Bùi Hoàng Tám
SKĐS - Nói về nhà thơ tật nguyền Ðỗ Trọng Khơi, có thể gói gọn trong mấy chữ: Anh là “Nick Vujicic” của Việt Nam.
Người có thể “so găng” với Nick Vujicic
Có lẽ trước khi chứng minh lý do so sánh, nên nói đôi nét về nhà thơ tật nguyền Đỗ Trọng Khơi.
Đỗ Trọng
Khơi tên thật là Đỗ Xuân Khơi (việc thay tên lót là Trọng sẽ viết ở phần
sau), sinh năm 1960 (Canh Tý) tại quê của Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm (xã
Văn Cẩm, Hưng Hà, Thái Bình).
Năm lên 8
tuổi, khi mới đang học dở lớp 2, Khơi bị bệnh viêm đa khớp. Ngày đó,
thuốc men thiếu thốn, các phương tiện cũng như sự hiểu biết về căn bệnh
này còn sơ khai, nhất là ở những làng quê Việt Nam giữa lúc chiến tranh
nên di chứng để lại thường rất nặng nề. Sau một trận sốt rất cao, Khơi
lên cơn co giật, người quắp lại và cái dáng co quắp đó theo Khơi cho đến
tận bây giờ. Nỗi đau chưa dừng ở đó, người cha của Khơi theo tiếng gọi
thiêng liêng của Tổ quốc lên đường ra mặt trận và đã anh dũng hi sinh.
Càng xót xa hơn, ông là con trai duy nhất và Khơi cũng là đứa con trai
duy nhất của ông. Từ một cậu bé mới gọi là tạm đọc thông, viết thạo, lại
mang trên mình tật bệnh nhưng bằng nghị lực của mình, Khơi đã sống và
không ngừng học hỏi để trau dồi kiến thức.
Lễ ra mắt tập thơ Ở thế gian của Đỗ Trọng Khơi.
Giờ đây,
anh không chỉ là nhà thơ có tên tuổi trong làng văn chương nước Việt,
từng đoạt nhiều giải thưởng trên văn đàn đồng thời còn là tác giả của
nhiều nhạc phẩm cũng như các thể loại văn học khác như truyện ngắn, phê
bình văn học. Không chỉ thế, Khơi còn tự học để trở thành ông thầy “nho y
lý số”, biết đoán vận mệnh qua tướng số hay tử vi.
Trở lại
việc so sánh với Nick Vujicic đã nói ở trên, có thể nói việc so sánh này
không hề khập khiễng bởi ở một góc độ nào đó, Nick còn may mắn hơn Khơi
rất nhiều.
Thứ nhất,
Nick không bị mồ côi cha từ khi còn nhỏ. Thứ hai, đời sống xã hội bên
Australia đầy đủ hơn Việt Nam rất nhiều, ngay tại thời điểm này chứ chưa
nói khi đó, Việt Nam còn chiến tranh. Thứ ba, Nick không có chân tay
nên anh không bị “dở khóc, dở cười” bởi chính những trở ngại trong sinh
hoạt hàng ngày do cái chân, cái tay “vô dụng” gây ra. Thứ tư, Nick không
bị vò xé bởi những cơn đau do bệnh tật mang lại và thứ năm, Nick
Vujicic còn có thể hoạt động được tất cả các đốt sống còn Đỗ Trọng Khơi
thì chỉ “nhúc nhích” được mấy đốt sống cổ…
Tuy gặp rất
nhiều khó khăn như vậy nhưng bằng nỗ lực phi thường, Đỗ Trọng Khơi đã
có nhiều cống hiến, đặc biệt là ở lĩnh vực văn học nghệ thuật. Với nhiều
cuốn sách các thể loại từ thơ, văn xuôi, phê bình, âm nhạc… đã xuất
bản, có thể nói “tài sản” của Đỗ Trọng Khơi là niềm mơ ước của không ít
nhà văn, nhà thơ lành lặn khác.
Tình bạn lớn và cảm động của nhà thơ với một bác sĩ
Điều gì đã làm nên một Đỗ Trọng Khơi hôm nay?
Trước hết,
đó là tài năng bẩm sinh, nghị lực phi thường của bản thân anh và sự sẻ
chia, giúp đỡ của những người ruột thịt. Song, sẽ không là nhà thơ Đỗ
Trọng Khơi của hôm nay nếu không có vai trò của những người bạn anh. Đó
là các cố nhà thơ Xuân Đam, Trọng Khánh… và nhiều nhà thơ, nhà văn quê
hương Thái Bình như Trần Văn Thước, Đỗ Ngọc Lan, Nguyễn Thị Thu Nguyệt…
Đặc biệt là PGS.TS. Hoàng Năng Trọng (hiện đang phụ trách Trường Đại học
Y Thái Bình). Đỗ Trọng Khơi kể lại rằng cách đây tròn 30 năm (1986),
Hoàng Năng Trọng đi cùng đoàn y tế của Trường Đại học Y Thái Bình về quê
Khơi làm chương trình vận động sinh đẻ có kế hoạch. Sau khi hoàn thành
công việc, Trọng cùng một người bạn đến thăm Khơi. Lý do là bởi dăm cái
truyện ngắn, mươi bài thơ chép trong một cuốn sổ tay mà Trọng tình cờ
đọc được ở đâu đó. Những tác phẩm đầu tay còn nhiều non nớt nhưng với
tâm hồn nhạy cảm cùng bản năng phát hiện của một nhà giáo tương lai,
Hoàng Năng Trọng đã nhận ra được tố chất trên con đường văn nghiệp của
Khơi nên ghé vai nâng đỡ.
Đỗ Trọng Khơi (phải) và Hoàng Năng Trọng.
Ngày đó,
chỉ riêng việc chép bản thảo sao cho sạch sẽ, không có lỗi chính tả để
gửi đến các báo đài cũng là việc rất khó khăn đối với Khơi nếu không có
Hoàng Năng Trọng giúp đỡ. Những bài thơ đầu tiên của Khơi được đăng trên
báo Thái Bình, Văn nghệ Thái Bình rồi Chương trình Tiếng thơ của Đài
tiếng nói Việt Nam… đều nhờ một tay Trọng tuyển chọn, cho đánh máy và
gửi tới tận tay các nhà thơ, nhà văn và các biên tập viên.
Ngay cả
chùm thơ được Giải Nhì của báo Văn nghệ thời nhà văn Nguyên Ngọc danh
giá làm Tổng biên tập cũng do đích thân Hoàng Năng Trọng chọn, đem đánh
máy rồi trực tiếp cầm đến 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội (trụ sở của báo Văn
nghệ).
Không chỉ ở
văn chương, trong đời sống hàng ngày, Trọng cũng là món quà quý giá mà
thượng đế đã ban tặng cho Khơi. Có thể nói không có bất cứ việc gì của
Khơi và cả gia đình Khơi mà lại thiếu vắng sự giúp đỡ, sẻ chia của Hoàng
Năng Trọng. Từ việc tham gia tìm mộ cho người cha liệt sĩ của Khơi cho
đến chữa bệnh, khắc phục tình trạng cố tật của đôi chân đã hoàn toàn bị
biến dạng, xơ cứng để Khơi có thể lấy vợ, sinh con cho đến lo sắp xếp
công việc cho vợ Khơi… đều có sự chăm lo của Hoàng Năng Trọng.
Riêng đối
với bệnh tật của Khơi, bằng những mối quan hệ trong nghề, PGS.TS. Hoàng
Năng Trọng đã nhờ các GS, BS chuyên khoa giỏi như BS.TS. Lê Đức Tố -
chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình ở TP.HCM, GS.BS. Chu Mạnh Khoa ở Bệnh
viện Việt Đức cùng nhóm y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thái Bình chung
tay làm phẫu thuật tách đôi chân xơ cứng, cố tật như một cái “gông” ghim
chặt đời Khơi cả nửa thế kỉ xuống cái giường.
Ca phẫu
thuật rất phức tạp do không chỉ mắc một chứng bệnh này mà Khơi còn mang
trong mình nhiều bệnh nội khoa khác. Song rất may, bằng tài năng, sự tận
tình của các thầy thuốc, ca phẫu thuật đã thành công. Nhờ ca mổ tách
đôi khớp háng đó, Khơi mới có thể cưới vợ và sinh con. Hiện nay, Khơi có
3 cháu, một cháu gái và hai cháu trai rất thông minh, khỏe mạnh.
Trong đời
người ta có thể có nhiều bạn song tri kỉ, tri âm thì không nhiều. Đó là
những người bạn viết hoa, không chỉ động viên, chia sẻ, lo lắng mà còn
ẩn chứa tình cảm thiêng liêng, keo sơn gắn bó như một định mệnh. Với Đỗ
Trọng Khơi, NGƯỜI BẠN đó chính là Hoàng Năng Trọng. Trọng luôn dành cho
Khơi sự giúp đỡ hiệu quả nhất, thậm chí có thể nói là mang tính quyết
định đến cuộc đời cũng như số phận của Đỗ Trọng Khơi hôm nay.
Thật ra thì
không chỉ với Đỗ Trọng Khơi mà Hoàng Năng Trọng tốt với nhiều người,
tất nhiên là với Khơi còn có tình tri kỉ. Chính vì tình bạn “định mệnh”
đó mà Khơi đã quyết định lấy tên Trọng thay cho tên đệm của mình, từ Đỗ
Xuân Khơi, anh đổi thành Đỗ Trọng Khơi.
Ngày còn ở
Thái Bình, người viết bài này cũng khá thân với Hoàng Năng Trọng. Anh là
người thông minh, lịch lãm, quan tâm đến mọi người. Song, nếu như ở một
số người, lòng tốt là điều gì đó cần rèn luyện, phấn đấu… thì với một
số người khác, tốt như trời sinh ra vốn vậy. Hoàng Năng Trọng là một
người trong số “trời sinh” đó. Cái sự tốt với Trọng là bản năng nên anh
không phải “cố gắng” hay “nỗ lực” gì cả.
Cách đây khoảng hơn 20 năm, người viết bài này đã tặng Hoàng Năng Trọng bài thơ có tên là Người tốt(sau
đó được đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống số Xuân 2013) để lý giải
hiện tượng này. Đây là bài thơ thứ hai tôi tặng một con người cụ thể bởi
tôi rất dị ứng với cách mà không ít người “lạm dụng” là “hào phóng”
trong việc đề tặng ai đó trong các bài thơ.
Bùi Hoàng Tám
http://suckhoedoisong.vn/tinh-ban-dinh-menh-cua-mot-nha-tho-va-mot-bac-si-n115955.html
Chép lại từ Giao Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét