Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

MỘT THỜI ĐỒNG ĐỘI


MỘT THỜI ĐỒNG ĐỘI

(Mấy cảm nhận nhân đọc tập
Thơ Cựu chiến binh phường Thụy Phương (2015)

(THAY  LỜI BẠT)

NGUYỄN MẠNH THÌN

            Đọc tập thơ 108 bài của 18 cây viết thành viên Hội Cựu chiến binh phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (2015), trong tôi bỗng rưng rưng nỗi bồi hồi, thương nhớ khôn nguôi!... Nhớ về những tháng năm trận mạc bom cày đạn xới đau thương, quyết liệt, hào hùng; xót thương những đồng chí, đồng đội thân yêu đã mãi mãi nằm lại nơi rừng xanh núi đỏ. Cả một quá khứ ngỡ đã xa mờ, với biết bao sự việc, con người, đồng chí, anh em, bè bạn, kỷ niệm sẻ chia… lại rùng rùng đồng hiện, chứa chan buồn vui, tiếc nuối, tự hào, và … xiết bao nghĩa tình ám ảnh!
            Ấy là sắc đỏ diệu kỳ khắc sâu mãi trong trái tim người chiến sỹ rađa, không chỉ hình ảnh Tổ quốc, quê hương, tình đồng đội, nghĩa đồng bào đặng băng qua những thử thách, cam go của cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc bằng không quân USA mà còn tế vi, mềm mại, dịu dàng, sắt son chung thủy mối tình lứa đôi vượt thời gian và hoàn cảnh:
… Một chữ thương/Khắc vào chung thủy trên đường đôi ta (Trần Thu - Sắc đỏ)
            Ấy là những đêm mở màn chiến dịch Tổng tấn công mùa xuân năm Mậu Thân (1968) trên đồi Chư Pa lộng gió, nơi Bản Có (Pleicu) phủ trăng ngàn. Khi:
            Ngoài cửa hang, bom cày, đạn réo, /dây trời đứt tung, sóng yếu/, thì anh chiến sỹ thông tin hữu tuyến: Xông ra nối thông tín hiệu/ Quên mình, hứng nặng mưa bom (Nguyễn Viết Tạo – Đêm Chiến dịch)

            Ấy là niềm khắc khoải, day dứt, ân hận luôn dày vò bản thân người chiến sỹ còn sống sót tới hôm nay, mải miết trong những chuyến đi tìm đồng đội không thành:        
            Thương lắm các anh còn nằm lại/ Cuối rừng già cỏ lút, rêu phong/ Tìm anh, đã nhiều lần lặn lội/ Vời vợi non xa, chưa thấy bạn mình! (Nguyễn Mạnh Thìn – Bạn ở nơi đâu?!...)
            Hoặc, có khi nỗi đau khổ trộn lẫn với căm giận, dường như bất lực trước một hiện tượng xã hội, bởi những người lính từng anh dũng chiến đấu, hy sinh năm nao, giờ đây trong thời hậu chiến thái bình, lại tự mình đánh mất mình, như những con sâu làm rầu nồi canh, làm nhiễm độc nặng thanh danh, đạo đức, phẩm chất cách mạng của anh bộ đội Cụ Hồ! Tâm trạng bức xúc biến thành câu hỏi trách móc người có lỗi và tự trách chính mình chưa làm gì được để giúp đồng đội thoát khỏi vòng sa ngã:
            Ham vui một chút đò đưa/ Đánh rơi cái chất lính xưa hào hùng… / Chợ trời, thật giả ngổn ngang/ Huân chương đâu phải thứ hàng bán mua!?/
            Bởi thế, tự đáy lòng: Cựu chiến binh buồn mênh mang…!
            Nỗi buồn mênh mang không tan của người lính cựu trong bài thơ của Minh Tuệ, tôi tin rằng sẽ được đông đảo bạn đọc đồng cảm, sẻ chia…
            Nhưng dù vui hay buồn, hồi tưởng hay kể chuyện, tâm tình hay luận bình chuyện mình từng trải qua hay những vấn đề đời thường, thời sự thế giới, trong nước nóng bỏng hôm nay…, người lính cựu làm thơ vẫn luôn với khí thế và tâm niệm:
            Khi cựu chiến binh làm thơ/ Là trong thơ có ánh cờ vàng sao/ Là nghe hơi thở hôm nào/ Là nghe dồn dập sóng trào hàng quân (Minh Tuệ - Thơ Cựu chiến binh).
            Đó chính là cái hồn cốt tạo nên bản sắc và xúc động của thơ Cựu chiến binh Việt Nam nói chung, thơ Cựu chiến binh làng Chèm – phường Thụy Phương, những cháu con hậu duệ của Đức Thánh Lý Ông Trọng – vị lưỡng quốc tướng quân anh hùng, nói riêng.
            Nhìn tổng quát tập thơ:
            Đề tài phong phú, cảm xúc chân thành, giọng thơ thành thật, nồng nhiệt, tứ thơ đơn giản, hình ảnh, câu chữ mộc mạc, dung dị, cứ như là thấy gì tả nấy, nhớ gì ghi nấy, tâm tình thế nào diễn giải ra thế ấy, không vòng vo, đa nghĩa, không khổ công thôi xao, trau chuốt cầu kỳ, khêu gợi màu mè, rắc rối… mà trực tiếp phơi mở nỗi lòng và bày tỏ nghĩ suy của mình trong những hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau, tuy đôi khi hơi ồn ào, chung chung, dễ dãi, vụng về và sáo mòn; đôi khi lại thành văn xuôi hoặc thơ cổ động ghép vần
            Đó là những ưu điểm cùng nhược điểm chủ yếu của tập thơ nhiều tác giả nghiệp dư này.
            Là tập thơ của những cựu chiến binh phường Thụy yêu đời, yêu thơ, bấy lâu nay đã và đang tập làm thơ, thực ra điều đó không có gì lạ! Đáng quý, đáng trân trọng nhất mà người đọc nhận rõ ở đây là trái tim những người lính Cụ Hồ vẫn đang rực cháy tình yêu và niềm tin vào Nhân dân, Quân đội, vào công cuộc Đổi mới toàn diện do Đảng ta phát động và tổ chức, vào Tương lai của Đất nước Việt Nam. Tình yêu lớn và niềm tin lớn ấy ánh lên đằm thắm, rạng ngời trong từng chữ, từng dòng, từng bài thơ trong tập.
            Tuy thế, chỗ thú vị hơn cả, trong cảm nhận của tôi, là ở những bài thơ khá nhất, những câu thơ đậm chất thơ hơn cả, theo tôi, lại không phải là những bài thơ, đoạn thơ, câu thơ nói về đề tài chiến đấu, chiến tranh ùng oàng bom đạn mà lại là một ít câu thơ tập trung thể hiện tâm trạng, cảm xúc, tình cảm hướng vào những chủ đề thế sự, nhân sinh, tâm tình thường nhật phổ biến mà sâu kín trong cuộc sống muôn mặt đời thường của những công dân – cựu lính phường Chèm.
            Chẳng hạn, hình ảnh người mẹ già lầm lụi, tảo tần, trong nỗi nhớ da diết của đứa con đang ở chiến trường xa năm nao:
            Mưa xiên xiên, mẹ nghiêng nghiêng/ Mạ vui thành mảnh lúa chiêm thẳng hàng/ Bao giờ cho đến tháng năm/ Mồ hôi mẹ nhuộm thóc vàng như tơ/ Hạt ra trận, hạt vô bồ/ Mẹ vui quên hết âu lo tháng ngày. (Hoàng Đảo – Mẹ).
            Tuy đoạn thơ đầu có hơi bị ảnh hưởng giọng điệu và hình ảnh của thơ Tố Hữu (Bầm ơi!), nhưng đã phản ánh đúng niềm vui của bà mẹ chiến sỹ anh hùng, người sinh ra những đứa con chiến sỹ anh hùng trong những năm đánh Mỹ gian lao. Cái dáng nghiêng nghiêng, liêu xiêu của người mẹ nông dân Việt Nam một thời ly loạn ấy vẫn kéo dài cho tới hôm nay, trong cuộc sống hậu chiến thanh bình, trong những giọt nước mắt chứa chan của đứa con trai đã đứng tuổi, khi thấy mẹ già:
            Lại liêu xiêu trên đường làng/ Lưng còng dắt đứa cháu ngoan đến trường/ Nghiêng nghiêng kéo nặng tình thương…(HĐ, bđd).
            Hình ảnh thơ đã cũ mòn được dùng lại ở đây, lạ sao, vẫn làm cảm động người đọc? Có lẽ bởi xúc cảm chân thành nơi người viết.
            Cái giật mình có phần thảng thốt mà tê tái của lão lính cựu, khi chợt nhận ra mình đã vào tuổi thất thập cổ lai hy:
            Soi gương, chợt thấy trắng phơi mái đầu/… Còn chi mà ngóng, mà theo?/Giật mình, cúi nhặt…, gió vèo… càn khôn! (Nguyễn Tấn Cảnh).
            Giật mình không chỉ là nhan đề bài thơ, điệp từ mở đầu và kết thúc bài thơ mà còn trở thành tứ thơ xuyên suốt bài lục bát 6 câu thấp thoáng phong vị Đường thi chính ở tâm trạng mặc cảm, buồn, cô đơn khó tránh, khó cưỡng, thường đeo bám những tâm hồn lão niên ưa trầm tư, hướng nội.
            Người già còn rất ưa hoài cổ. Chuyện nay thì hay quên, chuyện xưa thì nhớ như chôn vào ruột, đặc biệt là những kỷ niệm thời ấu thơ trong veo tựa nước suối nguồn. Tôi thích khổ thơ gợi cảnh ao làng xưa ở mấy chi tiết giản dị, hết sức thân quen, gần gũi, cụ thể, đầy cảm giác. Tưởng như gặp lại tuổi thơ của chính mình:
            Đưa tay gạt nhẹ mấy khóm bèo/ Nắng hè xuyên suốt, nước trong veo/ Xoài chân chạm tới bùn mát rượi/ Ngụp xuống, quên đi cái “đận” nghèo! (Minh Tuệ - Ao làng).
            Phải! Lũ nhóc các xóm Ngõ Đồng, Đại Đồng, Dốc Bạc, Đông Trung, Tắt Sen… làng Chèm chúng tôi đang trốn mẹ, bỏ cả giấc ngủ trưa, khoan khoái rủ nhau bì bõm lội bơi, chí chóe chơi đùa trong làn nước leo lẻo của Ao Sen, Ao Đình, Ao Đấu, Ao Đông Chi, Ao Binh,  Ao Cụ Bông, Ao Chùa… đầu những sáu mươi thế kỷ trước!... (Hiện nay, hầu hết ao những nêu trên đều đã bị san lấp để xây nhà, dựng chợ, làm vườn… May chỉ còn lại 3 ao: Sen, Đình, Chùa đã và đang được cải tạo, nâng cấp)…
            Chỉ tiếc, trong tập thơ, những đoạn thơ, câu thơ, hình ảnh thơ giản mộc mà lung linh khêu gợi như thế,… hơi bị… hiếm hoi!
                                                          ***
            Tóm lại, tôi cho rằng đây là ấn phẩm văn hóa tinh thần đầu tiên rất đáng ghi nhận của Hội Cựu chiến binh phường Chèm. Mong Hội CCBPTP, trong những năm tới, sẽ cho ra mắt những tập thơ tiếp theo, với sự chọn lựa, biên tập  kỹ càng hơn, để có được chất lượng tư tưởng – nghệ thuật cao hơn, hấp dẫn và truyền cảm hơn./.

Ngõ Đồng - Đại Đồng, 25 – 11 – 2015. NMT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét