở đầu là một việc không mấy khôn ngoan, có thể nói là đáng
tiếc. May mà những chương sau hấp dẫn nên ấn tượng nhòa nhạt, buồn tẻ của chương mở đầu nhanh chóng
được khắc phục.
Còn nhớ trong tập truyện “Chạy trốn”, tác giả giới thiệu đang
làm việc cho Tập đoàn đa quốc gia về đồ uống. Nhà văn Ma Văn Kháng cũng nhấn mạnh “cô đang làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia về đồ uống của nước Anh,
có hàng trăm nhãn hàng rượu bia cao cấp hàng đầu thế giới, có doanh thu hàng
năm gần 18 tỷ đô la, có cổ phần lớn ở Công ty đồ uống hàng đầu Việt Nam...”
( Những trang viết đầu tay và một cuộc chuẩn bị).
Có thể thấy rõ công việc
chuyên môn của Tập đoàn đồ uống đa quốc gia liên quan đến Công ty đồ uống
hàng đầu Việt Nam đã tạo cơ hội cho tác giả tiếp cận và có thực tế phong phú về
những cán bộ, nhân viên để hư cấu lên một “bộ sậu” của Công ty Vodaco, những kẻ
ở đáy giếng nhưng luôn kiêu ngạo và tự hào về cái vương quốc đáy giếng của mình.
Câu chuyện xoay quanh Ban lãnh đạo
của Vodaco gồm giám đốc Phương, Bí thư Lý (sau khi lên công ti liên doanh, ông
ta thành Chủ tịch Hội đồng quản trị) và
bà Hách Vuông là kế toán trưởng nhưng nắm mọi quyền hành. Bên kia là Đội Dự án
do Mai đứng đầu, là đại diện của Tập đoàn nước ngoài ở Vodaco. Nhưng câu chuyện
không chỉ xảy ra ở thời điểm hiện tại khi liên doanh, mà nó còn ngược về mấy chục
năm trước khi bà Hách Vuông còn là một người dán bao bì, ông Phương chưa lên Giám
đốc, còn là anh Phương cận làm ở phòng kĩ thuật, có sáng kiến tạo ra Nếp Nương
nhưng bị tranh công, bị đẩy đi học…
Tư tưởng chủ đạo của cuốn tiểu
thuyết được tác giả dùng bài hát của Nguyễn Duy Khoái phổ nhạc truyện ngụ ngôn
Việt Nam thay lời đề từ. Và không dưới ba lần ông Phương ( giám đốc hèn – ông tự
nhận thế) nhìn thấy cái vương quốc đáy giếng tù túng,
trì đọng, hạn hẹp và đầy tự mãn của ếch ngay trong cuộc họp công ty hay ở
sân công ty. Những tay chân lăng xăng của vương quốc ếch trong “đáy giếng”
doanh nghiệp Vodaco ấy là Kim Khánh, Hợi Lợn, Mưu, ông Lôi, bà Luận, Hà Cú… chỉ
a tòng, hóng hớt, răm rắp theo lãnh đạo. Còn những người lãnh đạo chóp bu thì
chỉ là một lũ ăn bám, hợm hĩnh, cửa quyền, tranh giành quyền lợi, không từ một
thủ đoạn nào để vơ vét, vun vén cá nhân. Trong đó có giám đốc Phương, Chủ tịch
Hội đồng quản trị Lý híp, và ghê gớm nhất, độc đoán và nham hiểm nhất là người đàn
bà nhiều tham vọng, hợm hĩnh, cay nghiệt làm Kế toán trưởng – Hách Vuông.
Với giọng văn giễu nhại kìm nén,
tác giả đã khắc họa bộ sậu lãnh đạo công ty vừa hống hách, vừa dựa dẫm, vừa tự
mãn một cách lố bịch. Ông Lý híp thì chỉ
là người có thâm niên nhất. Mấy chục năm làm việc, ông ta luôn tự hào có tài pha trò khôi hài ( nhạt thếch),
“giải tỏa” không khí căng thẳng của cuộc họp. Và một câu nói cửa miệng “Tình hình rất là phức tạp” rồi “Nguyên tắc nó thế, chúng ta cứ phải đúng quy
trình mà làm thôi”. Chính ông này đã bắt nhân tình với kế toán trưởng Hách,
đã đồng mưu với Hách để làm hụt bậc thang, khiến cho Tải, chồng Hách ( vì vô tình
đi làm thay anh chàng mà hai người định diệt) bị ngã rồi thành mất sức phải về
hưu non. Ông Lý còn cướp công của Phương và phòng kĩ thuật về sản phẩm Nếp Nương,
cùng với kế toán trưởng xúi giục tay chân viết đơn kiện để tranh chức Giám đốc
của Phương, không được thì dùng đơn để lập Hội đồng, ách không cho Phương và Đội
Dự án hoàn thành chỉ tiêu. Ông cũng bịa chuyện chai bị lỗi để lấp liếm sự yếu kém
trong kinh doanh. Một con người đểu giả như thế mà bao năm lãnh đạo doanh nghiệp
thì quả thật là…kinh khủng!
Giám đốc Phương vốn là một kĩ sư
giàu nhiệt huyết. Anh đã từng phải đi buôn vì xí nghiệp trì trệ, công nhân đói
dài. Phương là người có tài. Anh muốn làm giàu cho doanh nghiệp, cho mọi người.
Anh ủng hộ cái mới. Rồi anh cũng tranh được ghế Giám đốc. Nhưng anh luôn luôn bị
“chúng nó phá”. Ở cái đáy giếng tù đọng đó, Phương cũng dần dần tha hóa. Anh cũng
dùng những thủ đoạn, mánh mung, cũng chạy,
lo, lấy lòng cấp trên, rồi bồ bịch. Phương
còn nói thẳng với Mai (đại diện của New Day) rằng: “Cái gì cũng cứ nói thật cả, không có mưu là dại lắm cô ạ! Cái bọn nước
ngoài nó dạy các cô giỏi thật ! Làm việc thì giỏi, thông minh mà lại không biết
nói một đằng làm một nẻo! Cứ tưởng thông minh mà đủ hả? Hà hà. Dại lắm cô ạ!”
( trang 157). Rốt cuộc là Phương bị đồng sự và đồng nghiệp phản thùng, phải đi
tù vì tội trốn thuế.
Có lẽ nhân vật
mà tác giả dầy công xây dựng và không giấu ác cảm là bà Kế toán trưởng Hách Vuông.
Một người xấu xí nhưng vô cùng nham hiểm, quỷ quyệt. Là kế toán nhưng bà ta lộng
quyền. Khi mà bà ta và ông Lý híp không kí thì không có một việc gì của doanh
nghiệp được triển khai. Từ cái việc “lập mưu lấy chồng”, đến việc hạ thủ kẻ đối
nghịch nhưng lại nhầm vào chính chồng mình khiến anh chàng bất lực, ốm đau. Từ việc
lúc nào cũng lên giọng “cứ đúng quy trình
mà làm” đến việc thu xếp, vun vén cho con gái, đến việc xúi bẩy những kẻ
tay chân viết đơn từ kiện cáo. Từ việc trơ trẽn yêu cầu ông Phương từ chối bổ
nhiệm để nhường quyền cho người tình của mình là ông Lý, đến việc ra sức phá cái
Mô hình phân phối do Mai và Đội Dự án làm cho doanh nghiệp, buộc nó phải dừng
chỉ vì sợ sự thành công sẽ làm mất uy
quyền của mình. Rồi chuyện làm chai bị lỗi để biện bạch việc không bán được hàng.
Và cuối cùng là chối phắt trách nhiệm để ông Phương phải vào tù, lên nắm quyền
Giám đốc và cực đoan nhất là sai đốt kho để rũ bỏ trách nhiệm yếu kém của mình.
Tất cả những việc đó cho thấy chân dung một con người xấu xa, bỉ ổi, tàn ác. Những
con người như ông Lí, bà Hách Vuông và cả ông Phương nữa đứng đầu doanh nghiệp…đã
lợi dụng nhà nước để phá hoại. Có thể nói rằng bộ ba nhân vật lãnh đạo, những “Đại
vương ếch” ở vương quốc đáy giếng đã không những cản trở việc đổi mới mà còn phá
hoại, làm nghèo đất nước. Bộ ba nhân vật
này là một thành công của cây bút tiểu thuyết
viết về doanh nghiệp trong mối liên kết với nước ngoài.
Đến tiểu thuyết
này, Phạm Thị Bích Thủy đã chứng tỏ một tay nghề chắc chắn, một bút lực mạnh mẽ,
một khả năng dựng cảnh, dựng người đa dạng. Đáng chú ý nhất là ngôn ngữ có yếu
tố diễu nhại được tác giả vận dụng nhuận nhị. Những trang phân tích tâm lí, miêu
tả lối làm ăn trì trệ, những cuộc họp hành ề à, những lời phát biểu na ná như
nhau nhưng dứt khoát phải được mời đủ khiến cho mấy anh Tây ngạc nhiên… là những
trang hấp dẫn, lí thú.
Nhân vật Mai,
người làm cho nước ngoài đã suy nghĩ : “Nếu
không có Vodaco làm sao mình biết cuộc sống tù đọng đến đâu! Cũng là một may mắn
cho mình!Trước cứ làm việc cho những tổ chức hiện đại quá, điều kiện tốt quá,
mình sao biết được, cũng ở đây thôi, cái thành phố này có những nơi thế này!”
(trang 313).
Nếu không có “Đáy giếng”, chúng ta khó mà biết được cuộc
sống trì đọng, quẩn quanh, bảo thủ trong doanh nghiệp. Đó là hệ quả của một thể
chế kinh tế -xã hội bao cấp kéo dài bao năm nay làm nghèo nàn đất nước. Đất nước
ta có bao nhiêu doanh nghiệp như kiểu Vodaco? Có bao nhiêu những lãnh đạo doanh
nghiệp như ông Phương, ông Lý, bà Hách Vuông? Đó là vấn đề mà tiểu thuyết đặt
ra cho bạn đọc và những người lãnh đạo. Tạo ra sự day trở, băn khoăn ở người đọc
cũng là thành công của tiểu thuyết này.
Hà Nội, 19 tháng Ba
năm 2016
Bài đăng báo NGƯỜI HÀ NỘI số 15, ngày 8/4/2016
Cho m hỏi tìm mua cuốn sách này ở đây vậy
Trả lờiXóaTốt nhất là bạn đến hỏi ở nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tôi được tác giả, trước cùng học ở ĐHSP Ghéc xen, tặng. Bởi vậy không biết sách bán ở cửa hàng nào!
Trả lờiXóa