Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

"Thất vọng tạm thời" với lời bình Trần Trung





Thất vọng tạm thời
Phan Huyền Thư
Mỗi sáng
anh đi lại trong ý nghĩ của em

Khăn tắm trùm đầu
bất đồng ướt nhẹt

Em khóc câm bạch lạp
Không nhận được anh

Mỗi sáng
Người đi mưa bay
đàn ông vung tay
mặc cảm
lồng ngực lép
đàn bà lắc lư mông
xương chậu hẹp
che đậy ganh đua

Mỗi sáng
anh dao động ý nghĩ em
mỗi sáng
nhạt – dần – đều kí ức đêm

Mỗi sáng
yêu
một thất vọng tạm thời

11.99                                            


LỜI BÌNH CỦA TRẦN TRUNG


PHAN HUYỀN THƯ – TỪ MỘT THI PHẨM

Rộ lên trong giới trẻ - nhất là sự lên tiếng của các nữ sĩ thời nay, đấy là một cách giãi bày từ văn – bản – thơ, sự thành thật (cái gốc của thơ) kết hợp với ấn tượng của cá tính sáng tạo: bạo lạ!
Đọc tập “Nằm nghiêng” của Phan Huyền thư (Nhà xuất bản HNV – 5/2002) tôi nhận ra giọng trẻ, có mới, có tìm tòi. Song, cái thích vẫn là tinh – chất – nữ - tính của một thi sĩ thời đương đại. Rồi, từ một bài thơ có tên “Thất vọng tạm thời” trong “Nằm nghiêng” đã cho tôi cảm thức ấy.
1. Bài thơ của Phan Huyền Thư đã sử dụng một hình ảnh, một điệp khúc thời gian trong hai tiếng “mỗi sáng”(được điệp lại 4 lần trong thi phẩm). Chuyện của mỗi sáng gần kề với tâm tư rất riêng của anh và em:
“Mỗi sáng
anh đi lại trong ý nghĩ của em

Khăn tắm trùm đầu
bất đồng ướt nhẹt”
Tôi thích cách diễn đạt chân thực và cũng rất tinh tế, tài hoa của Huyền Thư: “anh đi lại trong ý nghĩ của em”, dù gặp gỡ hay “bất đồng ướt nhẹt”. Viết đến đây,tôi chợt nhớ một bài thơ có tên “Viên mãn” của Dư Thị Hoàn:
“Nếu anh cũng như em
Đều đòi hỏi sự viên mãn
Thì, chỗ chạm nhau của hai chúng ta
Thảm hại hơn hai viên bi”

Hình như trong qui luật của tình yêu và hôn nhân, đừng bao giờ hi vọng sự tương hợp, toàn bích. Bốn dòng đầu trong “Thất vọng tạm thời” của Phan Huyền Thư diễn tả được niềm vui gặp gỡ, đón nhận từ anh – trong em – trong cảm giác thật gần của tâm tưởng; Một mặt khác, em lại “đọc” tiếp ra anh – trong hình ảnh cùng nội tâm “bất đồng” của anh:
“Khăn tắm trùm đầu
bất đồng ướt nhẹt”
Phan Huyền Thư có cách bắt – sóng – tâm – tư từ hai chiều, của hai đối tác – hai bạn trẻ đang yêu, đang độ tỉnh say rất riêng tư trong khoảnh khắc thăng hoa của tình yêu đôi lứa. Và, thế là từ phía nhân vật trữ tình xưng “Em”, lại là sự lên tiếng tự thú, tự bạch của mình – trong một chút lặng thầm dịu dàng nữ tính”
“Em khóc câm bạch lạp
Không nhận được anh”
Mỗi con người là một “tiểu – vũ - trụ”(theo cách cảm nhận của người Trung Hoa). Thế nên, “Em”: “không nhận được anh” và chiều khác, hẳn anh cũng không nhận được em, chính là điều tất yếu, tất nhiên mà thôi.
2. Điệp lại hai tiếng “mỗi sáng”, đến dòng thơ thứ bảy(7), từ chuyện riêng của hai người, Phan Huyền Thư mở tiếp kích cỡ của thời gian, không gian – mở về phía rộng của nhân quần, của nhân tình thế thái. Huyền Thư nghiêng về phía cực dương( đàn ông) mà nắm bắt và cảm nhận. Mà, tạo ra sự nhận biết tương phản giữa vẻ ngoài và thực chất bên trong của cánh mày râu:
“Người đi mưa bay
đàn ông vung tay
mặc cảm
lồng ngực lép”
Cái cách diễn – tả - thơ của Phan Huyền Thư qua hình ảnh “người đi mưa bay” bỏ cách so sánh trực tiếp (có từ “như”) tác giả nói tới một qui luật phổ biến – qui luật của số đông(đàn ông). Hóa ra sự phô diễn vẻ ngoài trong động thái “vung tay” lại là sự khỏa lấp trạng thái non lép của tâm tư và vóc dáng: “mặc cảm “; “lồng ngực lép”. Nhận diện đàn ông, nhà thơ lại “vạch áo cho người xem lưng” – Đàn bà cũng thế mà thôi:
“đàn bà lắc lư mông
xương chậu hẹp
che đậy ganh đua”
Phan Huyền Thư quả là đã “bắt thóp” một điều mang tính qui luật của những kẻ đang yêu(hoặc cả đã yêu rồi, chưa biết chừng!). Đó chính là biết đậy che khôn ngoan hay lộ liễu những khiếm khuyết của bản thân mình. Dẫu là đàn ông, hay đàn bà – cũng đều chung đặc tính ấy.
3. Tôi thích cái cách nói thực lòng, chứa đựng cả sự chân thành và tinh tế, sắc sảo của Phan Huyền Thư. Những câu thơ này, chứa đựng cách nhìn sâu vào bạn tình. Nhìn sâu, nhìn tinh vào bạn và cũng nhận ra kỉ niệm nồng nàn lẫn phai nhòa từ kí ức tình yêu:
“Mỗi sáng
anh dao động ý nghĩ em
mỗi sáng
nhạt – dần – đều kí ức đêm”
Những tiếng “kí ức đêm” diễn tả được nhiều chiều trong xúc cảm và liên tưởng của người con gái(hay đàn bà) đã đến để tận hưởng yêu – hơn nữa, yêu hết mình khi đêm buông xuống.
Những tiếng “thất vọng tạm thời” trong câu thơ cuối – cũng là tên thi phẩm của Phan Huyền Thư, chứa đựng cách nhìn, cách cảm vừa thực tế, vừa rất đỗi nhân ái, bao dung của nhà thơ – hơn nữa một nữ sĩ. Phải chăng, Huyền Thư muốn nói một thực tế rằng: trong tình yêu hết mình phải biết chấp nhận một sự thật bướng bỉnh – “một thất vọng tạm thời”. Và, điều quan trọng hơn là: chính từ “thất vọng tạm thời” mà giúp ta thắp lên niềm hy vọng vĩnh hằng của tình – yêu – Con Người. Phải chăng, tình yêu và hạnh phúc là một cuộc kiếm tìm không có điểm dừng, không có hồi kết.
Hà Nội, 15/05/2012








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét