Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

TIẾNG CƯỜI – NÉT ĐẶC SẮC CỦA THƠ ĐẶNG THÀNH TÔ

 

TIẾNG CƯỜI – NÉT ĐẶC SẮC CỦA THƠ ĐẶNG THÀNH TÔ


PGS - TS - Nhà văn Trần Thị Trâm

Sau khi trình làng hàng ngàn bài thơ trên phây búc, được sự động viên khích lệ nhiệt tình của bạn bè, năm 2021, Đặng Thành Tô mạnh dạn xuất bản tập thơ đầu tay với cái tên rất ngộ: “Tỉnh say say” (NXB HNV, 2021). Và năm nay anh tiếp tục công bố tập thứ 2: “Trái cấm” (NXB HNV, 2023)
Thi phẩm gồm 119 bài, được tác giả chọn lọc khá kỹ lưỡng. Ẩn sau từng con chữ ta bắt gặp một giọng thơ trữ tình, sâu lắng, rất giàu cảm xúc và song hành với nó là giọng thơ trào lộng, lúc khôi hài, khi trào phúng. Nhưng có lẽ tiếng cười mới là giọng điệu chủ đạo đã làm nên nét đặc sắc của thơ anh.
1. Thơ Đặng Thành Tô trữ tình, sâu lắng và rất giàu cảm xúc
Đọc “Trái cấm” ta sẽ thấy ở đó một mạch thơ trữ tình sâu lắng, vừa giàu cảm xúc vừa hàm ngậm triết lý nhân sinh được viết ra từ một người từng trải và cũng là một kẻ thật nặng tình: nặng tình với đời, với người, nặng tình với thơ, yêu thơ và thủy chung son sắt cùng thơ:
Còn trăng còn gió còn mây
Tình thơ chưa dứt, dạ này còn vương
(Với thơ)
Chính vì nặng tình mà người ấy thường xuyên trở lại vùng ký ức ánh sáng ăm ắp hoài niệm nhớ thương để tìm lại những cái đẹp mong manh đã bị đánh mất: hương vị của mối tình đầu, hương bưởi dịu dàng, hương thời gian huyền ảo; cùng bao dư âm dư ảnh của một thời lãng mạn: trời xanh giăng mắc tơ vàng, thuyền trăng ai thả lưng trời, tiếng sáo réo rắt nỉ non…để rồi có được những câu thơ buồn và đẹp đến nao lòng:
Đêm nay anh lại một mình
Nhìn trăng lại nhớ mối tình ngày xưa
(Đêm Nguyên Tiêu)
Nào đâu hương bưởi dịu dàng
Đêm đêm bên ấy gửi sang bên này
(Vội vã tháng Giêng)
Trời xanh giăng mắc tơ vàng
Hạ hồng đã cạn, thu sang thật rồi
Thuyền trăng ai thả lưng trời
Nỉ non tiếng sáo như khơi nỗi buồn
(Thu sang)
Nhìn chung, những câu thơ hay của anh đều thấm đẫm cảm xúc và được dệt bằng sợi nhớ sợi thương, chứa đựng những chân cảm chân tình. Chúng thường được xuất hiện khi người thơ trong trạng thái tỉnh say say: Đêm qua như tỉnh như mơ? Thấy mình lạc đến bến bờ Đào Nguyên (Giấc mơ hoa). Đó là khoảnh khắc vừa đủ độ để thăng hoa, lại vừa đủ độ sáng suốt của lý trí dẫn dắt. Sự gặp gỡ giữa hai đối cực đã tạo nên những vần thơ mộc mạc và ăm ắp cảm xúc. Song có lẽ phần tình cảm chân thật nhất, sâu lắng nhất nhà thơ chiến sĩ Đặng Thành Tô luôn dành tặng cho những người đồng đội trân quý đã hy sinh. Có lần như kẻ mộng du, anh rót rượu mời người dưới mộ và cứ thế trút bầu tâm sự cùng vong linh người đã khuất:
Mày hẹn với tao, sau này hai đứa
Cưới vợ là phải phù rể cho nhau
Rồi chúng mình còn kết thông gia nữa
Mày còn nhớ không, tao cứ nghĩ mà đau
…May mà bọn chúng tao không biến chất
Chỉ tội nghèo với thương tật mà thôi
Mày hãy tin tao và đồng đội
Vẫn sống không hổ thẹn tiếng làm người
(Tâm sự với thằng bạn cũ)
Đọc đến đây lòng ta nghẹn đắng, ta thấy thấm thía hơn sự hy sinh thầm lặng của những người lính hát bè trầm. Dù thác hay còn, dù chiến tranh hay hòa bình ở họ vẫn vẹn nguyên những phẩm chất lính, vẫn sẵn sàng tự nguyện nhận lấy những thiệt thòi: “Đừng thương anh lận đận/Lủi thủi sống đơn côi/Người lính quen khổ rồi/Có gì đâu mà tội (Còn đó nỗi đau); “Em không hề có lỗi/ Lỗi là tại chiến tranh/ Lỗi chăng bởi tại anh/ Cứ bặt tin biền biệt (Em không có lỗi)
Vẻ đẹp cao thượng của các anh làm ta cảm phục, tự hào và ngộ ra rằng, người chiến sĩ chính là con người Việt Nam đẹp nhất, tình bạn giữa những người lính cùng chung một chiến hào là tình bạn thiêng liêng, sâu nặng nhất. Điều này chứng tỏ, thơ Đặng Thành Tô thật đậm chất nhân văn, đồng thời cũng hé lộ đóng góp của tác giả cho hình tượng người lính và đề tài chiến tranh cách mạng.
Chất nhân văn xuyên suốt trong tác phẩm của Đặng Thành Tô và kết tinh ở những bài thơ viết về những người phụ nữ. Bởi thái độ đối với phụ nữ chính là thước đo gía trị nhân văn của mỗi tác phẩm văn chương. Chọn cách nhìn chiến tranh qua gương mặt đàn bà, thơ anh không chỉ dừng lại ở việc khẳng định vẻ đẹp tần tảo, đức hy sinh, suốt đời như mặt trăng tỏa sáng vì người khác của các mẹ, các chị mà qua sự thấu cảm tinh tế trước những nỗi cô quạnh, mỏi mòn của người vợ lính có chồng ra đi mãi mãi không về, những câu thơ của anh đã giúp bạn đọc có cái nhìn về chiến tranh ở một chiều sâu mới:
Em ngồi vá áo cho anh
Rút từ những sợi ngày xanh đời mình
Xe niềm hy vọng mong manh
Vá niềm tin một ngày anh sẽ về
(Sao anh không về)
Yêu thương, trân trọng, anh luôn đứng về phe tóc dài và luôn tìm cách bênh vực họ. Dù theo cánh mày râu ghen tuông là thói xấu số một của đám nữ nhi nhưng đứng trên cái lý của chị em anh lại cho rằng:
Em là “sư tử Hà Đông”
Chỉ vì em muốn giữ chồng mà thôi
(Vì chồng )
Với tấm lòng nhân ái, bao dung, Đặng Thành Tô không chỉ yêu thương con người mà còn yêu thương, trân trọng, biết ơn tất cả những gì của sự sống quanh mình: từ chiếc răng đã cùng anh chia ngọt sẻ bùi đến cái lưng ngay thẳng đã vì anh mà không quản chi vất vả: Lưng ơi tao cảm ơn mày/ Bao năm, bao tháng, bao ngày cõng tao/ Xả chi vất vả gian lao/ Vì tao mày chịu biết bao thiệt thòi… Xin lưng cứ thẳng đến già/ Đừng “khom” kẻo lại hóa ra ươn hèn (Thủ thỉ cùng lưng). Anh cũng hết mực yêu thương những con vật bé nhỏ như chú gà trống gáy sáng gọi bình minh, chú cún con trung thành, thủy chung đã sẻ chia cùng anh nỗi cô đơn đằng đẵng tháng ngày:
Thương mày chẳng quản cháo rau
Ngày dài canh cửa đêm thâu giữ nhà
Chẳng đòi cơm cá, thịt thà
Chẳng chê chủ khó, kêu ca chủ nghèo
(Nhớ cún)
Chỉ chừng ấy đã đủ khẳng định, thơ Đặng Thành tô giàu chất nhân văn, trữ tình sâu lắng và rất giàu cảm xúc. Qua đó ta thấy ánh lên vẻ đẹp của bức chân dung một người thơ luôn sống nghĩa tình và rất yêu cái đẹp. Mà những người yêu cái đẹp thường luôn biết sống đẹp.
2/ Tiếng cười - nét đặc sắc của thơ Đặng Thành Tô
Nếu mảng thơ trữ tình tĩnh và trầm, đầy tính hướng nội là một đóng góp quan trọng của “Trái cấm” thì tiếng cười lại là âm hưởng chủ đạo đã làm nên nét đặc sắc, sự độc đáo của thơ Đặng Thành Tô. Bởi với anh làm thơ là một cuộc chơi, là con đường tối ưu để giao lưu cùng các thi hữu, mục đích tìm niềm vui để giảm nhẹ nỗi buồn lúc tuổi xế chiều:
Lên phây ấy để mà chơi
Khơi trong, gạn đục mua cười mà vui!
(Lên phây)
Nhưng qua cuốn nhật ký tâm hồn được viết bằng một trái tim ấm áp và đậm chất nhân văn của tác giả, ta đã thấy thấp thoáng một màu riêng, một giọng điệu thơ riêng: hóm hỉnh và hài hước. Trước hết, về số lượng, các bài thơ hài chiếm quá nửa với những cái tên đã gợi sự bông đùa. Nào: Tỉnh say say, Trái cấm (tên tập thơ). Nào: Cá ơi, Tếu, Tếu với tóc, Đùa với ca dao, Đùa với tuổi bẩy ba, Rao bán, Nhân ngày quyền con người, Hư thân mất nết, Nghễnh ngãng, Răng với lợi, Mắng mồm…(tên bài thơ)
Mặt khác, tiếng cười trở thành âm hưởng chủ đạo của tập thơ. Vọng sau từng con chữ là chuỗi tiếng cười với rất nhiều cung bậc. Lúc khôi hài, sảng khoái, lúc vui buồn lẫn lộn: Vợ thì cứ bắt “cai” thơ/Oái oăm thơ thần thì bồ lại mê (Lưỡng nan). Với lối sống tích cực, anh luôn phát hiện ra niềm vui trong cái buồn, phát hiện cái hài giữa cái bi. Nghễnh ngãng là căn bệnh của tuổi già, làm chất lượng cuộc sống bị giảm sút. Với thi nhân họ Đặng, cái gì cũng có hai mặt, kiểu Tái ông mất ngựa : “Ngẫm ra trong cuộc đời này/ Nhiều khi nghễnh ngãng cũng… hay ra trò” (Nghễnh ngãng)
Tuổi già là điều bất hạnh nhất của kiếp người: ”Người ta có ba điều bất hạnh: tuổi già, cái chết và đứa con hư” (Xu khôm lin xki). Trong khi người ta than già, than nghèo, than bệnh, than về nỗi cô đơn… Đặng thi sĩ luôn có thái độ anh nhiên, bình tĩnh chấp nhận quy luật và tìm cách vui với tuổi già :
Thế là
Thêm một xuân qua
Ta thêm một tuổi
Cái già già thêm
Đã là
Nhớ nhớ quên quên
Thấy ngày đã ngắn
Thấy đêm đã dài
Mắt nhìn
Đã một thành hai
Cái chân càng yếu
Cái tai càng ù
Caí gì
Cũng hỏng, cũng hư
Xem ra …mọi thứ
Hầu như…đã già
(Đùa với tuổi bảy ba)
Nhưng có lúc như cây sầu đông ngoài tươi trong héo, nước mắt thi nhân không theo tiếng cười thoát ra mà lặn ngược vào tim, bởi cuộc đời hôm nay vẫn còn lắm sự chớ trêu:
Rót vào ngày nỗi buồn bao năm tháng
Uống vào lòng cho cạn những đắng cay
(Gạ với ngoan hiền)
Đồn rằng có cái chợ đời
Nơi đây ma quỷ cùng người bán buôn
Mua lương tâm, bán linh hồn
Phần người thì khóc, phần con thì cười
(Chợ đời )
Ếch khờ.Ếch có biết đâu
Đi bằng chân chẳng thể mau bằng mồm
Mồm đi mồm biết bôi trơn
(Ếch và sên )
Có thể nói, nếu hành trình của một nhà thơ là cuộc đi tìm chính mình thì Đặng Thành Tô đã tìm thấy con người đích thực của anh ở lối thơ hài hước. Vì thế, không có gì là lạ khi cảm hứng trào lộng là cảm hứng nổi bật trong thơ Đặng Thành Tô. Mà thủ pháp gây cười của anh rất phong phú, linh hoạt và sáng tạo. Ta hãy xem cái cách anh nói về cái nghèo của người về hưu. Lối nói ngông ngông có gì giống với phong cách của lớp nhà Nho tài tử Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Tú Xương ngày trước:
Nhân trần, rượu ấy tha hồ uống
Khoai xéo, xôi này thoải mái xơi
Thịt cá già rồi thôi chả chén
Mai đào nhà chật chẳng thèm chơi
(Tết hưu)
Ngày cơm đôi bữa, ăn mình nấu
Tháng rượu dăm lần uống bạn khao
Hứng chí vài dòng thơ tếu táo
Buồn tình, mấy khúc hát nghêu ngao
(Tháng ngày hưu)
Vẫn là lấy rượu làm say
Mặc năm, mặc tháng, mặc ngày cứ trôi…
Vô tư tiêu nốt phần đời
Bao giờ có lệnh “chầu trời” thì đi
(Tuổi bẩy hai)
Tiếng cười xuất hiện với tần số lớn nhất là do sự xuất hiện của yếu tố bất ngờ. Chẳng hạn, để diễn tả về một điều rất nghiêm túc tác giả lại nói bằng thứ ngôn ngữ dân giã, đời thường; Hoặc theo kiểu ông nói gà bà nói vịt rồi bất ngờ đánh tráo nội dung khái niệm:
Nhân ngày quyền của con người
“Cơ quan đoàn thể” của tôi nó đòi
Tay thì đòi được nghỉ ngơi
Chân thì đòi được rong chơi suốt ngày
Mồm đòi ăn uống no say
Tai đòi nghe những lời hay nhất đời
Rồi mắt, rồi má, rồi môi
Rồi mông, rồi ngực …cứ đòi loạn lên
(Nhân ngày quyền của con người)
Xin em cứ việc nghỉ ngơi
Việc nhà để đó…mai rồi tính sau
Bát mai rửa, nhà mai lau
Chẳng ai tranh việc em đâu…vội gì
(Vội gì)
Đôi khi lòng những xót xa/ Thương em muốn đỡ việc nhà cho em/ Đành ra ngoài phở với nem/ Chứ cơm nhà lại sợ phiền em ra (Đôi khi).
Biết rằng, văn học là nghệ thuật ngôn từ nên để bật ra tiếng cười một cách tự nhiên, Đặng Thành Tô thường trú trọng tới việc sử dụng sáng tạo, linh hoạt, đúng chỗ các biện pháp tu từ. Khi thì chơi chữ một cách thông minh:
Cô Tô ơi hỡi Cô Tô
Hỏi bao năm nữa thì cô thành bà
(Hỏi Cô Tô)
“Về Mèo Vạc / Chia tay Lũng Cú/ Rời nhà Vương/ Mà tình vấn vương (Hà Giang ơi), “Ngồi buồn nhớ thuở còn trai/ Mày râu nhẵn nhụi tóc tai chinh tề./ Đàng hoàng nhất đám bạn bè/ Chẳng “dâm”, chẳng bạc, chẳng chê điểm nào (Tếu với tóc)
Khi thì sử dụng rất đắc địa lớp từ tượng hình, tượng thanh, những từ láy ba thuần Việt để tạo ra một cách hiểu tinh quái ỡm ờ, thanh mà gợi tục theo kiểu mĩ học dân gian:
Áo em cứ mỏng mòng mong
Cứ lồ lộ cả từ trong ra ngoài…
Gặp em bao gã đàn ông
Cổ cò cứ ngỏng ngòng ngong lên trời…
Che bơn bớt lại đi em
Đừng chơi trò nhẻm nhèm nhem trêu người
(Xin em)
Khảo sát “Trái cấm”, ta thấy tác giả là người học tập và sử dụng khá nhuần nhuyễn chất liệu dân gian: từ tư duy đến lối nói, từ cách cảm đến cách nghĩ. Nhờ thế thơ Đặng Thành Tô giản dị mà hàm súc, có tính triết lý cao, truyền thống mà vẫn mang hơi thở của đời sống đương đại. Nhờ thế, tiếng cười trong thơ anh rất dân tộc, hóm hỉnh và sâu sắc. Ý thức được rằng, thành tựu về ngôn ngữ của văn học dân gian chủ yếu nằm ở phần thơ ca dân gian, nên trong “Trái cấm “, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, những làn điệu dân ca giàu nhạc tính được tác giả sử dụng với một tần số rất lớn: Họa gió tai bay, Chim chết vì mồi, Đổi trắng thay đen, Đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại, Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm, Phàm ăn tục uống, Ăn sung ngồi gốc cây sung/ Lấy anh thì lấy nằm chung không nằm… Còn duyên, ngồi tựa mạn thuyền, Vào chùa, Buôn bấc buôn dầu, Hoa thơm bướm lượn, Khách đến chơi nhà, Tương phùng tương ngộ, Con xít sang sông, Ngồi rồi xe chỉ luồn kim, Sông Cầu nước chảy lơ thơ, Bèo dạt may trôi, Giã bạn, Ra ngó vào trông, Ngả nón ra ngồi, Người ở đừng về…
Hóa thân vào thơ của anh, những chất liệu dân gian phát sáng và làm cho câu thơ thường giản dị, ngắn gọn hàm súc, sâu sắc, giàu tính triết lý :
Cứ tưởng mọi cái ở đời
“Hai năm” là đã “rõ mười”, nào hay…
(Cứ tưởng)
Sinh ra “vạ gió” “tai bay”
Chính là cũng bởi tại mày mồm ơi
(Mắng mồm)
Ngồi buồn nhớ thuở còn trai/ Mày râu nhẵn nhụi tóc tai chỉnh tề./ Đàng hoàng nhất đám bạn bè/ Chẳng “dâm”, chẳng bạc, chẳng chê điểm nào (Tếu với tóc)
Vẫn biết là tiếng nói tình cảm, thơ của Đặng Thành Tô cũng chứa đựng đủ cả mọi cung bậc tình cảm. Công dân họ Đặng cũng quan tâm đến nhiều vấn đề thời sự của đất nước và cũng không thiếu những câu thơ thuộc dòng chính luận thể hiện rất rõ ý thức công dân trước Tổ quốc, thể hiện lòng tự hào của con dân đất Việt về lịch sử oai hùng của Dân tộc:
Lũng Cú đây rồi, cột cờ mốc biên cương
Lý Thường Kiệt năm xưa đi đuổi giặc
Đã cắm cờ nhắc nhở người Phương Bắc
Rằng nơi đây là trời dất Nước Nam ta
Để có hôm nay năm mươi tư Dân tộc một nhà
Kết thành cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.
(Hà Giang ơi)
Nhưng xuyên suốt và nổi bật trong “Trái cấm” là hai mạch thơ trữ tình và trào lộng. Mà tiếng cười là giọng chủ đạo đã tạo nên nét độc đáo, đặc sắc của thơ Đặng Thành Tô.
Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản
 
 
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét