Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

'Không chỉ là cây, mà còn là góc tâm hồn người Hà Nội'

Thứ bảy, 21/3/2015 | 14:34 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

'Không chỉ là cây, mà còn là góc tâm hồn người Hà Nội'

Có biết bao cư dân Hà Nội yêu thầm lặng thành phố này từ góc ngõ nhỏ, phố nhỏ. Thậm chí từng viên gạch vỡ họ còn nhớ thì nói gì đến cây cao xanh rợm và thu về ngan ngát làm nên tiếng nhạc ở tận đáy lòng.
Mấy ngày qua sự kiện chặt cây xanh ở Hà Nội ồn ào khắp nơi, trên thông tin mạng, đến cả báo chí thế giới cũng quan tâm. Một quyết định đốn hạ 6.700 cây xanh trong phạm vi các đường phố thủ đô Hà Nội, đâu phải là cái kim che dấu.
Những tấm ảnh cây lớn, còn đỏ sậm màu gỗ nguyên lành, còn xanh mát rượi màu lá, được cư dân thành phố ngày ngày đi qua hàng cây kia, chụp ảnh đưa lên mạng, làm đau những trái tim yêu đất, yêu phố, yêu quê hương, bản quán... Mà cụ thể hơn là họ yêu từ khoảnh râm mát nơi bóng xanh gìn giữ một tuổi thơ ấu hay kỉ niệm ở cái ghế, vỉa hè, ban công, hoặc cạnh một tàn xanh, lúc chợt trú mưa tình tự... ở một thời gian cụ thể nào đó của bao cư dân thành phố vài thế hệ.
Cây đâu chỉ là cây!
Nhìn những bức ảnh, nghe bè bạn văn nghệ sĩ viết về câu chuyện đẵn cây xanh ở Hà Nội, trong đêm tôi nhớ lại những năm 1965, 1966 khi gặc Mỹ ném bom và ném cái chết thẳng vào Hà Nội.

Năm 1965, mùa hè vừa thi xong, lập tức chúng tôi nhập ngũ vào Trung đoàn Pháo cao xạ 220. Đơn vị pháo cao xạ 57 trên hồ Trúc Bạch và đơn vị 37 trên bè nổi ở Tây hồ bị hàng cây trên đường Thanh Niên cản trở xạ giới quan sát.
Ai từng hiểu biết về pháo phòng không hẳn biết việc bị cản quan sat nguy hiểm thế nào khi đánh nhau với kẻ trên cao cậy tốc độ nhanh. Phải chặt những ngọn cây hay hàng cây ấy đi, đốn những cây quá cao, ảnh hưởng tầm nhìn, hướng bắn, để thao tác xạ kích bắn hiệu quả trúng máy bay mới bảo vệ được cầu Long Biên, nhà máy điện Yên Phụ và các mục tiêu khác quan trọng  gần đó như khu quân sự, trung ương và ngoại giao Ba Đình.
Trung đoàn 220 đề xuất Bộ tư lệnh thủ đô, và Bộ tư lệnh phòng không đã làm việc với Thành phố Hà Nội. Công ty công viên Hà Nội được lệnh đốn hạ cây nào đều đã bàn rất cụ thể với hai đơn vị pháo ở đó.
Ngày chặt cây, những người lính Hà Nội đã cùng với anh em công nhân đốn hạ dãy cây mà chính lớp  anh chị tôi đã lao động công ích ngày Chúa Nhật trồng những hàng cây ấy sau khi họ đắp rộng con đường Thanh Niên.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi đó đi ngang qua đơn vị trung đoàn tôi, nhìn hững góc cây xanh bị hạ, đau xót viết bài thơ nổi tiếng "Chuyện hàng cây yêu đương".
Bài thơ mở đầu có hai câu: 
"Đã ngả xuống rồi hàng cây tình tự
Hơi thở yêu đương còn thơm dòng nhựa".
Vì một thành phố yêu thương, chúng tôi đau đớn hạ cây, nhưng câu thơ ấy cứa vào lòng chúng tôi, tâm  hồn rất nhạy cảm những chàng trai Hà Nội vừa 17, 18, đôi mươi. Chính điều tưởng mơ hồ nhỏ bé ấy đã biến thành một sức mạnh lớn không cần qua lời chính trị viên tuyên giáo để chiến đấu. Từ chính những điều nho nhỏ ấy trên hồ Trúc Bạch, mà chúng tôi đã chứng kiến viên phi công Mỹ bị bắn hạ dù anh ta thuộc một lực lượng không quân tinh nhuệ, rồi bị người dân Hà Nội bắt sống...
Hàng trăm người lính đã ngã xuống từ 1966 tới tận Noel năm nào khi B52 đánh phá Thủ đô. Nhưng chúng tôi quyết tử để bảo vệ Hà Nội... mơ một ngày cây lại xanh tươi và những hàng cây tình tự  sẽ không bao giờ ngã xuống. Yên bình, ổn định và cây cùng với phố trong một Hà Nội phát triển hiện đại vẫn trở thành những ám ảnh ở thơ ở nhạc, ở họa và cả ở nhữngca từ bay khắp nhân gian. Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ...
Chúng ta đã xây dựng đất nước không chỉ với sức lực cơ bắp, sức mạnh của đồng tiền, ngoại tệ. Người Hà Nội, cư dân Hà Nội đã lao động tạo nên những vật thể nhưng bao hàm một giá trị phi vật thể ngay ở những hàng cây... trong đó không ít anh em binh sĩ trở về, thậm chí có người lại ở công ty trồng cây xanh.
Chúng tôi những người lính già năm xưa già đi theo năm tháng làm đủ mọi ngành nghề có kẻ đi xa như tôi lặn lội kiếm ăn nhưng mỗi khi trở về vẫn xốn xang trong lòng, vẫn yên lặng ngồi dưới tán lộc vừng, đi dưới những hàng cây xưa...
cay-2129-1426907377-2354-1426913738.jpg
Cây xà cừ cổ thụ bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi để phục vụ thi công tuyến tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: Bá Đô.
Có biết bao cư dân Hà Nội yêu thầm lặng thành phố này từ góc ngõ nhỏ, phố nhỏ. Thậm chí từng viên gạch vỡ họ còn nhớ, thì nói gì đến cây cao xanh rợm và thu về hương cây ngan ngát làm nên tiếng nhạc ở tận đáy lòng.
Cây với con người thành phố có quá trình lịch sử ở tình yêu đất nước, nó lại được trân quý hơn bao nhiêu trong thời kì hiện đại hóa mà cư dân tăng lên đột ngột  khi trái tim xanh ấy đã chở che cho cả mùa hè ngột ngạt. Cả với hai nội hàm ấy, cây đâu còn chỉ là cây.
Đâu chỉ còn lọc khí, cách âm, cách bụi và môi trường, bóng mát. Nó mang theo những tình cảm lớn mà tự biểu hiện ở màu sắc, dáng dấp, mùi hương kỉ niệm với cư dân vài thế hệ, trong từng nơi ở, để bao lớp người cảm giác trong từng hàng cây dãy phố trở thành một góc tâm hồn thành phố.
Hà Nội với chủ trương đốn hạ cây xanh như vừa qua thật đáng trách. Việc làm nôn nóng, vội vã của ai đó ở cấp lãnh đạo nào đó thiếu hiểu biết sâu sắc, vì vài sức ép ở nhà tài trợ như sự biện minh đã vô tình làm tổn thương tình cảm sâu sắc của con người cư dân Hà Nội. Đó là một điều tất cả các lãnh đạo ở tất cả các địa phương cần lưu tâm, rút kinh nghiệm.
Sự kiện quanh hàng cây này cũng giống như việc định đốn hạ phá bỏ cầu Long Biên, định phá hết Thương xá Tax mà không bảo tồn một phần. Chúng đều biểu hiện việc chỉ xác lập những giá trị vật thể nào đó trong sự phát triển quy hoạch thành phố, mà người Tổng công trình Sư là lãnh đạo thành phố không lường thấy. Để rồi dẫn đến sự tổn thương về tình cảm, chạm  vào sự sâu thẳm ở tâm hồn cư dân.
Với cầu Long Biên, Thủ tướng đã đích thân ra lệnh không được phá bỏ. Với Thương xá Tax, lãnh đạo TP HCM đã lắng nghe dân, bảo tồn một phần như đã tuyên bố. Còn hôm nay giữa thủ đô, hai tuần qua, bao nhiêu cây xanh oan ức bị đốn hạ. Có cây phải trăm năm nữa mới có thể tái tạo.
Ai là người chịu trách nhiệm? Và quy trách nhiệm lớn hơn, trong khi Đảng, Nhà nước đang hết sức cố gắng để xây dựng lòng tin, thì ở sự kiện này, ai là người đã cái lệnh đốn hạ cây, đã chưa lường hết mọi sự, chạm vào điều nhạy cảm. Sự đốn hạ đâu chỉ còn là giá trị của cây?
"Cái sảy nảy cái ung", cha ông ta dạy thế. Việc tưởng nhỏ mà lây lan ra lớn. Đây là một bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá để các vị lãnh đạo có tâm và có tầm nhìn lại:
Điều gì chạm vào tâm hồn, tình cảm con người thì phải thật thận trọng lắng nghe từng nhịp thở ở từng địa phương mà xem xét nghiên cứu. Để rồi đưa ra một quyết định sáng suốt và cấp thời sửa chữa, xin lỗi nhân dân, chứ đừng vội vã ngụy biện và lấp liếm.
Hà Nội đã ra lệnh dừng đốn hạ cây xanh, đã kịp thời dừng cái dự án trái với lòng dân, tình dân. Xin thưa rằng Bác Hồ từng dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó ngàn lần dân liệu cũng xong". 
Mong Hà Nội xử lý việc này cho nghiêm, cho dân tin và hiểu rằng dù đã sai lầm nhưng Hà Nội cũng có nhiều chức sắc có uy quyền uy tín, có cái tình cũng như cư dân Hà Nội để yêu thêm mảnh đất này.
Nguyễn Văn Thọ

4 nhận xét:

  1. Vâng, một khi cây đã hiện diện trên trái đất này, nhất là cây to, lâu năm trồng trên phố, hằng ngày ngả bóng mát, che chở và chứng kiến những vui buồn của người dân, thì cây không còn là khúc gỗ vô hồn nữa, mà cây đã là người bạn song hành với con người. Từ trước đến nay HN vẫn phải làm công tác bảo dưỡng, chặt, mé nhánh, thay thế cây mục, có nguy cơ ngã đổ đấy chứ, đó là bảo vệ cây, đâu có ai phản đối. Còn chuyện vừa qua thì rõ là "thảm sát" cây, làm sao mà người dân HN (và cả nước) không "điên" lên được phải không bác Vũ Nho?
    Câu đầu tiên trong thuật làm lãnh đạo là "Cai trị là tiên liệu", quý vị đang quản lý TP thủ đô của một đất nước không biết sao? Huhu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoặc là quá kém, hoặc là nhắm mắt làm liều! Cả hai lí do đều đáng xấu hổ! Thế đó bác Hiệp à!

      Xóa
  2. Tôi có giải thích thêm nghĩa của câu ca dao bên tôi theo cách hiểu của bác Vũ Nho, là "người, nhóm" mang tính cụ thể chứ không chung chung như cách giải thích thứ nhất, mời bác sang xem.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Hiệp! Tôi đã ghé và để lại lời bình.

      Xóa