Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

5 NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG CUỘC ĐỜI SERGEY ESENIN

5 NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG CUỘC ĐỜI SERGEY ESENIN

          
                                                Sergey Esenin

Đêm 27 rạng ngày 28 tháng 12 năm 1925, tại khách sạn “Angleter” ở Leningrad (nay là Saint-Peterburg), nhà thơ Nga Sergey Esenin đã treo cổ tự vẫn. Sau khi lấy máu mình viết bài thơ cuối cùng với hai câu nổi tiếng “Trong cuộc đời này chết không có gì là mới/ Nhưng sống trên đời cũng chẳng mới gì hơn”, cái chết của S. Esenin đã trở thành một sự kiện lớn ở nước Nga thời bấy giờ.
Đã 88 năm trôi qua kể từ ngày đau buồn ấy, sau bao nhiêu sóng gió, biến động của đời sống chính trị và văn học Nga, S. Esenin đã được khẳng định là nhà thơ trữ tình lỗi lạc, “ca sĩ của đồng quê Nga”. Tác phẩm của ông chan chứa tình yêu thiên nhiên và con người Nga, được đánh giá xứng đáng và trân trọng.
Song bên cạnh một Esenin-thi sĩ, còn có một Esenin-con người, với tất cả sự phức tạp của cá tính và những thăng trầm của số phận, đặc biệt là trong tình yêu.
Vốn là một thi sĩ nổi tiếng đẹp trai trong làng thơ Nga, S. Esenin là thần tượng của nhiều cô gái. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu 5 người phụ nữ đã để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời ông.
1.     Zinaida Raikh (1894-1939)

                                           Zinaida Raikh và 2 con

Mùa xuân năm 1917, ở Petrograd, Esenin tình cờ gặp Zinaida Raikh, lúc bấy giờ là nữ thư ký kiêm đánh máy 22 tuổi, làm việc tại tòa soạn báo “Sự nghiệp nhân dân”, nơi Esenin thường lui tới liên hệ bài vở. Một hôm, trong lúc ngồi chờ một người bạn ở toà soạn, không có việc gì làm, Esenin lân la đến tán tỉnh cô thư ký cho vui. Nào ngờ ba tháng sau họ đã tổ chức lễ cưới. Theo hồi ức của những người đương thời, Z. Raikh là một phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng và quyến rũ. Cuộc hôn nhân vội vàng này đã để lại cho họ hai người con, một trai, một gái. Tháng 10. 1921, Esenin và Raikh chia tay nhau. Sau đó Raikh đã kết hôn với  V. E. Meyerkhold - đạo diễn Nga nổi tiếng.
2.     Isadora Duncan (1877-1927)

                                              Isadora Duncan

Năm 1921, nữ nghệ sĩ múa nổi tiếng người Mỹ Isadora Duncan tình nguyện sang Nga để mở trường múa. Tại đây, bà được giới lãnh đạo văn hóa và các văn nghệ sĩ Nga quan tâm, chăm sóc. Thời ấy, tên tuổi bà được cả thế giới biết đến.
Mùa thu năm 1921, tại nhà riêng của họa sĩ G. Jakulov, Esenin gặp Duncan và họ nhanh chóng gần gũi nhau. Ngày 2/5/1922, họ tổ chức đám cưới.
Còn rất ít tư liệu lưu giữ được về A. Duncan và S. Esenin. Thực ra, mối quan hệ của họ có nhiều điều không bình thường, báo trước sự mong manh, dễ vỡ của nó. Về tuổi đời, Duncannhiều gấp đôi Esenin, họ không có chung ngôn ngữ giao tiếp: Duncan không biết tiếng Nga, còn Esenin – không biết tiếng Anh.
Trước lúc gặp Esenin, Duncan đã trải qua một vài đời chồng, đã có hai con (cả hai đều thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi ở Paris). Khi gặp Esenin, Duncan nhận thấy ở khuôn mặt anh có những nét giống con trai mình, có thể, chính vì vậy, bà luôn luôn quan tâm, săn sóc ông như một người mẹ.
Mùa thu năm 1923, họ chia tay nhau. Bốn năm sau, năm 1927, Duncan qua đời ở Pháp do tai nạn xe hơi. Bà được an táng ở Paris.
3.     Galina Benislavskaya (1897-1926)

                                            Galina Benislavskaya

Sẽ là một thiếu sót lớn, nếu chúng ta bỏ quên một nhân vật khá đặc biệt trong gia tài tình cảm của Esenin – Galina Benislavskaya.
Sinh ra trong một gia đình trí thức, Galina Benislavskaya đã từng học tại Trường Đại học tổng hợp Kharkov. Khi thành phố bị chiếm đóng, bà lên Moskva làm việc tại tòa soạn báo “Dân nghèo”. Chính ở đây bà có dịp gặp Esenin và trở thành người bạn thân thiết của nhà thơ. Khi Esenin từ nước ngoài trở về, ông đã cùng hai em gái của mình Katia và Shura chuyển đến sống ở nhà Galina Benislavskaya. Họ sống với nhau hòa thuận, vui vẻ như anh em một nhà.
Tình cảm của Galina đối với Esenin thực sự thủy chung, trong sáng. Bà đã dành cho nhà thơ toàn bộ cuộc đời mình với sự tận tụy, hy sinh hiếm có. Và Esenin cũng đáp lại bà một tình cảm như vậy.
Một năm sau khi Esenin qua đời, ngày 3 tháng 12 năm 1926, Galina đã dùng súng lục tự sát bên mộ ông, để lại dòng chữ “Dưới nấm mồ này là tất cả cuộc đời tôi”.
4.     Shagane Terterian (1900-?)

                                                      Shagane

Năm 1924, Esenin chuẩn bị một chuyến đi sang Ba Tư. Đã từ lâu ông mơ ước được đặt chân tới đất nước của các nhà thơ cổ phương Đông vĩ đại. Ông còn muốn sang phương Đông để học tập, đặc biệt là đến thành phố Shiraz ở phía đông Nam nước Iran ngày nay, nơi đã sinh ra các nhà thơ cổ Ba Tư kiệt xuất.
Vì nhiều lý do khách quan, Esenin không đến được Ba Tư mà chỉ dừng lại ở vùng Kavkaz (Tiflis, Batum, Baku). Ấn tượng về chuyến đi này đã được Esenin ghi lại trong chùm thơ nổi tiếng của ông “Những âm điệu Ba Tư” (1924-1925).
Tháng 12 năm 1924, Esenin gặp Shagane – cô giáo dạy phổ thông người Armenia tại thành phố Batum. Tình bạn của họ trở nên thắm thiết, dịu dàng. Esenin thường đọc thơ và kể cho Shagane về làng quê Nga, về mẹ và các em gái của mình. Trong hồi ức về Esenin sau này, Shagane viết: “Esenin thường mang theo hoa mỗi lần đến chơi, những bông hoa tím, đôi khi hoa hồng. Bản thân ông là người rất yêu hoa”. Trước lúc chia tay, Esenin đã đề tặng Shagane chùm thơ của mình với những lời hết sức trìu mến.
5.     Sofia Tonstaya (1900-1957)

                                       Esenin và vợ Sofia Tolstaya

Sofia Tolstaya là cháu nội của đại văn hào Nga Lev Tolstoy.
Nhà văn Nga Yu. Libedinsky phác họa bức chân dung của S. Tolstaya như sau: “Trên gương mặt bầu bĩnh của cô gái này, trong cái nhìn thông minh, sắc sảo của cặp mắt nhỏ rất Tolstoy, trong cử chỉ chậm rãi của chị ẩn chứa dòng máu Lép Tolstoy. Trong những câu nói ngắn gọn của chị ta nhận thấy tầm trí tuệ và học vấn, và khi chị nhìn Esenin thì một tình cảm dịu dàng ánh lên trong cặp mắt ấy”.
Ngày 19 tháng 9 năm 1925, Esenin và Tolstoy đăng ký kết hôn, đây là cuộc hôn nhân cuối cùng trong cuộc đời nhà thơ.
Nhưng cuộc sống gia đình của họ cũng không thuận buồm xuôi gió. Rõ ràng, Esenin không dễ dàng thích nghi với nếp sinh hoạt mới, mực thước lâu đời của dòng họ Tolstoy. Đáp lại sự quan tâm của vợ, ông luôn tỏ thái độ bực bội và ngày 20.12.1925, Esenin rời Moskva đi Leningrad, chuyến đi của ông giống như một cuộc chạy trốn, vào cõi vĩnh hằng.
Trần Hậu


1 COMMENTS:

  1. Cám ơn Trần Hậu về thông tin. Xin phép cop bài này về Blog cá nhân!
    Trả lờiXóa

2 nhận xét:

  1. Bác Vũ Nho, với em chỉ cần bốn người đàn bà êm ái song song bên đời em là đủ, không cần đến những năm người.

    Trả lờiXóa
  2. Với Nguyễn Xuân Lai : Như thế cũng là đáng nể lắm rồi! Ông nhà thơ Nga thì hết tập này mới qua tập khác. Còn bạn SONG SONG tuy bốn, hơi ít nhưng lại NHIỀU! Ngả mũ...He he he...

    Trả lờiXóa