Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

CHÚC MỪNG 50 HỘI VIÊN MỚI CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM!



CHÚC MỪNG  50 HỘI VIÊN MỚI CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM!

I. VĂN XUÔI

1- Tiến Đạt - TP.HCM
2- Vũ Xuân Độ - Hà Nội
3- Thế Đức - Hà Nội
4- Nguyễn Thu Hằng - Hà Nội
5- Kiều Bích Hậu - Hà Nội
6- Trịnh Minh Hiếu - Hà Nội
7- Nguyễn Mạnh Hùng - Hà Nội
8- Lê Thanh Kỳ - Hà Nam
9- Đinh Ngọc Lâm - Ninh Bình
10- Mã Anh Lâm - Lào Cai
11- Niê Thanh Mai - Đăk Lăk
12- Nguyễn Việt Nga - Hải Dương
13- Phạm Đức Thái Nguyên - Thái Nguyên
14- Lê Minh Nhựt - Cà Mau
15- Nguyễn Thế Quang - Nghệ An
16- Nguyễn Đức Sơn - Phú Thọ
17- Hoàng Huệ Thụ - Hà Nội
18- Bùi Quang Tú - Đồng Nai
19- Châu La Việt - TP.HCM

II. THƠ

1- Trần Tuấn Anh - Hà Nội
2- Nguyễn Thanh Cao - Hà Nội
3- Phan Cát Cẩn - Hà Nội
4- Thế Chính - Thái Nguyên
5- Nguyễn Hồng Công - Hà Nội
6- Phương Hà - TP.HCM
7- Vũ Xuân Hàm - Hà Nội
8- Thái Hải - Quảng Bình
9- Hồ Khải Hoàn - Hà Nội
10- Trần Mai Hường - TP.HCM
11- Trần Văn Khang - TP.HCM
12- Nguyễn Nho Khiêm - Đà Nẵng
13- Ngô Liêm Khoan - TP.HCM
14- Nguyễn Thanh Lâm - Hà Nội
15- Nguyễn Đức Lập - Hà Nội
16- Tân Linh - Hà Nội
17- Nguyễn Tiến Minh - Hà Nội
18- Trần Minh - Hà Nội
19- Đào Phụng - Thanh Hóa
20- Phạm Ánh Sao - Hải Dương
21- Nguyễn Trường Thọ - Nghệ An
22- Đặng Bá Tiến - Đăk Lăk
23- Lê Hưng Tiến - Ninh Thuận
24- Xuân Trường - TP.HCM
25- Nguyệt Vũ - Hà Nội

III- LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

1- Vũ Bình Lục - Hà Nội
2- Bùi Công Thuấn - Đồng Nai
3- Trần Thị Trâm - Hà Nội

IV. DỊCH THUẬT

1- Thụy Anh - Hà Nội
2- Tạ Phương - Hà Nội
3- Hà Minh Thành - Hà Nội




Đâu cần thiết như thế...

                                                                Nhà thơ Triệu Lam Châu

THƠ XERGEI MIKHANCOV TRONG BẢN DỊCH VIỆT, TÀY CỦA TRIỆU LAM CHÂU

Đâu cần thiết như thế

Đàn bồ câu tự cao
Bởi có đứa em trai cánh trắng
Đã trở thành biểu tượng hoà bình
Khắp mọi nơi trên cả hành tinh
Đều hát về cậu ấy.

Cả bút lông, thiên cầm, dao khắc
Đều nhất loạt tôn vinh
Chú bồ câu cánh trắng.

Đàn bồ câu tự cao
Vẻ kiêu kỳ,  ngạo mạn
Nhưng lại mổ bánh mì như gà
Cái tỏ vẻ điềm nhiên, oai vệ
Gợi nhiều về biến tướng nay mai…
                                               1963

Nắm cấn d’iếu p’ận nao

Phấu nổc cu hao cao
Nhoòng mì  ò noọng dài pích khao
Đạ đảy p’ần nả d’ưởng pình lình
Khoóp mọi mường thuổn  t’ằng tu thẻ
Tó hat mừa noọng t’ỉ.

Thuổn but nam, thiên cầm, p’jạ dạm
Xày oạ căn t’ài slung
Nổc cu pích khao xinh.

Phấu nổc cu hao cao
D’ưởng cải  p’oòng, ương ma
T’ọ t’iẻo toót pẻng mì  t’ồng cáy
Ăn chó loóc, hảo slướng
Khay mjoỏng mừa piến mỉ  p’jủc lừ…
                                                1963

          
        Ngài sư tử già

Ngài sư tử già, trải đời, đáng kính
Cử hành lễ sinh nhật của mình
Kể từ ngày ngài rời trọng trách
Bao năm rồi nguôi nỗi đam mê
Răng nanh cùn mòn, sinh bẳn tính…

Và giờ đây tiếng gầm của ngài
Không làm sợ những ai từng khiếp sợ
Ngài tìm tư chất thông thái, lặng trầm
Của loài voi và rùa muôn thuở.

Và đây sứ giả của rừng đã đến:
Những con cừu mang theo chuột, dâng ngài
Tất cả chúng kéo dài một giọng
“Ngài sư tử muôn năm!”
Ngài có thể làm gì được nữa
Việc cần làm, đã làm
 Tất cả đã lùi xa.

Không chỉ một lần dự sinh nhật của ngài
Tôi từng nghe nhiều lời hô rỗng tuếch.
                                                        1963

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

THẢO DÂN




                                                                           Nhà văn dịch giả Vũ Công Hoan
THẢO DÂN

                                                             TẢN VĂN

                                                              DƯ HOA

                                                   VŨ CÔNG HOAN dịch
         
          Có đến gần năm năm về trước, trong một thành phố quan trọng của Trung Quốc
đã xuất hiện một cụm nhà gác giá cao cắt cổ, đứng sừng sững giữa khu vực trung tâm phồn hoa bậc nhất của thành phố. Trong cụm nhà  gác cao hơn bốn mươi tầng này có sáu khách sạn cao cấp, mỗi khách sạn có diện tích 2000 mét vuông, trang trí vô cùng xa xỉ, vật liệu sử dụng và dụng cụ nhà bếp nhà vệ sinh đều là mác sản phẩm tối tân nhất thế giới. Sáu khách sạn cao cấp này vừa bắt đầu tiêu thụ đã lập tức có khách hàng.
         
          Người đầu tiên mua một trong sáu khách sạn có giá trị hơn một trăm triệu đồng nhân dân tệ đâu phải nhà buôn bất động sản lôi cuốn hấp dẫn, không phải nhà đầu tư tài chính tiền tệ, hoặc bậc tân quí của ngành IT, mà là một vị cai đầu dài mua bán máu rất không đáng kể trong làn sóng kinh tế của Trung Quốc, là người tổ chức bán máu. Vị cai đầu dài bán máu giầu có này ra tay hào phóng trả hết tiền ngay một lúc.  Thế là câu truyện về thảo dân của tôi có thể rủ rỉ kể ra.

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Với đứa con ngoài giá thú

                                                       Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân

Với đứa con ngoài giá thú
                                     Vương Trọng

Đợi về khuya cả phòng lặng ngủ
Mẹ nhẹ nhàng ngồi dậy vuốt ve con
Mặc người đời gọi con ngoài giá thú
Con vẫn trong tình mẹ vuông tròn

Mẹ làm mẹ mà chưa từng làm vợ
Vẫn suất cơm tập thể quá khiêm nhường
Nửa làm máu, nửa chia ra làm sữa
Hạnh phúc nào bằng san sẻ yêu thương

Thôi nhắc chi những năm dài trống trải
Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu
Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải
Pháo cưới người như đốt để trêu nhau!

Mẹ nhớ lại ngày con vừa trứng nước
Người ấy đi như trốn chạy nợ nần
Thèm trái chua mẹ trùm chăn ăn lén
Sợ mắt người như sợ… mũi kim châm

Sinh con ra mẹ vẫn nằm giường một
Có khác chăng là kê lại góc phòng
Ngày nghỉ đẻ, phải trừ vào ngày phép
Vuông vải màn làm tã, giặt rồi hong

Vài tháng tuổi con đã quen kẻng thức
Mẹ đi làm, con lên địu đi theo
Mẹ đào hố trồng cây theo định mức
Lưng mẹ gầy, con giấc ngủ cheo leo

Ngày lưng mẹ, đêm nằm trên giường mẹ
Mình mẹ lo khi trái gió trở trời
Ngoài giá thú, sao ngoài lòng thương cảm
Để người đời… ghét – bỏ - mẹ - con – tôi?
           
Lời bình của Hoàng Dân
Bài thơ có thể chia làm ba đoạn:
- Đoạn 1 (hai khổ thơ đầu): thì hiện tại, người mẹ vuốt ve âu yếm đứa con
Ngay hai câu thơ đầu tiên đã khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi:
Đợi về khuya cả phòng lặng ngủ
Mẹ nhẹ nhàng ngồi dậy vuốt ve con
Âu yếm đứa con mà phải vụng trộm như vậy ư? Phải đợi cho tới khi “về khuya cả phòng lặng ngủ”, người mẹ mới dám “nhẹ nhàng ngồi dậy vuốt ve con”? Hai câu thơ đã gợi ra bao nỗi mặc cảm tủi nhục, cô đơn của một người mẹ tội nghiệp. Nhưng rồi, dường như tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp người mẹ có can đảm vượt lên miệng thế thị phi để thì thầm tự nhủ: “Con vẫn trong tình mẹ vuông tròn”.
Tình mẫu tử thiêng liêng ấy còn giúp người mẹ có thể tạm quên đi nỗi đau tinh thần “chưa từng làm vợ” và chấp nhận cảnh khốn khó về vật chất khi hai mẹ con chỉ có một “suất cơm tập thể” mà “Nửa làm máu, nửa chia ra làm sữa”. Vậy mà người mẹ vẫn coi đó là “hạnh phúc”, một niềm hạnh phúc được “san sẻ yêu thương” với đứa con do mình dứt ruột đẻ ra.
- Đoạn 2 (bốn khổ thơ tiếp theo): thì quá khứ, hồi tưởng buồn, chua xót của người mẹ
Hình như chỉ thoáng nghĩ đến hai chữ “hạnh phúc”, người mẹ đã chợt giật mình, thở dài buồn bã:
Thôi nhắc chi những năm dài trống trải
Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu
Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải
Pháo cưới người như đốt để trêu nhau!
Người mẹ đã trải qua “những năm dài trống trải” và “vô nghĩa”, đã luống tuổi “hoàng hôn”; nhưng vẫn không thể quen với cảnh sống cô đơn thui thủi của hai mẹ con, vẫn luôn giật mình thảng thốt mỗi khi nghe “pháo cưới người”. Tiếng “pháo cưới người” không chỉ xoáy vào nỗi đau bị phụ tình, mà nó còn khiến người mẹ thương xót đứa con vô tội của mình đã sớm phải gánh chịu những thiệt thòi không gì bù đắp nổi: “Con không cha như nhà không nóc”!
Nỗi xót thương đứa con càng trở nên day dứt hơn khi mà người mẹ ý thức sâu sắc rằng, ngoài mình ra, chẳng có ai trên đời này quan tâm đến sự có mặt của nó:
Mẹ nhớ lại ngày con vừa trứng nước
Người ấy đi như trốn chạy nợ nần
Thèm trái chua mẹ trùm chăn ăn lén
Sợ mắt người như sợ… mũi kim châm
Sự thờ ơ vô cảm của người đời đã đến mức tàn nhẫn:
Sinh con ra mẹ vẫn nằm giường một
Có khác chăng là kê lại góc phòng
Ngày nghỉ đẻ, phải trừ vào ngày phép
Vuông vải màn làm tã, giặt rồi hong
Dù vậy, hai mẹ con vẫn phải lay lắt sống qua ngày. Điều khiến ta nhói lòng lại chính là sự “thích nghi” với hoàn cảnh của đứa trẻ vô tội:
Vài tháng tuổi con đã quen kẻng thưc
Mẹ đi làm, con lên địu đi theo
Mẹ đào hố trồng cây theo định mức
Lưng mẹ gầy, con giấc ngủ cheo leo
- Đoạn ba (khổ thơ cuối cùng): thì hiện tại và thì quá khứ chồng mờ lên nhau, lời than ai oán và lời chất vấn của người mẹ
Hai câu đầu có thể là tổng kết một chặng đường dài nuôi con nhọc nhằn của người mẹ:
Ngày lưng mẹ, đêm nằm trên giường mẹ
Mình mẹ lo khi trái gió trở trời
Hai câu cuối có thể là lời than ai oán và cũng là lời chất vấn người đời trong khi người mẹ âu yếm vuốt ve đứa con:
Ngoài giá thú, sao ngoài lòng thương cảm
Để người đời… ghét – bỏ - mẹ - con – tôi?
Có thể nói, ngay cái nhan đề của bài thơ đã buộc người đọc phải suy nghĩ nghiêm túc về một hiện tượng mang tính vĩnh cửu trong xã hội loài người, bởi những đứa con ngoài giá thú thì thời nào cũng có; vấn đề chỉ là thái độ ứng xử với hiện tượng đó mà thôi. Pháp luật của ta đã thừa nhận quyền làm mẹ của chị em phụ nữ, do đó những đứa con ngoài giá thú có quyền được làm giấy khai sinh và mang họ mẹ; nhưng dư luận xã hội thì có vẻ phức tạp hơn. Thói quen kì thị đã trở thành một sức ỳ rất khó thay đổi một sớm một chiều, thế cho nên người mẹ mới đau đớn chất vấn:
Ngoài giá thú, sao ngoài lòng thương cảm?
Các người nên nhớ, “thương cảm” chứ chưa phải là “thương yêu” đâu, có vậy thôi mà sao các người cố chấp và nghiệt ngã thế?
Với tôi, quyền làm mẹ mà cũng có tội ư? Với con tôi, quyền làm người mà cũng có tội ư? Nếu không có tội thì sao “người đời… ghét – bỏ - mẹ - con – tôi?”
                                                                                                            20.1.2014


Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

TỄU DƯƠNG ĐẠP XE ĐI HỌC

                                Đường Văn

TỄU DƯƠNG

ĐẠP XE ĐI  HỌC
                                                               Đường Văn                                                  
                                                                                                                         Tặng Tễu Dương, lần đầu tiên, tự mình đạp xe đến trường.

Tễu Dương đạp xe đi học,
Cả nhà mừng ít, lo nhiều!
Ngắm tay lái cháu dẻo lụa,
mềm lưng, chân đạp veo veo!
Ông cười: - Trẻ con nhanh nhạy!
Khen nhiều, e sợ nó kiêu!

Lo: người thì đông, đường chật,
Ngã ba, ngã tư… thình lình,
Cháu run, xử lý chẳng kịp,
Biết đâu,…hoảng, té lăn kềnh!!

   -         Ông bà, xin đừng quá lo!
   -         Mẹ ơi! xin cứ yên lòng!
   -        Bố bận, chẳng phải theo chừng!
Cháu sẽ rất là cẩn thận!
Trước, sau, khi muốn rẽ, vòng.
Thật chăm chú nhìn,  nghe ngóng,
Giảm tốc, lúc sắp qua đường.
Lớn rồi, cháu mong tự lập,
Dù nhà, ai cũng lo, thương!

Ông tiết kiệm ít lít xăng
để dành tiền ăn phở sáng.
Bố mẹ thêm giờ chăm em,
Pháo, San còn nhỏ, … cần hơn!
Tễu Dương tự đi xe đạp,
Noi gương cô, bố, …

chuyện thường!

28 – 10 –14 – 11-  2014. ĐV


Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

LỬA ĐỐT...DƯỚI CỬA SỔ...TÔI MƠ


Thơ RAXUN GAMZATOV TRONG BẢN DỊCH VIỆT, TÀY của TRIỆU LAM CHÂU
(tiếp theo và hết)

152. Всю жизнь горел в огне моей любви.
Огонь, меня сжигающий — в крови.
Бояться ль мне теперь огня в аду,
Куда, всего скорее, попаду?

152. Lửa đốt cháy thân tôi trong máu
Đốt cháy đời tôi trong tình yêu
Tôi sợ lửa cả trong địa ngục
Nên bây giờ tôi biết đi đâu ?

152. Vầy mẩy thuổn đang hây chang lưởt
Mẩy thuổn t’ởi gần chang mằn ky
Hây lao vầy thuổn chang đin gủm
P’ận cứ này hây chắc pây hâư?

153. Дворец Букингемский.
Стою под окном.
Там спит королева, не зная о том,
Какие в Аварии люди живут,
Какие в Аварии песни поют.

153. Dưới cửa sổ lâu đài Bukinghem
Nơi Hoàng hậu yên nằmBà chẳng biết
Bài nào dân Avar đang hát
Loại người nào đang sống trong  Avar.
  
153. Tẩư táng rườn luông Bukinghem
Búng Mjề P’ùa ỏn nòn… D’ả rừ thiên
Tèo sli t’ầư gần Avar đang slí xướng
Thình gần hâư slổng chang  Avar.

154. Мечтать мне было нипочем,
Подвластен жизни был при этом:
Пришла болезнь – я стал врачом,
Пришла любовь – я стал поэтом.

154. Tôi mơ dễ như bỡn
Tùy thuộc cuộc đời mà :
Bệnh tật đến – tôi thành thầy thuốc
Tình yêu đến – tôi bỗng hoá thi gia…            

154. Hây phăn gừn ngải roảc
Chỏ ngòi t’ởi gần lô:
Pỉnh mà thâng – hây pần gần d’a d’uốc
Mằn ky mà thâng – hây rựt pjến slấy sli…



Địa chỉ người dịch:
Triệu Lam Châu
Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà, Phú Yên
Đường trời:  trieulamchau@gmail.com
Số nối:  0983 825502

      Cám ơn nhà thơ dịch giả Triệu Lam Châu đã tin cậy để tôi công bố bản dịch thơ Raxun Gamzatov!

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

SÁNG TÁC Tản văn của DƯ HOA



                                   

                                                                Nhà văn dịch giả Vũ Công Hoan

  SÁNG TÁC

                   Tản văn của  DƯ HOA



             “Tạp chí thời báo NewYork” mời bạn Pankaji. Michenla viết một bài về tôi. Tháng 11 năm 2008, bạn đồng nghiệp Ấn Độ của tôi đến Bắc Kinh. Chúng tôi lúc thì ngồi nói chuyện trong phòng ấm áp, lúc thì đi dạo trong gió lạnh mùa đông. Chúng tôi đã đến mấy nhà hàng có phong vị khác nhau ăn cơm. Vị ăn chay này khi dời Bắc Kinh khen tôi có tài hoa gọi món ăn. Tôi nói với anh: “Tài hoa của tôi rất giản đơn, tức là gọi cho bằng hết các món ăn chay trong nhà hàng”.







        Nhà thơ La Mã cổ Marcus Valerius Manialis nói: “Nhớ lại đời sống quá khứ chẳng khác gì sống lại lần nữa”. Cảm ơn bạn Pankaji. Michenla. Trong một tuần ngắn ngủi ở Bắc Kinh, anh đã khiến tôi ôn lại quá trình sáng tác của mình, đã cho tôi “sống lại một lần nữa”.



        “ Nguồn sáng tác của tôi chảy mãi”. Tôi nói với Pankaji. Michenla. Khi nói câu này, về tâm lý hình như tôi đã già khú  khụ. Bởi vì khi tôi nhìn laị sáng tác đầu tiên của mình,hình như đến từ câu truyện của một thế giới khác. Đây là lịch trình đặc biệt  của cả thế hệ người Trung Quốc chúng tôi. Chúng tôi chỉ hao phí thời gian hơn bốn mươi năm đã traỉ qua hai thế giới hoàn toàn khác nhau trong cùng một đất nước.



        Tôi tìm những sáng tác đầu tiên của mình. Suy nghĩ của tôi lướt nhanh trên  những quyển vở làm văn cũ rích, dừng lại trên tờ báo chữ to phủ trời rợp đất thời đó. Tôi cảm thấy tập làm văn thời tiểu học của mình không đáng nhắc đến. Bởi vì những tập làm văn này chỉ có một người đọc, đó là người thầy giáo ngữ văn đeo kính. Tôi càng muốn đem sáng tác của mình bắt đầu từ báo chữ to, đây là những tác phẩm phát biểu công khai đầu tiên của tôi.



        Thời kỳ cách mạng văn hóa  người ta say sưa viết báo chữ to, càng thậm chí như hiện nay người ta say sưa với bờ lốc. Chỉ khác ở chỗ, báo chữ to thời đó “thiên biên nhất luật”, trên cơ bản là bản sao chép văn chương của “ Báo nhân dân “ ngôn ngữ cách mạng và khẩu hiệu trống rỗng tràn ngợp cả bài văn, leo lẻo không ngớt từ đầu chí cuối. Bờ lốc ngày nay lại muôn hình vạn trạng, tự bốc mình lên, chửi bới nhau, phô bày những điều thầm kín, khẳng khái say sưa, không bệnh cũng rên rỉ. . . còn có cả lịch sử, kinh tế, chính trị , xã hội. . .  Có thế nói cái gì cũng có, cần gì có nấy. Nhưng có một điểm giống nhau, đó là viết báo chữ to thời cách mạng văn hóa, hay viêt bờ lốc hiện nay đều là để tỏ rõ giá trị tồn tại của mình.



        Báo chữ to đã từng là vũ khí lợi hại nhất khi tôi học tiểu học. Mỗi sáng sớm khi khoác cặp sách đến trường, cặp mắt tôi căng thẳng rê trên báo chữ to mới nhất dán trên tường đường phố, xem những tiêu đề ấy có tên bố tôi không.



        Bố tôi là một bác sĩ ngoại khoa, đồng thời cũng là một quan chức nhỏ đảng viên cộng sản. Thời kỳ đầu cách mạng văn hóa, tôi đã nhìn tận mắt bố của mấy bạn học là quan chức bị đánh đổ vì tôị là “ phái đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, bị phái tạo phản cách mạng thời đó đánh cho mặt mũi sưng tím, trước ngực đeo một tấm biển gỗ , đầu đội mũ cao bằng giấy dán hồ, suốt ngày tay cầm chổi, chăm chỉ quét đường phố. Người qua đường có thể sẵn sàng dơ chân đá họ một cái, hoặc nhổ bọt lên mặt họ. Con cái họ, mấy đứa bạn học của tôi đương nhiên là môi hở răng lạnh, luôn luôn bị bạn học khác nhục mạ và khinh rẻ.



        Tôi còn thơ dại cứ lo ngay ngáy, lo bố mình đột nhiên bị rủi ro. Đó cũng là vận rủi của tôi. Hơn nữa bố tôi còn có lý lịch gia đình địa chủ. Nhà bố tôi đã từng có hơn hai trăm mẫu ruộng, là một địa chủ trăm phần trăm, may mà ông tổ tôi là kẻ ăn chơi hư hỏng, không có lòng tiến thủ, chỉ biết đua đòi lêu lổng, năm nào cũng bán mất hai ba mẫu ruộng cung dưỡng đời sống háu ăn lười làm của mình. Đứa con bại gia chi tử này, đúng năm 1949 vừa vặn bán sạch hơn hai trăm mẫu ruộng, do đó ông đã bán mất thân phận địa chủ của mình. Không thì sau khi giải phóng cả nước,ông rất khó thoát khỏi số phận bị xử bắn. Bố tôi vì họa được phúc,vứt bỏ được tội danh con cái địa chủ. Đương nhiên tôi và anh trai cũng là kẻ hưởng lợi cách đời của đời sống ăn chơi lêu lổng của ông tôi.

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

HOÀNG DÂN tán NGẤT - ĐƯỜNG VĂN!


Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân

NGẤT!...
Đường Văn
(Tặng Ngũ phụng tề phi & Thất tinh tụ hội!)

Cháo lòng ngất với tiết canh,
Sáng chơi, chiều ngỏm, sướng! thành… ma no!
Khạo khờ, vừa nhắm vừa lo?!
Sống chết có số!... lo bò trắng răng!
27. 11. 2014. ĐV
TS Đường Văn

TÁN:  HOÀNG DÂN

Chỉ một tiếng “ngất” cũng có thể nhập hộ khẩu vào cùng trường với vô số từ láy (láy đôi, láy tư), từ ghép, quen tai trong kho tàng từ vựng tiếng Việt: ngất ngây, ngất ngư, ngất ngưởng, ngất lịm, ngất xỉu, ngất nga ngất ngưởng, ngất ngất ngây ngây, ngất nga ngất ngư… Tôi cho rằng Đường Văn chọn từ này làm nhan đề bài thơ 4 câu lục bát thù tạc này là đích đáng.
     Tất nhiên!
- ngất ngây có thể là cảm giác run rẩy khi ta liều, mạo hiểm… hôn trộm ai đó…
- ngất ngưcảm giác cực khoái khi ta nâng cốc với những bạn… nhậu
- ngất ngưởng:  tư thế của quân tử hoặc tiểu nhân khi… đắc chí
- ngất lịm:  trạng thái khi chẳng may bị… ăn đòn hoặc cực sướng
- ngất xỉu:  tình trạng… chết lâm sàng
Vậy ở đây, “ngất” của Đường Văn là gì? Có thể thấp thoáng cài đan, ẩn hiện cả 5 nghĩa trên. Nhưng trội hơn cả, có lẽ là tâm trạng ngà ngà, thăng hoa, “cực khoái” với … bạn nhậu?! Ý này hiện ra khá rõ ở dòng thơ đầu tiên:

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

TRIẾT LÝ DẠY HỌC VĂN CHO NHÀ TRƯỜNG VIỆT NAM NHÌN TỪ IMMANUEL KAN


  

  TRIẾT LÝ DẠY HỌC VĂN CHO NHÀ TRƯỜNG VIỆT NAM  NHÌN TỪ IMMANUEL KAN                     
NGUYỄN ÁI HỌC[*]
1.     Hơn nửa thế kỉ qua, công việc dạy văn trong nhà trường Việt Nam, xét về mặt cục bộ, riêng lẻ, không thể nói là “thất bại” nhưng xét về tổng thể là thất bại, hiện nay có thể gọi là “thảm trạng”. Phần đông học sinh càng ngày càng chán học văn, môn văn càng ngày càng “đã mất thiêng”.
John Dewey- nhà triết học giáo dục vĩ đại, người đã có ảnh hưởng sâu rộng và làm thay đổi nền giáo dục nước Mĩ thế kỷ XX, trong một lần tâm sự với sinh viên đã nhắc nhở, khẳng định: “Nhiệm vụ chính của triết học là tìm cách hiểu được nguyên nhân sâu sa của sự rối loạn rất dễ nhận ra trong những thời điểm diễn ra sự biến động nhanh chóng của nền văn minh, hiểu được cái gì nằm ở đằng sau cái đang bộc lộ ra bên ngoài, hiểu được chất đất nào nuôi dưỡng những gốc rễ của một trình độ văn minh cụ thể”(1)
          Đâu là nguyên nhân “sâu xa” của sự “rối loạn”, đâu là “chất đất” đã “nuôi dưỡng” “gốc rễ” “cằn cỗi” của văn học trong nhà trường- đặc biệt là nhà trường THPT Việt Nam hiện nay? Nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung chỉ ra hai mặt của nguyên nhân này.Một mặt, môn văn trong nhà trường Việt Nam chịu sự chi phối của nguyên lý thực dụng trong đời sống kinh tế - xã hội thấp kém, “xô bồ”, “chụp giật”… hiện nay. Măt khác, môn văn trong nhà trường Việt Nam nằm bên trong một nền giáo dục lạc hậu, nhiều hạn chế…
          Những nhận định trên đây là đúng, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó là chưa đủ để “vạch ra” một cách “đích đáng”, “đích xác” bản chất sâu xa của nguyên nhân thảm trạng dạy học văn trong nhà trường Việt Nam.
          Theo chúng tôi, nhà trường Việt Nam thời gian qua, khi xây dựng môn văn chưa có được một quan niệm thực sự khoa học và dân chủ - hai phẩm chất quan trọng của giáo dục – hiểu theo cách của nhà giáo dục vĩ đại John Dewey.
          Chưa khoa học, vì khi xây dựng môn Văn, nhà trường Việt Nam đã không dựa vào một triết lý xuất phát từ bản chất tồn tại khách quan của sự vật. Sự vật ở đây là tác phẩm văn chương và hoạt động tiếp nhận tác phẩm văn chương của học sinh…cả hai đều nằm trong hoạt động của “kinh nghiệm thẩm mĩ” vốn có tính “độc lập” và “tự trị”.

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Mai Nam Thắng và 'Từ thuở binh nhì': Muôn đời nối tiếp những bàn chân…


Mai Nam Thắng và 'Từ thuở binh nhì': Muôn đời nối tiếp những bàn chân…

Chủ Nhật, 21/12/2014 13:22


(Thethaovanhoa.vn) - Mai Nam Thắng là nhà thơ, nhà báo quân đội đã quá quen thuộc đối với nhiều độc giả rộng rãi, trong đó có độc giả tại ngũ và cựu chiến binh. Tập thơ mới Từ thuở binh nhì (NXB Quân đội Nhân dân, 2014) gồm 51 bài của anh đang gây sự chú ý của bạn đọc.
Dăm bảy bài viết, ghi chú từ năm 1979 đến 1987, còn lại hầu hết được viết từ năm 2000 trở lại đây.
Cảnh có người
Trong tập thơ cho thấy tác giả bao quát một hiện thực đời sống khá rộng. Như nhiều tác giả khác, Mai Nam Thắng viết về nhiều miền của đất nước, các tỉnh, thành phố, huyện, bản làng, trải dài rộng từ cực Bắc đến cực Nam và biển Đông của Tổ quốc. Đáng chú ý nhất là các địa danh: Hà Giang, Cà Mau, Hà Nội, Sài Gòn - TP.HCM, Điện Biên Phủ, Trường Sa v.v... 

Viết về các miền quê yêu dấu là thói quen sáng tạo đã có từ nhiều năm qua đáng được trân trọng, khuyến khích của không ít nhà thơ. Đối với Mai Nam Thắng, anh đã thoát khỏi nhược điểm tả cảnh, tả người hoặc ngợi ca một cách hời hợt, mòn cũ. Tác giả đi sâu vào sự việc, con người với các khoảnh khắc tâm trạng của chính mình và của nhân vật. Bởi vậy, ở nhan đề rất nhiều bài thơ, tên địa phương đứng theo sau sự việc, nhân vật như: Màu xanh Tân Lâm, Gặp ở Mai Đình, Gửi bạn Trung Hà, Bên miệng hố bom ở Thánh địa Mỹ Sơn, Hát ở Sơn Trà, Sim tím đồi Hà, Tiếng hú ở lèn Hà, Đọc ở hang Hà, Phượng hồng Thạch Hãn v.v...

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Tổ quốc nơi biên viễn


Tổ quốc nơi biên viễn
(Bút ký)
Kính tặng cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Sì Lờ Lầu,
huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
                                                                               Nguyễn Thị Lan

         
Lai Châu, cao nguyên đá vôi có độ cao trung bình trên 1000 mét, mê hoặc du khách bởi khung cảnh thanh bình cũng như địa hình nhiều đồi núi, thung lũng sâu và sông suối đan xen. Cách Hà Nội gần 600km, đường đến tỉnh biên giới phía Bắc này phải qua rất nhiều núi cao, vực sâu và những con đường quanh co, uốn lượn chênh vênh trên sườn núi. Đến đây chúng tôi đã có những trải nghiệm thật khó quên về đất và người ở nơi đây
1"Đường lên Tây Bắc xa xôi..." câu hát đó cứ ngân nga mãi trong lòng chúng tôi suốt cả hành trình. Mặc dù đã đi nhiều nơi thuộc Tây Bắc, Việt Bắc nhưng với chúng tôi, ít chuyến đi nào lại "ấn tượng" như chuyến đi này. Từ Yên Bái đến Lai Châu độ dốc tăng dần. Hàng mấy trăm cây số nơi chúng tôi đi qua chỉ có núi cao, vực sâu và mây mù. Đường đi với những cung đường chênh vênh trên sườn núi cao chót vót, những đoạn khúc khuỷu rồi đổ dốc bất ngờ, những đoạn cua tay áo liên tục... khiến những người yếu bóng vía cũng phải giật mình. Đến đây mới thấm thía lời thơ của Lò Ngân Sủn trong bài hát "Chiều biên giới": "Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn..."

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Tạm bợ của Chử Văn Long với lời bình

                                                             
                                                    Nhà văn nhà giáo Hòang Dân
Tạm bợ
                                                                           Chử Văn Long

Ngày chúng ta thương nhau về ở chung nhà
Có gian buồng không đủ mua cánh cửa
Anh nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ
Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vành trăng
Để ghép nên cánh cửa
Với ý nghĩ một thời gian tạm bợ
Khi nào có sẽ thay cánh cửa vững bền…

Bây giờ em không còn, cái tạm bợ lại còn nguyên
Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ
Đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa
Tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi?
                                                       5.12.2002
Lời bình của Hoàng Dân
Từ một sự việc “thật hơn cả sự thật” trong đời, tác giả đã khái quát được cảnh ngộ và tâm tư của một thời, mà những ai ở lứa tuổi U50, U60 trở lên không thể nào quên.
Ngày chúng ta thương nhau về ở chung nhà
Có gian buồng không đủ mua cánh cửa
Anh nhặt nhạnh gỗ thùng, gỗ chợ
Miếng bằng gang tay, miếng khuyết tựa vành trăng
Để ghép nên cánh cửa
Nếu tách đoạn thơ trên ra khỏi bài thơ thì nhiều người sẽ cho rằng đây chỉ là một đoạn văn xuôi được ngắt xuống dòng cho… vui mắt mà thôi, còn con cháu của lứa U60 thì có thể cười ruồi mà rằng: Các cụ cứ hay cường điệu!