Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

MỘT NGƯỜI LÃNG MẠN MỘNG MƠ

 



MỘT NGƯỜI LÃNG MẠN MỘNG MƠ

 

          Tập thơ “Bức họa không màu” của Phan Thanh Vân, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2023

Vũ Nho

 Phan Thanh Vân là giảng viên Toán Tin, Trường Cao đẳng Sư Phạm Quảng Ninh, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh đã in một số tập thơ: Giấc mơ 2006, Trăng lên 2009, Đốm lửa 2020, Cầu mây 2021, Giai điệu vô thanh 2022. Nhưng tập thơ này có thể coi là đặc biệt. Vì 92 bài dài ngắn trong tập đều là thơ tình, phản ánh tâm trạng của một người yêu với nhiều cung bậc nhớ mong, hờn dỗi, trách móc, nhẫn nại, cô đơn, dịu dàng, ước ao, khao khát,…

          Người thơ vừa như mọi tình nhân bình thường, nhưng lại không giống họ. Nét khác ở đây là người thơ vẽ tranh nhưng là “bức họa không màu”. Và khác nữa là người thơ nói với người mình yêu bằng “tiếng nói vô thanh”, bởi chỉ nhìn nhau đã hiểu. Trong bài thơ “Bức họa không màu”, tác giả viết:

                   Bởi vẽ tranh em mới biết mình nghèo

                   Chắt cạn hồn chưa đủ màu cần thiết

                   Và ánh sáng còn chưa thanh khiết

                   Bức họa không màu em vẽ suốt thời gian

Thốt nhiên nhớ đến bài thơ cố thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp về cô bé đi chùa Hương có đoạn cuối viết bằng văn xuôi. Có thể nói rằng Thanh Vân “vẽ suốt thời gian” và sẽ còn viết, còn vẽ mãi về người tình lí tưởng mà nàng trân trọng giấu vào trong tim như bài thơ “Giấu anh” được trang trọng in lên bìa gấp 4:

                   Em nhìn hoa, hoa nở

                   Em ngắm mây, mây cười

                   Thong dong dạo giữa đời

                   Nhặt hạt mưa, hứng nắng

                   Ồn ào hay tĩnh lặng

                   Chỉ một màu sáng trong

                   Giấu anh ở trong lòng

                   Lan tỏa nguồn hạnh phúc

 (Giấu anh)

Tình yêu có một quy luật riêng mà ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã tổng kết:

                   Uống xong lại khát là tình

                   Gặp rồi lại nhớ là mình của ta

Tác giả Phan Thanh Vân cũng nói đến “Khát” những “Cơn khát”, nhưng nhiều nhất là sự cô đơn. Hầu như rất nhiều bài thơ, câu thơ nói đến tình trạng “một mình”. Càng cô đơn lại càng khao khát. Càng một mình lại càng mong có hai mình, có một đôi. Từ “Một mình đêm vắng lệ rơi” (Bài Đêm vắng, trang 12) cho đến “Một mình thút thít” (trang 92) có 12 bài thơ, câu thơ nhắc đến trạng thái “một mình” kiểu: Canh khuya một mình một lối, Một mình thao thức, Một mình ngồi khóc với đêm thâu,…

          Người tình của tác giả là một người khá “bí ẩn”. Anh ta luôn đến rồi đi đột ngột, bất ngờ. Và hầu như chẳng bao giờ ở bên cạnh lâu. Luôn ở một nơi xa dù cho hình ảnh anh ta người thơ cất (giấu) ở trong lòng (bài “Giấu anh”).

          Đây là những giây phút hạnh phúc:

-         Người đến hồn ta ru điệu nhạc

(Neo ngọn gió)

-         Lãng quên tháng đợi năm chờ

Bên nhau yên lặng tràn bờ bến thương

                        (Bến thương)

Soi vào đôi mắt anh

Thấy mình tươi sáng quá

Sóng gió thành yên ả

Trong nụ cười anh trao

      (Soi vào mắt anh)

Thế nhưng người tình ấy luôn cách xa để người thơ nhớ nhung, mộng mơ, hờn trách rồi băn khoăn: “Người ta có phải lòng tôi/ Sao tôi dở khóc, dở cười, dở say?” (Dở say).

          Sẽ không ngạc nhiên khi người thơ thường luôn hoài niệm. Đi dạo thì “Dạo lối xưa”; mơ thì mơ “Giấc mơ xưa”; trên đường thì nhớ “Quãng đường xưa”; đón gió mát thì nghĩ đến “Cơn gió ngày xưa”; khi “Trầm cảm” thì “Cố chôn vùi những giấc mơ xưa”. Những gì của dĩ vãng, của “ngày xưa” thường gắn với kỉ niệm gặp gỡ với “anh”, với “người ta”!

          Có thể nói cả tập 92 bài thơ đều là thơ tình, đều là những cung bậc của tình yêu giữa em (người thơ) và anh, một người tình vừa gần gũi vừa xa cách, vừa đơn giản vừa bí ẩn, vừa dịu dàng vừa nghiêm nghị. Đó phải chăng là người tình lí tưởng, người tình mơ ước, người tình trong mộng? Viết được cả một tập thơ tình phong phú các cung bậc tình cảm như thể, chỉ có thể là một người giàu lãng mạn và lắm mộng mơ.

          Tôi muốn bạn đọc lưu ý về một bài thơ không liên quan đến hình sự nhưng có tên gợi tò mò: “Vào tù”:

          Gặp anh tôi lạc bước vào tù

          Lộng lẫy mây trời rợp sắc thu

          Anh khóa hồn tôi muôn cửa trống

          Tôi tìm lối thoát vướng sương mù

Chao ôi! Nhà tù mà như khu thiên nhiên tươi đẹp. Nhà tù mà các cửa trống không khóa, cũng chẳng có lính canh. Nhà tù mà người bị nhốt chừng như không muốn “thoát ra” nên viện lí do “vướng sương mù”. Để tiện so sánh hai tù nhân khác giới, xin mời xem bài thơ của nhà thơ Duy Khoát:

          TÙ NHÂN

Anh muốn được ở tù trong tim em trọn kiếp

Đừng phóng thích anh sớm trước hạn tù

Nếu chúa ngục "khoan hồng" vội vã

Anh sẽ về quyết chí đi tu!

 

          Phải chăng vì “được/bị” giam trong nhà tù đặc biệt ấy nên người thơ có thời gian và cảm hứng làm nên tập thơ tình lãng mạn mộng mơ này?

 

Hà Nội, 21 tháng 6 năm 2023

         

                  

                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét