Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

DUYÊN THƠ - Chuyện ghi từ bài thơ HAI CHỊ EM của Vương Trọng


DUYÊN THƠ
                                    Hoàng Dân

           (Chuyện ghi từ bài thơ HAI CHỊ EM của Vương Trọng)
                                                                           
Nín đi em!-Bố mẹ bận ra toà
Con chị lớn dỗ đứa em ba tuổi
Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay níu áo chị đòi cơm

Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện
Hai bóng nhỏ ở hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?

Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra toà vừa nghe nói
Chắc nó nghĩ như ra đồng ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về

Mẹ bế em và âu yếm vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
Nó sung sướng vào ra tíu tít
Rồi quây quần nồi cơm mở vung ra

Nó biết đâu bố mẹ ra toà
Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lí
Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng kí
Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa

Nó biết đâu bố mẹ ra toà
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa còn mẹ thì thôi không còn bố
Hai chị em rồi sẽ mất nhau

Nín đi em!-Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo đầm đìa nước mắt
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình
                                                   Nhà thơ Vương Trọng

                               (Chép lại qua giọng đọc của một cô gái ở
                               Tạp chí VNQĐ, lúc 16h ngày 12.9.2003)

Tại sao tôi không ghi xuất xứ bài thơ từ một cuốn sách nào đó với những yêu cầu khoa học tối thiểu như: Nhà xuất bản, năm xuất bản? Bởi đây là câu chuyện khá thú vị, nó giống như một kỉ niệm nho nhỏ trong cuộc đời dạy học của tôi.
Hồi 15h30 ngày 12.9.2003, một cô học trò cũ tìm đến tận văn phòng của tôi ở trường và vừa nhìn thấy tôi, thay cho lời chào là một câu hỏi:
- Thầy có còn nhớ tên em không ạ?
Thú thực là tôi hơi tự ái vì cô học trò cũ này có vẻ kiêu quá! Cô ta coi việc tôi phải nhớ tên cô ta là đương nhiên? Là một nghĩa vụ? Thậm chí là một niềm tự hào cũng nên?!

Tuy nghĩ thế, nhưng tôi vẫn nhã nhặn:
- Tên thì không nhớ, những gương mặt em thì không thể quên…
Đôi mắt cô học trò cũ chợt vụt sáng long lanh:
- Thật không hả thầy? Em cảm ơn thầy…
Khi đã ngồi đối diện nhau qua cái bàn nhỏ, cô học trò cũ nói:
- Hôm qua em vừa dạy xong bài “Cuộc chia tay của những con búp bê” thầy ạ… Câu chuyện của nhà văn Khánh Hoài thật ám ảnh… Suốt đêm qua em trằn trọc không sao ngủ được… Có lẽ trong đời dạy học của em, đây là một bài dạy mà em hài lòng với mình nhất…
- Nhưng vấn đề là em có truyền được cảm xúc đó cho học sinh hay không?
- Có, thầy ạ… Học sinh lặng đi, có em rơm rớm nước mắt… Lúc ấy em chợt thấy giận cái trí nhớ kém cỏi của mình quá…
- Thế nghĩa là sao? Thầy chưa hiểu em định nói gì cả?
- Em xin lỗi thầy… Em từng đọc bài thơ “Hai chị em” của nhà thơ Vương Trọng ở đâu đó, lúc ấy, em định kết thúc bài dạy bằng việc đọc diễn cảm bài thơ của Vương Trọng, nhưng thật tiếc, em quên gần hết, thành ra không dám đọc. Nếu đọc mà ngắc ngứ, nhầm lẫn có khi lại phản cảm, phải không thầy? Hôm nay em đến gặp thầy để xin thầy bài thơ ấy!
- Em cứ làm như thầy là một cuốn “từ điển thơ” không bằng!
- Không, em đinh ninh là thầy thuộc bài thơ ấy mà!
- Vì sao?
- Em cũng không biết nữa…
- Thú thật là thầy cũng không dám tin vào trí nhớ của mình. Thầy có số máy của Tạp chí VNQĐ, nên tốt nhất là ta gọi điện đến toà soạn, nếu may mắn mà được chính nhà thơ Vương Trọng đọc cho để chép thì tuyệt vời, còn nếu không thì ai đọc cũng được, bởi chắc chắn họ có bản gốc của bài thơ ấy!
Nói xong, tôi cầm máy ở văn phòng gọi đến toà soạn Tạp chí VNQĐ. Người ở đầu dây bên kia là một cô gái. Sau khi nghe chúng tôi đề đạt nguyện vọng, cô gái trả lời bằng một giọng thật dịu dàng:
- Thầy ơi, nhà thơ Vương Trọng hiện không có ở toà soạn ạ! Nếu thầy đồng ý thì em sẽ đọc chậm để thầy chép lại, có được không ạ?
Tôi vui vẻ trả lời ngay:
- Thế thì còn gì bằng nữa? Chúng tôi xin chân thành cảm ơn chị!
Khi tiễn cô học trò cũ ra cổng trường, tôi cảm nhận hình như cô học trò còn có một điều gì đó muốn nói, bèn thăm dò:
- Em được mấy cháu rồi?
- Dạ, thưa thầy, em có một cháu gái 5 tuổi rồi ạ!
- Và một gia đình hạnh phúc?
Cô học trò cũ xoay người nhìn tôi, đôi mắt ươn ướt:
- Chúng em chia tay nhau được 2 năm rồi thầy ạ…
Tôi giật mình, lúng túng, chưa biết nên nói như thế nào để động viên an ủi cô học trò cũ thì cô học trò đã nói nhỏ:
- Thầy ạ, trong việc này, em không nghĩ tại ai cả… Chỉ có điều, nếu nó không xảy ra thì vẫn tốt cho con gái em hơn, thầy nhỉ?!...
                                                                              Chiều muộn 12.9.2003,
                                                                               sương giăng lành lạnh…


   

3 nhận xét:

  1. Từ năm 2003 đến nay đã cuối 2015. Nếu ngày ấy mà em gặp được cô giáo với cảnh ngộ này thì...Nhưng quả thực bài thơ của Vương Trọng đã để lại nhiều ấn tượng.

    Trả lờiXóa
  2. Từ năm 2003 đến nay đã cuối 2015. Nếu ngày ấy mà em gặp được cô giáo với cảnh ngộ này thì...Nhưng quả thực bài thơ của Vương Trọng đã để lại nhiều ấn tượng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ của anh Vương Trọng ấn tượng. Nhà thơ có viết về bài thơ này trong cuốn " Cùng lính trẻ đọc thơ".
      Tôi cũng rất ấn tượng về cô giáo và tác giả Hoàng Dân!
      Bạn Lai để dấu ba chấm sau chữ thì...hay thật!

      Xóa