Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

LỄ HỘI VÀ TUỔI TRẺ - Vũ Nho

                                                                                    Vũ Nho - Chủ trang

LỄ HỘI VÀ TUỔI TRẺ
                 PGS. TS Vũ Nho
                 Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ xa xưa của mọi quốc gia.  Đó là dịp để con người vui chơi, nghỉ ngơi, giao lưu, và hiểu biết thêm về lịch sử về cội nguồn xứ sở. Dù to, nhỏ, rộng hẹp về quy mô và khác nhau về ý nghĩa, mỗi một lễ hội thường bao gồm phần lễ là phần nghi thức thể hiện quan niệm tín ngưỡng dân gian của cộng đồng, và phần hội, là phần vui chơi với các trò chơi dân gian, hát hò, diễn xướng… Chẳng hạn, thi hào Nguyễn Du đã viết về lễ hội  thanh minh trong Truyện Kiều:
          Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
          Gần xa nô nức yến anh
          Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân…
Với những người trẻ tuổi, thời nào cũng vậy, tham gia Lễ hội luôn luôn là một hoạt động đầy sức cuốn hút. Không ở đâu như trong Lễ hội, giới trẻ được bộc lộ mình thoải mái nhất, được giao lưu với bạn bè, và cũng là dịp để tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu bạn đời để tỏ tình tiến tới xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc lứa đôi. Chúng ta hãy xem cô gái mới lớn hồi hộp náo nức đi trẩy hội Chùa Hương trong thơ Nguyễn Nhược Pháp. Cô dậy sớm khi “hoa cỏ mờ hơi sương” vấn đầu, soi gương, chuẩn bị trang phục:
          Khăn nhỏ đuôi gà cao
          Em đeo giải yếm đào
          Quần lĩnh áo the mới
          Tay cầm nói quai thao

Các Lễ hội của chúng ta như  Hội xuống đồng ( lồng tồng), Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội đền Hùng, Lễ hội gò Đống Đa, Hội Gióng, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội chùa Yên Tử. Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Tháp Bà (Ponagar) Nha Trang (Khánh Hòa), Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam … trong số 27 Lễ hội kể trên đều là những Lễ hội quan trọng, thể hiện việc đề cao sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp; biết ơn tổ tiên đã có công dựng nước, ca ngợi những người anh hùng đánh giặc giữ nước, ca ngợi chiến thắng; thể hiện văn hóa tâm linh…
Tham gia vào Lễ hội, những người trẻ tuổi trước hết được tắm mình trong không khí trang nghiêm của phần lễ, biết được lịch sử của dân tộc mình, đất nước mình. Những bài học trong sách giáo khoa Lịch Sử được thể hiện một cách sinh động trong các hoạt động dâng hương, trong diễn văn kỉ niệm, trong hoạt động tái hiện chiến công của người anh hùng. Đó là ý nghĩa giáo dục lớn lao của Lễ hội mà cả xã hội đều thừa nhận. Tuy nhiên, việc tổ chức phần lễ như thế nào để vừa đơn giản, vừa trang nghiêm, vừa có tác dụng giáo dục sâu sắc về lịch sử và văn hóa cho mọi người, đặc biệt là lớp trẻ thì không phải Ban tổ chức Lễ hội nào cũng làm tốt và chu đáo. Không ít các Lễ hội chỉ làm phần này có tính chất ”gọi là có”, sơ sài, chỉ chú trọng vào phần “hội” có tính chất vui vẻ, trẻ trung. Và không phải không có chỗ chỉ chú trọng đến “phần doanh thu”, cho nên ý nghĩa giáo dục bị xem nhẹ.  Tổ chức phần hội cũng vậy, sao cho vui vẻ, lành mạnh, tránh khôi phục các tập tục không hay, lạc hậu, tránh lợi dụng vui chơi để bày trò cờ bạc, sát phạt.
           Tham dự Lễ hội là tham dự vào hoạt động văn hóa của cộng đồng. Vì vậy đến Lễ hội, mọi người cần có thái độ ứng xử văn hóa và thanh lịch. Không thể tùy tiện, muốn ăn mặc hay nói năng thế nào cũng được. Một số đền, chùa khi đến hội có người nhắc nhở về chuyện ăn mặc. Quần soóc quá ngắn, áo ba lỗ, áo cổ trễ…đến nơi thờ tự hẳn nhiên là không thích hợp. Đội mũ sùm sụp, đi giầy và dép vào chỗ dâng hương chắc chắn là cũng không được phép. Không chỉ thế, việc nói năng, cư xử cũng cần thể hiện một cách lịch sự, văn minh. Tránh cười nói bô bô, tránh nói bậy, chửi thề ( tục), tránh chen lấn, xô đẩy…
          Những chàng trai, cô gái ăn mặc đẹp để khiêng kiệu, cầm cờ, phướn đi trong đám rước. Những thiếu nữ quần áo mớ ba, mớ bảy đóng vai tướng sĩ trong hội cờ người. Những liền anh, liền chị hát hay, đàn ngọt trong các cuộc hát giao duyên, hát xoan, hát ghẹo hay quan họ…Các bạn trẻ thi tài trong việc ném còn, kéo co, đẩy gậy, thổi cơm thi, đua thuyền trên sông…đã đem đến cho lễ hội sự thanh xuân, tươi trẻ và hấp dẫn, thú vị. Nếu thiếu họ, Lễ hội sẽ kém vui!
Nhìn chung, các bạn trẻ, các nam thanh nữ tú, những người có học đều thể hiện là người thanh lịch trong các Lễ hội. Tuy nhiên, cũng có một số ít ỏi thôi chưa thật làm tốt việc này, nên gây nên hiện tượng chưa đẹp hoặc phản cảm. Ví như việc đặt tiền công đức để góp phần tôn tạo di tích. Chúng ta thường thành tâm bỏ vào hòm, có thể lấy giấy chứng nhận của Ban quản lí di tích. Nhưng một số bạn trẻ và một số người trung tuổi khác lại cứ thích nhét những tờ 500 đ, 1000 đ, 2000đ hoặc 5000đ vào tay tượng phật, vào gốc cây có cắm hương, vào bất cứ ban thờ nào thuận tiện…Như thế thật không đẹp chút nào. Có những bức tượng ở khu di tích, không hẳn nghiêm ngặt như ở bảo tàng, song chỉ nên ghé bên cạnh chụp ảnh thì có bạn lại trèo lên  bệ, bá vào vai, vào cổ tượng để chụp ảnh, ghi hình. Nghĩ rằng như thế mới độc đáo, mới “bắt mắt”. Chắc mọi người vẫn còn nhớ những tấm ảnh đó đã bị cộng đồng mạng phê phán.
Mới đây thôi, trên báo Người Hà Nội số 43 ra ngày 17/10/2014 có mục phóng sự ảnh “ Người Hà Nội đẹp và xấu”. Trong đó có 5 ảnh về cái “xấu” với lời bình : “Bên cạnh những hình ảnh đẹp, văn minh và đầy ý nghĩa, vẫn còn những hình ảnh của một Hà Nội chưa đẹp bởi sự thiếu ý thức của người dân. Để có được tấm ảnh kỉ niệm nhân ngày Giải phóng thủ đô, không ít người đã vô tư đi lại, dẫm, nằm, ngồi lên cỏ. Những hành vi ấy diễn ra rất ngang nhiên, vô tình đã làm mất đi hình ảnh của một Hà Nội đẹp, thân thiện, người Hà Nội văn minh trong mắt người dân các tỉnh và bạn bè quốc tế”. Không cứ gì ở Hà Nội,  chúng ta không khó khăn để thấy  ở các Lễ hội khu di tích, các bạn trẻ dẫm lên cỏ, tạo dáng trên cỏ một cách hồn nhiên để chụp hình, trong khi phớt lờ hoặc tỏ ra không biết  đọc những dòng chữ ghi trên biển “ Xin không dẫm lên cỏ!”.
Một biểu hiện không lịch sự, thiếu văn hóa là một số ít bạn trẻ thích khắc tên mình, bạn mình lên  thân cây, mỏm đá, bức tường…để chứng tỏ rằng mình đã có mặt ở nơi đó. Trước đây  hiện tượng này khá phổ biến. Bây giờ có nhiều máy ảnh, điện thoại có thể chụp ảnh nên hiện tượng này đã giảm nhiều, song chưa phải đã chấm dứt.
Cũng cần phải nói là ý thức giữ gìn vệ sinh của mọi người, trong đó có giới trẻ. Việc ăn uống và xả rác bừa bãi ở những nơi diễn ra lễ hội vẫn còn đó. Các  giấy gói, lá bánh, bao bì ni lông, các vỏ chai nhựa đựng đồ uống, các vỏ lon bia, bò húc sau khi được các chủ nhân  “thụ lộc” lăn lóc ở bãi cỏ, cạnh ghế ngồi, chỗ gốc cây, gây nên hình ảnh không đẹp, làm vất vả thêm cho những người công nhân vệ sinh môi trường…
Tuổi trẻ bao giờ cũng yêu thích hoạt động, ham thích vui chơi. Nhưng những người trẻ tuổi lại là những người đang có nhiệm vụ chính là học tập ở các trường học, làm việc ở các công sở, nhà máy, doanh nghiệp…Việc chọn Lễ hội, tham gia Lễ hội nào cho phù hợp với điều kiện thời gian và cả điều kiện tài chính của mình là vô cùng quan trọng. Quá đam mê L hội, tham gia quá nhiều Lễ hội từ gần gũi đến xa xôi vừa hại sức khỏe, vừa tốn tiền bạc, lại ảnh hưởng đến học tập và công tác là điều cần tránh.
Lễ hội có văn hóa của Lễ hội. Cũng như điện thoại hay mạng xã hội cũng đều có văn hóa riêng của nó. Hoạt động văn hóa muốn trở thành nề nếp, tốt đẹp cần phải được giáo dục và quản lí tốt. Trong chương trình học tập của học sinh, trong các hoạt động ngoại khóa, học sinh cần được học về ý nghĩa của các Lễ hội, thái độ đúng đắn, thân thiện và tích cực khi tham gia Lễ hội. Về phía các nhà quản lí thì tổ chức Lễ hội phải nhằm mục đích văn hóa và giáo dục, tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng.  Hình thức tổ chức sao cho hài hòa cả phần Lễ và phần Hội, chú ý đúng mức đến nội dung giáo dục qua nghi thức trang trọng, thiêng liêng của phẫn Lễ. Không lợi dụng Lễ hội vì các mục đích kinh tế, thương mại. Có như thế, những Lễ hội  mới thực sự là hoạt động  lành mạnh, bổ ích và thiết thực cho mọi người.


                                                             Hà Nội 3/3/2015
                                                              Giới thiệu bài ở trang 1 của báo
                                                                    ( Nhan đề báo đặt lại)
                                                              Bài in ở trang 5

Bài đăng báo QĐND số 19370 ngày 11/3/2015

4 nhận xét:

  1. Bài viết hay ,phân tích rất chính xác ,đây là lời nhắc nhở,là lời cảnh tỉnh cho thế hệ trẻ khi tham gia lễ hội . Những lê hội vừa qua ở miền Bắc xảy ra chiều chuyện không hay , lỗi ở lớp trẻ một phần còn lỗi ở người lớn nữa .Theo tôi còn có nguyên nhân nữa Bác ạ . đó là do mấy chục năm bị cấm đoán , bài trừ duy ý chí những lớp người nắm giữ phần hồn của lễ hội đã mai một đi nhiều tính kế thừa liên tục không còn . Vì thế những người phục dựng lễ hội bây giờ không nắm rõ . Quan trọng là những người tổ chức lễ hội bây giờ chỉ chăm chăm vào doanh thu mà thôi , mang tính chất chụp giật
    Cũng vì doanh thu mà nơi nơi tổ chức lễ hội ,nhà nhà tổ chức lễ hôi . Từ nhỏ đến giờ chỉ biết duy nhất lễ hội phát ấn Đền Trần ở quê Bác ,sau thấy ở Hải Phòng cũng có . Vừa rồi đọc báo thấy ở Nghệ An tổ chức lễ phát ấn vua Quang Trung không biết sauu này có tỉnh nào phát Ấn nữa hay không , đó là điều nên mừng hay nên lo ?
    Bài của Bác đăng ở báo QĐND ,nhưng nếu đăng ở những tờ báo như Tuổi Trẻ ,Thanh Niên có lượng độc giả trẻ nhiều thì sức lan toả sẽ xa hơn
    Cảm ơn bac Vũ Nho

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Salaykum Alam đã ghé trang và chia sẻ. Bài này tôi viết theo sự đặt hàng của phóng viên báo QĐND. Thật ra, số lượng phát hành của báo QĐND cũng rất lớn. Tôi cám ơn Báo đã tín nhiệm, đặt hàng để mình có một bài viết có ích!

      Xóa
  2. Cảm ơn bác Vũ Nho đã chia sẻ. Đúng là văn hoá ứng xử cần phải được nhắc nhở, thậm chí lên tiếng mạnh hơn...Thời trước, dân mình đúng là ít học, nhưng ở những nơi công cộng, nhất là đền chùa, lễ hội, có lẽ họ rất tôn trọng, họ không dám bừa bái đâu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Nguyễn Xuân Lai ghé trang! Khi con người không có niềm tin, người ta rất hay làm bừa, bất chấp mọi thứ. Người xưa tin rằng có chuyện quả báo, chuyện đời cha ăn mặn, đời con khát nước; có chuyện sống ẩu, sống ác, chết xuống địa ngục sẽ chịu hình phạt. Có phải thế chăng mà người ta hiền hơn!

      Xóa