1. SO SÁNH ĐOẠN
MỞ ĐẦU “KIM VÂN KIỀU” VỚI “TRUYỆN KIỀU”
Chúng
tôi đã nói đến việc Nguyễn Du thay đổi cấu trúc và nội dung Truyện Kiều (TK) so
với Kim Vân Kiều (KVK) của Thanh Tâm Tài Tử. Chính vì thế mà hệ quả kéo theo là
các đoạn quan trọng trong TK, Nguyễn Du cũng sáng tạo và xây dựng theo cách
riêng của mình. Những chi tiết cụ thể của mỗi đoạn được Nguyễn Du làm lại theo
sự hình dung và tình cảm của nhà thơ dành cho nhân vật. Sau đây, chúng tôi bắt
đầu tiến hành đối sánh việc mở đầu và giới thiệu, miêu tả tài sắc của Thúy Kiều,
Thúy Vân giữa hai tác phẩm.
Mở đầu tác phẩm và giới thiệu Thúy Kiều và Thúy
Vân, Thanh Tâm Tài Tử viết trong KVK:
“Khoảng năm Gia Tĩnh nhà Minh, ở thành Bắc
Kinh có nhà Vương Viên ngoại tên là Lưỡng Tùng, tự là Tử Trinh, vợ họ Hà, hai
vợ chồng cùng hiền hậu, gia sản vào hạng trung bình, sinh hạ được hai con gái
đầu lòng và một con trai út tên gọi là Vương Quan, cậu cũng theo đòi nghiệp nho.
Con gái trưởng là Thúy Kiều, gái thứ là Thúy Vân, hai cô đều có nhan sắc diễm
lệ, tính nết nhu mì, và giỏi thơ phú. Riêng phần Thúy Kiều lại có thái độ phong
lưu, tính thích hào hoa và lại tinh về âm luật, sở trường nhất là món Hồ cầm.
Thúy Vân thì trời phú cho cái tính
điềm đạm, nên thấy chị quá say mê Hồ cầm, thường can gián chị rằng: Món âm nhạc
đâu phải là công việc của bọn khuê phòng, sợ khi tai tiếng ra ngoài thì cũng
bất nhã. v. v…
Kể ra Vân nói cũng có lí đấy. Nhưng
với tính tình của Kiều thì không cho là đúng, lại còn sáng tác ra khúc “Bạc
mệnh oán” để phả vào đàn, mỗi khi dạo lên nghe rất não nuột, khiến người nghe
bên cạnh ứa lệ rơi châu”. Tiếp theo là 3 trang in nói về nội dung khúc “Bạc mệnh oán”. (Phạm Đan
Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 50-53).
Nguyễn
Du viết trong TK:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững
vàng
Có nhà Viên ngoại họ Vương
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc
trung
Một trai con thứ
rốt lòng
Vương Quan là
chữ nối dòng nho gia
Đầu lòng hai ả
tố nga
Thúy Kiều là chị,
em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết
tinh thần
Mỗi người một vẻ,
mười phân vẹn mười
Vân xem trang
trọng khác vời
Khuôn trăng đầy
đặn , nét ngài nở nang
Hoa cười, ngọc
thốt đoan trang
Mây thua nước
tóc, tuyết nhường màu da
Kiều càng sắc
sảo mặn mà
So bề tài sắc
lại là phần hơn
Làn thu thủy, nét
xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng
nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một
, tài đành họa hai
Thông minh vốn
sẵn tính trời
Pha nghề thi họa
đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu
bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn
đứt Hồ cầm một chương
Khúc nhà tay lựa
nên xoang
Một thiên bạc
mệnh lại càng não nhân
Phong lưu rất
mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ
tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ
màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Có thể rút ra những gì từ việc đối sánh hai đoạn trên?
- Thứ nhất, Nguyễn Du đã không mở đầu bằng việc thuật lại
thời gian và giới thiệu lai lịch nhân vật như trong KVK. Nhà thơ Việt Nam đã
viết tám câu lục bát nói khái quát về thuyết tài mệnh tương đố, những chuyện
đau lòng được chứng kiến khi lịch sử thăng trầm và điều đó đã được chép trong
sách vở. Truyện phong tình đó, có thể chính là KVK mà Nguyễn Du trân trọng gọi
là cảo thơm. Ngay từ đầu, nhà thơ Việt Nam đã nói rõ văn bản mà ông vay mượn.
- Thứ hai, nhà thơ
có nói thêm về hoàn cảnh câu chuyện xảy ra thời Gia Tĩnh:
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững
vàng.
- Thứ ba, nhà thơ đã dành nhiều công sức để miêu tả khá
chi tiết, mặc dù bằng thủ pháp ước lệ về tài sắc, tính tình của hai chị em. Trong
khi KVK chỉ nói tóm tắt "hai cô đều
có nhan sắc diễm lệ, tính nết nhu mì, và giỏi thơ phú” thì Nguyễn Du miêu
tả khái quát nhưng cũng rất hình ảnh về hai người:
Mai cốt cách, tuyết
tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.
- Thứ tư, khác với
KVK nói về cô chị trước, Nguyễn Du lại nói về Thúy Vân, cô em trước. Các cụ xưa
nay hay nói rằng tả Vân trước để rồi tả Kiều sau là "biện pháp đòn
bẩy". Nhưng lại quên mất rằng đây là hai vẻ đẹp khác nhau (mỗi người một
vẻ), vì thế qua vẻ đẹp của Thúy Vân, người đọc không thể thấy được vẻ đẹp của
Thúy Kiều. Tả trước hay sau cũng vậy thôi. Vấn đề ở đây có lẽ là Nguyễn Du nói
nhân vật phụ trước (Vương Quan, Thúy Vân) để rồi tập trung nói dài, nói kĩ về
nhân vật chính sau. Nhân tiện nói thêm rằng, trong KVK, trật tự cũng thuận là
nói hai cô chị trước, nói cậu em sau. Nguyễn Du nói Vương Quan trước, rồi mới
nói đến hai cô chị.
- Thứ năm, trong khi Thúy Vân ở KVK chỉ được nói khái
quát "có nhan sắc diễm lệ, tính nết
nhu mì, và giỏi thơ phú", sau đó thêm một nét "tính điềm đạm", thì cô Vân của
Nguyễn Du cụ thể hơn nhiều từ khuôn mặt, nét lông mày, nụ cười, giọng nói, nước
tóc, làn da. Một Thúy Vân cụ thể, sinh động hiển hiện trước mắt người đọc chỉ
trong bốn câu lục bát. Như thế chẳng phải là tuyệt vời sao?
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy
đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười, ngọc
thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
- Thứ sáu, trong KVK , Thúy Kiều chỉ khác cô em không
nhiều lắm. Đó là "có thái độ phong
lưu, tính thích hào hoa và lại tinh về âm luật, sở trường nhất là món Hồ cầm".
Nguyễn Du lại nhấn mạnh đến tính chất "sắc sảo, mặn mà" và nhà
thơ không ngần ngại đánh giá Kiều hơn Vân cả về sắc, cả về tài:
Kiều càng sắc
sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn.
- Thứ bảy, trong khi ở KVK, hai chị em Thúy Kiều, Thúy
Vân không khác nhau mấy, chỉ khác về tính tình, thì hai cô trong TK khác hẳn
nhau. Chẳng những về sắc đẹp, tài năng, tính tình mà cách miêu tả, giới thiệu
của Nguyễn Du cũng khác. Miêu tả Thúy Vân, mặc dù là ước lệ, nhưng Nguyễn Du tả
khá chi tiết và dễ hình dung. Còn Thúy Kiều thì cụ thể đấy nhưng lại trừu tượng
hơn. Rõ ràng đấy, nhưng lại nhòa mờ hơn.
Mắt trong như nước mùa thu, lông mày tươi xanh như núi
mùa xuân. Hoa ghen thua thắm là thua
sắc thắm của làn môi, của đôi má hay là sự duyên dáng đằm thắm? Liễu hờn kém xanh là kém về màu xanh của
mắt xanh, tóc xanh hay của tuổi xanh: "hải
đường mơn mởn cành tơ"?
(xem bài Phương pháp tấm gương và bức chân dung khó vẽ).
Thứ tám, trong KVK chỉ nói vắn tắt hai chị em "giỏi
thơ phú", riêng Thúy Kiều thì thêm giỏi âm luật, sở trường là Hồ cầm. Trong
TK, Nguyễn Du dùng nhiều câu thơ để nói vẻ đẹp và sức quyến rũ của nhan sắc
Thúy Kiều, tính thông minh, cái tài riêng của Thúy Kiều (thêm tài vẽ, tài ca
ngâm) sau khi nói chung hai chị em có tài, có sắc.
Một hai nghiêng
nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một,
tài đành họa hai
Thông minh vốn
sẵn tính trời
Pha nghề thi họa
đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu
bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn
đứt Hồ cầm một chương
Khúc nhà tay lựa
nên xoang
Một thiên bạc
mệnh lại càng não nhân.
Thứ chín, trong KVK, tác giả kết thúc đoạn văn ở việc nói
về tài Hồ cầm của Kiều. Trong khi viết thơ, Nguyễn Du thêm bốn câu bình luận về
vẻ phong lưu của hai chị em, về cuộc sống êm đềm trong gia đình không giao tiếp
với bên ngoài. Đó là một nghệ thuật chuyển đoạn mềm mại, độc đáo của Nguyễn Du.
Chín điểm khác biệt của Nguyễn Du, những
khác biệt có chủ ý làm cho Kiều và Vân đẹp hơn, tài năng hơn, và đáng yêu hơn. Ấy
là chưa kể đến Nguyễn Du đã ngầm báo trước số phận hai nhân vật. Thúy Vân sẽ
thuận lợi, suôn sẻ trong cuộc đời vì thiên nhiên tự nguyện chịu thua,
chịu nhường
(Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu
da). Còn Thúy Kiều thì sẽ gặp nhiều tai ương, trắc trở vì thiên nhiên đố kị
hờn,
ghen (Hoa ghen thua thắm, liễu
hờn kém xanh). Số phận Kiều đã được dự báo trước theo quan niệm tài, mệnh
tương đố và "Trời xanh quen thói má
hồng đánh ghen".
Viết có lớp lang và dự báo kín đáo như vậy, nếu không
phải là một ngòi bút thiên tài, không có tấm lòng yêu thương, trân trọng nhân
vật phụ nữ như Nguyễn Du thì không thể làm nổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét