MÀU ĐẠI NGÀN
Bút ký của Cao Ngọc Thắng
Vào những ngày hạ tuần tháng Tám năm 2016, hoàn lưu sau bão số 3 chưa dứt hẳn, ở Hà Nội vẫn mưa ròng rã mà trong này nắng chan hòa, ánh mặt trời phủ lên đại ngàn một màu tươi tắn, sống động, lung linh, khiến mỗi bước chân cứ chùng chình không nỡ rời khỏi tán rừng rười rượi phả hơi mát lạnh đê mê, tiếng suối thì thào quyến luyến, tiếng thác đổ nhịp nhàng vang vọng…
Tôi lắng nghe nhịp thở cường tráng của một cơ thể có sức sống thanh khiết và đầy ắp sinh khí ẩn tàng trong điệp trùng giao hòa trời đất, khác hẳn những nơi đồi núi trơ khấc, sỏi đá trần trụi lúc phơi mình dưới nắng trời gay gắt, khi vật vã lăn trượt trong lũ quét, để lại những vết lở loét hoắm sâu, nhức nhối và tội nghiệp.
Đặc điểm nổi bật ở vùng sơn cước phía tây bắc tỉnh Thanh Hoá là sự tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông - loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa với năm loại kiểu thảm rừng phát triển trên những loại đất phong hóa từ các nền nham thạch khác nhau, có sự tương đồng cao về khu hệ động thực vật so với Cúc Phương gần đó (chỉ cách 25 kilômét), trải rộng trên địa phận hai huyện Bá Thước và Quan Sơn, tổng diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái.
Thị trấn Quan Sơn cách Thành phố Thanh Hóa gần 150 kilômét, đi tiếp 58 kilômét nữa sẽ tới cửa khẩu quốc tế Na Mèo, giáp nước bạn Lào. Cuối quốc lộ 15, xe chúng tôi rẽ trái vào quốc lộ 217 (rẽ phải là về thị trấn Cành Nàng – huyện lỵ Bá Thước), con đường vừa được nâng cấp và mở rộng, phẳng phiu, vạch sơn phân luồng xe còn mới toanh, vậy mà người dân ven đường bảo: vẫn chưa được nghiệm thu. Hỏi vì sao? Trả lời: lớp bê tông nhựa chưa đủ độ dày đấy.
Hai bên dọc đường vào thị trấn Quan Sơn rừng thứ sinh và rừng trồng trải màu xanh ngút ngát, đặc biệt là cây luồng, một đặc sản của rừng xứ Thanh, chứng tỏ đất rừng ở đây rất tốt, được bảo vệ và bồi bổ bởi chính lá rừng thay liên tục trong năm. Và, hãy nghe tiếng những dòng nước từ sườn núi chảy ra không lúc nào ngơi nghỉ, rì rào, róc rách như mách bảo: đời sống của người dân, của ruộng nương, của sông, suối ở đây không bao giờ lo thiếu nước - rừng là nơi điều hòa, cung cấp nguồn nước dồi dào, mát ngọt, trong lành. Những dãy núi xếp thành tầng với những đỉnh nhô lên uốn lượn cao dần đền đường chia nước, trải rộng như chiếc thảm màu xanh thăm thẳm hòa với mây trắng hồng bồng bềnh từng đám, thi thoảng lộ ra những mảnh trời ngăn ngắt xanh, cho thấy một không gian hùng vĩ, tàng trữ sự sinh sôi không ngừng cho cái đẹp vĩnh cửu, khiến con người ngẩn ngơ, mơ mộng, được tái hiện vào đời sống vật chất và tâm linh thành dòng chảy văn hóa đặc thù, mỗi nơi mỗi vẻ, độc đáo, nên thơ.
Nơi thượng nguồn sông Mã có nhánh sông Luồng xẻ vực sâu không kém đoạn sông Mã ở địa phận tỉnh Sơn La, lại được nhánh sông Lò tiếp sức, tạo nên dòng chảy khỏe khoắn, ầm ào, cuồn cuộn, nhiều đoạn trên quốc lộ 217 phải đổ bê tông, kè từ dưới chân lên mặt đường cao bằng tòa nhà hai ba tầng, tốn kém còn hơn xây những chiếc cầu dưới đồng bằng. Qua ngã ba sông Lò đổ vào sông Luồng một đoạn là đến cửa khẩu Na Mèo, nơi đặt cột mốc số 327 (1) trên đường biên giới Việt-Lào; bên kia là bản Nậm Xơi, xã Đơi, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn của nước Lào anh em. Ở Na Mèo có chợ đường biên họp vào thứ bảy hàng tuần, người dân tụ hội trao đổi, bán mua, đậm đà tình nghĩa láng giềng trong trang phục sặc sỡ hoa văn của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông từ các bản làng gần xa của hai nước đổ về.
Chúng tôi xuôi về bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy, nơi có đền thờ ông Tư Mã Hai Đào, có chuyện tình Pha Dua lâm ly huyền cổ. Bản Chung Sơn nằm khá sâu, cách xa đường 217, nhưng cuộc sống của đồng bào Thái ở đây rất sinh động, nhà sàn cao ráo, sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, trẻ em ăn mặc tươm tất, được học hành chu đáo, phụ nữ khéo tay thêu, dệt những tấm thổ cẩm mịn màng hoa văn, màu sắc đẹp, tươi, khoác lên người tôn nét duyên dáng, uyển chuyển. Thức ăn ở đây khá phong phú, hương vị đặc trưng như cá nướng (pá pinh tộp), canh ưa làn, gà nấu với hạt dổi, chẻo pá để chấm măng luộc, xôi nhuộm lá cây có màu tím, màu đỏ (gọi là xôi cung căm, cung đénh) đặc biệt là món lươn đùm lá chuối nướng mà ngày trước chỉ có nhà giàu mới được dùng.
Cũng thuộc xã Sơn Thủy, khu hang động Bo Cúng nằm sâu hơn nữa, giữa các bản nghe tên đã muốn khám phá: Núi Da, Núi Pù Ôi, Núi Ro Tai và bản Chanh, đường đi có phần trắc trở hơn. Hang Bo Cúng vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ, cửa vào hẹp phải chui từng người từ trên xuống, nay được mở rộng ra đôi chút, nhưng bên trong dần dần mở ra những không gian rộng đủ chứa hàng trăm hàng nghìn người. Nền hang là một lớp đá cuội tròn như trứng chim, trứng cò, hay dẹt như vỏ sò vỏ hến. Trong hang muôn vàn cột đá, nhũ đá gắn vào vách hay buông từ trần xuống như những bức phù điêu, hình thù đa dạng, ánh sáng chiếu vào bật lên lung linh, diễm lệ như đang ở trong động tiên, mát lạnh, cảm giác lâng lâng, nhẹ bổng. Về độ kỳ vĩ, Bo Cúng là hang động đá vôi hiếm có mà tôi từng thấy. Vào hang phải lội qua một con suối có tên là Xia (tiếng Thái có nghĩa là mất), gắn liền với huyền tích về cuộc bỏ bản ra đi của người dân vì vị cầm đầu (tạo) không đủ năng lực cai quản và hách dịch. Lội qua lòng suối Xia rộng khoảng hai chục mét để vào hang Bo Cúng là một trải nghiệm rất thi vị. Các cô gái Thái hướng dẫn chúng tôi đi nghiêng người để tránh bớt dòng nước xiết, đặt bàn chân thật vững trên những hòn cuội to và trơn. Lòng suối đoạn này nông hơn, nhưng chỗ sâu cũng ngang bắp đùi, ai cũng ướt sũng quần, chỉ váy của các cô gái vẫn khô ráo.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quan Sơn Hà Thị Mai cho chúng tôi biết: cùng với nhiều địa điểm trong huyện, xã Sơn Thủy, bao gồm cả quần thể hang động Bo Cúng, suối Xia nằm trong đề án phát triển văn hóa và du lịch đã được tỉnh phê duyệt, không lâu nữa sẽ triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng để đón du khách, trong đó có việc làm con đường nối với quốc lộ 217 là quan trọng hàng đầu.
Chúng tôi rời Sơn Thủy trong sự lưu luyến của cán bộ và bà con, đem theo ấn tượng khó phai về hang động Bo Cúng bên dòng suối Xia, về con người thân thiện có những cái tên in sâu vào trí nhớ: Vi Thanh Dón- Bí thư, Ngân Văn Pắng- Phó bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, Hà Xuân Tân- Chủ tịch UBND xã và các cô gái duyên dáng Ngân Thị Lý, Vi Thị Hoài Thu, Hà Thị Phượng, Ngân Thị Khua, Lục Thị Ngân, Hà Thị Yến…
*
Pù Luông, theo tiếng Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng– cao 1.740 mét so với mực nước biển, trên đó có địa danh Son-Bá-Mười (hay còn gọi là khu Cao Sơn, độ cao tuyệt đối khoảng 1.180 m), tên ba bản vùng cao của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Son-Bá-Mười gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, luôn là thử thách và hấp dẫn dành cho ai có niềm đam mê khám phá tập tục của người Thái cổ cùng những nếp nhà sàn còn giữ nguyên dấu ấn truyền thống, thể hiện rõ nét đặc thù chưa bị kiến trúc hiện đại pha tạp, để tận hưởng khí hậu ôn hòa quanh năm như ở Sa Pa hay Đà Lạt.
Đứng ở thôn Đông Điểng, trụ sở UBND xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, nhìn lên đỉnh Pù Luông và Cao Sơn mà tiếc, bởi lượng sức mình không thể vượt con đường dốc dựng ngược, cheo leo và đầy nguy hiểm, ngay cả người dân địa phương cũng ít người lên được đó. Chúng tôi “đành” theo cán bộ xã thâm nhập bản Kho Mường cách đó hơn hai cây số (từ đường 521C), một địa điểm dân phượt bạo gan lắm mới dám khám phá. Đường xuống bản Kho Mường thật sự nguy hiểm, ngoài hình dung ban đầu của tôi.
Ngồi sau xe máy do Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn Hà Thanh Quảng cầm lái, một thanh niên ngoài ba mươi tuổi, thạo đường và cứng lái, người tôi căng ra, chúi về phía trước, nhiều lúc như muốn văng ra khỏi xe. Độ dốc con đường xấp xỉ 30 độ, thẳng và kéo dài khoảng một cây số rưỡi. Mặt đường là lớp đá tròn, nhẵn, to như trứng gà trứng vịt trứng khủng long lổn nhổn. Xe máy không thể đi trên mặt đường mà phải men theo vệt mòn bên rìa, chỉ rộng hai ba mươi phân với rãnh sâu và trơn chuội ngay mép vực, chỉ cần lạng tay lái là cả người và xe mất hút dưới vực thẳm. Hết con dốc đó, tưởng đã thoát, thì lại ngược hai ba chục mét, người ngả căng về phía sau, để rồi tiếp tục cắm mặt xuống đoạn đường lát bê tông còn dốc hơn, dài bảy tám trăm mét, rộng khoảng bảy mươi phân, quanh co, gấp khúc - đó mới chính là con đường độc đạo vào bản Kho Mường. Lúc trở ra, nỗi kinh hoàng không giảm chút nào, đôi khi còn phải tránh người đi xuống thì sự nguy hiểm càng tăng lên. Khi biết đáy lòng chảo Kho Mường so với mặt đường 521C chênh nhau đến 200 mét, tôi mới hiểu con đường vào bản dài hơn hai cây số chênh vênh và nguy hiểm đến mức nào! Người dân bảo: con đường này hình thành từ khi thực hiện Dự án 135, mấy năm nay rồi, nhưng không có tiền để nâng cấp. Sau mỗi mùa mưa, nước xối làm đá nền rời ra, chuồi lên lổn nhổn khắp mặt đường. Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải gắng chịu đựng. Hà Thanh Quảng tâm sự: hằng ngày anh đi trên con đường này để về nhà ở xã Cổ Lũng (cách Đông Điểng cả chục cây số theo lối tắt), có ngày đi về bốn lượt, kể cả ngày mưa và đêm tối, chưa kể những chuyến vào các thôn, bản trong xã khi có công việc đột xuất.
Trong chuyến công tác về các huyện miền núi tây bắc tỉnh Thanh, tôi càng thấu hiểu nỗi vất vả, khó nhọc, mất nhiều công sức và luôn đối đầu với hiểm nguy của đội ngũ cán bộ thôn, xã vùng cao. Sức chịu đựng của họ thật phi thường. Đối lại, ở họ luôn toát lên sự hào sảng, mến khách và rất gần dân. Hà Thanh Quảng, Lương Thị Dự- cán bộ văn hóa xã, Ngân Văn Tùng- cán bộ văn thư xã (cả ba đều là người Thái) đưa chúng tôi vào bản. Bà con Kho Mường niềm nở tiếp đón chúng tôi như những người thân quen.
Chúng tôi dừng chân ở nhà ông Hà Đình Nếnh (người Thái), 62 tuổi, một cựu chiến binh, chiến sĩ hậu cần thuộc Sư 338, Đoàn 559, từng tham gia đánh trận ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, nhiễm chất độc màu da cam trong trận Mỹ thả bom hóa học ở Hướng Hóa, A Lưới. Ông bà Nếnh sinh năm người con, thì hai người mất sớm. Gia đình ông được chọn làm điểm cho dự án Du lịch cộng đồng. Ông Nếnh nói điều như đã ngẫm ngợi từ lâu: Muốn Kho Mường thường xuyên có khách, thì trước hết phải đầu tư cho cái đường tốt đã. Sự thật đúng như vậy!
Kho Mường nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, bốn bề núi cao, thực sự là một lòng chảo, quy tụ 57 hộ người dân tộc Thái, cư trú trong những ngôi nhà sàn nép bên sườn núi nhìn xuống những mảnh ruộng trồng lúa và một con suối nước trong vắt quanh năm, xuyên dọc bản và đến chân hang Dơi mất hút vào lòng khối núi đá vôi cao ngất, chảy tới tận đâu không rõ. Người dân bảo nếu cái cửa ngầm này bị tắc thì Kho Mường sẽ chìm trong bể nước không biết chạy đường nào cho thoát. Hang Dơi (còn gọi là hang Kho Mường) hầu như còn nguyên sơ. Cửa hang trông giống một sân khấu rộng mênh mông, được trang trí bởi những cột, nhũ, đăng ten bằng đá, nổi lên óng ánh mỗi khi ánh mặt trời rọi vào. Giữa cửa hang có một đụn đá lớn, cao đến mấy chục mét, cây lá phủ xanh mướt. Người dân gọi cột đá này là Ái Lấc Cấc, nghĩa là một người phụ nữ có hai chồng, cách gọi hàm ngôn hết sức. Xuống sâu, lòng hang giãn ra vuông vức, rộng và phẳng như một sân bóng đá, có thể chứa hàng nghìn người. Từ cửa hang Dơi nhìn ngược về, bản Kho Mường đẹp như một bức tranh sơn dầu, màu sắc, đường nét và bố cục hài hoà. Dăm du khách người nước ngoài đang lặn lội khám phá hang Dơi.
*
Chia tay bản Kho Mường, thôn Đông Điểng, xã Thành Sơn, chúng tôi sang xã Cổ Lũng (còn gọi là Mường Khoòng, cũng thuộc huyện Bá Thước). Nghe giới thiệu, những tưởng đường vào bản Hiêu “êm ái” hơn vào bản Kho Mường. Thực tế có phần bớt nguy hiểm hơn, vì đường không dốc, nhưng cưỡi trên xe máy chúng tôi cũng phải ì ạch trên quãng đường bốn năm cây số gập ghềnh và nhão nhoét, nhằng nhịt những vệt lõm sâu cỡ mười phân, dài cả chục mét, bánh xe lọt vào khó mà thoát ra, cứ thế rê hai chân, tay lái không vững là ngã nhào. Ấy thế mà người dân vẫn phăm phăm đi lại, còn lai thồ hàng hóa chất đầy. Đi xe máy vào bản Hiêu hay bản Kho Mường, người ngồi sau như chịu một cực hình, thần kinh và cơ bắp toàn thân cứng đơ, căng thẳng, xuống xe rồi mà ngỡ còn mơ, hồi lâu mới trở lại trạng thái bình thường - một “ấn tượng” khó quên về chuyến đi liều lĩnh… Song, cảnh vật Cổ Lũng rất lạ, xóa tan nhanh chóng tâm trạng lo âu bởi những cọn nước guồng nhịp nhàng, những tán cọ xòe lấp lánh phản xạ ánh mặt trời, những ruộng nương trù phú, những nếp nhà sàn e ấp nơi triền núi; và, con người bỗng trở nên thư thái trước dòng suối Hiêu hiện ra trắng xóa, nước trong và mát lạnh, xối xả trên những tảng đá trắng ngần, làm rực lên những nếp váy áo sặc sỡ hoa văn ôm gọn đường cong tha thướt của thiếu nữ Thái đang độ trăng tròn, nhí nhảnh khỏa nước đùa vui trên dòng suối lấp lóa muôn giọt nắng trời. Hiêu là tên của bản và cũng là tên con suối, theo tiếng Thái có nghĩa là “mỏm đất chênh vênh”, phù hợp với hình dáng của mảnh đất này. Nước suối Hiêu chứa hàm lượng lớn chất vôi, có khả năng vôi hóa, phủ lớp dày lên rễ cây bám vào hai bên bờ thành những hình thù lạ mắt, có thể lấy về làm vật trang trí, đẹp tao nhã.
Vùng Cổ Lũng có giống vịt cổ ngắn, to, chân ngắn, thịt chắc và thơm, tạo nên thương hiệu “vịt Cổ Lũng”; giống vịt này nuôi thả ngoài đồng, không cho ăn cám nên trứng nhiều lòng đỏ, giá bán cao hơn các giống vịt khác. Du khách “kháo” nhau, đến Cổ Lũng mà chưa được tắm nước suối Hiêu và chưa thưởng thức vịt cổ ngắn thì coi như chưa biết mảnh đất đẹp như tranh này. Ở Bá Thước, ngoài vịt Cổ Lũng còn các món ẩm thực độc đáo chế biến từ lợn cỏ, gà đồi, cá dốc, tằm lá sắn (tằm nuôi bằng lá sắn nhưng không cho làm kén; người Thái gọi là tà nang, người Mường gọi là xắm) và các món nộm hoa chuối, canh măng… Trên đường trở về từ bản Hiêu ra thị trấn Cành Nàng, du khách thường ghé chợ phố Đòn, phiên chợ vùng cao đặc biệt của người dân Bá Thước. Chợ chỉ họp vào sáng thứ 5 và sáng chủ nhật hàng tuần. Khách có thể ăn bát canh đắng, rồi dạo chợ, mua sản vật người dân tự trồng hoặc thu lượm từ núi rừng đem đến đây bán, như mật ong, măng rừng, cua, ốc đá…
Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (năm 1999) đã tạo nên “chiếc lá chắn” hữu hiệu về pháp lý, ngăn chặn nạn phá rừng và hủy hoại đất rừng, củng cố ý thức và trách nhiệm bảo vệ các nguồn tài nguyên rừng, mở rộng diện tích rừng trồng trên vùng đất cư trú của đồng bào các dân tộc ít người (ở đây chủ yếu là người Thái rồi đến người Mường, người Mông). Đồng bào vốn coi rừng là người mẹ, người bạn đồng hành cùng đời sống vật chất và tâm linh từ bao đời nay. Ở vùng này có một tục lệ mang đậm dấu ấn mẫu hệ: những người hành nghề thầy mo, thầy cúng chỉ được cộng đồng thừa nhận khi được Bà Một - nhân vật nữ có quyền lực, chứng thực (bằng cách khắc vào thân một cây bông) trong một lễ nghi trang trọng đậm màu sắc huyền bí, tâm linh.
*
Ở độ cao trung bình thấp hơn hai huyện Quan Sơn và Bá Thước, độ phì nhiêu của đất ruộng và đất rừng ở huyện Lang Chánh có phần kém hơn, song các nguồn tài nguyên cũng thật là đa dạng. Tài nguyên nước rất phong phú bởi được cấp từ ba con sông lớn là: Sông Cảy, sông Sạo, sông Âm.
Thác Ma Hao là thác lớn nhất của sông Cảy, có tiềm năng phát triển thuỷ điện và du lịch sinh thái, nguồn nước ngầm khá dồi dào. Về khoáng sản, ở xã Trí Nang có mỏ đất sét dùng sản xuất gạch chịu lửa và mỏ đồng, trên rặng núi Pù Rinh có đá granit trữ lượng lớn và chất lượng cao.
Theo hướng dẫn của Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lang Chánh Lê Thị Tâm, Chánh Văn phòng UBND và HĐND xã Trí Nang Nguyễn Thị Liễu, và cán bộ văn hóa xã Trí Nang Nguyễn Thị Hiền, chúng tôi đã có mặt ở bản Năng Cát, cách huyện lỵ Lang Chánh chưa đầy 20 kilômét.
Tại đây, chúng tôi được Bí thư Chi bộ Ngân Văn Thuận, Trưởng bản Hà Văn Cảnh cho biết: Vùng đất thuộc xã Trí Nang ngày nay, trước Cách mạng tháng Tám (1945) thuộc mường Bo (hay còn gọi là mường Bỏ), châu Lang Chánh. Bản Năng Cát có 128 hộ dân với 567 nhân khẩu là người Thái. Nhà sàn ở đây giữ được kiến trúc bản thể, trong đó có bảy ngôi nhà đã được đầu tư để đón du khách theo hướng du lịch cộng đồng. Sau đó, Tổ trưởng Ngân Thị Quyến và các thành viên Hà Thị Nặt, Phạm Thị Nung dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất “Rượu siêu men lá”, một thứ rượu có vị rất độc đáo, nấu từ gạo ngon, ủ với loại men mà lá và nước lấy trong núi Pù Rinh. Rượu này nhâm nhi với món cá hồi, cá tầm (nuôi trong trang trại của Công ty Hà Dương gần đó) hay các loại cá bắt ở sông, ở suối cuốn với lá sa lăng (chỉ vùng này mới có) vừa bùi vừa thơm, thưởng thức một lần là nhớ mãi. Tổ sản xuất Rượu siêu men lá mới được tổ chức vài năm nay, đang trên đường xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Một câu lạc bộ gồm 25 thành viên hình thành theo một đề án của xã, nhằm quảng bá những nét văn hóa truyền thống đặc trưng, những sự tích, những nét đẹp của cảnh quan quê hương, hát giới thiệu các làn điệu dân ca dân tộc Thái.
Xã Trí Nang nằm dưới chân dãy Pù Rinh (còn gọi là núi Chí Linh, có đỉnh cao nhất 1200 mét trên mực nước biển), có thác Ma Hao, di tích gắn liền với công cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi ở thế kỷ thứ XV. Năng Cát và Ma Hao là hai cái tên do chủ tướng Lê Lợi đặt khi quân của ông đang ở giai đoạn lâm nguy. Địa danh Năng Cát xuất phát từ câu chuyện cát lắng lại trong nồi (năng tiếng Thái có nghĩa là nồi đồng) lẫn với cơm khi nghĩa quân lấy nước sông Âm trong mùa cạn để đun nấu. Địa danh Ma Hao (tiếng Thái có nghĩa là chó ngáp) ra đời gắn với sự tích nghĩa quân Lam Sơn tri ân chú chó đi theo đoàn quân, có nhiệm vụ cảnh giới, trải qua những chặng đường dài khi gặp thác thì chú chó kiệt sức, đứng ngáp bên dòng nước cuồn cuộn, nhưng khi lũ chó giặc lao đến, chú chiến đấu kiên cường và gieo mình xuống dòng thác; sự hy sinh của chú đã góp phần cản giặc Minh để nghĩa quân rút lui an toàn.
Quanh núi Pù Rinh, đá tảng xếp tầng xếp lớp, cây cối um tùm, suối sâu vách dựng cheo leo, vô cùng hiểm trở. Bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh, các dòng suối nhỏ chảy dọc theo những cánh rừng già hợp thành dòng suối Cảy, đổ xuống tạo thành thác Ma Hao nước trắng xóa quanh năm. Thác Ma Hao rất cao, càng đi lên càng hiểm trở. Dưới chân thác những khối đá nằm dàn trải tạo nên các hình kỳ thú, chỗ thì như đàn voi đang đi xuống núi, góc thì chồng lên như hòn trống mái, nơi thì như những quả trứng khổng lồ đủ mọi kích cỡ, lồi, lõm như hòn non bộ. Tạo hóa đã ban cho Ma Hao một cảnh quan tuyệt đẹp, có lẽ đẹp nhất trong nhiều thác ở đại ngàn Thanh Hóa. Với khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 15 - 18 độ C, nước từ thác Ma Hao đổ xuống mát lạnh ngay cả trong mùa hè nóng nực, oi bức.
*
Những ngày ít ỏi tìm hiểu đời sống sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc ít người, tham quan cảnh đẹp độc đáo ở một số địa phương của ba huyện miền núi tây bắc tỉnh Thanh Hóa, để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng mạnh, từ đó cảm nhận một số điều tâm đắc. Đây là một vùng cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn khá tốt. Đầu tiên là công việc bảo vệ và phát triển lớp phủ rừng, điều kiện tiên quyết cho đất, nguồn nước, khí hậu, quần thể động thực vật phát triển tự nhiên. Việc bảo tồn các giá trị nhân văn trong đời sống văn hóa hình thành từ lâu đời, những nếp nhà sàn cổ, những truyền thống sản xuất, luôn là động lực cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng phát huy những nét đẹp. Những nhân tố đó kết tinh thành những tiềm năng lớn, tạo điều kiện cho nhiều mục đích khai thác khác nhau, trong đó có tiềm năng du lịch nổi trội.
Được biết, Thanh Hóa là vùng đất "địa linh nhân kiệt”, hiện còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Trong 1.535 di tích lịch sử văn hóa, có 768 di tích đã được xếp hạng, nhiều cụm di tích có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật, kiến trúc. Hệ thống văn hóa phi vật thể rất đa dạng và đặc sắc, mang sắc thái riêng của các dân tộc, với 160 lễ hội truyền thống liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa đặc trưng. Năm 2015, Thanh Hóa đã tổ chức quảng bá thành công Năm Du lịch tỉnh Thanh, đặc biệt là việc chỉnh đốn, tổ chức lại cách thức dịch vụ theo hướng văn minh, thân thiện; chẳng hạn, khu bãi biển Sầm Sơn có nhiều đổi mới: trật tự, sạch, đẹp, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Cùng với nền tảng quan trọng đó, tư duy đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới đường sá, đồng thời tăng cường công tác giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát huy văn hóa truyền thống như các đề án đã phê duyệt, sẽ cho phép tỉnh Thanh Hóa khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có, đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân và cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Đại ngàn tây bắc Thanh Hóa lưu lại trong tôi một sắc màu tươi mới trong suy nghĩ - nếp đầu tư đúng hướng, trọng điểm, tổ chức bài bản, kiên trì, ý thức và thái độ tôn trọng, thuận theo đời sống của tự nhiên, thuận theo lòng người, chúng ta sẽ khai thác được những giá trị to lớn từ các nguồn tài thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét