CÚ HÍCH CHO NỀN VĂN HỌC THIẾU NHI VIỆT NAM
Về cuốn
Văn
học thiếu nhi Việt Nam khảo luận & chân dung
của Nguyên An, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2023
Vũ Nho
Trong
bài viết được trích ở cuối sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi viết về nhà văn
Văn Hồng. “người bạn đồng hành của văn học thiếu nhi” có nhận định: “Để “kích hoạt” nền văn học viết cho trẻ em
phải cần nhiều thứ, trong đó cần có cú hích của nhà nghiên cứu, phê bình” (tr.
372). Chúng tôi đồ rằng khi bắt tay vào làm cuốn sách này, nhà văn, nhà nghiên
cứu, Tiến sĩ Nguyên An ít nhiều cũng gặp gỡ với suy nghĩ của Nguyễn Nhật Ánh.
Có thể nói rằng văn học viết cho trẻ mà nay định danh là văn học thiếu nhi xuất hiện rất sớm ngay từ buổi sơ khai của mọi nền văn học. Bởi vì chúng ta biết các câu tục ngữ, các bài đồng dao, ca dao, các truyện thần thoại, cổ tích, truyện cười,… ra đời dành cho cả người lớn và trẻ em, mà hình như một số trước hết là cho trẻ em. Tác giả Nguyên An đã từng viết những cuốn sách liên quan đến thiếu nhi, học sinh : Nhà văn của các em; Kể chuyện tác gia văn học nước ngoài; Một thoáng văn nhân; Phiên bản văn nhân; Người thường gặp; Sương lại càng long lanh,… Bạn đọc sẽ không ngạc nhiên và bất ngờ khi Nguyên An, bằng nỗ lực cá nhân đã làm công việc thiên nan vạn nan là khảo luận, dựng lại lịch sử văn học thiếu nhi Việt Nam từ thời thượng cổ đến hiện nay. Cuốn sách gồm 4 phần: Dẫn nhập; Phác dựng sự phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam; Tổng quan về một số vấn đề đang được đặt ra; và Chân dung tác giả văn học thiếu nhi.
Phải công
nhận rằng chúng ta đã có nhiều người sáng tác và nghiên cứu về văn học thiếu
nhi. Tuy vậy đặt vấn đề khảo luận về lịch sử phát triển của văn học thiếu nhi,
nghiên cứu tổng quan các vấn đề của dòng, nhánh văn học này thì Nguyên An là một
trong những người người đầu tiên. Nói như thế bởi vì ở ta, đã có nhà nghiên cứu
Vân Thanh, chuyên về văn học thiếu nhi với các công trình đáng chú ý : Văn xuôi cho thiếu nhi dưới chế độ mới (1982);
Phác thảo văn học thiếu nhi Việt nam (1999);
Văn học thiếu nhi như tôi được biết (2000);
Văn học thiếu nhi Việt Nam (sưu tập,
nghiên cứu, lí luận phê bình… 2003); Tác
giả văn học thiếu nhi Việt Nam (2006); Văn
học thiếu nhi Việt Nam - Một số vấn đề về tác phẩm và thể loại (2019).
Bốn phần
trong cuốn sách của nhà văn Nguyên An thì phẫn dẫn nhập gồm đi tìm khái niệm văn học thiếu nhi và mấy ấn tượng về
sự ra đời của văn học thiếu nhi được trình bày dưới tiêu đề kiểu đồng dao “dung
dăng dung dẻ”. Ở đây, tác giả đã nêu lên 4 ấn tượng là Không gian hẹp; Mục đích giáo dục;
Cấu trúc kể cố định; Gắn với diễn xướng. Nói chung là có thể chấp nhận
được. Cái mục đích giáo dục có thể chưa đại diện cho mục đích nhận thức. Mà nhận
thức là một chức năng quan trọng của văn chương. Ví như bài đồng dao có vẻ “kì
quặc” này : Lúa ngô là cô đậu nành/ Đậu nành là anh dưa chuột/ Dưa chuột là (chị) ruột dưa gang/. Dưa gang là (bác) nàng dưa hấu/ Dưa hấu là cậu lúa ngô/ Lúa ngô là cô đậu
nành . Người ta không chú ý đến tính hợp
lí, mà chỉ chú ý cho trẻ nhận thức được các loại cây quả và các mối quan hệ gia
đình. Nhiều bài đồng dao như thế. Vậy nên có thể thêm “Mục đích nhận thức”?
Phần
Phác dựng sự phát triển của văn học thiếu
nhi Việt Nam là phần quan trọng. Phần này gồm 4 chương. Các chương được lấy
dấu mốc lịch sử để phân định. Việc này không có gì mới với người quen làm văn học
sử. Tác giả phân định Thời khai mở (Từ Hùng Vương đến năm 939), Thời bắt đầu
phát triển (từ năm 939 đến 1858); Thời có những thành tựu mới đặt nền móng cho
sự phát triển vượt bậc (từ 1858 đến 1945) và cuối cùng là Thời phát triển toàn
diện, mạnh bước trên đường đổi mới và hội nhập (!945 đến nay). Chúng tôi cho rằng
tác giả có lí khi ở chương 1, đưa ra những Giả đinh, và dùng nhiều Ghi chú để
lưu ý những điểm quan trọng.
Chúng
tôi ghi nhận sự trích dẫn phong phú các văn liệu văn học dân gian và văn học viết
để minh chứng cho những đánh giá và nhận định. Tác giả trình bày mạch lạc, nhận
định chừng mực, nhiều khi không cứng nhắc mà mềm dẻo, linh hoạt. Có thể thấy các
mốc lịch sử rành mạch thế, nhưng những tác phẩm văn học dân gian khó mà chứng
minh niên đại ra đời. Vì vậy phải có giả định, và không cứng nhắc khi kết luận.
Chúng
tôi tâm đắc với đánh giá của tác giả về bài “Thằng Bờm…” (trang 74). Bài này
người ta đã tranh cãi nhiều, chỉ dựa trên quan điểm giai cấp phú ông là xấu, là
mưu mô, còn Bờm là minh mẫn, biết thừa kiểu lừa…
Có
điều băn khoăn. Khi phân tích các văn bản văn học dân gian, tác giả không dựa
vào văn bản cổ nhất. Chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh nên dựa vào bản gốc trong Việt điện u linh. Gốc của
truyện này chính là truyện “Tản Viên hựu
thánh khuông quốc hiển ứng vương” trong sách “ Việt điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên cuối thế kỉ XIII. Còn phân tích như tác giả ở trang
55 là từ quan niệm bây giờ dựa trên văn bản được thêm thắt. Từ đó chê vua Hùng thiển cận, nói Sơn
Tinh chắc thắng là sai lầm nghiêm trọng, không đúng với bản chất của truyện thần
thoại (nói về các thần, giải thích về các hiện tượng tự nhiên).
Vì
muốn nhấn mạnh đến thiếu nhi, thiếu niên mà tác giả cố gán “Bài ca chúc tết thanh niên” của Phan Bội
Châu cho thiếu niên (trang 94) thì khiên cưỡng quá!
Công
bằng mà nói, tác giả đã sử dụng nhiều văn liệu dân gian và văn học viết để minh
họa, dẫn chứng. Những điều phác dựng 4 chương là một thành quả của sự tỉ mỉ,
công phu và nhiệt huyết của tác giả.
Hết
phần 2, coi như mục đích của cuốn sách đã hoàn thành. Nhưng tác giả muốn đi sâu
hơn nữa vào chuyên đề văn học thiếu nhi, nên đã kì công làm phần Tổng quan một
số vấn đề đang đặt ra. Bốn vấn đề mà tác giả đặt ra gồm Văn học thiếu nhi Việt Nam từ ý niệm đến bản chất; Văn học thiếu nhi với
việc dạy trẻ; Hội nhà Văn Việt nam với Văn học thiếu nhi; Ghi nhận lao động nhà
văn với văn học thiếu nhi. Nhìn chung cách đặt vấn đề là thẳng thắn, xây dựng.
Đó là những điều mà người phác dựng lịch sử phát triển văn học thiếu nhi Việt
Nam đau đáu quan tâm.
Có
điều đáng tiếc là phần ghi nhận lao động nhà văn với văn học thiếu nhi chỉ là “thuận
tay” ghi ở một trại viết. Những nhà văn đóng góp nhiều cho Văn học thiếu nhi
như Trần Đăng Khoa, Đặng Hấn, Vương Trọng, Phạm Hổ, Nguyễn Hoàng Sơn, Lê Hồng
Thiện, Lê Phương Liên, Vân Thanh,… không có mặt.
Phần
chân dung tác giả văn học thiếu nhi thể hiện sự công phu của tác giả vốn là người
có thành tựu về việc dựng chân dung. Trong phần này có hai cụm chân dung: Cụm
1, là chân dung một số nhà văn lâu nay được dạy trong nhà trường các cấp như Thạch
Lam, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Huy Cận, Xuân Diệu… Đọc họ, hiểu thêm về họ qua
Nguyên An, nói như nhà PBVH Bùi Việt Thắng, thì việc dạy - học Văn đã thú vị
hơn rất nhiều; Cụm 2, là chân dung Trần Quốc Toàn và Nguyễn Nhật Ánh do Bùi Hồng
viết và chân dung Văn Hồng do Nguyễn Nhật Ánh viết (3 bức chân dung này do
Nguyên An đưa vào). Việc đưa thêm ba bức chân dung của người khác viết vào sách
của mình là một chủ ý của tác giả, giúp bạn đọc cũng có thể hiểu thêm một nét đời
thường, hoặc một kỉ niệm khó quên với các nhà văn có tên tuổi trong làng văn.
Điều
cuối cùng chúng tôi muốn đề cập là cuốn sách này dù sao cũng là cuốn khảo luận.
Đã là khảo luận thì việc tham khảo các tài liệu, trích dẫn các nguồn sách lí luận,
sách sáng tác là cần thiết. Dẫu rằng khi trích dẫn, tác giả cũng đã chú rõ nguồn.
Bởi vậy mà một bản tóm lược danh mục sách tham khảo là nên làm. Có lẽ tác giả
thấy sách đã dày nên không muốn đưa vào chăng?
Dẫu
còn điều này điều khác cần trao đổi thêm, và sách ra, được trao đổi thêm - theo
tôi, đấy cũng là một thành công bởi nó có tính dẫn gợi, đối thoại… như chính
tác giả và nhà xuất bản đã tiên lượng. Chúng tôi đánh giá cao công phu, nhiệt
huyết của tác giả Nguyên An. Cuốn sách này đúng là bổ ích và có giá trị như
lời giới thiệu của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
Hà Nội, 16 tháng 6 năm 2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét