Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

CON NGƯỜI ĐANG CHỜ ĐỢI ĐIỀU GÌ?

 CON NGƯỜI ĐANG CHỜ ĐỢI ĐIỀU GÌ?

(Đọc Người chờ sấm, tập truyện ngắn của Lã Thanh Tùng, Nxb Dân trí, 2016)  

                            BÙI VIỆT THẮNG   

                                                                                              bui-viet-thang

NHÀ VĂN BÙI VIỆT THẮNG

          Trong Tuyện ngắn tinh tuyển 60 năm báo Văn nghệ (nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2008), Lã Thanh Tùng đứng chân một truyện Người chờ sấm. Trước đó tôi đã đọc Lã Thanh Tùng. Đến Người chờ sấm thì chợt nhận ra đây là một người sống chậm và…viết chậm. Không biết cảm nhận của tôi có đúng(?!). Nhưng tôi tin vào linh cảm nghề nghiệp của mình. Không kể truyện dịch, đến nay Lã Thanh Tùng đã sở hữu ba tập truyện ngắn Sân siu và đắm dạt (2005), Cây kén và người tri kỷ ((2006) và Người chờ sấm (2016). Nếu cần thì kể thêm mấy truyện in chung trong tập Những giấc mộng kín (2000). Lã Thanh Tùng tâm sự về nghề văn một cách chân thành: “Viết là sống thêm một cuộc sống nữa, bằng ngôn từ, hướng về cái lý tưởng. Thuyết phục được công chúng càng hay, nhưng ít nhất cũng đem niềm vui, sự thanh thản đến cho mình và cho ai đó tri kỷ”. Thỉnh thoảng đến báo Văn nghệ, tôi lại thấy cái dáng cặm cụi của Lã Thanh Tùng, kể cả khi là biên tập viên và nay là Phó Tổng biên tập, trong một góc nhỏ của mình ở tòa nhà số 7, Trần Quốc Toản, Hà Nội. Cái dáng cặm cụi ấy đi vào văn Lã Thanh Tùng.

          Con số 10 truyện trong Người chờ sấm cho thấy tác giả cẩn trọng với chữ nghĩa. Là vì từ 2006 đến 2016, dĩ nhiên là rất bận rộn vì làm báo, nhưng không phải vì thế mà Lã Thanh Tùng không viết truyện ngắn đều tay. Nhưng cơn cớ làm sao chỉ chọn chằn chặn 10 truyện biểu thị cho 10 năm đắm say chữ nghĩa để đưa vào một tập mới? Tôi nghĩ có lẽ bắt đầu từ một quan niệm nghiêm trang “viết là sống thêm một cuộc sống nữa” như lời tự bạch. Tôi nghĩ Lã Thanh Tùng là người không thích đùa. Có lẽ anh sẽ rất dị ứng với ai đó chảnh chọe rằng văn chương chỉ là một “trò chơi vô tăm tích”. Nên mới thấy anh không phải dạng cứ thế bước ào vào văn chương. Trái lại, tự tin nhưng không tự kiêu, tiến thủ nhưng không vội vã. Tôi hình dung mỗi lần ngồi vào bàn viết là một lần Lã Thanh Tùng chay tịnh tâm hồn để giữ cho chữ nghĩa được sạch sẽ và thanh cao. Tôi cũng đọc được không ít truyện ngắn đương đại, cũng từng nhấm nháp được đây đó những áng văn hay. Nhưng ít thấy ai viết về những “giấc mơ sấm” như cách Lã Thanh Tùng viết trong truyện Người chờ sấm: “Đã lâu lão chưa nghe một tiếng sấm nào (…). Đêm nào lão cũng ước, giá nghe được một âm thanh chát chúa, cho nó đỡ tẻ, cho nó đỡ bức (…). Trong những cơn mơ, bao giờ lão cũng được tắm sấm thỏa thích. Lão chỉ cần nghiêng tai là cái thứ chuynh choang màu mỡ ấy lại kéo đến vang rền. Bụng lão như mở cờ, bởi lão biết cứ mỗi tiếng rú hào phóng giữa tầng không là một lần mưa móc lại ào qua”. Kể cũng lạ về giấc mơ của một người già. Tôi có đọc một tài liệu nói về giấc mơ. Trong đó có một ý đáng nhớ: Giấc mơ đôi khi là tiền định, là khởi đầu sự hiện tồn của một cá thể. Thì đây: “Sáu mươi năm trước lão ra đời trong một tiếng sấm long trời”. Và vì thế mà: “Lão không định yêu sấm, nhưng cái tiếng động xung thiên kinh khiếp kia dường như tiền định là bản mệnh của lão”. Có vẻ như kỳ khôi. Có vẻ như nghịch dị (grotesque). Tôi nghĩ cách viết của Lã Thanh Tùng là chú ý đến, đi sâu vào bản thể con người cá nhân. Nó phù hợp với quy trình đổi mới văn chương thời hậu chiến (đi từ “tập thể” đến “cá thể” và cuối cùng vào “bản thể’). Lối viết của Lã Thanh Tùng, tôi nghĩ, rất khác những người a dua với “hậu hiện đại”, “hậu thực dân”, hay một ism nào đó. Thậm chí có vẻ hơi cũ kỹ (cứ nhẩn nha lối cũ ta về).

          Nhân vật của Lã Thanh Tùng thường là những người trải nghiệm đời sống. Họ không có cái vẻ hớn hở thơ ngây. Cũng không xả láng cuộc đời theo tinh thần hiện sinh. Cũng chẳng bạo liệt quậy phá, sẵn sàng tung hê tất cả. Là bởi đa số họ là người sống nhiều nên biết: “Bên hoa có gai, giữa trong có đục, quá thủy tích hỏa”. Trong tập truyện mới của Lã Thanh Tùng, tôi thích kiểu truyện như Sữa trắng. Nó nương theo mô-tip “oan Thị Kính”. Một người phụ nữ bị tiếng oan mất trinh trước người chồng. Nhưng không ai biết được dòng sữa trắng thơm tho, tinh khiết mà chị chắt ra từ bầu ngực trinh trắng để nuôi dưỡng mẹ già ốm yếu là một cơ chế tự nhiên. Sau này một nhà khoa học đã giải thích rõ cho mọi người biết hiện tượng đó. Nhưng chị thì mất một thời để sống, một thời để yêu với người chồng. Sữa trắng kể về hành trình đi tìm chân lý của con người thời đại. Và thêm một vẻ đẹp khuất lấp được văn chương phát hiện. Lối viết “tìm vào nội tâm” khiến cho văn Lã Thanh Tùng không ồn ào, tựa như lối nói chuyện của những tri âm tri kỷ. Nhân vật của Lã Thanh Tùng vì thế thường ẩn mình trong những không gian vắng lặng, đôi khi là những góc u buồn. Nhưng dẫu sao thì con người cũng không bao giờ thôi mơ ước, kể cả những giấc mơ phiêu diêu. Nhân vật “mụ già” trong truyện Cơn mơ diều sáo, theo tôi, thể hiện rất rõ cái tạng văn Lã Thanh Tùng. Sao lại hay viết về giấc mơ? Tôi cứ tự hỏi rồi tự trả lời khi đọc truyện ngắn của Lã Thanh Tùng trong tập Người chờ sấm. Nhân vật “mụ già” trong Cơn mơ diều sáo cũng hay hoài niệm vì “khởi nguồn từ cái tuổi hoa niên”. Ngày xưa “mụ” (chị) đẹp nhất làng. Còn bây giờ hiện thực phũ phàng khi tuổi già sầm sập đến. Nên cần viện đến những giấc mơ, vì: “Mụ ít nằm mơ, nhưng đôi khi giấc mơ có đến thì bao giờ mụ cũng nhận ra mình đang xao xuyến trước một đấng cao vời”. Tôi cũng thường có nhiều giấc mơ nên đọc như truyện này thấy thích.

          Truyện ngắn Lã Thanh Tùng thường không phải là những “khoảnh khắc”, “chốc lát” (những “moment”). Viết theo lối sống chậm, nghiền ngẫm thế sự thì khó ép truyện vào những khuôn khổ có hạn định. Vì cần phải mở rộng không gian – thời gian câu chuyện nên Lã Thanh Tùng, tôi thấy, thường giả định truyện là những chu trình đời sống (nhân - quả), khúc khuỷu, nhiều ngả rẽ bất ngờ. Rõ ràng là tác giả có ý đồ tổng kết các dạng thức nhân tình thế thái gắn với những phận người, kiếp người nên khung khổ của truyện ngắn được “cơi nới”, giãn nở, linh hoạt so với định nghĩa chung của thể loại như chúng ta vẫn thấy trong các sách giáo khoa. Đọc truyện ngắn Lã Thanh Tùng, nếu còn đọng lại với tôi, không phải là “chuyện” mà là dư vị, đôi khi là dư ba như trong Người chờ sấm, Sữa trắng, Khói ấm…Nói có dư vị và dư ba là vì niềm tin vào sự hướng thiện mà tác giả gieo vào lòng độc giả (tỷ như: “Ngoài kia trời Bắc Giang đang thoáng chút mưa bay. Có lẽ vũ trụ cũng chuyển mùa, khẽ khàng nhịp chuyển mình chầm chậm sang xuân” –Khói ấm). Đọc những trang văn như thế tự nhiên thấy ấm lòng, tự tin hơn vào cuộc sống và con người vốn đang trải qua rất nhiều bể dâu, cũng lắm những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Nhưng sự sống vốn không bao giời chán nản.

          Đọc truyện ngắn Lã Thanh Tùng tôi nghĩ đến giọng điệu của người kể chuyện. Cái lối kể nhẩn nha, nhấm nháp (Hà Nội không vội được đâu!) là cách của người có tuổi, trải đời, chí ít thì cũng của những người thích sống chậm, thích chia sẻ, giãi bày. Mong tri âm tri kỷ. Tôi dám chắc người trẻ ít thích đọc Lã Thanh Tùng. Nhưng không sao, mỗi nhà văn có độc giả riêng của mình. Sẽ là trung niên và có tuổi thích đọc Lã Thanh Tùng. Họ cũng đông đảo đấy chứ! Họ thích chiêm nghiệm. Chiểu theo cơ chế thị trường thì sách của Lã Thanh Tùng không được xếp vào dạng “best-seller”. Nhưng tôi nghĩ Người chờ sấm có thể là sách hay. Hai “anh” này nhiều khi rất vênh nhau, hiếm khi trùng phùng, nhưng không phải là “nhất thành bất biến”. Riêng tôi đọc truyện ngắn Lã Thanh Tùng chợt thấy được ít nhiều cái nhã thú văn chương do chữ nghĩa đem lại./.

 

 anh_chuan_5

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét