Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

BIỂN VỚI LỜI BÌNH

 


                                      BIỂN


Lâm Thị Mỹ Dạ

 

Biển trời soi mắt nhau

Cho sao về với sóng

Biển có trời thêm rộng

Trời xanh cho biển xanh

 

Mặt trời lên đến đâu

Cũng lên từ phía biển

Nơi ánh sáng bắt đầu

Tỏa triệu vòng yêu mến

 

Biển ơi! Biển thẳm sâu

Dạt dào mà không nói

Biển ơi cho ta hỏi

Biển mặn từ bao giờ

 

Nhặt chi con ốc vàng

Sóng xô vào tận bãi

Những cái gì dễ dãi

Có bao giờ bền lâu

 

Biển chìm trong đêm thâu

Ðể chân trời lại rạng

Khát khao điều mới lạ

Ta đẩy thuyền ra khơi

Dù bão giông vất vả

Không quản gì biển ơi!

 

Nguồn: Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - NXB Thanh niên, HN 1998

 

LỜI BÌNH CỦA   NGUYỄN THỊ THIỆN 

“NHỮNG CÁI GÌ DỄ DÃI/ CÓ BAO GIỜ BỀN LÂU”


Biển là nguồn cảm hứng rất phong phú của các thi sĩ. Trong số những sáng tác hay về chủ đề này không thể không nói đến bài thơ "Biển" của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Thi phẩm tái hiện vẻ đẹp của biển, của bầu trời thiên nhiên, qua đó nói lên tình yêu và những bài học triết lý rất sâu sắc về cuộc sống.

Lâm Thị Mỹ Dạ (1949 - Quảng Bình) thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ chị có bản sắc riêng, giàu nữ tính, hấp dẫn người đọc. Tác giả viết bài này cùng nhiều bạn đồng môn thời sinh viên Đại học Sư phạm đã đã rất yêu thích nên chuyền tay nhau chép thơ bài thơ này trong Sổ tay văn học và chép tặng kỷ niệm nhau trong Lưu bút.

"Biển" được trình bày theo thể thơ năm chữ hiện đại, ngắt nhịp khá đều vào cuối câu nên bài thơ có âm hưởng nhịp nhàng như từng đợt sóng dào dạt. Những câu mở đầu, nữ sĩ đã sáng tạo nên cặp hình ảnh biển - trời thật đăng đối. Trong bài "Sóng" rất nổi tiếngXuân Quỳnh mượn hình ảnh sóng biển để nói lên các sắc thái, cung bậc tình yêu. Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn lấy cảm hứng từ không gian biển nhưng mở rộng hơn qua cặp hình ảnh sóng đôi: "Biển trời soi mắt nhau/ Cho sao về với sóng". Nghệ thuật ẩn dụ nhân hoá xuyên suốt trong bài khiến thiên nhiên, cảnh vật cũng có tâm trạng, có hành động "soi mắt nhau", giao lưu tình cảm như con người. Việc thi sĩ sắp xếp hai đối tượng này song hành làm tôn thêm vẻ đẹp cho cả hai: "Biển có trời thêm rộng/ Trời xanh cho biển xanh". Biển là đích đến, cũng là nơi lưu giữ nhiều bí mật để con người khám phá, tìm hiểu. Bên cạnh đó, bài thơ còn khắc hoạ khung cảnh bình minh trên biển với ánh nắng mới lấp lánh, con người được ngắm  biển xanh cùng vạn vật xung quanh. Ngôn ngữ thơ giầu chất hội họa vẽ nên bức tranh biển trời lúc ban mai tuyệt đẹp: "Mặt trời lên đến đâu/ Cũng lên từ phía biển/ Nơi ánh sáng bắt đầu/ Tỏa triệu vòng yêu mến". Những hình ảnh gợi cảm và rất nhiều tính từ làm nổi bật vẻ đẹp của không gian biển bao la. Trước biển, thi sĩ cũng như nhiều người muốn được giải đáp câu hỏi: “Biển mặn từ bao giờ?” chứng tỏ con người luôn khát khao khám phá những điều bí ẩn của biển. Cũng tại không gian rộng lớn này, tác giả nêu lên suy nghĩ mang tính phủ định của mình: "Nhặt chi con ốc vàng/ Sóng xô vào tận bãi/ Những cái gì dễ dãi/ Có bao giờ bền lâu". Lời thơ tả thực đồng thời giàu chất suy luận, khái quát. Những cái gì con người tự nhiên mà có hay dễ dàng đạt được thường là không bền chắc và không mấy giá trị. Khó khăn càng nhiều, thử thách càng lớn nếu vượt qua được thì vinh quang càng rạng rỡ. Nhiều người cho rằng đây là những câu thơ hay nhất của bài bởi tính triết lý đằm sâu mà lại được trình bày dung dị, gợi cảm như những lời tâm tình thiết tha. Những câu thơ khép lại bài tiếp tục là hình ảnh biển trời sóng đôi và chủ thể trữ tình tiếp diễn hành trình đến với những chân trời mới lạ, tiếp tục đẩy thuyền ra khơi với thái độ đầy tự tin: "Dù bão giông vất vả/ Không quản gì biển ơi". Trong bài, tác giả dùng nhiều từ láy: dạt dào, dễ dãikhát khao, vất vả khiến cho lời thơ thêm gợi cảm và giàu tính nhạc; các điệp từ biển, trời có tác dụng khắc họa sâu thêm vẻ đẹp đăng đối hài hòa của thiên nhiên.

Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của biển, của bầu trời và ánh sáng. Đó là nguồn năng lượng sống của con người và vạn vật trên thế gian này. Thi phẩm hàm súc, giàu chất triết lý về khám phá thế giới với những điều mới lạ, không bằng lòng với những gì dễ dàng đạt được. Theo tác giả, có lẽ biển cả chính là cuộc đời rộng lớn, là tấm gương sâu rộng vĩnh hằng để mỗi người soi mình và khát khao tìm hiểu.

Có người nói: Thơ chị nghiêng về phía những cảm xúc tinh tế, tơ mỏng với tấm lòng hồn hậu. Biển là một minh chứng về phong cách thơ ngọt ngào, sâu lắng, giàu nữ tính của Lâm Thị Mỹ Dạ nên được nhiều bạn đọc yêu thích.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét