Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

KHÁI LƯỢC VỀ SÁNG TẠO CỦA NGUYỄN DU TRONG “TRUYỆN KIỀU”







KHÁI LƯỢC VỀ SÁNG TẠO
CỦA NGUYỄN DU
TRONG “TRUYỆN KIỀU”
SO VỚI “KIM VÂN KIỀU”
CỦA THANH TÂM TÀI TỬ
                                                       Vũ Nho

Đ
ến khi học ở bậc Đại học, tiếp xúc với “Truyện Kiều” (TK) của Đại thi hào Nguyễn Du, tôi vẫn hoang mang giữa hai xu hướng đánh giá. Một bên coi Nguyễn Du chỉ là người chuyển thể tác phẩm (dịch thành thơ) “Kim Vân Kiều” (KVK) của Thanh Tâm Tài Tử. Những chi tiết như “vành ngoài 7 chữ, vành trong 8 nghề” (7 điều và 8 phép), hoặc như bức thư của Sở Khanh chỉ vỏn vẹn hai chữ “Tích việt” cũng được Nguyễn Du dùng lại trong TK. Nghĩa là Nguyễn Du tài chỉ là tài chuyển nội dung một tác phẩm văn xuôi ra văn vần. Cái tài của cụ chỉ là tài thơ lục bát. Còn xu hướng khác khẳng định Nguyễn Du tuy dựa vào KVK, nhưng đã thay đổi nội dung, thay đổi kết cấu, thay đổi các nhân vật để tạo nên tác phẩm TK, một kiệt tác của Việt Nam và thế giới, đặc sắc cả nội dung và nghệ thuật, trở thành một tiểu thuyết bằng thơ hiếm hoi của loài người. Thú thực lúc đó kinh nghiệm đọc chưa nhiều, tài liệu tham khảo lại hiếm và cực kì khó kiếm, lại phải lo học, lo thi nhiều môn nên nghe bên nào cũng thấy có lí!
Thời gian qua đi, khi làm cán bộ chỉ đạo bộ môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi cũng chỉ có đủ thì giờ để đọc, nắm bắt những nghiên cứu liên quan trực tiếp đến các trích đoạn TK trong sách giáo khoa. Hiểu cho hết các ý kiến của học giả xưa nay, các nhà nghiên cứu và những giáo viên giỏi cũng đã là một việc tốn nhiều tâm sức. Nhưng càng ngày thì sự “hoang mang” càng giảm. Và một niềm tin vững chắc dần dần được nhen nhóm. Đến bây giờ thì có thể nói rằng tôi đã tuyệt đối tin tưởng vào xu hướng thứ hai. Bởi vì các tư liệu cho phép có thể chứng minh một cách thuyết phục. Sau đây xin nói khái quát những gì tôi thu hoạch được, ngõ hầu khiến các bạn trẻ khi tiếp xúc với kiệt tác của Nguyễn Du không phải băn khoăn hay hoang mang như thế hệ chúng tôi ngày trước.
Nguyễn Du đã sáng tạo điều gì và như thế nào để có TK khác với KVK của Thanh Tâm Tài Tử?
Câu trả lời khái lược như sau.

1. Về cốt truyện và kết cấu
 Cốt truyện, Nguyễn Du dựa hẳn vào KVK, nhưng nhà thơ đã có những sáng tạo. “Ông chỉ chọn những sự việc chính, lược bỏ nhiều những đoạn rườm rà và có khi tóm tắt trong một số ít câu cả đoạn dài trong truyện”. (Phạm Đan Quế - Tuyện Kiều đối chiếu, trang 16). Chúng ta có thể xem bảng đối chiếu chi tiết giữa 20 hồi của KVK với số câu thơ của Nguyễn Du (trang 17 sách đã dẫn). Chúng tôi chỉ tóm tắt mấy điều nổi bật nhất. Đó là hai hồi 5 và 6 trong KVK tổng cộng 30 trang in chữ Hán, Nguyễn Du chỉ tóm lại trong 20 câu lục bát. Hồi thứ 20 được Nguyễn Du viết dài nhất với số lượng 516 câu lục bát. Nếu tính gộp ba hồi cuối thì số trang in trong KVK so với số trang toàn tác phẩm là: 104/ 452 chiếm 23% số trang tác phẩm. Trong khi đó trong TK, phần này chiếm: 1024 câu/ 3254 câu chiếm 31, 46% . Nguyễn Du viết hồi cuối cùng dài nhất bởi vì bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc của mình, nhà thơ muốn cho nhân vật được hưởng hạnh phúc sum họp ngay trên cõi đời này chứ không phải đợi tới kiếp sau. Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh đã đúng đắn khi đánh giá rằng "Thật là sai lầm khi chúng ta theo con mắt “lôgic”, “duy lí” của người phương Tây mà chê bai rằng cái hậu ấy trong tác phẩm cổ điển phương Đông là “công thức”, là “tuổi ấu trĩ của văn học”(*).
Đoạn đầu tiên của Truyện Kiều tương ứng với hồi thứ nhất Kim Vân Kiều, Nguyễn Du viết tổng thể 170 câu lục bát, trong số đó chỉ có 68 câu là dựa vào thông tin trong KVK. Như vậy chỉ chiếm có 40%. Còn lại 60% số câu thơ là của riêng Nguyễn Du.
Dưới đây là công lao của các tác giả Nguyễn Thạch Giang, Triệu Ngọc Lan, Lô Úy Thu khi so sánh:
“Trong một bài biên khảo đăng trong tuyển tập “Nguyễn Du, Tác giả và Tác phẩm” do NXB Giáo Dục ấn hành năm 1999 tại Việt Nam, các tác giả Nguyễn Thạch Giang, Triệu Ngọc Lan, và Lô Úy Thu đã bỏ công tìm tòi những phần trong Kim Vân Kiều truyện đã bị cụ Nguyễn Du lược bỏ. Khi so sánh Đoạn Trường Tân Thanh với Kim Vân Kiều Truyện do Xuân Phong Văn nghệ xuất bản, các tác giả này nhận thấy cụ Nguyễn Du đã loại bỏ 142 trang trên tổng số 214 trang, tức khoảng 2/3 tác phẩm. Cụ chỉ giữ lại 72 trang và dùng các chi tiết trong số trang này để viết thành 1313 câu thơ trong tổng số 3254 câu của Đoạn Trường Tân Thanh”.
Tác giả bài viết đăng trên vanhaisp. blogspot. com còn chi tiết hơn đã lập bảng thống kê những sáng tạo của Nguyễn Du về một sốvấn đề: “
ĐT
TT
Theo ý KVKT
Số câu do Nguyễn Du sáng tạo
Bố cục
Tư tưởng
Tả cảnh
Tả người
Nhớ người yêu
Nhớ cha mẹ
Băn khoăn
Tâm lý yêu đương
Cộng
Bỏ ý
Chuyển ý
Có ý nghĩa tôn giáo
Có tính chất tiến bộ
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
3254 câu
1313
357
171
38
23
124
196
1941
2/3 KVKT
15
20
4
Các thành phần khác: 1022 câu”.
Dẫu sao thì vẫn có một vài chỗ tính toán nhầm (Bởi lẽ cộng các cột từ 3 đến 8 sẽ được 909 câu. Cộng với 1022 câu khác và 1313 câu dựa vào KVK thì tổng là: 3244 câu, thiếu 10 câu) và việc có 13 cột ngang làm cho bảng bị rối. Nhưng chúng tôi cũng ghi nhận sự cố gắng của tác giả về việc cụ thể hóa những câu thơ sáng tạo của Nguyễn Du về tả người, tả cảnh, nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, tâm lí yêu đương.
2. Về các đoạn quan trọng trong tác phẩm
 Nguyễn Du cũng làm khác Thanh Tâm Tài Tử trong KVK. Các chi tiết khác, dưới đây chúng tôi sẽ đối chiếu và thống kê cụ thể. Chỉ biết rằng các đoạn trích xưa nay trong các sách giáo khoa văn chương, Nguyễn Du đều có thay đổi. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét đối sánh các đoạn trích sau đây:
1. Đoạn mở đầu
2. Kim Trọng gặp Thúy Kiều
3. Thề nguyền
4. Mã Giám Sinh mua Kiều
5. Trao duyên
6. Nỗi thương mình
7. Thúc ông kiện con trai
8. Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều
9. Kiều nhớ Thúc Sinh
10. Từ Hải từ biệt Thúy Kiều
11. Báo ân báo oán
12. Bảy lần nhớ nhà và người tình
3. Về một số chi tiết
Nguyễn Du đã lược bỏ những chi tiết dài dòng, tả thực trong KVK, hoặc rút gọn trong một hai câu. Các chi tiết như 300 lạng bạc chi dùng vào các việc gì, Chung Sự viết tờ bảo lãnh, Thúy Kiều viết tờ hôn ước, giấc mơ Kiều gặp Kim Trọng, Tú Bà đãi tiệc láng giềng, Tú Bà đánh Thúy Kiều (2 đoạn), Tú Bà nói chuyện với Bộ Tân, Thúc Sinh nhờ Vệ Hoa Dương, Tú Bà cùng Mã Giám Sinh đến nhà Vệ Hoa Dương trả tờ hôn thú cũ, viết tờ hôn thú mới; Thúy Kiều ngâm thơ ở Chiêu Ẩn am; Bạc Hãnh định lừa lấy đồ dùng riêng của Thúy Kiều; cảnh báo thù của Kiều với các kẻ ác; Từ Hải đánh nhau với hai tướng của Hồ Tôn Hiến, Hồ Tôn Hiến sai người thuyết hàng; chọn hai thuyết khách đóng vai người hầu; Từ Hải mắng La Trung Quân, Kim Trọng muốn làm văn tế Kiều, “nhưng vì tình thương quá độ khiến cho văn tứ khô khan không thể viết được câu nào, đành phải ca bài Chiêu hồn của Tống Ngọc ngày trước để khóc nàng”, …
Điều quan trọng là lược bỏ các chi tiết nhưng mạch truyện vẫn đảm bảo thông suốt.
4. Về các nhân vật trong Truyện Kiều
4. a. Nguyễn Du không đưa thêm một nhân vật mới nào. Nhưng nhà thơ đã lần lượt bỏ các nhân vật không quan trọng.
Đó là các nhân vật Chung bà, Chung Cần, Tô Nương, thằng câm người ở của Sở Khanh, Đô Trá người ở cho Tú Bà, Bộ Tân (đi cùng Thúc Sinh đến ra mắt Kiều), Vệ Hoa Dương, mụ vú họ Lý, Thúc Sô, Thúc Năng, Lão bộc trong nhà Hoạn Thư, Đạo sĩ Đặng Huyền, Triệu Không Bất Hà, tên buôn người “lông mày rậm, mắt to, môi đen, râu xồm giống như một tên tướng cướp”, Sử Chiêu, Hạ Báo, Lôi Phong (tướng của Từ Hải), Bốc Tề, Cừu Nhiêu, Thủ Bị Không Hỗn, Hoa Nhân (lão già thuyết khách), La Trung Quân, Tuyên Ngãi, Dụ Ân (hai nữ thuyết khách), Lợi Tiện, Quyền Nghi, Nữu Hợp, Trương Năng, Lý Can, Âm Mưu. Như vậy khoảng 30 nhân vật đã được Nguyễn Du lược bỏ mà mạch truyện vẫn thống nhất và không bị ảnh hưởng.
4.b. Đối với các nhân vật chính và nhân vật phụ nhưng quan trọng, Nguyễn Du cũng đã làm thay đổi tính cách và diện mạo
 Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Hoạn Thư, Thúc Sinh đều có những thay đổi với mức độ khác nhau. Nhưng rõ ràng là không còn giống với nguyên mẫu trong KVK.
Lần lượt, chúng tôi sẽ tiến hành đối sánh để khẳng định sự sáng tạo nhiều phương diện của thiên tài Nguyễn Du.
Các nhân vật được so sánh và bình luận trong phần ba gồm:
1. Thúy Kiều
2. Kim Trọng
3. Từ Hải
4. Thúc Sinh
5. Mã Giám Sinh
6. Tú Bà
7. Sở Khanh
8. Hồ Tôn Hiến
9. Hoạn Thư
10. Kế Thị
11. Thúy Vân
 5. Về một số vấn đề khác
Chúng tôi tiến hành so sánh và bình luận 3 vấn đề khác biệt giữa Kim Vân Kiều với Truyện Kiều. Ba vấn đề đó sẽ được trình bày ở phần thứ tư của sách này:
1.          Vấn đề tiền bạc
2.          Vấn đề số phận phụ nữ
3.          Vấn đề triết lí
Trước nay, không nhiều người để ý tên gọi ban đầu của Truyện Kiều. “Đoạn trường tân thanh”. Tại sao Nguyễn Du lại đặt tên tác phẩm chữ Nôm của mình bằng chữ Hán như vậy? Tại sao lại là “Đoạn trường” (Đứt ruột)? Tại sao lại là “tân thanh” (tiếng kêu mới)? Trong Kim Vân Kiều, Thanh Tâm Tài Tử có cho nhân vật Đạm Tiên nói về Hội Đoạn trường. Hội có Giáo chủ, lại có “Đoạn trường sách”. Kiều làm thơ hay đến mức có thể chắc chắn chiếm giải nhất tập “Đoạn trường”. Kim Vân Kiều là tiếng kêu đứt ruột về số phận của người con gái tài sắc trong cảm nhận của Nguyễn Du. Nhà thơ Việt Nam cảm với tiếng kêu đó, nhưng làm cho tiếng kêu đứt ruột đó MỚI hơn. Nghĩa là Nguyễn Du đã có chủ đích, chủ tâm, chủ ý “sáng tạo” chứ không lặp lại. Nghĩa là Nguyễn Du làm mới hơn tiếng kêu đứt ruột cũ. Mà muốn làm mới, thì phải làm khác những gì  Thanh Tâm Tài Tử đã làm. Đó chính là nguyên nhân, cũng là động lực thúc đẩy Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều.
Chắc không ít người sẽ nghĩ và băn khoăn rằng, việc so sánh hai tác phẩm, một bên KVK là tiểu thuyết chương hồi (văn xuôi) với một bên TK là tiểu thuyết bằng thơ, truyện thơ (thơ) rồi chỉ ra sự khác biệt liệu có thỏa đáng? Bởi vì hai loại thơ và văn xuôi vốn rất khác nhau. Đem so sánh  thế nào cũng tìm ra nhiều điều khác biệt. Vậy thì có cần tốn công, nhọc sức để chứng minh một điều khá hiển nhiên hay không? Xin thưa lại là chúng tôi cũng đã cân nhắc và tính đến điều đó. Tuy nhiên, một sự thật là Nguyễn Du đã dựa vào tiểu thuyết chương hồi KVK để viết tiểu thuyết bằng thơ TK. Cả hai cùng là tiểu thuyết với cốt truyện, các nhân vật và các chi tiết. Bởi vậy so sánh là có cơ sở tin cậy. Chúng tôi cũng biết rằng văn xuôi có lợi thế để miêu tả tỉ mỉ và chi tiết hoàn cảnh và tính cách nhân vật. Văn xuôi rất chú trọng đến chi tiết. Còn thơ thì thiên về ấn tượng, có chú ý chi tiết, nhưng nghiêng về khái quát, ước lệ. Nhưng một khi Nguyễn Du bỏ đi các chi tiết trong KVK, không chỉ đơn thuần là về mặt diễn đạt, nhà thơ không thể viết kĩ như nhà văn. Nguyễn Du với thiên tài thi ca của mình, hoàn toàn có thể viết đầy đủ về chi tiết đó. Sở dĩ bỏ đi là vì chi tiết đó bất lợi, hoặc có hại cho việc thể hiện tính cách nhân vật. Ví dụ các chi tiết nói về quan hệ của Thúy Kiều với Tú Bà, sau khi Kiều bị đánh đập tàn nhẫn và phải hứa “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Trong KVK, Kiều hoàn toàn “tự nguyện” theo Tú Bà để làm ăn: “Vậy con tình nguyện theo để tính công chuyện làm ăn” (VN nhấn mạnh bằng tô đậm chữ, Truyện Kiều đối chiếu, trang 218). Kiều gọi Tú Bà bằng má và xưng con. Tú Bà gọi Kiều bằng con, con gái và xưng má. Cả đến khi Thúc Sinh nhờ Vệ Hoa Dương ép Tú Bà phải chịu cho chuộc Kiều ra, Tú Bà đến trả tờ hôn ước cũ và viết tờ hôn ước mới, Tú Bà vẫn gọi Kiều là con gái “Chúc mừng cho con gái yêu của ta đã lấy được người chồng phong lưu tử tế”. Còn Kiều thì nói: “Việc đó nhờ hồng phúc của má má đấy ạ” (Truyện Kiều đối chiếu, trang 254). Nguyễn Du bỏ các chi tiết ấy là để thấy rõ phẩm hạnh của Thúy Kiều. Kiều là người trong trắng, Kiều không dễ dàng thỏa hiệp, Kiều phải tiếp khách là bước đường cùng chứ không tình nguyện. Kiều không thể nhận làm con gái của kẻ độc ác, vô lương tâm Tú Bà. Ví dụ khác, Nguyễn Du bỏ chi tiết Thúc ông cùng bạn bè Thúc Sinh và những người làm công đến tiễn Thúc Sinh. Nếu để ông bố tiễn ông con thì làm gì có đoạn "Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều” đầy lưu luyến và bịn rịn, một trong các đoạn cho thấy ngòi bút phân tích tâm lí bậc thầy và tấm lòng nhân đạo vô bờ của Nguyễn Du! Ví dụ khác nữa, Nguyễn Du bỏ hẳn nhân vật Vệ Hoa Dương với các cuộc thương thuyết, ép buộc Tú Bà. Đó chính là để cho Thúc Sinh có cơ hội chủ động trong việc chuộc Thúy Kiều. Và cũng là để sau này Thúc Sinh được Kiều nhớ báo ân đầu tiên với lễ vật "Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân” - một chi tiết mà trong KVK không hề có. Rất nhiều chi tiết bị Nguyễn Du lược bỏ không phải vì nhà thơ không thể diễn tả bằng thơ, mà điều quan trọng là Nguyễn Du không muốn có những chi tiết không lợi hoặc có hại cho nhân vật. Đồng thời chúng tôi cũng lưu ý rằng có không ít lần, nhà thơ lại nói kĩ, nói chi tiết, nói tỉ mỉ, thậm chí thêm vào các chi tiết không hề có trong KVK. Như vậy, Nguyễn Du khi cần sáng tạo, đã vượt qua hạn chế và ranh giới của thể loại thơ, để làm rõ hơn nhân vật cũng như tư tưởng của người viết. Chẳng hạn tài sắc chị em Thúy Kiều được Nguyễn Du miêu tả tỉ mỉ, chi tiết hơn rất nhiều những câu miêu tả trong KVK. Nguyên một nhan sắc Thúy Vân cũng cho ta thấy điều đó:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Bảo rằng ước lệ thì có ước lệ. Nhưng chi tiết thì cũng vô cùng chi tiết: khuôn mặt, lông mày, làn da, nước tóc, nụ cười, tiếng nói. Điều này thì nhà thơ lại tỏ ra chi tiết hơn nhiều so với nhà văn xuôi trong KVK. Ví dụ khác Nguyễn Du thêm chi tiết "Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” cho Mã Giám Sinh. Nhà thơ cũng thêm chi tiết ngồi vắt nóc cho Tú Bà- “Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay”. Hai chi tiết nhỏ nhưng góp phần khắc họa sâu thêm tính cách của hai con người “mạt cưa, mướp đắng”. Trong KVK, một lệnh của Từ Hải ban ra, tất cả người làm ơn, kẻ gây oán đều bị bắt giải về. Nguyễn Du không làm thế trong TK. Người có ơn thì phải đối xử đàng hoàng.
Lại sai lệnh tiễn truyền qua
Giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên
Mụ quản gia, vãi Giác Duyên
Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời.
Chi tiết nhỏ thôi. Nhưng rõ ràng chi tiết quan trọng nói rõ nàng Kiều của Nguyễn Du thật khác xa với nàng Kiều phu nhân của Từ Đại Vương!
Bạn đọc sẽ thấy nhiều chi tiết bị lược bỏ, bị rút gọn, hay được thêm vào với lời bình luận của chúng tôi.
Tóm lại là hoàn toàn có thể so sánh một bên là tiểu thuyết chương hồi với một bên là tiểu thuyết bằng thơ. Cốt yếu là bằng con mắt nhìn khách quan, trung thực.
Cả cuốn sách này chúng tôi chỉ nhằm một mục đích là làm rõ Nguyễn Du đã làm khác đi, làm mới hơn, đã sáng tạo rất lớn để biến một tác phẩm trung bình, không có tiếng tăm gì đáng kể trong các bộ tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc thành một Truyện Kiều chẳng những nổi tiếng của Việt Nam mà còn là tác phẩm nổi tiếng của thế giới.
______
(*) Cao Huy Đỉnh - Triết lí đạo Phật trong Truyện Kiều, trong sách Truyện Kiều những lời bình, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2008, trang 165.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét