Thứ Ba, 4 tháng 7, 2023

LAI LỊCH CÂU "NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ"

 

LAI LỊCH CÂU "NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ"

Với truyền thống "Tôn Sư Trọng Đạo", người Việt Nam ta luôn luôn rất kính trọng đối với Thầy học với câu nói "NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ 一字為師,半字為師. Có nghĩa :"Dạy cho ta MỘT chữ cũng là thầy; Dạy cho ta NỬA chữ cũng là thầy của ta". Mời xem hai giai thoại về câu nói trên như sau :
              
Theo sách " Đường Tài Tử Truyện"《唐才子傳》ghi chép:
      
Nhà sư thi sĩ TỀ KỶ 齊己 (863—937), tục danh là Hồ Đắc Sinh 胡得生, có biệt hiệu là Hành Nhạc Sa Môn 衡岳沙門, là người đất Ninh Hương, thuộc huyện Trường Sa tỉnh Hồ Nam hiện nay. Ông sống ở cuối đời  Đường, và xuyên suốt qua ba triều đầu đời Ngũ Đại. Lúc nhỏ gia đình nghèo khó, 6 tuổi đã phải đi chăn trâu độ nhật. Nhưng lại có chí cầu học, mỗi ngày đều đọc sách và làm thơ trên lưng trâu. Sư Cụ trong chùa Đồng Độ Tự thương tình cho vào chùa tu để có thời gian học hành và nghiên cứu kinh Phật. Từ đó, Tề Kỷ học hành tấn tới và làm thơ rất nhanh rất giỏi.
      
Một hôm gần cuối năm, như thường lệ, Tề Kỷ thức sớm cúng Phật và làm công phu buổi sáng trong khi đêm qua tuyết rơi rất lớn. Mở cửa ra sân nhìn về thôn xóm xa xa, chợt thấy trong nền tuyết trắng bao la lấm tấm có mấy cành mai đà hé nở ! Cảm cho cái tinh thần bất khuất trước tuyết đông giá lạnh, cái sức sống mạnh mẽ ngạo nghễ vươn lên giữa biển tuyết mênh mông của hoa mai, Tề Kỷ về phòng làm ngay bài thơ " TẢO MAI 早 梅 " để tán thưởng cho việc hoa mai nở sớm. Trong bài thơ có 2 câu rất hay là:
               
Tiền thôn thâm tuyết lý,    前村深雪裏                
Tạc dạ SỔ chi khai.           昨夜數枝開。
 
Có nghĩa:
              
- Trong rừng tuyết của xóm phía trước xa xa...             
- Tối đêm qua đã có VÀI cành mai đà hé nở!
       

Tề Kỷ rất đắc ý với 2 câu thơ nầy, nên mới đem khoe với Trịnh Cốc 鄭谷 (849-911), một thi sĩ đương thời. Trịnh Cốc đọc xong phê rằng: "SỔ Chi Khai 數枝開 " là VÀI cành mai đà nở, chưa thấy được cái " TẢO 早 " là SỚM của Mai, nên đổi lại là " NHẤT CHI KHAI 一枝開 " để nêu bật được cái SỚM của MỘT cành Mai nở trong tuyết lạnh! Tề Kỷ nghe xong, phục sát đất, bèn sửa lại thành:
                
Tiền thôn thâm tuyết lý,    前村深雪裏                
Tạc dạ NHẤT chi khai.       昨夜一枝開。
 
... và từ đó về sau gọi Trịnh Cốc là "NHẤT TỰ SƯ  一字师 ", vừa có nghĩa là "Ông Thầy dạy cho MỘT chữ", lại vừa có nghĩa là "Ông Thầy dạy cho chữ NHẤT" !
     
Còn "Bán Tự Vi Sư 半字為師" thì theo tích sau đây:
    
 CAO THÍCH 高適 (706-765), tự là Đạt Phu 達夫, người Bột Hải đất Thương Châu (nay là Cảnh Huyện tỉnh Hà Bắc). Ông là nhà thơ biên tái với lời lẽ mộc mạc chất phác nhưng mạnh mẽ, nổi tiếng ngang hàng với Sầm Tham, được người đời xưng tụng chung là CAO SẦM. Ông từng là Quan Sát Sứ của đất Lưỡng Chiết. Truyện kể...
    
Một hôm, Cao Thích đi ngang qua Thanh Phong Lãnh của đất Hàng Châu, đêm ngủ lại một ngôi chùa cổ trên núi, nhìn thấy cảnh trời cao lồng lộng không một bóng mây, ánh trăng thu sáng vằng vặc chiếu xuống dưới dòng sông đang gợn sóng lăn tăn với thuỷ triều đang xuống trông vô cùng gợi cảm... bất chợt gợi hứng hồn thơ, bèn đề một bài thất ngôn tứ tuyệt lên trên vách chùa:
              
絕嶺秋風已自涼,  Tuyệt lãnh thu phong dĩ tự lương,              
鶴翻鬆露濕衣裳。  Hạc phiên tông lộ thấp y thường.             
前村月落一江水,  Tiền thôn nguyệt lạc nhất giang thủy,  
 
僧在翠微閒竹房。  Tăng tại thúy vi nhàn trúc phòng. 
 
Có nghĩa:
                  
Đỉnh núi gió thu lạnh mát người,                 
Áo tơi hạc lượn ướt sương rơi.                  
Trước thôn trăng lặn đầy dòng nước,                   
Phòng trúc tăng thiền vẻ thảnh thơi.
       
Sáng hôm sau khi từ giả lên đường, Cao Thích đi thuyền trên sông Tiền Đường mới thấy rằng, khi trăng lặn cũng là lúc thủy triều xuống nước ròng sát thì dòng sông Tiền Đường nhỏ lại chỉ còn bằng một nửa lúc nước đầy, nên câu thơ "前村月落一江水, Tiền thôn nguyệt lạc nhất giang thủy" không ổn chút nào cả. Vì "NHẤT GIANG THỦY là Một dòng nước đầy", nên khi Nguyệt Lạc (trăng lặn) thì nước sông chỉ còn có "BÁN GIANG THỦY 半江水 là Nửa dòng nước" mà thôi. Ông trăn trở mãi vì câu thơ có chữ "NHẤT" đó. Cho đến một hôm khi có việc đi ngang qua Hàng Châu, ông bèn lên núi tìm đến ngôi chùa trước kia định sửa chữ NHẤT 一 thành chữ BÁN 半. Nhưng khi đến nơi thì thấy chữ NHẤT 一 trong câu thơ đã được ai đó thêm vào chữ THẬP 十 và HAI CHẤM 丷 hai bên thành chữ BÁN 半 rồi ! Cao Thích vừa ngạc nhiên vừa thích thú, mới hỏi thăm sư trong chùa xem ai đã sửa chữ NHẤT của ông thành chữ BÁN vậy?
      
Một nhà sư trẻ mới nói cho ông biết là khi ông vừa đi chẳng bao lâu, thì có một người khách khác đến, đọc bài thơ xong bèn mượn bút mực của chùa mà sửa chữ, và vì người khách nầy có tiếng tăm rất lớn nên nhà chùa không dám cản. Cao Thích hỏi ra thì mới biết người khách đó chính là Lạc Tân Vương 駱賓王, một trong TỨ KIỆT của buổi sơ Đường, bèn chắc lưỡi tán thán rằng: "Quả là bậc thầy trong chữ nghĩa !". Và cũng vì thế mà người đời kháo nhau rằng: Lạc Tân Vương 駱賓王 chính là BÁN TỰ SƯ 半字師 (ông thầy chữ BÁN) của Cao Thích 高適. Và vì BÁN TỰ 半字 cũng có nghĩa là NỬA CHỮ, nên BÁN TỰ SƯ cũng có nghĩa: Nửa chữ cũng là Thầy!
     
BÁN TỰ VI SƯ 半字為師 "Nửa chữ cũng là Thầy" có xuất xứ nên thơ như thế đó!

 CHÉP LẠI TỪ TRANG "BÂNG KHUÂNG', BÀI CỦA TÁC GIẢ ĐỖ CHIÊU ĐỨC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét