4. NGUYỄN DU ĐÃ
LÀM KHÁC NHỮNG GÌ Ở ĐOẠN "MÃ GIÁM SINH MUA KIỀU”?
Các
đoạn trích mà chúng ta quen thuộc trong sách giáo khoa xưa nay là những đoạn
quan trọng trong Truyện Kiều (TK). Ở đó thể hiện tài năng của Nguyễn Du về khắc
họa tính cách nhân vật, miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc. Và cũng chính ở đó cho
thấy Nguyễn Du đã làm khác nhiều so với cốt truyện Kim Vân Kiều (KVK) mà nhà
thơ dựa vào để sáng tác TK. Bây giờ chúng ta cùng xem xét đoạn trích “Mã Giám
Sinh mua Kiều”.
Nội dung đoạn này
trong KVK được giới thiệu như sau:
“Nhưng nay có một người khách ở mãi Lâm Tri
muốn mua một người thiếp đẹp, nếu được vừa ý thì món tiền ấy họ chịu bỏ ra. Duy
có một điều, họ cũng sợ tiếng thị phi, nên họ muốn rằng hễ trao bạc xong, họ sẽ
đem người đi ngay. Vậy ý cô nương thế nào xin cho biết trước để tôi trả lời với
họ.
Thúy Kiều nghẹn
ngào đáp: Vâng, nếu họ chịu đủ số bạc để cứu phụ thân và em tôi đây, thì tôi
theo họ đi ngay cũng được.
Mụ mối nói: Được lắm! Nếu cô bằng
lòng như vậy thì tôi chỉ nói một tiếng là xong. Rồi mụ cáo biệt.
Nửa giờ sau, mụ lại dẫn đến mấy
người, trong có một người như đã đứng tuổi, áo quần coi rất bảnh bao, tiến lên
thi lễ, và chú ý nhìn nàng chầm chập. Mụ mối đứng bên, cầm tay vén tóc, khen
lấy khen để…[…]
Thử xong các món, món nào khách cũng
vừa lòng, bấy giờ khách mới hỏi đến giá cả. Mụ mối nhanh nhảu đỡ lời:
Chả giấu gì ngài, cô nương đây không
may gặp cơn gia biến, cần phải có tiền để lo lót cứu phụ thân, mà số tiền ấy
phi 500 lạng thì thực không đủ.
Khách rằng: Sính lễ sao mà nhiều quá
như vậy! Tôi đây chỉ có 300 mà thôi.
Kiều rằng: 300 thì thực không đủ,
mang tiếng bán mình mà chẳng đủ việc thì bán làm chi.
Khách nói: nếu vậy thì tôi cũng xin
cố gắng thêm 100 nữa cộng là 400.
Kiều nói: Khốn nạn tôi đã nói thực là
việc của tôi phi 500 lạng không đủ cơ mà.
Khách ngần ngừ một lát rồi sau xin
chịu đủ số và hỏi: Việc này ai đứng giấy tờ?
Kiều đáp: Lẽ tất
nhiên là phụ thân tôi phải đứng chủ trương”.
(Truyện Kiều đối chiếu, trang 119-121) (*).
Đây là
đoạn tương ứng trong TK:
Gần miền có một mụ nào
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh
Hỏi tên, rằng Mã Giám Sinh
Hỏi quê, rằng huyện Lâm Thanh cũng
gần
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Trước thầy sau tớ lao xao
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng
Ngại ngùng, rợn gió e sương
Xem hoa bóng thẹn, trông gương mặt
dày
Mối càng vén tóc bắt tay
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai
Đắn đo cân sắc, cân tài
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ
Mặn nồng một vẻ một ưa
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu
Rằng mua ngọc đến Lam Kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường
Mối rằng “Giá đáng ngàn vàng
Gấp nhà nhờ lượng người thương dám
nài”
Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá, vâng ngoài bốn trăm.
Nguyễn Du đã làm những gì khác biệt?
Thứ
nhất, nhà thơ đã tạo ra buổi “vấn danh” để Mã Giám Sinh khai tên tuổi, quê
quán. Trong câu trả lời của Mã Giám Sinh có sự mù mờ và gian dối. Giám sinh chỉ
là danh hiệu, không phải tên. Lâm Tri y lại nói Lâm Thanh, rất xa, y lại nói
"cũng gần”. (Trong KVK, Mã xuất hiện ở hồi 4 chỉ với tên gọi “khách” ở Lâm
Tri, hồi 5 vẫn là khách, nhưng có thêm họ Mã (khách họ Mã), Mã Sinh, đến đầu
hồi 6 mới được gọi là “Mã Giám Sinh”, qua hồi 7 mới được kể thêm “nguyên là một
vị giám sinh”, sau đó với tên là Mã Quy, qua hồi 8 mới gọi là Mã Bất Tiến).
Thứ
hai, Nguyễn Du đã thêm nét chân dung “mày râu nhẵn nhụi” vào cùng với “áo quần
bảnh bao” vốn có trong KVK để nhấn mạnh sự làm dáng thái quá, (có người lại cho
rằng Mã “mày râu nhẵn nhụi” là không có râu, là loại bất nghì, là loại “đồng
cô”!)
Thứ ba,
Nguyễn Du dựa vào những quan sát của Kiều, nàng kể với mẹ (tr. 164-166 sách đã
dẫn) để miêu tả đoàn thầy tớ của Mã láo nháo, không có nề nếp gì cả: Trước thầy sau tớ lao xao.
Thứ tư, điều này cực kì quan trọng, là Mã dù sao cũng
không ngông cuồng và vô văn hóa quá mức. Anh chàng “tiến lên thi lễ, và chú ý nhìn nàng chầm chập”. Nhưng trong TK của
Nguyễn Du thì chỉ một việc đưa Mã ngồi lên ghế, Mã cũng bộc lộ hết sự thô lỗ,
giả danh người có học. Đặc biệt với từ “tót” chỉ hành động ngồi, và từ “sỗ
sàng” chỉ cách ngồi:
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng.
Thứ
năm, trong KVK, nàng Kiều chủ động giao dịch với mụ mối và với Mã Giám Sinh,
không hề lộ tâm trạng đau đớn và cũng không nhỏ một giọt nước mắt nào. Trong
khi đó Nguyễn Du để cho nàng từ buồng bước ra:
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng
Ngại ngùng, rợn gió e sương
Xem hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày.
Thứ sáu, Mã Giám Sinh trong KVK chỉ là một người giàu đi
mua vợ lẽ. Sau khi cân sắc, cân tài, y hỏi ngay giá cả: “Thử xong các món, món nào khách cũng vừa lòng, bấy giờ khách mới hỏi
đến giá cả”. Trong khi đó Nguyễn Du cho Mã nói những lời văn hoa có tính
sách vở để tỏ ra là người có học:
Rằng mua ngọc đến Lam Kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường.
Thứ
bảy, trong KVK, mụ mối đòi 500 lạng bạc. Trong TK, Nguyễn Du để mụ nói giá bằng
vàng để tùy khách trả chứ không nài ép:
Mối rằng “Giá đáng ngàn vàng
Gấp nhà nhờ lượng người thương dám nài”.
Thứ
tám, trong KVK, Kiều trực tiếp nói chuyện giá cả với Mã Giám Sinh. Mã Giám Sinh
mấy lần thêm rồi chịu trả đủ 500 lạng bạc. Có một chi tiết trong KVK về chuyện
Mã giao bạc: “Mã xem lại giấy tờ cẩn thận
“rồi gọi người nhà lấy bạc ra trao”,
nói “đủ số 450 lạng đó”. Kiều đếm lại tức thì, thấy thiếu hẳn đi 5 lạng. Nhắc
đi nhắc lại mấy lần Mã Giám Sinh mới chịu bù vào đủ số”. (trang 148 sách đã
dẫn). Nguyễn Du không nói lại việc trả giá thêm, cũng không nói chuyện Mã ăn
gian 5 lạng bạc, bị Kiều phát hiện “Nhắc
đi nhắc lại mấy lần Mã Giám Sinh mới chịu bù vào đủ số”. Sự bủn xỉn và mặc
cả của Mã, cộng với sự gian lận, Nguyễn Du chỉ gói gọn trong hai chữ “cò kè” và
“giờ lâu”. Không rõ là Mã cò kè với Kiều (như trong KVK), cũng không rõ là Mã
cò kè với mụ mối. Điều đó làm cho tính cách Mã rõ thêm, mà không tổn hại đến
nhân vật Kiều.
Thật là tài tình khi Nguyễn Du viết:
Cò kè bớt một
thêm hai
Giờ lâu ngã giá, vâng ngoài bốn trăm
Chúng tôi đã xem xét bản so sánh, đối chiếu của tác giả
Thế Anh** với mười bản Kiều ông có được và bản thứ 11 là bản Kiều
Oánh Mậu thì thấy kết quả:
7 bản chép là vâng ngoài bốn trăm
1 bản chép là ra ngoài bốn trăm
2 bản chép là vàng ngoài bốn trăm
1 bản chép là chịu ngoài bốn trăm
Chúng ta không có căn cứ để khẳng định rằng bản nào là
bản đúng với bản gốc của Nguyễn Du. Nhưng căn cứ vào chứng cứ văn bản về cách
dùng đơn vị vàng, bạc của Nguyễn Du trong TK thì có thể kết luận: Kiều bán mình
với giá bằng vàng, và ngoài 400 là ngoài bốn trăm lạng vàng. (xem bài
của chúng tôi: Vấn đề tiền bạc trong TK
ở phần sau).
Tám điều khác biệt trong một pha nói chuyện Mã Giám Sinh
mua Kiều cho chúng ta thấy Nguyễn Du không nhất nhất "dịch" văn xuôi
ra thơ, mà Nguyễn Du đã sáng tạo tình huống và tính cách nhân vật khác xa với
tác phẩm văn xuôi của Trung Quốc.
______
(*) Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu (bản dịch Kim Vân Kiều - Thanh Tâm
Tài Tử của Tô Nam - Nguyễn Đình Diệm, Bản phiên Truyện Kiều - Nguyễn Du của Đào
Duy Anh), NXB Hải Phòng, 1999, tái bản lần thứ nhất.
(**) Thế Anh -Đoạn trường tân thanh - Truyện Kiều đối chiếu Nôm - Quốc ngữ
- NXB Văn Học, 1999, trang 364.
Bài đã in bào Giáo dục & Thời đại
đi học k ai phân tích đoạn này
Trả lờiXóaĐoạn này có trong SGK bạn ơi. Cám ơn bạn đã chia sẻ thực tế thời bạn ngồi ghế nhà trường!
Xóa