XUÂN QUỲNH CÂY BÚT NỮ GIÀU THÀNH TỰU
Vũ Nho
Cùng với Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân
Quỳnh là cây bút xuất hiện trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Khi đó,
những người phụ nữ làm thơ còn đang khá
hiếm hoi. Rất nhanh chóng, nhà thơ trở thành một tác giả nữ nổi tiếng. Và cùng với năm tháng Xuân Quỳnh trở
thành cây bút nữ tiêu biểu có nhiều thành
tựu. Xuân Quỳnh là nhà thơ có phong cách riêng độc đáo, giàu nữ tính được đông đảo
độc giả mến mộ. Đặc biệt là những bài thơ tình yêu và những bài thơ viết cho trẻ
em. Xuân Quỳnh viết thơ cho người lớn, làm
thơ cho trẻ em và viết cả văn xuôi cho các em nữa. Những tập thơ chính của nhà
thơ : Tơ tằm, chồi biếc ( in chung, 1963); Hoa dọc chiến hào ( in chung, 1970); Gió lào
cát trắng( 1974); Lời ru trên mặt đất(1978); Sân ga chiều em đi( 1984); Tự hát(1984);
Hoa cỏ may( 1989); Bầu trời trong quả trứng ( thơ thiếu nhi,
1982). Văn xuôi cho trẻ em : Mùa xuân trên cánh đồng; Bến tàu trong thành
phố; Vẫn có ông trăng khác. Có thể kể những bài thơ tình yêu nổi tiếng như Thuyền
và biển, Sóng, Tự hát, Mùa hoa doi, Hoa cỏ may,…Những bài thơ viết cho thiếu
nhi : Chuyện cổ tích về loài người, Con yêu mẹ bằng con Dế, Mí ngoan hơn cái Nấm,...
Trong chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn Trung học phổ thông, Tác phẩm của
Xuân Quỳnh được chọn dạy gồm : Chuyện cổ
tích về loài người, Tiếng gà trưa, Sóng…Không phải nhà thơ hiện đại nào cũng
có được vị trí trong văn học nhà trường như Xuân Quỳnh.
Xuân Quỳnh tham gia vào cuộc kháng
chiến chống Mĩ bằng ngòi bút của mình. Chị không vào bộ đội, không đi thanh niên
xung phong, nhưng từng đi thực tế chiến trường ác liệt khu IV, Tập thơ in chung
Hoa dọc chiến hào và tập thơ riêng Gió Lào, cát trắng là kết quả của chuyến
đi gian khổ đó. Thơ Xuân Quỳnh đã nói tiếng nói của những thanh niên ra mặt trận,
cái không khí đánh Mĩ của cả nước khi đó. “Tiếng gà trưa” thể hiện một tình yêu
Tổ quốc một cách giản dị, chân thật mà sâu sắc của bao nhiêu ngưởi lính trẻ:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ
Xuân Quỳnh là một nhà thơ yêu thương
mãnh liệt và có cách thể hiện tình yêu giàu nữ tính và độc đáo. Lần đầu tiên
trong thơ hiện đại, chị tự hát một cách
đầy kiêu hãnh về tình yêu của mình, của cả giới mình qua khúc hát về trái tim,
biểu tượng của tình yêu:
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin […]
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chả có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Tự hát
Không phải là bằng vàng
quý hay rực rỡ như mặt trời trong những biểu tượng ở thơ ca truyền thống.
Trái tim chỉ là trái tim bình thường như của bao người. Trái tim ấy cũng ngừng
đập khi cuộc đời không còn nữa. Nhưng trái tim ấy có điều kì diệu. Đó là “ biết yêu…cả khi chết đi rồi”. Khát vọng
bất tử trong tình yêu là khát vọng của những người đang yêu. Xuân Quỳnh hơn một
lần nói đến điều này. Chúng ta có thể thấy trong bài thơ Sóng nổi tiếng:
Làm sao tan được ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Sóng
Khao khát yêu thương như thế, nhưng nhà thơ không chỉ viết
thơ tình cho riêng mình, cho giới mình. Nhà thơ còn viết thơ tình cho những người
trẻ tuổi, cho các chiến sĩ ở nơi đảo xa, nơi biên giới. Những người hi sinh thầm
lặng giữ cho những mái nhà bình yên. Một
ý thức công dân thật đáng trân trọng, ngợi ca:
Thơ tình tôi viết cho ai
Giữa muôn sóng nước nơi ngoài
đảo xa
Lán che, công sự là nhà
Nhớ thương cất đáy ba lô theo
cùng
Một mảnh vườn, một dòng sông
Mặt người con gái như vầng
trăng thu
Thơ
tình tôi viết
Một trong những bài thơ có thể coi là đóng góp độc đáo của nhà
thơ. Ấy là bài thơ Mẹ của anh. Xưa nay,
quan hệ mẹ chồng nàng dâu chẳng mấy khi được êm thấm. Bởi vì người mẹ thường
hay bênh con trai, thương con trai, do đó dễ không bằng lòng, dễ trách móc con
dâu. Và
người con dâu vì thế cũng không thương quý mẹ chồng. Bằng một tấm lòng
phụ nữ đôn hậu và vị tha, Xuân Quỳnh đã nhìn thấy bao nhiều hi sinh, dành dụm,
chăm sóc của người mẹ chồng. Người mẹ ấy là mẹ chung: “Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi”. Chị biết ơn mẹ trong những vần thơ chân thành cảm
động:
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em
Mẹ
của anh
Chính tác giả trong bài
“Thơ vui về phái yếu” đã ca ngợi thiên
chức của những người mẹ, và cho phái mạnh biết kính trọng những người mẹ:
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh
hùng
Là bác học …hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường không ai
biết tuổi tên
Xuân Quỳnh trong cuộc
đời là người phụ nữ thông minh, xinh đẹp. Chị từng là diễn viên múa của đoàn văn
công nhân dân Trung ương. Trong tâm
trí của người bạn thơ Phan Thị Thanh Nhàn
“ Quả thật, lúc ấy đã hơn 20, Xuân Quỳnh
vẫn rất xinh. Quỳnh có đôi mắt đen láy trong sáng và cái miệng tươi tắn. Mỗi lần
gặp Quỳnh, nếu không phải là chuyện tâm tình thì bao giờ chúng tôi cũng tha hồ
mà cười vì Quỳnh rất hóm hỉnh và sắc sảo” ( Thương tiếc bạn gái Xuân Quỳnh.
Trong sách Thơ Xuân Quỳnh, nhà xuất bản
Hội nhà văn, 1990, trang 98). Nhưng khi tự họa chân dung mình, chị viết thật là
khiêm nhường và có chút hài hước:
Tôi giống các cô và lại khác các cô
Trán tôi dô ra bướng bỉnh hơn, bàn tay
thô lại còn vụng nữa
Vụng đến nỗi không chỉ mó đến đâu là đổ
vỡ
Mà khi nói chuyện với ai, tôi thấy tay
thừa không biết giấu vào đâu
Thơ
viết cho mình và những người con gái khác
Đó là một cách nói khiêm nhường. Riêng về bàn tay “ thô lại
còn vụng nữa”, Xuân Quỳnh có một bài thơ cũng rất xúc động. Đó là bài “Bàn tay
em”. Không phải là bàn tay ngọc ngà, với những ngón tay búp măng
tuyệt đẹp. Mà đó là bàn tay lao động
với những đường gân và vệt chai:
Bàn
tay em ngón chẳng thon dài
Vệt chai cũ, đường gân xanh vất
vả
Nhưng bàn tay ấy quý giá biết bao :
Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ
Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền và vá áo cho anh
Tay cắm hoa tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm
anh đọc
Năm tháng đi qua mái đầu cực
nhọc
Tay em dừng trên vầng trán lo
âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi
ngả
Có không ít những thầy cô giáo dạy văn khi dạy bài ca dao “
Mười tay” trong sách Ngữ văn 10 đã liện hệ với bàn tay của người mẹ xưa với bàn
tay của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Nhà thơ nữ còn
là một người nhạy cảm. Chị khao khát một tình yêu mãnh liệt. Nhưng luôn hồi hộp
lo âu trước hạnh phúc mong manh. Có những băn khoăn, trăn trở thốt thành câu hỏi:
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay?
Hoa
cỏ may
Đốt lòng em câu hỏi
Yêu em nhiều không anh?
Mùa
hoa doi
Và con người ấy đã sống tất cả vì tình yêu, đã vượt qua mọi
trở ngại “ Qua nắng sớm mưa chiều/ Qua chặng
đường tàn phá/ Qua rất nhiều nỗi khổ…” ( Mùa hoa doi) để đến với hạnh phúc.
Chị tâm sự với bạn trẻ:
Tôi
đã đi đến tận cùng xứ sở
Đến tận cùng đau đớn đến tình
yêu
Thơ
tình cho bạn trẻ
Và vì vậy Xuân Quỳnh, trân trọng nâng niu mối tình của mình.
Đó cũng là một bài học ứng xử cho những người cùng giới, cho tất cả mọi người:
Em cộng anh vào với cuộc đời em
Em biết quên những chuyện
đáng quên
Em biết nhớ những điều em phải
nhớ
Có
một thời như thế
Trong các cây bút nữ, Xuân Quỳnh
là một cây bút nổi trội cùng với nhiều thành công đáng ghi nhận. Thơ của chị
trong sáng, giàu nữ tính, được bạn đọc mến mộ, được bạn viết khẳng định. Sau
khi tác giả qua đời, sự mến mộ của người đọc vẫn không hề giảm sút, mà còn có phần tăng thêm. Vì càng
ngày giá trị của thơ Xuân Quỳnh về nội dung, về nghệ thuật càng được khẳng định.
Tôi muốn mượn lời của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân làm lời kết cho bài viết nhỏ
này “ Xuân Quỳnh là hiện tượng rất quan
trọng của nền thơ chúng ta. Có lẽ từ thời Hồ Xuân Hương, qua các chặng phát triển,
phải đến Xuân Quỳnh, nền thơ ấy mới thấy lại một nữ thi sĩ mà tài năng và sự đa
dạng của tâm hồn được thể hiện ở một tầm cỡ đáng kể như vậy, dồi dào phong phú
như vậy” ( Nghĩ về Xuân Quỳnh – con người và nhà thơ. Trong sách Thơ Xuân Quỳnh, đã dẫn, trang 141).
Hà Nội, 27 tháng 4 năm 2016
Đăng trên Quân Đội Nhân Dân cuối tuần số 1062 ngày 8/5/2016 với nhan đề "Cây bút "tự hát" giàu thành tựu"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét