Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

THƠ TÌNH CỦA CÁC NHÀ THƠ XỨ ĐÔNG TRONG “TUYỂN TẬP THƠ HẢI DƯƠNG 1945-2005”





THƠ TÌNH CỦA CÁC NHÀ THƠ XỨ ĐÔNG
TRONG “TUYỂN TẬP THƠ HẢI DƯƠNG 1945-2005”
 Nguyễn Thị Lan

1. Tình yêu luôn là đề tài vĩnh cửu cho mọi sáng tạo nghệ thuật. Trong lịch sử thơ ca thế giới những nhà thơ lớn đa phần là những thi sĩ của tình yêu, họ đã viết những vần thơ làm đắm say lòng người: Puskin, Muyxê, Êxênin, Aragông, Hainơ, Tagor, Anna Akhmatova, Maria Tsvetaeva, Olga Bergol, Xuân Diệu…
Có lẽ thi sĩ thời nào cũng coi tình yêu là cứu cánh để biểu lộ nhiệt tình sống và những triết lý riêng của mình trước cuộc đời. Tình yêu cũng chính là lĩnh vực thể hiện chiều sâu của cảm xúc, kích thước tâm hồn của người làm thơ.
2. “Tuyển tập thơ Hải Dương 1945-2005” là tập thơ tự chọn gồm 313 bài thơ của 60 tác giả, những người con của quê hương Hải Dương là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương.
313 bài thơ là 313 nỗi niềm riêng tư của các tác giả. Trong những nỗi niềm riêng tư ấy, tình yêu là vùng nhạy cảm nhất trong tâm hồn mỗi người làm thơ và đã được thể hiện chân thật, cảm động.
3. Người đọc có thể thấy ở tuyển tập muôn thứ tình yêu. Có những tình yêu chông chênh dễ vỡ nhưng cũng có thứ tình yêu bền vững thủy chung. Có thứ tình yêu viên mãn, tràn đầy hân hoan náo nức nhưng cũng có thứ tình yêu chỉ có buồn và tan vỡ. Có thứ tình yêu đơm hoa kết trái nhưng cũng có thứ tình yêu đơn phương câm lặng. Có thứ tình yêu ngây thơ trong trẻo đẹp như mơ của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” nhưng cũng có thứ tình yêu đầy nghĩa tình sâu nặng của tuổi già xế bóng…Hơn năm chục bài thơ xung quanh đề tài tình yêu mà không nhàm chán, luôn luôn mới mẻ.

4. Sự nhạy cảm phong phú trong tâm hồn, sự trải nghiệm trong cuộc đời của mỗi người làm thơ đã đem đến cho tuyển tập vô vàn những cung bậc cảm xúc khác nhau: những khao khát mộng mơ, những say mê đắm đuối, những nhớ mong hờn ghen, những đau khổ mất mát, những phép màu của sự hồi sinh…Ta hãy lắng nghe những cung đàn cảm xúc ấy.
Tình yêu bắt đầu từ đâu? Một ánh mắt, một nụ cười, một giọng nói… và có khi chỉ từ một câu hát đem đến cho đối tượng thoáng rung động bâng khuâng.
Đó là tâm trạng của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Bích khi giã từ quan họ:
Đành rầu lòng vậy người ơi
Hội Lim chiều đã tan rồi còn đâu
 Chỉ còn câu lý thương nhau
Gió đưa suốt cả sông sâu đợi đò
                                                 (Theo câu quan họ)
Cũng từ những cuộc “giã bạn” quan họ ấy nhà thơ Phạm Trọng Tuấn lại có cảm giác khác - cảm giác hẫng hụt, mất mát, đơn côi:
Hội tan quan họ về đâu
 Bỏ tôi đứng giữa hai đầu cơn mưa
“Gọi đò chẳng thấy đò thưa”
Vớt câu giã bạn ai vừa đánh rơi
                                   (Quan họ về đâu)
Khi tình yêu đến, thế giới tràn đầy vẻ đẹp và đẹp hơn cả là người ta yêu:
Xanh trong mắt em là màu xanh của trời
Thơm trong tóc em là hương thơm của đất
Khi lấy “màu xanh của trời”, “hương thơm của đất” để nói về người yêu, Vũ Đức Dật là người tình nồng nhiệt và say đắm biết bao. Trong con mắt của kẻ đang yêu ấy thì màu áo em cũng “tím đến xôn xao nắng chiều”. Thật là thơ mộng.
Chất thơ trong tình cảm của những người đang yêu ấy ta lại gặp trong “Hương trăng” của nhà thơ trẻ Thi Nguyên:
Nhớ nhau ta nhìn trăng em nhé
Em suy tư đến điều này thật chậm, thật nhiều khi anh ở bên em
 Đêm hoa trăng, vũ điệu hoa màu trắng
 Em nở hoa trên miền đất lòng anh
                                      (Hương trăng)
Nhưng phép màu của tình yêu không chỉ làm cho thế gian trở nên đẹp mà nó còn có khả năng hồi sinh, đem lại tuổi xuân tràn đầy sức sống cho tâm hồn.
Trong bài thơ “ Sóng dâng” nhà thơ Đặng Bảo Thạch đã viết về sự hồi sinh kỳ diệu ấy của tình yêu:
Mặt hồ anh yên lặng
Cơn bão em ào qua
Gió gào thét gần xa
Mặt hồ tung sóng biển

Khi cơn bão qua đi
Mặt hồ thôi cuộn sóng
Nhưng tận trong sâu thẳm
Từ đáy hồ sóng dâng
Bài thơ được viết khi Đặng Bảo Thạch đã qua cái thời tuổi trẻ nhưng “hồn” của bài thơ thật trẻ trung, sôi nổi bởi tình yêu không có tuổi tác.
Đã yêu thì phải nhớ. Nhớ là một trong những thuộc tính cố hữu của tình yêu. Cố tác giả Lưu Quang Vũ trong một vở kịch cho rằng: “Cõi âm có không thì không biết nhưng cõi nhớ thì có thật”. Ca dao xưa đã diễn tả nỗi nhớ của những kẻ đang yêu, nỗi nhớ như thiêu như đốt, như cháy bỏng không cho người ta bình thường, yên ổn:
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than
Các nhà thơ xứ Đông đã khiêm nhường góp thêm một tiếng lòng vào nỗi nhớ ấy. Đó là nỗi nhớ “em” đến khắc khoải có thể “nhuộm tím” cả không gian mênh mông của Nguyễn Trọng Tuấn:
Em xa vời
Tôi cứ nhớ cứ thương
Cứ bên bồi ngóng sang bên lở
Chiều nhuộm tím dòng sông nỗi nhớ
                                              (Bến đợi)
 Cõi nhớ trong mỗi người có thể nằm rất sâu trong góc kín của tâm hồn và một ngày nỗi nhớ chợt thức dậy, tràn ngập cả cõi lòng ta. Đặng Bảo Thạch đã có một ngày như thế.
Tự dưng nhớ về bên ấy       (…)
 Tự dưng nhớ về người  ấy  (…)
 Tự dưng nhớ về thuở ấy     (…)
Đó là nỗi nhớ của thời gian bồi lấp, của không gian xê dịch. Và khi nỗi nhớ tràn về thì:
Tự dưng rượu nồng nhạt hoét
 Chỉ còn khao khát trong nhau
                                             (Tự dưng)
 “Nhớ” và “khao khát” luôn song hành với nhau. Trong bài “Nỗi nhớ” Đặng Bảo Thạch nồng nàn bộc lộ lòng mình:
Như dòng sông khao khát chảy về anh
“Dòng sông khao khát” đó chưa bao giờ vơi cạn trong thơ tình của Đặng Bảo Thạch. Nguồn mạch đó tưới mát thơ anh. Nó vừa là đối tượng của thi ca, vừa là nguồn năng lượng thắp sáng thơ của thi sĩ. Là người làm nhiều thơ tình và  hầu hết những bài thơ tình được Đặng Bảo Thạch viết khi đã bước sang tuổi thu nhưng thơ anh luôn làm người đọc xúc động bởi sự trẻ trung, nồng nàn, tươi mới. Nó tránh được sự thờ ơ nhàm chán, nỗi ám ảnh của tuổi già.
 Nếu thơ Đặng Bảo Thạch “nhớ”nồng nàn thì thơ Hà Cừ lại “nhớ” dịu dàng, sâu lắng và phảng phất buồn. Anh yêu bằng “tình yêu mùa thu”. Hoài niệm là đặc điểm thơ Hà Cừ và cũng là đặc điểm thơ tình của anh. Hà Cừ hay “đi tìm thời gian đã mất”, và khi trở về với ký ức, thơ anh như ngọn gió ngân vang vừa buồn bã, vừa thương nhớ. Đây là nỗi niềm bâng khuâng của nhà thơ khi trở về chốn cũ. Cảnh còn đó mà người xưa nay đã ở đâu:
Anh một mình về lại giữa chiều nay
Lại gặp nắng ngày xưa em có nhớ
Lại gặp gió rì rào như hơi thở
Trong hương cau rơi trắng trước hiên nhà
Và một câu hỏi da diết không có lời đáp, một nỗi niềm mong ước không dễ thực hiện:
Đến bao giờ em lại trở về đây
Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ
                                               (Thơ những ngày xa)
Cũng hoài niệm, cũng bâng khuâng nhưng thơ tình của Nguyễn Ngọc San lại có thêm vị đắng. Tình yêu trong thơ anh là tình yêu của một “thì” quá khứ. Thơ tình của Nguyễn Ngọc San là thơ tình của người lớn tuổi “lỡ làng”, nhiều kỷ niệm, hoài niệm, lắm bâng khuâng và tiếc nuối. Trong một giây phút giận hờn hai người đã để mất nhau, giờ đây vô tình họ gặp nhau trên bến đò xưa:
 Tôi là tôi của ngày xưa
Còn em thì:
Em buồn đau đớn bây giờ của ai
 Họ gần nhau đấy mà cách xa nhau vời vợi bởi mỗi người đã rẽ đi một ngả đường, họ đã vĩnh viễn mất nhau. “Nhớ đò” là một bài thơ chứa đầy niềm thương nỗi nhớ với cố nhân.
 Nhưng tình yêu đâu chỉ có hạnh phúc tràn ngập, đâu chỉ có nỗi nhớ đầy chất thơ làm thi vị cho cuộc sống, tình yêu còn gắn liền với đau khổ?. Lạ thay, tình yêu vừa là thứ đem đến cho ta niềm vui, nụ cười và hạnh phúc lại vừa có thể dìm sâu ta xuống tận đáy vực với nỗi buồn chứa đầy nước mắt. Tình yêu và đau khổ gắn liền như anh em sinh đôi. Chẳng thế mà ai đó đã từng khẳng định: “Tình yêu chỉ sống được trong đau khổ, chỉ sống trong hạnh phúc tình yêu sẽ chết non”
Cảm hứng về đau khổ, mất mát là cảm hứng thường thấy trong thơ tình của Trương Thị Thương Huyền. Chị viết thơ tình như viết nhật ký, viết bằng trải nghiệm của mình. Thơ tình của chị là tổng phổ về nỗi cô đơn, niềm khao khát, những đớn đau, mất mát thất vọng, những khắc khoải niềm tin của số phận đa đoan. Càng sống thật, sống hết “khát vọng của đàn bà” bao nhiêu, nhân vật trữ tình trong thơ chị càng thất vọng bấy nhiêu. “Ngẫu hứng thủy tinh” là bài thơ tiêu biểu. Phải chăng đó là thơ của một người đã đi qua những nẻo đường thất vọng đau đớn của tình trường và bây giờ chị đã “ngộ” ra.
Trong bài “Đốt và cháy”cũng một tâm trạng đau đớn ấy:
 Em đã đốt những bài thơ viết cho anh
Tưởng vùi chôn niềm tin yêu vừa chết
 Lửa đã cháy
Và thơ đã hết!
Sao vẫn còn khắc khoải những tro than?
Đau khổ ở chị là tự trốn mình nhưng không trốn nổi. Nếu ở người đàn ông ngoài tình yêu còn có công danh, sự nghiệp và bao thứ mà họ quan tâm thì với phụ nữ tình yêu thật quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà trong tuyển tập ba bài thơ tự chọn của Thương Huyền đều là thơ tình.
Tình yêu với người phụ nữ quan trọng biết bao. Với họ tình yêu không chỉ là thước đo tầm vóc tâm hồn mà còn là thước đo nhiệt tình sống, nhân cách sống. Yêu chân thành tha thiết và quyết liệt giành giữ tình yêu, đó là vẻ đẹp trong tâm hồn người phụ nữ hiện đại mà Nguyễn Thị Việt Nga đã hóa thân vào trong bài thơ “Đọc lại Nàng tiên cá của Anđecxen”:
Cũng như truyện cổ Anđecxen, ta yêu lắm một người
Nhưng không thể lặng câm như nàng tiên cá
 Không thể hóa thân trong sóng bể
 Nhìn người say đắm bên ai

 Ta yêu người ta không đợi ngày mai
Không thể đợi người vô tình ngoảnh mặt
Không gột rửa bao nỗi niềm bằng nước mắt
Tình yêu là phép màu đánh thức trái tim.
Bài thơ của Việt Nga làm người đọc nhớ đến bài “Nữ quyền” viết năm 1928 của Tagor, nhà thơ lớn nhất Ấn Độ. Bài thơ được coi là “chiến lệnh” của hàng triệu phụ nữ giành tự do cho tình yêu:
Không đời nào ta lẩn trốn vào buồng đâu
Với đôi kiềng chân rụt rè kêu lẻng xẻng
Trong bóng tối âm u…
Không, ta hiên ngang xông pha vào chốn hiểm nghèo
Đầy tuyệt vọng của tình yêu
Trong bể cồn cuộn sóng,
Nơi bão táp cuồng say
Giật ngay chiếc khăn trùm trên mặt ta
Là phận héo hon của đàn bà
Và giữa tiếng chim bể rùng rợn, nhức nhối
Giọng ta truyền chiến lệnh vang vang
Anh là của riêng em.
           
 Có một nhà thơ quê ở Hải Dương nhưng mấy chục năm nay anh sống và làm việc ở đất mỏ Quảng Ninh, đó là nhà thơ Trần Nhuận Minh. Góp với tuyển tập tám bài nhưng Trần Nhuận Minh chỉ chọn một bài thơ tình. Thơ Trần Nhuận Minh là thơ thế sự, thơ chân dung. Trần Nhuận Minh hay viết về những thân phận, góc khuất bi hài của những cá lẻ. Anh viết từ sự chiêm nghiệm của bản thân như rút ruột ra để mà viết. Bài “Vào phút ấy thì em nên đến nhé” là bài thơ tình hay và lạ của Trần Nhuận Minh.
“Hay” vì bài thơ chân thành. Có một nhà văn đã nói: “… để tình thực sự ở lại hãy nuôi dưỡng nó bằng sự chân thành, chỉ khi ấy tình mới trở thành kỳ diệu”. Chính sự giản dị, chân thành của nhân vật trữ tình trong bài thơ làm cho người ta yêu thương, xúc động.
Bài thơ “lạ” vì tứ thơ mới mẻ. Tác giả đặt ra tình huống: trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng nhân vật trữ tình “trăng trối” với người yêu cũ.
Hai người yêu nhau nhưng đã chia tay. Giữa họ giờ đây là khoảng cách xa vời vợi của không gian thời gian, của tình cảm:
Ta đã xa nhau suốt cả cuộc đời rồi                (…)
Ta đã không nhau suốt cả mọi ngày đêm      (…)
 Ta đã quên nhau trong tất cả mọi buồn vui  (…)
Và bây giờ trước lúc đi thật xa anh mong cô “có” mặt, cô “gần” anh và “nhớ” anh:
    Vào phút ấy thì em nên gần nhé                    (…)
   Vào phút ấy thì em nên có nhé                      (…)
   Vào phút ấy thì em nên nhớ nhé                    (…)
“Con chim sắp chết tiếng hót bi thương, con người sắp chết nói lời nói thật”. Sở nguyện cuối cùng của “anh” chứng tỏ tình yêu của “anh” với “em” chưa hết. Nó như một đốm lửa nhỏ, cháy thật âm ỉ, thật sâu trong tiềm thức của “anh” chợt bùng phát ở khoảnh khắc cuối cùng.
Giọng điệu bài thơ bình đạm, dịu dàng nhưng tràn đầy thương mến và buồn da diết, kiệm lời nhưng chất chứa bao cảm xúc. Có cảm tưởng nhân vât trữ tình như cố nén  những thổn thức của trái tim nhưng càng cố nén cảm xúc lại như òa ra trên từng con chữ. “Vào phút ấy thì em nên đến nhé” là một trong những bài thơ ám ảnh, có dư ba của tuyển tập thơ.
5. Đọc “Tuyển tập thơ Hải Dương 1945-2005” còn có rất nhiều câu thơ tình của các tác giả “neo” vào tâm trí bạn đọc:
Những mối tình đơn phương:
Tôi tìm em, em tìm ai
Để đôi khi tiếng thở dài hòa chung
                                            (Phạm Đức)

Những dỗi hờn:
 Thì thôi nhé cổng trường anh vẫn đứng
Đợi chờ ai chứ chẳng phải em đâu
                                     (Nguyễn Thị Việt Nga)
Những hoài niệm:
Đã đành yên phận từ đây
 Sao lòng chống chếnh thế này gió ơi!
 Người đi góc biển chân trời
 Có còn nhớ sắc mồng tơi quê nhà
                                                (Lam Điền)
Những tiếc nuối:
Người thầm yêu thời trẻ
Nay thành bà tóc đã hoa râm
                                                 (Bùi Hải Đăng)
Những giấc mộng trong đời thực:
Ba mươi năm
Ngỡ không hề đổi khác
Ngỡ anh về trước cửa gió reo vui
Dáng thân quen tưởng như mới đấy thôi
Sắc trời xanh làm thơ em bối rối
Người vẫn trẻ trung trong mắt em chờ đợi
Và tươi như cánh phượng chiều hè
                                                 (Nguyễn Thị Bích)
Và trên tất cả là lòng vị tha, bao dung, nhân hậu:
Mong em yêu được và được yêu
Đừng như tôi chỉ một chiều tương tư.
                                           (Phạm Đức)
6. Thơ là tấm lòng, là tâm hồn. Đọc thơ tình của những nhà thơ xứ Đông ta lén nhìn xem những tình cảm riêng tư qua khe cửa tâm hồn của các nhà thơ. Người đọc thấy phẩm chất thi sĩ của họ được hình thành trên cơ sở nguồn cảm xúc trữ tình này. Và như một tác động  “kép”, người yêu thơ sống lại những rung động trong tâm hồn của chính mình. Đó là cái “được” lớn nhất của độc giả khi lật từng trang “Tuyển tập thơ Hải Dương 1945-2005”.
Hải Dương, đầu Xuân 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét