Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

NHA TRANG của NGUYỄN THỊ MAI với lời bình TRẦN TRUNG

          

NHA TRANG*
            Nguyễn Thị Mai
Cũng bao la gió ngàn trùng
Mà trong xanh đến tận cùng trăng sao
Tuần Ngâu không hạt mưa nào
Dành riêng nắng, đón tôi vào Nha Trang
Mắt vừa chạm nỗi mênh mang
Đã nghe khơi thẳm xốn xang mặn mòi
Đã mềm tay sóng vẫy tôi
Ngàn chân sóng chạy reo lời đại dương
Như mình con của quê hương
Xa về được biển yêu thương đón mời
Rưng rưng...tôi hóa không lời
Lặng yên đi giữa rực trời mẫu đơn
Biết còn thanh khiết nào hơn
Cái hương hoa sứ ngát vườn đêm thâu
Cách xa mấy chục giờ tàu
Mà Nha Trang biết lần đầu,
                                           thương chưa!
                                   
                                      Nha Trang, 8/1999.


*Thơ Nguyễn thị Mai trong tập “Tầm xuân mắt biếc”-
Nhà xb VH-2014.

LỜI BÌNH CỦA TRẦN TRUNG

`NHA TRANG-MÊNH MANG, ẤM ÁP
                                Trần Trung
  Với hàng chục tập thơ, từ “Thời hoa gạo cháy”(NXB Phụ nữ-1995) đến 2 tập liền “Tầm xuân mắt biếc” và “Không xóa nổi lời hoa” cùng được ấn hành năm 2014,Nguyễn Thị Mai  để lại ấn tượng ấm lành trong tôi về những miền đất mà chị đã qua trên quê hương-đất nước mình. Và, mỗi địa danh lưu dấu bước qua của nhà thơ nữ này,ở những mức độ khác nhau về cảm xúc cùng suy tư của người thơ, người đọc còn nhận ra tình cảm hai chiều giữa Đất và Người.Cũng bởi thế, Nguyễn Thị Mai đã để lại dư vị xúc động,khó mờ phai từ những bài thơ ngỡ tưởng chỉ là sự ghi lại-nhất là những bài được viết theo điệu lục bát.

  “Nha Trang” của Nguyễn Thị Mai là đây-với sự trải mở phóng khoáng của không gian trời biển khi con mắt cùng tấm tình hồ hởi của nhà thơ vừa “chạm nỗi mênh mang” từ xứ biển khoáng đạt và mặn mòi này:
  “Cũng bao la gió ngàn trùng
  Mà trong xanh đến tận cùng trăng sao
  Tuần Ngâu không hạt mưa nào
  Dành riêng nắng,đón tôi vào Nha Trang”
Nói theo giọng lý-luận-thơ: ngay từ những câu thơ mở khơi nguồn cảm hứng thì nhân vật trữ tình (xưng Tôi) cũng đồng thời là chủ thể trữ tình (tác giả) không ngăn nổi sự xao động của lòng mình, tự lòng mình trước sắc trời “xanh đến tận cùng trăng sao” hòa đồng và cộng hưởng cùng “bao la gió ngàn trùng”... nơi Nha Trang mời đón, vẫy chào khách lãng du-Thi sĩ.Có lẽ nói quan hệ tình cảm hai chiều của nhà thơ với đất trời, biển trời nha Trang vẫn là chưa đủ.Bởi, khi nhà thơ trải mở lòng mình trong nỗi chân thành xúc động với quê hương xứ sở khoáng đạt mến khách này, thì cũng là lúc:
  “Mắt vừa chạm nỗi mênh mang
         Đã nghe khơi thẳm xốn xang mặn mòi”
    Ta như nhận ra sự đồng hiện trong gặp gỡ và tương giao trong nỗi xúc động vô hạn, vô hồi tự hai luồng sóng-những con sóng tự nhiên nơi biển cả và con sóng-lòng người đến với biển.Trong nỗi xúc động từ hai phía ấy, khiến cho từ giọng thơ đến lời thơ của Nguyễn Thị Mai như quẫy lên xốn xang mà ân tình, thấm thía lạ lùng. Nhà thơ đa cảm và cũng giầu suy tư này đã đem lối so sánh trực tiếp trong nghệ thuật diễn tả mà như ôm vào lòng vẻ rộng lớn, mặn nồng của đất trời, biển cả và tất nhiên của cả con người xứ sở này nữa chứ! Sự chân thành từ một tâm hồn thơ nhạy cảm đã khiến nhà thơ đến với Nha Trang mà như về với gia đình, mà như đến với đất nước-quê hương mình vậy :
         “Đã mềm tay sóng vẫy tôi
           Ngàn chân sóng chạy reo lời đại dương
           Như mình con của quê hương
           Xa về được biển yêu thương đón mời”
       Bài thơ giản dị, ân tình mà giầu cảm xúc của nhà thơ nữ đã vận dụng cách lập tứ từ chính trái tim mình. Và, thế nên điểm đến giúp cho tứ thơ “Nha Trang” tỏa sáng cũng không cần đến sự khái quát thiên về chất trí tuệ. Nguyễn Thị Mai vẫn xuất phát từ vẻ đẹp “hữu xạ” tự lòng mình, tự hồn mình trong trạng thái “rưng rưng” mà lặng thầm giao du và gặp gỡ với mọi sắc mầu “rực trời mẫu đơn”; với hương vị “thanh khiết nào hơn” của “Cái hương hoa sứ ngát vườn đêm thâu” nơi Nha Trang.Mà, một khi đã gặp gỡ trong xúc động từ miền đất này, hẳn sẽ mãi mãi neo đậu trong lòng Ta-Tình thương và nỗi nhớ...
             “Cách xa mấy chục giờ tàu
               Mà Nha Trang biết lần đầu,
                                                         thương chưa!
              Thật nhiều dư vị tỏa lan trong hai tiếng “thương chưa” khi nhà thơ buông lơi xuống để đứng riêng một dòng thơ cùng dấu chấm than(!) tỏ tình và cũng là lời tự tình...

                                    Hà Nội-Ngày 2/3/2015.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét