Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

MẤY GHI NHẬN VỀ CÔNG TRÌNH: “NHỚ NGƯỜI CẦM LÁ DIÊU BÔNG”

 


­­­MẤY GHI NHẬN VỀ CÔNG TRÌNH: “NHỚ NGƯỜI CẦM LÁ DIÊU BÔNG

(Đọc “Nhớ người cầm Lá Diêu Bông”, NXB Văn học, 2023

của Nguyễn Thị Minh Bắc)

 

                     GS.TS Trần Đăng Suyền

 

  “Tôi một người trai Kinh Bắc từ thuở còn thơ đã đa mang cái nghiệp thơ vốn nhiều oan khổ, khi giãi lòng mình lên nhiều bài thơ, luôn mong mỏi có nhiều bạn đọc cảm thông với những u ẩn trong tâm tư một đứa con của Kinh Bắc. Thì đến năm nay đã xuất hiện một người gái ngoan của Kinh Bắc đã hiểu và cũng mạnh bạo viết ra cuốn sách nhỏ này, tựu trung cũng là để tỏ lòng mình với quê hương, một vùng quê đã từng là cái nôi văn hóa lâu đời (…). Tôi rất mong cuốn sách nhỏ này với tôi là một dấu son…” (tr 4 - 5). Đó là mấy dòng của nhà thơ Hoàng Cầm viết về cuốn chuyên luận Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc của Nguyễn Thị Minh Bắc, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2008, được phát triển từ Luận văn Thạc sĩ của chị. Tác giả Nguyễn Thị Minh Bắc cho ta biết: Từ công trình nói trên, tác giả đã tiếp tục đào sâu nghiên cứu về thơ Hoàng Cầm. “Để tri ân nhà thơ và đáp ứng sự yêu mến thơ ông của nhiều độc giả - Nguyễn Thị Minh Bắc viết trong Lời giới thiệu của tập sách -, tôi xin tái bản lại cuốn Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc bằng cái tên gọi mới: Nhớ người cầm Lá Diêu Bông.

Ở lần tái bản này, cuốn sách đã được chỉnh sửa, bổ sung, đi sâu bình giải một số bài thơ hay của Hoàng Cầm. Giúp bạn đọc dễ hiểu và dễ nắm bắt hơn về cái hay, cái mới lạ của thơ ông” (tr. 13). Như vậy, Nhớ người cầm Lá Diêu Bông, cuốn sách của Nguyễn Thị Minh Bắc được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2023, là một tập chuyên luận, phê bình văn học, vừa tái bản cuốn sách cũ có sửa chữa và bổ sung, vừa có phần mới gồm những bài phê bình một số bài thơ hay của Hoàng Cầm, tạo nên một cuốn sách, về mặt nào đó có diện mạo mới.

  Cuốn sách mới này của Nguyễn Thị Minh Bắc bao gốm 2 phần: chuyên luận và một số bài phê bình. Trong đó, cái chủ yếu làm nên giá trị cơ bản của cuốn sách này là phần chuyên luận về thơ Hoàng Cầm với văn hoá Kinh Bắc. Ở đó, Nguyễn Thị Minh Bắc đã vận dụng thành công một hướng nghiên cứu đầy triển vọng: Nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa.

Xưa nay, văn học vẫn được coi là gương mặt của văn hóa, tiêu biểu cho các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc. Những tác phẩm văn chương ưu tú thường mang tính đại diện cho văn hóa, có khả năng phản ánh, lưu giữ và sáng tạo văn hóa, kết tinh văn hóa của một vùng quê, của dân tộc và thời đại. Văn học là nơi ý thức văn hóa được thể hiện rõ nhất và cũng sâu sắc nhất.

  Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa vừa sâu sắc, vừa bền vững. Văn học là nơi kết tinh, là biểu hiện của tâm thức văn hóa dân tộc. Những tác phẩm văn học ưu tú thường ẩn chứa trong đó những yếu tố văn hóa bền vững, khi thì hiện diện trên bề mặt của hiện thực đời sống với những phong tục, tập quán, những nghi lễ hội hè đình đám, có khi được thể hiện ở chiều sâu, trong sâu thẳm tâm thức văn hóa của cộng đồng. Tâm thức văn hóa mang tính ổn định, có khả năng chi phối, tác động ở chiều sâu đối với văn học, quy định cách miêu tả, cách cảm nhận của nhà văn về muôn mặt đời sống hiện thực cũng như đời sống tâm linh của con người.

Xét đến cùng, cơ sở, nền tảng của của mọi sáng tạo văn học nghệ thuật chính là truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc; truyền thống đó được bồi đắp và làm phong phú, giàu có thêm qua từng thời đại. Vì thế, nghiên cứu tác phẩm văn học, muốn hiểu đúng, hiểu sâu sắc và toàn diện về văn học, không thể không tiếp cận nó dưới góc độ văn hóa. Chỉ có thể đánh giá văn học một cách sâu sắc và toàn diện khi đặt nó trong dòng mạch văn hóa của dân tộc và thời đại mà nó được nẩy sinh. Bakhtin cũng đã từng lưu ý: “Văn hóa như một dòng thác chảy mạnh ở bề sâu, thật sự có tác động lớn đến nhà văn, nhưng đôi khi chính nhà nghiên cứu không hay biết. Lối tiếp cận như vậy không thể giúp ta đi sâu vào những tác phẩm lớn, và khi đã như vậy thì bản thân văn học hiện ra rất nhỏ bé, không có gì đáng để ý”. Nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa là một phương pháp tiếp cận khoa học; nó không chỉ khắc phục được những hạn chế nhất định của việc nghiên cứu đánh giá văn học bằng chính văn học mà còn có thể khai mở, khám phá những ý nghĩa, giá trị mới cho văn học mà đôi khi, từ góc độ văn học, người nghiên cứu có thể gặp khó khăn, thậm chí là sai lạc trong quá trình lý giải, phân tích tác phẩm văn học.

                                                  *

  Với sự hiểu biết văn hóa Kinh Bắc cùng với niềm say mê thơ Hoàng Cầm, từ góc nhìn văn hóa, qua sự khảo sát công phu, khoa học, tác giả Nguyễn Thị Minh Bắc đã chỉ ra và phân tích làm rõ cái sâu sắc, vẻ đẹp và cái hay của thế giới nghệ thuật thơ Hoàng Cầm. Lấy văn hóa Kinh Bắc làm hệ qui chiếu, Nguyễn Thị Minh Bắc đã tập trung làm rõ Kinh Bắc – một trong cái nôi văn hóa lớn của dân tộc, là cội nguồn của thơ Hoàng Cầm. Đã làm rõ thơ Hoàng Cầm là tấm gương phản chiếu văn hóa Kinh Bắc với không gian nghệ thuật riêng (dòng sông Kinh Bắc, núi đồi Kinh Bắc, những hội hè, chùa chiền Kinh Bắc); thời gian nghệ thuật (thời gian đằng đẵng thương nhớ; thời gian ban đêm đầy ám ảnh); và những con người Kinh Bắc: những con người siêu nhân, những trai tài Kinh Bắc và những gái ngoan quê Kinh Bắc.

Trong chuyên luận này, người đọc có thể tìm thấy không ít những nhận xét đúng đắn, sâu sắc, khá tinh tế; và nếu như xem xét nó vào cái thời điểm 2008, khi chuyên luận Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc (NXB Hội  Nhà văn, 2008); và ngược lên năm 2003, khi tác giả Nguyễn Thị Minh Bắc bảo vệ luận văn Thạc sĩ về đề tài đó, thì có thể nói là táo bạo, mới mẻ.   

  Ngoài phần chính là chuyên luận, Nhớ người cầm Lá Diêu Bông còn có thêm phần 2: Những bài phê bình, tiểu luận của Nguyễn Thị Minh Bắc về một số bài thơ và nhà thơ Hoàng Cầm. Ở đây, cũng có thể ghi nhận sự cảm nhận khá tinh tế, sự hiểu biết khá sâu sắc của tác giả công trình. Những nhân tố nào làm nên thành công của tập sách này ? Ở đây, rõ ràng là có sự gặp gỡ, sự đồng cảm, tình yêu văn hóa Kinh Bắc của nhà thơ đầy tài năng Hoàng Cầm và tác giả của chuyên luận. Là người con của quê hương Kinh Bắc, tác giả công trình có sự hiểu biết về văn hóa Kinh Bắc, lại có điều kiện gặp gỡ, gần gũi với nhà thơ Hoàng Cầm. Và một nhân tố quan trong nữa, Nguyễn Thị Minh Bắc được “trời phú” cho một chút linh cảm, năng lực thẩm mĩ – cái điều mà không phải nhà lí luận, phê bình văn học nào cũng có được – giúp cho tác giả nhận ra được cái hay, cái đẹp của thơ Hoàng Cầm.

 Làm nên thành công của công trình còn do tác giả đã tìm được một hướng tiếp cận đúng đắn, rất thích hợp với đối tượng nghiên cứu, tìm được một đề tài nghiên cứu đích đáng: Nghiên cứu thơ Hoàng Cầm dưới góc nhìn văn hóa. Người ta đã viết nhiều, viết hay về thơ Hoàng Cầm, nhưng viết được một chuyên luận về thơ Hoàng Cầm thì không mấy người làm được. Đây có thể xem là cái duyên may của nhà nghiên cứu văn học.

  Tôi cũng có một số nhận xét về hạn chế của công trình, để tác giả khi có điều kiện tái bản cuốn sách, cân nhắc, điều chỉnh, để công trình được hoàn thiện hơn.     

  Hoàng Cầm là một tài năng thơ ca đích thực, đã đóng góp cho nền thơ Việt Nam hiện đại nhiều bài thơ hay, đặc sắc, trong đó Bên kia sông Đuống và Lá Diêu Bông là hai đỉnh cao, kết tinh tư tưởng và tài năng thơ ca của Hoàng Cầm ở mỗi thời kì sáng tác của ông. Có thể nói, ở những bài thơ hay, ta có thể nhận ra có một mạch ngầm văn hóa Kinh Bắc ẩn chìm trong thơ Hoàng Cầm, làm cho thơ ông luôn chảy trôi giữa hai bờ thực và ảochân và mỹ, vươn ra biển cả nhân bản. Đó là một trong những nhân tố cơ bản làm cho thơ Hoàng Cầm bất tử. 

            Trung Văn, ngày 17 - 7 - 2023T. Đ. S

hoagao2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét