Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

2. KIM TRỌNG GẶP CHỊ EM KIỀU TRONG BUỔI THANH MINH





2. KIM TRỌNG GẶP CHỊ EM KIỀU TRONG BUỔI THANH MINH
Chúng ta hãy đối sánh đoạn Kim Trọng đến gặp hai chị em Thúy Kiều trong ngày “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” của tiết Thanh Minh để thấy dụng công nghệ thuật và tấm lòng của Nguyễn Du đối với nhân vật, với tình yêu của tuổi trẻ.
Đoạn này trong Kim Vân Kiều (KVK)được viết như sau: “Đương lúc chị em dùng dằng nửa ở nửa về thì bỗng nghe tiếng nhạc vang từ phía xa xa, một chàng nho sĩ cưỡi ngựa tiến đến. Vương Quan nhận thấy là bạn đồng song, nhưng không biết chàng đó đã dụng tâm theo dõi, nên mới vội vàng bảo chị: Này Kim kha kha đã lại đến kia, các chị hãy nên tạm lánh.
Thúy Kiều thấy em nói vậy, vội lánh sang phía sau mộ, nhưng vẫn liếc trộm dung nhan, thấy Kim là người phong lưu tuấn tú. Còn Kim Trọng khi đến trước mộ, vội vã xuống ngựa vái chào Vương Quan, rồi làm ra vẻ tự nhiên hỏi chuyện:
Này Hải Vọng (biệt hiệu của Vương Quan) tôn huynh cớ sao lại đến chỗ này? Còn như tiểu đệ, chỉ vì hâm mộ thanh giá Đạm Tiên ngày trước nên mới qua đây, thành ra được gặp, thực là may mắn. Vậy chẳng biết hai vị nữ khác cùng đi với Vương huynh là chỗ thân thích thế nào?
Quan đáp: Thưa đại huynh, đó là hai chị em ruột của đệ.
Kim Trọng: Ô! Nếu là chị em ruột thì đệ đây với nhân huynh là chỗ anh em bạn thiết, nhẽ đâu lại không tới chào? Vậy phiền anh thông báo trước cho.
Vương Quan từ chối không tiện, đành phải quay lại lối sau mộ, nói để hai chị em hay. Nhưng Kim Trọng không đợi trả lời, cũng theo sát ngay Vương Quan, thành ra các cô không kịp tránh, đành phải đứng lại để Kim Trọng cúi đầu thi lễ.
Riêng phần Kim Trọng, trong khi cúi chào hai ả, cậu đã trộm liếc dung quang. […] Cái đẹp của hai chị em nhà ấy đã làm cho chàng mê mẩn tâm hồn. Ngay giờ phút ấy chàng đã nhẩm ở trong dạ rằng: Nếu không lấy được hai cô gái này thì trọn đời quyết chẳng lấy ai. […] Và ngay lúc ấy thì Vương Viên ngoại cũng cho người đến đón, cả ba chị em lập tức lên kiệu quay về. Còn chàng Kim thì cũng lên ngựa rẽ đi ngả khác” (Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 58-59)*. Tiếp theo, trong KVK còn một trang hai chị em bàn tán về Kim Trọng, về chủ ý đi viếng Đạm Tiên hay chỉ là cớ để ngó hai chị em. Thúy Vân còn nói "Chị đã vừa mắt và hợp ý, chi bằng lấy quách chàng ta và kéo luôn cả em đây nữa, chẳng cũng tốt sao?”.

Trong Truyện Kiều (TK) Nguyễn Du viết:
Dùng dằng nửa ở nửa về
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần
Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời
Nẻo xa, mới tỏ mặt người
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành giao
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa
Nguyên người quanh quất đâu xa
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh
Nền phú hậu, bậc tài danh
Văn chương nết đất, thông minh tính trời
Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa
Chung quanh vẫn đất nước nhà
Với Vương Quan trước vốn là đồng thân
Trộm nghe thơm nức hương lân
Một nền Đồng tước khóa xuân hai Kiều
Nước non cách mấy buồng thêu
Những là thầm nhớ trộm yêu chốc mòng
May thay giải cấu tương phùng
Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã mặt ngoài còn e
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn
Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo
Dưới dòng nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thiết tha.
(trang 65-66-67 sách đã dẫn)
Có thể rút ra những điều cơ bản sau đây khi so sánh đoạn văn xuôi trong KVK và đoạn thơ trong TK.
 Nếu nhìn tổng thể về mặt số trang in thì hai bên tương đương. Nhưng so sánh chi tiết sẽ thấy Nguyễn Du đã làm rất khác với Thanh Tâm Tài Tử.
- Thứ nhất, Nguyễn Du đã làm khác ở chỗ nói tiếng nhạc ngựa của Kim Trọng là tiếng nhạc quý, nhạc đẹp, du dương (nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần), trong khi ở KVK, nhạc chỉ là nhạc bình thường.
- Thứ hai, chàng Kim trong KVK chỉ là “một chàng nho sĩ cưỡi ngựa tiến đến”. Trong khi chàng Kim của Nguyễn Du mang phong thái thi nhân, lại có cả mấy chú tiểu đồng đi theo:
 Đề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con.
- Thứ ba, con ngựa của Kim Trọng trong KVK chỉ được nhắc là con ngựa để cưỡi, không rõ ngựa ô hay ngựa bạch. Trong khi đó con ngựa của chàng Kim trong TK là ngựa trắng màu tuyết, một chú ngựa non mới lớn, ngựa tốt. (Tuyết in sắc ngựa câu giòn).
- Thứ tư, trong KVK không nói rõ y phục của Kim Trọng, chỉ nói chung chung “phong lưu tuấn tú”, còn Nguyễn Du để cho chàng mặc một chiếc áo tươi tắn đến mức nhuộm non cả da trời “Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”. (Một màu áo mà các nhà thiết kế thời trang bây giờ hẳn là cũng phải thèm thuồng, ao ước).
- Thứ năm, Kim Trọng trong KVK có lịch sự xuống ngựa, nhưng cử chỉ của chàng là “vội vã” (cũng phải thôi vì chàng đã rắp tâm từ lâu, nay mới có cơ hội). Trong khi ấy, Kim Trọng của Nguyễn Du xuống ngựa từ xa, và chàng khoan thai, từ tốn, chậm rãi đến gặp chị em nhà Vương Quan:
Nẻo xa, mới tỏ mặt người
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình
Hài văn lần bước dặm xanh.
- Thứ sáu, chàng Kim trong KVK không có vẻ đẹp “tỏa sáng” như chàng Kim của Nguyễn Du trong TK. Vẻ đẹp của chàng làm một vùng trước đó là cỏ áy bóng tà, âm khí nặng nề, bỗng nhiên thay đổi:
Một vùng như thể cây quỳnh cành giao.
- Thứ bảy, hai cô Kiều trong KVK không chủ động tránh Kim Trọng, Vương Quan phải nhắc, hai người mới lánh ra sau mộ (trong khi vẫn “liếc trộm dung nhan”). Hai chị em trong TK của Nguyễn Du chủ động tránh Kim Trọng, không đi ra sau mộ mà “nép vào dưới hoa”:
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.
- Thứ tám, chàng Kim ở đoạn này chỉ được nói vắn tắt mấy chữ “phong lưu tuấn tú” trong KVK, trong khi Nguyễn Du đã sử dụng những chi tiết nói về Kim Trọng trước đó “tú sĩ nhà giàu, họ Kim tên Trọng, biểu tự là Thiên Lý. Trọng có vẻ mặt đẹp như Phan An, văn tài nhanh ngang Tử Kiến” để miêu tả chàng Kim thành một trang tuấn tú tuyệt vời, cực kì phong nhã, hào hoa.
Nguyên người quanh quất đâu xa
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh
Nền phú hậu, bậc tài danh
Văn chương nết đất, thông minh tính trời
Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa
- Thứ chín, Kim Trọng trong KVK nói dối về mục đích đến hội, lại quá vội vàng, nóng lòng “xông” đến gặp hai người đẹp: “Nhưng Kim Trọng không đợi trả lời, cũng theo sát ngay Vương Quan, thành ra các cô không kịp tránh”. Trong khi đó trong TK, Nguyễn Du không để chàng làm như vậy.
- Thứ mười, Kim Trọng trong KVK ngắm vẻ đẹp hai chị em và “nhẩm ở trong dạ rằng: Nếu không lấy được hai cô gái này thì trọn đời quyết chẳng lấy ai”. Chàng Kim của Nguyễn Du không nghĩ thế.
- Thứ mười một, Kim Trọng trong KVK thấy hai người đẹp thì “mê mẩn tâm hồn”. Trong khi Nguyễn Du để cho cả hai phía "tình trong như đã mặt ngoài còn e” và làm mờ đi chủ thể của cơn mê:
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã mặt ngoài còn e
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê.
- Thứ mười hai, Kim Trọng của KVK không về trước. Mãi đến khi nhà họ Vương đón ba người, chàng mới ra về “Và ngay lúc ấy thì Vương Viên ngoại cũng cho người đến đón, cả ba chị em lập tức lên kiệu quay về. Còn chàng Kim thì cũng lên ngựa rẽ đi ngả khác”. Trong khi chàng Kim của Nguyễn Du đủ tỉnh táo để về trước, để cho hai cô gái và chàng Vương Quan nhìn theo:
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo.
- Thứ mười ba, trong KVK không có những câu tả cảnh sắc khi ba chị em nhà Vương Quan đã về và chàng Kim rẽ ngựa đi ngả khác. Trong khi đó, Nguyễn Du tả cảnh bằng hai câu tuyệt vời, nói về sự trong veo của nước, vẻ đẹp của tơ liễu và bóng chiều thướt tha. Như là ánh hồi quang của một mối tình đẹp vừa chớm nở:
Dưới dòng nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thiết tha.
- Thứ mười bốn, như trên đã nói, hai chị em Kiều còn bàn tán về cuộc gặp gỡ chàng Kim, về chuyện Vân muốn Kiều lấy chàng rồi kéo cả mình vào, Kiều khuyên Vân cần thận trọng; Vân trách Kiều “chằng đầu buộc chân, kiếm lời rào đón mãi mãi” (trang 60, sách đã dẫn). Nguyễn Du bỏ hẳn những điều này.
Như vậy, có mười bốn điều Nguyễn Du đã làm khác với Thanh Tâm Tài Tử. Mười bốn điều ấy chẳng những làm cho Kim Trọng đẹp hơn, “hào hoa phong nhã hơn”, mà cả Thúy Kiều và Thúy Vân cũng trở nên ý tứ, kín đáo và đáng yêu hơn. Đó chính là cách xử lí thông minh, tinh tế của một thiên tài. Ai không tin Nguyễn Du sáng tạo lại, biến một tác phẩm trung bình khá trong văn chương nước láng giềng thành một kiệt tác của văn học Việt Nam và thế giới thì cũng phải tin trước những bằng chứng hiển nhiên trên văn bản.
_______
(*) Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu (bản dịch Kim Vân Kiều - Thanh Tâm Tài Tử của Tô Nam - Nguyễn Đình Diệm, Bản phiên Truyện Kiều - Nguyễn Du của Đào Duy Anh), NXB Hải Phòng, 1999, tái bản lần thứ nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét